Tây Balkan: Mặt trận thứ hai của Nga ở châu Âu

Nguồn: David Shedd và Ivana Stradner, “Russia’s Second Front in Europe”, Foreign Affairs, 7/11/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Phương Tây phải ngăn Putin kích động xung đột ở Balkan.

Cuối tháng 9, Serbia đã triển khai vũ khí tiên tiến tại biên giới với Kosovo, trong một trong những đợt tăng cường quân sự lớn nhất kể từ khi kết thúc cuộc chiến Serbia-Kosovo gần một phần tư thế kỷ trước. Tại Mỹ, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia gọi đây là “đợt huy động chưa từng có tiền lệ của các đơn vị pháo binh, xe tăng, và bộ binh cơ giới tiên tiến của Serbia.” Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi điện cho Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, yêu cầu “xuống thang ngay lập tức.”

Dù hành động củng cố lực lượng này hầu như đã bị truyền thông phương Tây bỏ qua vào thời điểm đó – và rồi bị lãng quên trong bối cảnh chiến tranh bùng nổ giữa Israel và Hamas – nhưng nó vẫn là một phần trong diễn biến đáng báo động ở vùng Balkan. Lý do trước mắt cho việc Serbia huy động lực lượng là sự bất ổn suốt nhiều tháng qua giữa Kosovo và Serbia, những nước đã duy trì nền hòa bình mong manh kể từ khi chiến dịch ném bom của NATO giúp Kosovo giành được độc lập trên thực tế khỏi Belgrade trong cuộc chiến năm 1998-1999. Hồi tháng 5, Serbia đã đặt quân đội trong tình trạng báo động chiến đấu sau khi những người Serb sống ở Kosovo đụng độ với cảnh sát Kosovo. Tiếp đến, vào tháng 9, ngay trước đợt huy động biên giới gần đây, 30 người Serb được trang bị vũ khí hạng nặng đã tấn công một đội tuần tra của cảnh sát ở Kosovo, khiến 4 người thiệt mạng.

Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy các sự cố này vượt xa loại căng thẳng quen thuộc vẫn tồn tại trong những năm qua. Chúng cũng cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng mà Nga, đối tác của Serbia, đang đặt ra cho khu vực. Chẳng hạn, vào năm 2022, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic tuyên bố rằng Kosovo và Serbia “trên bờ vực xung đột vũ trang.” Và Moscow – nước không công nhận nền độc lập của Kosovo – đã đổ thêm dầu vào lửa khi sử dụng các chiến dịch thông tin để gây mất lòng tin giữa Kosovo và Serbia, cũng như truyền bá những thông điệp diều hâu nhằm chia rẽ khu vực dựa trên sắc tộc và tôn giáo. Nga cũng đã trang bị vũ khí cho Serbia, đồng thời làm tăng sự phụ thuộc về năng lượng của Serbia vào các công ty Nga bằng cách cung cấp khí đốt và dầu với giá chiết khấu lớn. Moscow đã hứa với Belgrade rằng họ sẽ ngăn Kosovo trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc. Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với vẻ đầy tự hào “Một vụ nổ lớn đang diễn ra ở trung tâm châu Âu.”

Một phần lý do tại sao Nga sẵn sàng khơi dậy cuộc xung đột lịch sử giữa Kosovo và Serbia là vì làm vậy sẽ gây khó khăn cho các nguồn lực của NATO và làm suy yếu sức mạnh của Mỹ ở châu Âu. NATO đã buộc Serbia phải rút khỏi Kosovo vào năm 1999, và kể từ đó, liên minh đã duy trì một lực lượng gìn giữ hòa bình nhỏ ở Kosovo. Kết quả là, căng thẳng gia tăng giữa Kosovo và Serbia đang thử thách tính bền bỉ của NATO trong khu vực. Ngoài ra, việc ủng hộ Serbia cũng giúp Nga có chỗ đứng ở vùng Balkan. Các quan chức Serbia đã cảm ơn Nga vì “ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Serbia,” và nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của Moscow là lý do khiến Serbia từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Bằng cách gây áp lực lên Belgrade, Mỹ đã có thể làm dịu nguy cơ bất ổn. Vài ngày sau đó, Vucic tuyên bố sẽ rút lực lượng ở biên giới và Serbia không có ý định xâm lược Kosovo. Nhưng căng thẳng vẫn ở mức cao. Kosovo đã gọi các cuộc tấn công hồi tháng 9 là khủng bố, trong khi Vucic cáo buộc Kosovo đã thực hiện một cuộc “thanh lọc sắc tộc tàn bạo” chống lại người Serb ở Kosovo với sự giúp đỡ của “cộng đồng quốc tế.” Vucic cũng không cần phải theo đuổi một chiến dịch quân sự toàn diện để tiếp tục dự án gây bất ổn ở Kosovo và làm nhục NATO. Giống như Tổng thống Nga, Tổng thống Serbia thích sử dụng các nhóm bán quân sự để thúc đẩy mục tiêu của mình. Theo chính phủ Kosovo, Belgrade đã đứng sau vụ tấn công hồi tháng 9. Vucic có thể sử dụng các nhóm này để giành quyền kiểm soát miền bắc Kosovo, trong khi vẫn duy trì khả năng phủ nhận chính đáng, giống như Putin từng làm ở Crimea.

Do đó, đã đến lúc NATO phải dứt khoát chấm dứt những chiêu trò của Vucic, do Điện Kremlin hỗ trợ. Mỹ và Châu Âu phải cho Belgrade và Moscow thấy rõ rằng họ sẽ phản ứng mạnh mẽ và gay gắt trước những hành động khiêu khích ở Balkan trong tương lai. Cũng cần tăng cường sự hiện diện của NATO trong khu vực và thiết lập các lằn ranh đỏ đáng tin cậy mà Serbia không thể vượt qua mà không kích động một cuộc đối đầu quân sự với lực lượng NATO. Và họ phải trừng phạt Belgrade nếu các nhà lãnh đạo Serbia không chịu rời xa Moscow và xuống thang căng thẳng.

LIÊN MINH TIỆN LỢI

Việc Vucic nổi lên như kẻ chuyên gây căng thẳng với Kosovo không phải điều gì đáng ngạc nhiên. Từ khi còn là một chính trị gia trẻ tuổi, Vucic đã nhiệt thành ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Serbia. Trong Chiến tranh Balkan, diễn ra sau sự sụp đổ của Nam Tư – trong đó người Albania, người Hồi giáo Bosnia, người Croatia, và người Serbia giết hại lẫn nhau để cố gắng giành quyền kiểm soát khu vực – Vucic đã khuyến khích nhà nước Serbia mới đè bẹp các đối thủ sắc tộc của mình. Ông đặc biệt căm ghét nhóm người Albania ở Kosovo, những người chủ yếu theo đạo Hồi và chiếm hơn 90% dân số Kosovo. Vucic đã tuyên bố trong một bài phát biểu năm 1995 “Cứ mỗi người Serb bị giết, chúng tôi sẽ giết 100 người Hồi giáo.” Năm 1998, ông trở thành Bộ trưởng Thông tin dưới thời Tổng thống Slobodan Milosevic. Chế độ của Milosevic, từng tàn sát người Albania một cách cực kỳ tàn bạo, đã sụp đổ sau sự can thiệp của NATO. Milosevic bị Tòa án Hình sự Quốc tế Nam Tư cũ bắt giữ vì tội ác chiến tranh nhưng đã chết trong tù trước khi bị kết án.

Ngày nay, Vucic là một người theo chủ nghĩa cơ hội hơn là một người theo chủ nghĩa dân tộc, chủ yếu được thúc đẩy bởi mong muốn tiếp tục nắm giữ và mở rộng quyền lực của mình. Nhưng động lực mới này cũng không làm cho Tổng thống Serbia trở nên nhân từ. Vucic được hưởng lợi về mặt chính trị từ sự hỗn loạn ở Balkan, vì nó giúp ông biện minh cho sự phù hợp về mặt chính trị của mình và duy trì quyền kiểm soát. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng ở Kosovo có thể giúp Vucic chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề chính trị trong nước của chính ông và đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ. Nó cũng cải thiện vị thế quốc tế của ông. Bằng cách leo thang hoặc xuống thang trong các cuộc khủng hoảng ở Kosovo, Vucic đã biến mình trở thành người quyết định sự ổn định của khu vực, cho phép ông đàm phán và mặc cả với các nước phương Tây, hứa hẹn giảm bớt căng thẳng nếu họ đáp ứng yêu cầu hỗ trợ kinh tế của ông.

Nhưng mặc cả chỉ là một trong nhiều cách để Vucic đối đầu với Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, ông còn tác động đến EU thông qua nỗ lực trở thành thành viên liên minh của Serbia. Các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban EU, nói rằng họ muốn Serbia tham gia tổ chức này, và về mặt lý thuyết, Vucic đã đồng ý gia nhập. Ông làm vậy đơn giản vì nó giúp mang lại viện trợ từ EU, nhưng điều ông thực sự muốn là giữ cho con đường gia nhập của Serbia không có hồi kết. Ông không muốn tham gia vào một tổ chức buộc mình phải củng cố nhà nước pháp quyền.

Trên thực tế, ngay khi Vucic lên nắm quyền, ông đã làm suy yếu mọi phe đối lập chính trị thân phương Tây, đồng thời củng cố các nhóm cực hữu của Serbia để cải thiện vị thế chính trị của chính mình. Để mở rộng quyền lực của mình trong khu vực, ông cũng đang cố gắng giữ nhóm người Serb ở Kosovo nằm trong quỹ đạo của Belgrade. Và Vucic vẫn tỏ ra quan tâm đến việc cưỡng chiếm các phần của Kosovo. “Tất cả người Serbia đều biết họ đã mất Kosovo,” ông phát biểu vào năm 2018. “Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức, trong khả năng của mình, để lấy lại những gì có thể, để cuối cùng thì đó không phải là một thất bại hoàn toàn hay mất mát hoàn toàn.” Với việc phương Tây bận rộn hỗ trợ Ukraine và Israel, đồng thời kiềm chế Trung Quốc, Vucic tin rằng cơ hội tiến hành các chiến dịch ở Kosovo có thể sẽ đến sớm.

Tuy nhiên, để thành công, Vucic cần sự giúp đỡ của Putin. Trước hết, ông cần năng lượng của Nga: công cụ gây ảnh hưởng chính của Moscow. Nhưng Nga và Serbia cũng đã tăng cường hợp tác kỹ thuật-quân sự (mà Belgrade từng sử dụng như một con bài thương lượng với phương Tây). Vucic thậm chí còn kêu gọi Moscow giúp đỡ trong các vấn đề nội bộ. Chẳng hạn, vào tháng 5, Vucic đã cảnh báo về “những nỗ lực cách mạng màu” – loạt phong trào phản kháng giúp lật đổ các nhà cai trị thân Nga ở các quốc gia hậu Xô-viết – và vào năm 2021, Serbia và Nga cam kết sẽ cùng nhau chống lại những cuộc cách mạng đó. Kết quả có thể là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử quốc hội của Serbia ngày 17/12 này, mà Vucic đã kêu gọi tổ chức hồi tháng 10.

Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đó, Vucic nhiều khả năng phải dựa rất nhiều vào giới truyền thông. Đó là lĩnh vực mà Vucic, cựu bộ trưởng thông tin Serbia, nắm trong lòng bàn tay. Dưới sự giám sát của Vucic, Belgrade đã phát tán thông tin sai lệch để chuẩn bị người dân Serbia cho cuộc leo thang ở Kosovo, bao gồm việc cáo buộc Anh hỗ trợ âm mưu chiến tranh giành độc lập của Kosovo, cáo buộc thủ tướng Kosovo tiến hành các hành động “khủng bố chống lại người Serb,” và đổ lỗi cho NATO về tỷ lệ ung thư gia tăng ở Serbia, mà Belgrade tuyên bố là do NATO sử dụng đạn uranium nghèo (depleted uranium) trong lần can thiệp năm 1999. Báo chí Serbia, phần lớn ủng hộ quan điểm của chính phủ, liên tục đăng tải những câu chuyện chống Kosovo, trong khi các đài phát thanh Serbia thường xuyên phát những bài hát yêu nước. Đường phố Serbia tràn ngập những bức graffiti “Kosovo là Serbia” và “Khi quân đội quay trở lại Kosovo” (khẩu hiệu kêu gọi Serbia xâm lược Kosovo).

Vucic và Putin ở Sochi, Nga, tháng 11/2021. © Mikhail Klimentye / Sputnik / Reuters

Nga đã giúp đỡ chiến dịch thông tin này. Họ cho dựng các bảng quảng cáo ở các thành phố của mình với nội dung: “Chúng tôi đồng lòng với Serbia / Một sắc tộc, một đức tin, một dòng máu,” qua đó ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Serbia. Nội dung tuyên truyền của Serbia cũng được lặp lại trên các phương tiện truyền thông Nga, vốn được Vucic cho phép tự do hoạt động ở Serbia. Các kênh truyền thông này, bao gồm RT và Sputnik, đã sử dụng quyền tự do để truyền bá thông điệp thân Nga về Ukraine, cùng với thông điệp ủng hộ Serbia – và đã đạt được thành công lớn. Nhiều người Serbia tin vào những luận điểm của Nga về chiến tranh Ukraine, và các phương tiện truyền thông trong nước của Serbia đã ủng hộ quan điểm của Điện Kremlin, đồng thời phát sóng tuyên truyền của Moscow. Chẳng hạn, các bản tin của Serbia thường miêu tả người Ukraine là Quốc Xã và tuyên bố sai lệch rằng Ukraine đã tấn công Nga trước.

Đối với Putin, diễn biến này rất có lợi. Nga xem Balkan là điểm yếu của châu Âu và Moscow tin rằng Serbia là điểm dễ bị tổn thương nhất. Mục tiêu của Putin là biến Moscow trở thành nhà đàm phán xung đột đáng tin cậy duy nhất ở Balkan – mang lại cho Điện Kremlin đòn bẩy trước các cường quốc phương Tây. Suy cho cùng, nếu hòa bình ở Balkan phụ thuộc vào Putin, các quan chức NATO có thể sẽ phải nhượng bộ Moscow nếu muốn tránh chiến tranh. Bằng cách đẩy Balkan đến bờ vực chiến tranh, ông cũng hy vọng chứng tỏ rằng NATO chỉ là một con hổ giấy và sẽ không hành động nếu thực sự bị thử thách. Ngay cả khi NATO đánh trả Serbia, Putin vẫn có thể giành chiến thắng. Vì phải chiến đấu ở một mặt trận khác, phương Tây sẽ có ít khả năng để giúp đỡ Ukraine hơn.

Điện Kremlin cũng có những lý do khác để ủng hộ sự hỗn loạn ở vùng Balkan. Putin đang sử dụng cái gọi là tiền lệ Kosovo để bảo vệ cuộc xâm lược bất hợp pháp của mình vào Ukraine, lập luận rằng việc sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine đã được minh chứng bằng nền độc lập của Kosovo. Theo logic sai lầm này, được đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc nêu ra trong một bài phát biểu vào tháng 1, các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập bất hợp pháp và gian lận được tổ chức tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine cũng giống như cuộc đấu tranh giành tự do của Kosovo khỏi Serbia hơn hai thập niên trước. Nói cách khác, Kosovo có quyền rời khỏi Serbia, và do đó các lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng có quyền gia nhập Nga. (Việc Nga không công nhận nền độc lập của Kosovo, và nền độc lập của Kosovo trên thực tế chính là tiền lệ cho cuộc đấu tranh vì tự do của Ukraine, là những nghịch lý trớ trêu mà Moscow chưa giải quyết.)

Sự hỗ trợ của Điện Kremlin dành cho Belgrade vượt xa những lợi ích hạn hẹp: Nga có mối liên hệ thực sự về mặt tư tưởng với những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia. Putin đã nỗ lực định vị Nga như quốc gia hàng đầu trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống – ví dụ như vai trò giới và Chính thống giáo bảo thủ – chống lại một phương Tây tự do. Nhiều người Serbia đã ủng hộ Nga một cách tự nhiên. Truyền thông Serbia cáo buộc phương Tây đang cố gắng tiêu diệt các Nhà thờ Chính thống Nga và Serbia, đồng thời chỉ trích các chính sách tự do, như quyền LGBTQ. Nhiều người ở Serbia ủng hộ việc thành lập “thế giới của người Serb” – một vùng tại Balkan tương đương với “thế giới của người Nga” của Putin – được thiết kế để đoàn kết tất cả người Serb, kể cả những người ở Kosovo, trong một khuôn khổ văn hóa chung. Nga và Serbia thậm chí còn có những “câu chuyện thần thoại” về những vùng lãnh thổ mà họ muốn chiếm giữ. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc Nga cho rằng nền văn minh Nga phát xuất từ một thân vương cai trị vùng đất mà ngày nay là Kyiv. Trong khi đó, nhiều người Serbia tin rằng đất nước của họ nên chiếm lại Kosovo vì đây là quê hương của nhiều tu viện Chính thống giáo Serbia thời trung cổ, và là nơi diễn ra Trận Kosovo năm 1389, khi huyền thoại khai sinh nền văn minh Serbia ra đời.

CỨNG RẮN HƠN

Các nhà lãnh đạo phương Tây hiểu rằng chí ít, Vucic cũng được thúc đẩy bởi mong muốn tiếp tục nắm quyền. Do đó, họ đã cố gắng xoa dịu Tổng thống Serbia bằng cách đưa ra các ưu đãi cho Belgrade, bao gồm các sáng kiến và đầu tư kinh tế, nhằm ngăn chặn quyết định leo thang của Vucic. Chẳng hạn, vào tháng 6, một tháng sau khi người Serb tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO, EU đã cấp cho Serbia một khoản viện trợ tài chính. Đại sứ Mỹ tại Serbia gọi Serbia là “đối tác mang tính xây dựng,” và khi lực lượng vũ trang Serbia tham gia cuộc tập trận quân sự đa quốc gia với NATO vào tháng 6, đại sứ quán Mỹ khẳng định rằng Belgrade đã chọn phương Tây thay vì Nga. Thật ra, Vucic vẫn đang “đi dây” với phương Tây. Theo một tài liệu bị rò rỉ, Serbia đã đồng ý cung cấp đạn dược cho Ukraine và Vucic không bác bỏ tuyên bố đó. Tháng 3 năm ngoái, Serbia thậm chí còn bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm lên án hành động xâm lược của Nga.

Nhưng những bước đi này chỉ là một phần trong hành động cân bằng của Vucic. Cuộc tập trận quân sự kể trên đã được tổ chức ở Serbia từ năm 2014, và thực chất nó không cần sự tham gia của Belgrade. Đối với Vucic, việc vận chuyển đạn dược tới Ukraine chỉ đơn giản là một thỏa thuận kinh doanh và không hề làm suy yếu quan hệ Nga-Serbia. Còn nghị quyết của Liên Hiệp Quốc hoàn toàn mang tính biểu tượng, và do đó là cơ hội để nâng tầm Serbia trong mắt các nhà lãnh đạo phương Tây mà không gây nguy hiểm cho quan hệ với Moscow. Trên thực tế, ý nghĩa ngầm định của nghị quyết này là Serbia sẽ không từ bỏ yêu sách của mình đối với Kosovo. “Đối với chúng tôi, Crimea là Ukraine, Donbas là Ukraine, và vẫn sẽ như vậy,” Vucic nói vào tháng 1/2023. Nhưng đó là bởi vì Belgrade tin rằng “Kosovo là Serbia” – như thông điệp trong các bức graffiti.

Nếu được phương Tây tiếp tục tạo điều kiện, Vucic sẽ càng táo bạo hơn. Ông sẽ tiếp tục thử thách NATO và cố gắng chứng minh rằng liên minh này không có giá trị. Phương Tây đã gửi đến ông những tín hiệu ‘khích lệ’: sau khi hơn 30 lính gìn giữ hòa bình của NATO bị thương trong cuộc đụng độ hồi tháng 5 với người biểu tình Serbia, liên minh đã không giam giữ những người biểu tình bạo lực, vì sợ rằng làm vậy sẽ khiến xung đột leo thang. Nhưng thái độ kiềm chế chính là lời mời gọi Vucic cũng như Điện Kremlin leo thang căng thẳng hơn nữa. Các quan chức Nga đang theo dõi những gì xảy ra ở Kosovo và tự hỏi liệu chính họ có thể tấn công các lực lượng và cơ sở của NATO mà không hề hấn gì hay không.

Về phần mình, Kosovo đã có lúc phớt lờ mục tiêu của phương Tây. Chẳng hạn, các nước NATO đã thúc đẩy Kosovo thành lập Hiệp hội Các đô thị người Serb, điều mà Kosovo cho đến nay vẫn chưa làm được. Tương tự, phương Tây cáo buộc Kosovo đã cố tình bổ nhiệm các thị trưởng người Albania ở các thị trấn có đa số người Serb, qua đó làm gia tăng căng thẳng với Serbia. Để đáp trả, Mỹ đã áp đặt các biện pháp chống lại Kosovo và hủy bỏ quyền tham dự của Kosovo trong cuộc tập trận quân sự Bảo vệ châu Âu 2023 do Washington dẫn đầu. Nhưng không hành vi nào của Kosovo có thể biện minh cho chiến dịch trên thực tế của Serbia, nhằm phá hoại nền độc lập của Kosovo.

Để cố gắng kiềm chế xung đột, một tuần sau cuộc tấn công hồi tháng 5, NATO đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực với một quân đoàn mới gồm khoảng 500 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. NATO cũng đã triển khai hàng trăm binh sĩ Anh tới khu vực vào tháng 10. Nhưng những biện pháp này là không đủ. NATO phải tạo ra một liên minh sẵn sàng, do Mỹ đứng đầu, một liên minh có thể gây áp lực buộc Belgrade và Moscow ngừng gây bất ổn chính trị. Điều đó có nghĩa là phải nói rõ với Vucic rằng, nếu tiếp tục cố tình leo thang, ông sẽ phải đối mặt với một loạt hậu quả hữu hình – trong đó bao gồm cả các biện pháp trừng phạt.

Phương Tây đang có lợi thế để thực hiện những bước đi như vậy. Tháng 6/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ tác nhân nào gây bất ổn ở Tây Balkan. Washington không nên ngần ngại sử dụng các biện pháp đó để chống lại những cá nhân (theo ngôn ngữ trong sắc lệnh) “đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định, hoặc toàn vẹn lãnh thổ” trong khu vực. Để các biện pháp trừng phạt của Mỹ đạt hiệu quả tối đa, Anh và EU cũng nên tham gia nỗ lực của Washington. Các nhà lãnh đạo châu Âu chí ít cũng nên đặt việc hỗ trợ Serbia trong tương lai tùy thuộc vào những thay đổi chính sách cụ thể ở Belgrade. Chẳng hạn, EU có thể đưa ra điều kiện rằng họ sẽ chỉ viện trợ thêm nếu Vucic áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình phù hợp với chính sách của khối, giảm bớt các hành động khiêu khích trong khu vực, và hoàn thành chương trình cải cách của EU – đặc biệt là khi nói đến pháp quyền và tự do báo chí.

Trên thực địa, NATO nên triển khai đội ngũ ở Kosovo để chống lại bộ máy tuyên truyền của Nga và Serbia. Đội ngũ này nên nhắm mục tiêu vào các nhóm người Serb cực hữu, và nhắc nhở họ rằng thông điệp của Nga về “tình anh em người Slav” – trong đó có người Serbia – chỉ là chuyện thần thoại, và nếu xung đột nổ ra, Putin sẽ không giúp đỡ họ. Để đạt được mục tiêu đó, tất cả những gì họ cần làm là nói lên sự thật: Putin đang chật vật trong cuộc chiến thất bại trước Ukraine, và ông sẽ không thể cung cấp nguồn lực cho Serbia trong một cuộc xung đột vũ trang với Kosovo. Một bằng chứng chính là cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan vào tháng 9. Nga vốn là đồng minh lâu năm của Armenia, tuy nhiên, bất chấp yêu cầu của Armenia, Nga đã không cung cấp hỗ trợ quân sự cho nước này trong cuộc xung đột mà Armenia đã thua. Cũng có thể nhắc nhở những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia rằng Moscow từng không giúp đỡ họ trong chiến tranh vào những năm 1990.

Các quốc gia NATO có thể không muốn thực hiện các biện pháp này. Trên thực tế, có lẽ họ chỉ muốn phớt lờ Vucic. Liên minh đang phải gồng mình giúp đỡ Ukraine, nên việc dành thời gian và nguồn lực cho Kosovo và Serbia sẽ trở nên quá sức, đặc biệt là khi họ có thể mua chuộc Tổng thống Serbia.

Nhưng phương Tây phải nhận ra rằng, nếu tiếp tục để yên, căng thẳng ở các quốc gia này có thể trở nên khó giải quyết hơn và tốn kém hơn nhiều. Những gì xảy ra ở Kosovo và Serbia sẽ không chỉ ở yên trong hai nước đó, nhưng khủng hoảng có thể dễ dàng lan sang các quốc gia Balkan khác. Bắc Macedonia nằm lân cận, vốn thuộc NATO, có thể bị kéo vào khủng hoảng. Các hành động leo thang hơn nữa ở Kosovo cũng sẽ gây hỗn loạn ở Bosnia và Herzegovina, nơi lãnh đạo người Serb Milorad Dodik – vốn có quan hệ thân thiết với Putin – đã đe dọa ly khai các lãnh thổ người Serb của Bosnia. Vào tháng 10, Dodik thậm chí còn nhấn mạnh rằng người Serb nên “thành lập một quốc gia duy nhất,” bao gồm Serbia, Republika Srpska, và Montenegro.

Một cuộc xung đột ngày càng mở rộng sẽ là một món quà lớn cho Putin, người đang muốn phương Tây hướng sự chú ý ra khỏi Kyiv trong khi lính của ông tiếp tục chiến đấu để chiếm thêm lãnh thổ ở đó. Vì thế, để bảo vệ châu Âu và ngăn chặn Điện Kremlin, điều cần thiết là NATO phải củng cố sườn Balkan ngay bây giờ, khi chi phí để làm việc đó vẫn còn rẻ.

David R. Shedd là cựu Quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

Ivana Stradner là nghiên cứu viên tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ.