Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông sẽ không “quyết định các mốc thời gian hoặc điều khoản” cho cuộc chiến của Israel ở Gaza, sau cuộc gặp với thủ tướng Binyamin Netanyahu và các quan chức cấp cao của Israel. Nhưng ông Austin nhấn mạnh sự cần thiết phải “chuyển từ hoạt động cường độ cao sang hoạt động cường độ thấp hơn.” Bình luận của ông phản ánh áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với Israel nhằm giảm thương vong cho dân thường. Trước đó vào hôm thứ Hai, bộ y tế của Hamas ở Gaza cho biết 19.453 người đã thiệt mạng vì các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7 tháng 10.
Công ty dầu mỏ BP của Anh cho biết họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến hàng qua Biển Đỏ sau khi Houthi, một nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn, tăng cường tấn công tuyến đường này. Giá dầu kỳ hạn tăng sau thông báo của BP (trước đó các hãng vận tải khổng lồ khác cũng đã cho tạm dừng giao thông qua Biển Đỏ). Mỹ và các đồng minh được cho là có kế hoạch triển khai một lực lượng hàng hải mới để bảo đảm an ninh trên Biển Đỏ, huyết mạch quan trọng của thương mại thế giới.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi đã tái đắc cử nhiệm kỳ ba sau khi giành được 89,6% phiếu bầu trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng. Ông sẽ cầm quyền cho đến năm 2030. Cuộc bầu cử bị những người chỉ trích ông coi là giả tạo, khi lá phiếu chỉ có ba ứng viên đối lập có thành tích thấp. Ông Sisi sẽ lãnh đạo một nền kinh tế khó khăn và dân chúng ngày càng bất mãn.
Tập đoàn thép Nippon Steel của Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận hoàn toàn bằng tiền mặt để mua US Steel với giá hơn 14 tỷ USD. Mức giá 55 USD cho một cổ phiếu mà Nippon đưa ra là cao hơn đáng kể so với mức 35 USD của đối thủ Cleveland-Cliffs hồi tháng 8. Tuy nhiên, công đoàn United Steelworkers, đại diện cho hầu hết công nhân US Steel và ủng hộ chủ sở hữu trong nước, lên tiếng phản đối, cho rằng thỏa thuận này thể hiện một “thái độ tham lam và thiển cận.”
Công ty phần mềm Adobe, đã hủy bỏ thương vụ mua lại Figma, một công ty khởi nghiệp về thiết kế sản phẩm trị giá 20 tỷ USD, sau khi không được các cơ quan quản lý của Anh và EU chấp thuận. Hồi cuối tháng 11, cơ quan quản lý của Anh cho biết thương vụ sáp nhập, được công bố vào tháng 9 năm 2022, sẽ làm “giảm đáng kể” cạnh tranh trên thị trường phần mềm thiết kế sản phẩm. Adobe sẽ phải trả cho Figma khoản phí chấm dứt hợp đồng trị giá 1 tỷ USD.
EU thông qua gói trừng phạt mới đối với Nga. Các biện pháp này áp đặt lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga vào khối từ đầu năm 2024, cũng như hạn chế đối với một số kim loại. Gói này cũng thắt chặt “giới hạn giá” dầu của G7 sau khi tình trạng lách luật trên diện rộng giúp Nga thoải mái bán dầu thô với giá vượt quá giới hạn 60 USD/thùng.
Đức Thánh Cha Francis cho phép các linh mục Công giáo ban phước cho các cặp đồng giới, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong giáo lý nhà thờ. Trong một tài liệu được công bố hôm thứ Hai, Vatican tuyên bố những phép lành như vậy có thể được ban miễn là chúng không được thực hiện như một phần của sự kết hợp dân sự (hôn nhân). Giáo hội nói các phước lành không đòi hỏi “một sự phân tích đạo đức toàn diện” trước khi được ban.
TIÊU ĐIỂM
Tình hình Chính trị Mỹ trong năm trước bầu cử
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm ngoái, nền chính trị Mỹ dường như đã sẵn sàng cho một pha “cài đặt lại” trong năm 2023. Tổng thống Joe Biden đánh bại mọi dự đoán khi tiếp tục nắm Thượng viện và chỉ thua sít sao ở Hạ viện. Các đảng viên Dân chủ của ông, từng lo lắng về vị tổng thống già nua và không được ưa chuộng, trên thực tế đã hợp nhất và chọn ông làm ứng viên của đảng, tin rằng chiến lược mô tả các ứng viên Cộng hòa như “những kẻ cực đoan MAGA” có thể sẽ phát huy tác dụng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Tuy nhiên, Donald Trump đã quay lại. Từng có lúc Ron DeSantis, thống đốc Florida, vươn lên như ứng viên tiềm năng nhất của phe Cộng hòa. Nhưng kể từ đó tỉ lệ ủng hộ của ông lao không phanh, mở đường cho cựu tổng thống Trump. Với mỗi bản cáo trạng, ông Trump lại có thêm ủng hộ trong đảng Cộng hòa. Ông đang tiến rất gần tới đề cử của đảng mình.
2023: Một năm sóng gió trên chính trường Trung Quốc
Tập Cận Bình vừa trải qua năm đầu nhiệm kỳ với nhiều trắc trở. Ngay sau khi ông chiến thắng tại Đại hội 20 và tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư vào cuối năm 2022, biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố để phản đối chính sách hà khắc “zero-covid” của ông. Và việc vội vàng từ bỏ chiến lược này sau đó đã khiến số người chết tăng vọt. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc bất ngờ gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản chao đảo, trong khi chính quyền địa phương phải vật lộn với hàng núi nợ nần. Nền chính trị bí ẩn của Trung Quốc cũng có bước chuyển biến bất thường, khi lần lượt bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng bị miễn nhiệm chỉ chưa đầy một năm sau khi nhậm chức. Đến cuối năm 2023, các nhà quan sát lại càng thêm bối rối khi Đảng Cộng sản không triệu tập hội nghị trung ương 3, vốn là hội nghị bàn về chiến lược kinh tế.
Trong khi đó, căng thẳng với Mỹ bùng lên sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vào tháng 2. Cuộc gặp hồi tháng trước giữa ông Tập và tổng thống Joe Biden —lần đầu tiên sau một năm — đã mang lại sự nhẹ nhõm phần nào. Nhưng nó có thể không kéo dài lâu.
Một năm được và mất của cánh hữu châu Âu
Người châu Âu bắt đầu năm mới một cách nhẹ nhõm khi tình trạng thiếu khí đốt do chiến tranh ở Ukraine đã không gây ra hậu quả nặng nề. Tuy vậy, cái lạnh vẫn đến với họ khi cuộc xung đột tiếp diễn không hồi kết. Việc ủng hộ Ukraine luôn chiếm sóng các hội nghị thượng đỉnh EU, và đến cuối năm thì khối này đã đồng ý mở đàm phán gia nhập chính thức cho Ukraine và Moldova, vốn cũng đang bị Nga đe dọa. Ngoài ra, EU còn cấp tư cách ứng cử viên cho Georgia.
Một số cuộc bầu cử ở châu Âu trong năm nay xoay quanh câu hỏi liệu phe cực hữu theo chủ nghĩa dân túy có chuyển từ hình ảnh đối lập chuyên gây rối sang thực sự nắm quyền hay không. Ở Tây Ban Nha, một liên minh cánh hữu gồm có đảng dân túy Vox đã bất ngờ không giành được quyền lực vào tháng 7, trong khi ở Ba Lan, đảng Công lý và Luật pháp đã bị cử tri đào thải sau 8 năm cầm quyền. Nhưng bất ngờ lớn nhất là khi Geert Wilders, một chính trị gia chuyên công kích Hồi giáo, về nhất trong cuộc bầu cử ở Hà Lan hôm 22/11. Vai trò tương lai của ông – có lẽ là thủ tướng – sẽ là vấn đề của năm 2024.
Các động lực chính trị ở Trung Đông đã thay đổi
Đầu năm 2023, nhiều nhà quan sát cho rằng xung đột Israel-Palestine, một vấn đề cốt lõi ở thế giới Ả Rập, đã trở thành di sản của quá khứ. Nhưng không, cuộc chiến bùng nổ ở Gaza trong hai tháng gần đây đã gây xáo trộn chính trị trong khu vực, buộc các nhà lãnh đạo Ả Rập phải hạ nhiệt mối quan hệ đang nồng ấm với Israel và làm gia tăng khoảng cách giữa công chúng và các chính phủ hoàng gia. Đối với người Saudi, việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ phải chờ đợi: giờ đây họ muốn có một cái giá cao hơn để thiết lập quan hệ song phương. Ai Cập và Jordan sẽ bắt đầu năm mới đầy lo lắng. Người dân hai nước này vốn đã tức giận về khủng hoảng kinh tế, và hoàn cảnh khó khăn của người Palestine rất có thể sẽ châm dầu vào lửa.
Song tình hình không nghiêm trọng như một số nhận định. Các nước vùng Vịnh sẽ không cắt đứt quan hệ với Israel, cũng như tình trạng hòa hoãn với Iran mà họ đã tạo dựng từ đầu năm 2023. Iran đang phô trương sức mạnh ở nước ngoài, nhưng hệ thống của họ vẫn đang mục nát từ bên trong. Vấn đề Palestine quay lại chương trình nghị sự của Trung Đông, nhưng khu vực này đã thay đổi rất nhiều.