Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”
Tháng 4 năm Hồng Đức thứ 23 [27/4-25/5/1492] (Minh Hoằng Trị năm thứ 5), sai các quan đến 13 ty thừa tuyên để thẩm tra việc hình ngục:
“Lúc ấy, việc ngục tụng phần nhiều đình trệ, nhà vua hạ lệnh cho các quan trong Hàn lâm viện, Lục khoa và Ngự sử đài chia nhau đi 13 xứ thẩm xét phán đoán những hình ngục còn đọng lại.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 67b.
Nhân Vua Hiếu Tông nhà Minh sách phong Hoàng thái tử, bèn sai sứ mang sắc đến báo tin cho các nước Triều Tiên và An Nam. Đến cuối năm, sứ bộ đến nước ta; tuy nhiên trong văn bản Minh Thực Lục ghi tên Chánh sứ là Lang trung bộ Hình Thẩm Tường, riêng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi Lang trung bộ Hình Thẩm Phụng; như vậy không rõ ý muốn đổi tên, hay là chép sai:
“Ngày 29 tháng 3 năm Hoằng Trị thứ 5 [25/4/1492]. Nhân sách phong Hoàng Thái tử; mệnh Lang trung bộ Binh Ngãi Phác sung Chánh sứ, Hành nhân Cao Dận Tiên thuộc ty Hành nhân sung Phó sứ, ban chiếu thư cho nước Triều Tiên. Lang trung bộ Hình Thẩm Tường sung Chánh sứ, Hành nhân Đổng Chấn sung Phó sứ ban chiếu cho nước An Nam. Lại ban cho hai Quốc vương cùng Vương phi các vật như lụa thải, gấm hoa văn. Ban cho bọn Phác mỗi người một bộ y phục rồi sai đi. Nhưng bọn Phác tâu rằng trước đây phụng sứ đến hai nước này, Quốc vương nước họ xin người đọc chiếu thư được lưu bản chiếu thư lại; nay xin mệnh ban cho. Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 144.
“Tháng 12, ngày 24 [11/1/1493], nhà Minh sai chánh sứ là Hình bộ lang trung Thẩm Phụng, phó sứ là Hành nhân ty hành nhân Đổng Chấn sang báo việc lập Hoàng thái tử và ban vóc lụa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 68b.
Vào tháng 11, triều đình ta cử 2 sứ bộ sang nhà Minh, Sứ thần Lê Du đảm trách việc triều cống, Sứ thần Khổng Ngu tâu về việc dân chúng lén lút vượt biên giới buôn bán. Đến tháng 10 năm sau đến kinh đô Bắc Kinh; được đãi yến, ban y phục, và nhận quà biếu đưa về cho Vua:
“Tháng 11, ngày mồng 6 [25/11/1492] , sai bọn bồi thần Lê Du, Bùi Sùng Đạo, Nguyễn Ngạn Khắc, Trịnh Quỳ sang cống nhà Minh và Khổng Ngu sang tâu việc điều tra dân chúng vượt qua địa phương mình để thông đồng buôn bán.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 68a.
“Ngày 5 tháng 10 năm Hoằng Trị thứ 6 [ 13/11/1493]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai Bồi thần Lê Du theo lệ đến triều cống. Đãi yến, ban cho các vật như y phục bằng lụa đoạn, có sai biệt. Lại theo lệ sai mang về, ban cho Vương nước này các vật như gấm, lụa đoạn.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 146.
Tháng giêng năm Hồng Đức thứ 24 [1493] (Minh Hoằng Trị năm thứ 6), triều đình cử các sứ bộ sang triều Minh chúc mừng lập Hoàng thái tử và tạ ơn đã ban cho vóc lụa. Vào cuối năm đến kinh đô, được ban yến cùng y phục và nhận quà mang về cho nhà Vua:
“Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 8 [25/1/1493], sai sứ sang nhà Minh. Bồi thần Nguyễn Hoằng Thạc, Lê Trung mừng lập Hoàng thái tử, Hành nhân Phạm Mân tạ ơn ban vóc lụa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 68a.
“Ngày 23 tháng 11 năm Hoằng Trị thứ 6 [31/12/1493]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Nguyễn Hoằng Thạc dâng biểu, cống sản vật địa phương, và mừng sách lập đông cung Thái tử. Ban cho bọn Hoằng Thạc yến, cùng các vật như y phục. Theo lệ ban cho vương nước này gấm, lụa đoạn.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 146.
Tháng 3, thi hội, lấy trúng cách 48 người. Tháng 4, vào thi đình; chọn 3 Tiến sĩ cập đệ, 23 Tiến sĩ xuất thân, 22 Đồng tiến sĩ xuất thân. Tháng 5, làm lễ xướng danh, ban yến và y phục. Tháng 8, cho xây bia Tiến sĩ khoa thi này:
“Tháng 3, thi hội các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Vũ Vương 48 người…
Mùa hạ, tháng 4, ngày 21 [6/5/1493], vua ra hiên điện, thân hành ra đề sách văn. Sai Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán và Ngự sử đài đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm đề điệu; Ngự sử đài phó đô ngự sử Đàm Văn Lễ làm giám thí; Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu Thân Nhân Trung, Lại bộ thượng thư Nguyễn Bá Ký, Hàn lâm viện thị độc Đông các đại học sĩ Đỗ Nhuận, Đông các học sĩ Lê Quảng Chí, Hàn lâm viện thị thư chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Sùng Văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các hiệu thư Ngô Luận làm độc quyển. Vua xem bài, xếp bậc trên dưới. Cho Vũ Dương, Ngô Thẩm, Lê Hùng 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Lại Đức Du 23 người đổ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Quảng Mậu 22 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân…
Tháng 5, ngày mồng 8 [22/5/1493], vua thân ngự chính điện. Truyền loa xướng danh tiến sĩ là bọn Vũ Dương. Quan Lễ bộ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa. Ngày 27 [10/6/1493], ban mũ, đai, y phục. Ngày 28, ban yến. Mùa thu, tháng 8, ngày 19 [29/9/1493], dựng bia đề tên các tiến sĩ khoa Quý Sửu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 69a.
Sứ thần Đỗ Hồi, thuộc sứ bộ khởi hành sang nhà Minh vào đầu năm, chúc mừng Vua Hiếu Tông lập Hoàng thái tử. Chẳng may mất trên đường đi, gia đình được ban các loại lụa để an ủi:
“Ngày 27 tháng 11 năm hoằng Trị thứ 6 [ 4/1/1494]. Bồi thần nước An Nam Đỗ Hồi đến triều đình chúc mừng, mất trên đường đi. Mệnh ban cho lụa đoạn, lụa là mỗi thứ một tấm để an ủi gia đình.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 146.
Ngày mồng 7 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 25 [6/9/1494] (Minh Hoằng Trị năm thứ 7), triều đình sai các quan Hàn lâm, Lục khoa, Ngự sử đài đi ra 12 xứ thừa tuyên để xét xử kịp thời các án kiện.
Tháng 10 năm Hồng Đức thứ 26 [11/1495] (Minh Hoằng Trị năm thứ 8), Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai sai người cháu sang nhà Minh tố cáo nước An Nam vẫn tiếp tục chiếm đất, giết người, xin sai quan đại thần sang phân xử. Triều đình nhà Minh họp để bàn bạc, cho rằng từ xưa đến nay chưa có lệ như vậy. Riêng viên Đại học sĩ Từ Phổ Cảnh nhấn mạnh rằng đối với Chiêm Thành, An Nam không thể bỏ cả mối lợi tại nước này hàng mấy chục năm. Nếu bỏ qua mà không hỏi đến, thì tổn thương uy danh triều đình, đem sự việc ra hạch hỏi thì phải hưng binh, đó là việc nguy hiểm. Nay quan ty nên dùng văn thư hiểu dụ cũng được rồi, hà tất phải nhân danh Thiên tử sai quan Đại thần đi khám. Vua Hiếu Tông chấp nhận lời bàn:
“Ngày 28 tháng 10 năm Hoằng Trị thứ 8 [14/11/1495]. Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai tâu rằng nước này bị An Nam chiếm đất, giết người. Tuy được triều đình giáng sắc dụ phải hòa mục, nhưng An Nam ngoài mặt ra vẻ thuận tòng, còn âm mưu thì ác độc không ngừng. Nên sai cháu là Sa Cổ Tính đến kinh khuyết xin Đại thần đến nơi để giảng hòa, lời tâu rất bi ai. Sự việc đưa xuống để đình thần tập hợp bàn bạc, lời bàn cho rằng từ xưa chưa có lệ sai quan Đại thần ra nước ngoài để hòa giải giữa các Di. Xin giao Lưỡng Quảng gửi văn thư cho An Nam, dụ phải hòa mục với lân bang, hoàn lại đất đã xâm chiếm. Cùng sắc dụ Cổ Lai chăm sóc nhân dân, tu luyện võ bị, để làm kế lâu dài. Khi sự việc đã yên, lệnh hai nước trình bày đầy đủ sự thực rồi tâu lên.
Lời bàn được dâng lên, ý Thiên tử muốn sai quan Đại thần đi xem xét. Đại học sĩ Từ Phổ Cảnh tâu:
‘Nước Chiêm Thành xin sai Đại thần đến nước họ, bảo An Nam trả lại hết tất cả đất đai đã xâm chiếm; các nha môn hai lần hội nghị đều cho rằng không nên làm như như vậy. Bộ Lễ được yêu cầu nêu rõ vấn đề rằng Thánh Thiên tử muốn sai quan đến dụ; nhìn lên thấy được Thánh ý đối xử chung một lòng nhân không phân biệt Di, Hạ;[1] tuy nhiên bọn Thần phân tích bằng sự lý, thấy sách Xuân Thu[2] dạy “không cai trị Di” (bất trị Di ); vì rằng sự chế ngự Di Địch và cai trị trong nước không giống nhau. An Nam tuy tuân phụng theo lịch Chính Sóc, làm tròn chức cống, nhưng vốn là ngoại Di; cậy hiểm và sức mạnh, thường làm chuyện xâm nhiễu ngoài vòng trật tự; các triều đại trước cũng thường bỏ qua. Còn nước Chiêm Thành kia thì quá nhỏ mà sơ viễn; bọn Thần kính cẩn xem xét lời dạy của tổ triều Minh rằng Chiêm Thành và một vài nước khác triều cống lại đưa hàng đến bán, có nhiều sự gian trá nên từ năm Hồng Vũ thứ 8 (1375-1376) bị cấm, mãi đến năm Hồng Vũ thứ 12 (1379-1380) mới được triều cống trở lại. Sau đó vào năm Thành Hóa thứ 7 (1471-1472) bị An Nam xâm chiếm, mấy lần đến tố cáo. Hiến Tông Hoàng đế mấy lần sắc Tổng trấn Lưỡng Quảng, Đô Ngự sử khu xử. Nhưng An Nam khẳng định rằng họ đã trả lại đất; thực ra thì chúng không khai thực và không chịu nhận tội.
Nay nếu nếu giáng sắc, sai quan đến nước xa xôi này cũng chỉ phí lời, khó mà thi triển uy lực của triều đình, mặt khác hải đảo rộng mênh mang không có cách gì khám xét đất đai; hơn nữa làm sao An Nam có thể tự động cải hối, bỏ cả mối lợi hàng mấy chục năm của chúng! Nhỏ thì che dấu lỗi lầm, lớn thì chống cải lại; như vậy Sứ thần không thể thi hành lệnh của triều đình, tướng không thể dương oai nơi cõi ngoài, chỉ làm giảm quốc thể, gây sự nguy hại cho địa phương. Đến lúc đó, thì xử sự ra sao đây? Nếu bỏ qua mà không hỏi đến, thì tổn thương uy danh; đem sự việc ra hạch hỏi thì phải hưng binh, mối lo lại càng lắm. Hãy nghiền ngẫm những lời giáo huấn của tổ tiên:
‘Di Địch bốn phương, cách núi ngăn biển, riêng biệt một góc trời; có được đất đó không đủ cung cấp cho nhu cầu, có được dân đó không đủ để sai khiến. Nếu chúng đến quấy phá biên giới của ta, tự nó sẽ gặp điều không lành; nếu nó không làm hại đến Trung Quốc, mà ta khinh suất mang quân đi chinh phạt cũng là làm điều không lành vậy. Ta sợ con cháu sau này, ỷ thế Trung Quốc cường thịnh, tham chiến công nhất thời, mang quân đi đánh gây thương tổn thất chết chóc; điều đó không được phép làm.’
Lời Thánh Thiên tử đáng làm khuôn phép vạn đời. Cho dù hiện nay kế hoạch quốc gia hư thực như thế nào, binh lực mạnh yếu ra sao; thì việc hao phí tài nguyên không kể hết, để tranh dành mảnh đất cằn cỗi cây cỏ không mọc được, là việc làm vô ích, càng không thể làm! Như việc Cáp Mật[3] bị Thổ Phiên xâm đoạt trong hai ba mươi năm; mang quân khiển tướng, dành đi dành lại đến nay vẫn chưa yên. Bọn Thổ quan các xứ thù nghịch nhau, không thể lấy Vương pháp mà cấm đoán được; vì thế việc bọn chúng đánh nhau là sự thường tình.
Nay Chiêm Thành danh hiệu vẫn như xưa, triều cống cũng không khác; việc bị xâm đọat có hay không, thực hay dối trá, vẫn chưa biết rõ. Tuy tình cảnh đáng thương, nhưng về lý không nên can thiệp đến cùng. Nay quan ty chỉ dùng văn thư hiểu dụ cũng được rồi; hà tất phải nhân danh Thiên tử sai quan Đại thần đi khám. Huống việc đại sự của triều đình không thể không hỏi quần thần. Nay mọi người đều một lòng tâu là không nên, nhưng chỉ nói chung về sự lý, chưa trình bày hết về lợi hại được mất. Bọn Thần ở địa vị thân cận, là kẻ tâm phúc, nếu không trình bày hết, vạn nhất việc xấu nảy sinh, thì đến chết cũng không chuộc hết tội. Bởi vậy không nề rờm lời khó nghe; trình bày những vấn đề liên quan đến Hoàng thượng, xã tắc, sinh dân; chứ không phải muốn về hùa với đám đông. Nếu như thời thế có thể làm được, sự việc không gây tai hại, bọn Thần đáng phải giúp Hoàng thượng; đâu dám dâng lên những lời trái tai này.’
Thiên tử chấp thuận lời bàn của quần thần.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 147.
Tháng 11 [17/11-16/12/1495], cử hai sứ bộ sang nhà Minh. Bọn Hữu thị lang bộ Công Lê Hán Đình và Hàn lâm viện thị thư Vũ Dương đi cống hàng năm; riêng Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn và Giám sát ngự sử Nguyễn Xao tâu về việc đường trạm cống sứ đi qua.
Tháng 2 năm Hồng Đức thứ 27 [1496] (Minh Hoằng Trị năm thứ 9), nhà Vua trở về Thanh Hóa bái yết lăng tẩm. Bấy giờ trời không mưa, lúa non cần nước gấp; Vua bèn làm bài thơ tứ tuyệt khẩn khoản cầu mưa, tại miếu Hoằng Hữu, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa:
“Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 4 [17/2/1496], vua ngự thuyền đi Đông Kinh bái yết các lăng tẩm. Ngày 11 [24/2/1496], làm lễ tấu cáo. Ngày 12 [25/2/1496], dựng cầu bến Tế Độ ở ngoài cửa Quang Đức.
Vua viết sách Xuân vân thi tập. Ngày 14 [27/2/1496], trời không mưa. Vua cầu đảo, tự tay viết các bài thơ trong thi tập của mình ra 4 tờ giấy, sai Nguyễn Đôn dán trên tường đền thờ thần. Hôm ấy, canh một trời mưa nhỏ, đến canh năm mưa to, nước tràn trề. Vua đề thơ ở miếu Hoằng Hựu[4] rằng:
極靈英氣振遙天,
威力嚴提造化權.
扣問山靈能潤物,
通為甘雨作豐年.
Phiên âm:
Cực linh anh khi chấn dao thiên,
Uy lực nghiêm đề tạo hóa quyền.
Khấu vấn sơn linh năng nhuận vật.
Thông vi cam vũ tác phong niên.
Dịch thơ:
Khí thiêng lừng lẫy dậy trời cao,
Tạo hóa quyền uy nắm chắc sao.
Sơn thần nếu biết nhuần muôn vật,
Hãy tuôn mưa ngọt, lúa vàng trao.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 71b.
Ngày 26 tháng 2 nhuần [9/4/1496], Hoàng thái hậu mất. Vua là người con có hiếu, lúc Hoàng thái hậu bị bệnh, Vua cùng Thái tử ngày đêm chăm sóc; mọi việc khâm liệm đều do vua tự tay làm, một lòng thương xót:
“Trước đây, hồi tháng 2 [14/2-14/3/1496], Hoàng thái hậu đi lễ lăng trở về, không may bị bệnh nặng, đến giờ Hợi, ngày 26 tháng 2 nhuận, băng ở chính tẩm điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi. Khi Hoàng thái hậu chưa băng, mùa đông, vua cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên cạnh. Khi dâng thuốc hay đồ ăn, vua nhất định tự mình nếm trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì dốc lòng cầu khẩn, không thần nào là không khẩn. Đến khi hấp hối cũng tự kêu gào, Thái hậu còn nhếch mép một chút, muốn nói để từ giã. Mọi việc mặc áo, khâm liệm, bỏ gạo vào miệng người chết, vua đều tự làm lấy cả để tỏ lòng đau xót.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 72b.
Thi hội các Cử nhân trong nước, 43 người đậu. Tháng 3 vào thi Đình, đặc biệt khoa này Vua tự xem dung mạo từng người; đánh rớt 13 người, chỉ lấy 30 người, gồm 3 Tiến sĩ cập đệ, 8 Tiến sĩ xuất thân, và 19 Đồng tiến sĩ xuất thân. Tháng Chạp, cho dựng bia Tiến sĩ khoá này:
“Thi hội các cử nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Văn Huấn 43 người.
Tháng 3, ngày đinh dậu 19 [1/5/1496], vua thân hành khảo thí ở Đan Trì điện Kính Thiên, hỏi về đạo trị nước. Sai Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán và Ngự sử đài đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm đề điệu; Hộ bộ tả thị lang Nguyễn Hoằng Thạc và Ngự sử đài phó đô ngự sử Đàm Văn Lễ làm giám thí; Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các học sĩ Đào Cử, Hàn lâm viện thị giảng chưởng Hàm lâm viện Lưu Hưng Hiếu, Đông các Hiệu thư Ngô Luân, Ngô Hoán, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Trần Khắc Niệm và Hàn lâm viện thị thư Ngô Thầm làm độc quyển. Ngày 26 [8/5/1486], dẫn các sĩ nhân vào điện Kim Loan. Vua tự xem dung mạo từng người, lấy đỗ 30 người.
Ngày 27 [9/5/1486], vua ngự chính điện Xương danh. Cho Nghiêm Viên, Nguyễn Huân, Đinh Lựu 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ. Bọn Đinh Cương 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân. Bọn Nguyễn Đạo Diễn 19 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân…
Tháng 12, ngày mồng 6, dựng bia đề tên các tiến sĩ khoa Bính Thìn, năm Hồng Đức thứ 27.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 73a.
Ngày 29 tháng giêng năm Hồng Đức thứ 28 [2/3/1497] (Minh Hoằng Trị năm thứ 10, Vua ốm nặng, bèn dựa vào tràng kỷ ngọc, lệnh cho Hoàng thái tử lên nối ngôi. Lúc Vua sắp mất, có bài thơ tự thuật như sau:
“五十年华七尺躯,
刚腸如鐵卻成柔.
風吹窗外黃花謝,
露浥庭前綠柳瞿.
碧漢望窮雲杳杳,
黃粱夢醒夜您您.
蓬萊山上音容斷,
冰玉幽魂入夢無?
Phiên âm:
Ngũ thập niên hoa thất xích khu,
Cương trường như thiết khước thành nhu.
Phong xuy song ngoại hoàng hoa tạ,
Lộ ấp đình tiền lục liễu cù.
Bích hán vọng cùng vân diểu diểu,
Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du.
Bồng lai sơn thượng âm dung đoạn,
Băng ngọc u hồn nhập mộng vô?
Dịch thơ:
Năm chục hoa niên bảy thước thân,
Lòng như sắt cứng bỗng mềm dần.
Gió lay khô héo hoa bên cửa,
Sương dãi gầy mòn liễu trước sân.
Trời biếc xa trông, mây thăm thẳm,
Kê vàng tỉnh giấc đối bâng khuâng.
Khuất lời cách mặt, non bồng vắng,
Băng ngọc du hồn nhập mộng chăng?”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 77a.
Ngày 30 tháng giêng [3/3/1497], vua mất tại điện Bảo Quang; theo Sử gia Vũ Quỳnh trước khi mất Vua bị bệnh lở loét tại bộ phận sinh dục. Ngài sinh được 14 hoàng tử và 20 Công chúa. Các Hoàng tử gồm con trưởng là Hoàng thái tử Tranh và các con thứ như Lương Vương Thuyên, Tống Vương Tung, Đường Vương Cảo, Kiến Vương Tân, Phúc Vương Trang, Diễn Vương Thông, Quảng Vương Tảo, Lâm Vương Tương, Ứng Vương Chiêu, Nghĩa Vương Cảnh, Trần Vương Kinh, Triệu Vương Toan, Kinh Vương Kiện.
Ngày mồng 6 tháng 2 [9/3/1497], Thái bảo Bình Lương hầu Lê Chí, Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán, Tây quân đô đốc phủ tả đô đốc Sung Khê bá Lê Vĩnh tới điện Hoằng Văn đón Hoàng thái tử Tranh lên ngôi, tức Vua Hiến Tông, đổi năm sau thành năm Cảnh Thống thứ 1.
——————————-
[1] Di, Hạ: Hạ là tên một triều đại xưa của Trung Quốc , nên Trung Quốc tự gọi là Hoa Hạ. Di là tiếng họ dùng có tính cách kỳ thị chủng tộc, gọi các nước ngoại quốc xung quanh.
[2] Xuân Thu: tên bộ sử Khổng Tử viết cho thời đại từ Chu Bình Vương thứ 49 [ -723 ] đến Chu Kính Vương [ -481 ] gồm 242 năm; nên thời đại này được gọi là Xuân Thu.
[3] Cáp Mật: một bộ tộc tại vùng Tân Cương ngày nay.
[4] Miếu Hoằng Hựu: Theo Cương mục, miếu Hoằng Hựu ở huyện Lương Giang, nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.