Đại Việt dưới thời vua Lê Thánh Tông (P5)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Thảng Giêng năm Hồng Đức thứ 2 [21/1-19/2/1471], tức Minh thành Hóa năm thứ 7, đại quân sắp vào đất giặc, Vua cho tập thủy chiến tại cửa biển Thuận Hóa và vẽ bản đồ Chiêm Thành dâng lên. Ngày mồng 6, bắt sống viên quan Chiêm Thành giữ cửa ải Cu Đê, Đà Nẵng. Bấy giờ theo truyền thống nhà Vua ngự giá ra cõi ngoài; các Tù trưởng dân tộc thiểu số và Sứ thần Ai Lao đến cống. Vua soạn sách lược bình Chiêm, cho dịch ra chữ Nôm để phổ biến rộng rãi; chuẩn bị thóc luộc chín có thể để lâu, dùng cung cấp quân lương lâu ngày:

Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 2 [22/1/1471], vua cho là khi đại quân sắp vào đất giặc, quân lính càng cần phải luyện tập. Do đó, xuống chiếu cho quân Thuận Hóa ra biển tập thủy chiến. Vua nghĩ núi sông nước Chiêm có chỗ chưa biết rõ ràng, liền sai thổ tù ở Thuận Hóa là Nguyễn Vũ vẽ hình thế hiểm dị của nước Chiêm để dâng lên.

Ngày mồng 6 [26/1/1471], viên Chỉ huy Cang Viễn bắt sống Bồng Nga Sa là viên lại giữ cửa quan Cụ Đê [Đà Nẵng] nước Chiêm đem nộp. Phiên tù ở Sa Bôi [huyện Cam Lộ, Quảng Trị] là Cầm Tích, phiên tù ở Thuận Bình [huyện Cam Lộ, Quảng Trị] là Đạo Nhị, đến chầu và dâng sản vật địa phương. Sứ thần ước Ai Lao, trấn thủ Quan Bình là bọn đầu mục Lang Lệ đều đem sản vật địa phương đến hiến.

Vua thân hành soạn ra Bình Chiêm sách, ban cho các doanh. Trong Bình Chiêm sách, nói có 10 lẽ tất thắng, có 3 việc đáng lo. Vua sợ rằng tướng sĩ chưa hiểu, sai Chỉ huy Nguyễn Thế Mỹ dịch ra quốc ngữ để nhắc lại. Sai Giám sát ngự sử Lê Bá Di phát thóc kho Thuận Hóa làm gạo cả vỏ [thóc luộc] chuyên chở tới hành tại.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 61a.

Tháng 2 [20/2-21/3/1471], chiến trận chủ yếu xảy ra tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trà Toàn sai em mang quân đến sát dinh; trước khi tấn công Vua sai tướng tiên phong mang 3 vạn binh, bí mật tiến chiếm cửa biển Sa Kỳ tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi để làm nút chắn. Ngày mồng 7, đại quân dàn tại cửa sông Tam Kỳ, Quảng Nam; tấn công mãnh liệt. Quân địch thua rút, khi chạy đến Sa Kỳ bị phục binh đánh kẹp; kinh hoảng trèo qua chân núi cao, xác người ngựa chết đầy đường. Đến cuối tháng, đại quân của nhà Vua đến cửa Thị Nại, Bình Định, cho vây kín thành Chà Bàn:

Tháng 2, ngày mồng 5 [24/2/1471], Trà Toàn sai em là Thi Nại và 6 viên đại thần đem 5.000 quân và voi, ngầm đến sát dinh vua.

Ngày mồng 6 [25/2/1471], vua bí mật sai bọn Tả du kích tướng quân Lê Hy Cát, Hoàng Nhân Thiêm và bọn Tiền phong tướng quân Lê Thế, Trịnh Văn Sái đem hơn 500 chiếc thuyền, 3 vạn tinh binh, ban đêm ra cửa Áp [cửa sông Tam Kỳ, Quảng Nam] và cửa Toạ [phía nam cửa Áp 7 dặm] vượt biển gấp, bí mật tiến vào cửa biển Sa Kỳ [huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi] dựng lũy đắp thành để ngăn chặn lối về của giặc. Người Chiêm Thành không biết gì về việc này.

Ngày mồng 7 [26/2/1471], vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn [?] tinh binh ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến. Trước đó, vua đã bí mật sai bộ binh tướng quân Nguyễn Đức Trung dẫn bộ binh ngầm đi đường chân núi. Tướng giặc trông thấy ngự doanh thì tan vỡ, giày xéo lẫn nhau chạy về Chà Bàn [Bình Định]. Chạy đến núi Mộ Nô [phía tây Sa Kỳ], bỗng thấy quân của bọn Hy Cát đã chặn đường về, giặc cuống cuồng sợ hãi, chạy rẽ ngang trèo qua chân núi cao, xác người, ngựa và đồ quân tư đầy núi đầy đường. Bọn Lê Niệm, Ngô Hồng tung quân ra đánh, chém được 1 viên đại tướng giặc, còn thì đều sợ hãi tan chạy cả. Bấy giờ, vua đến Mễ Cần [Bình Sơn, Quảng Ngãi], tung binh tiến đánh, chém được hơn 300 thủ cấp, bắt sống hơn 60 tên. Trà Toàn nghe tin em mình thua chạy, rất sợ hãi, sai người thân tín mang biểu tới xin hàng. Vua cũng sai sứ đi lại không ngớt.

Ngày 27 [18/3/1471], vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại [đầm Thị Nại, Bình Định], chém được hơn 100 thủ cấp.

Ngày 28 [19/3/1471], vua tiến vây thành Chà Bàn.

Ngày 29 [20/3/1471], đến sát chân thành vây thành mấy vòng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 61b.

Vào đầu tháng 3 [22/3-19/4/1471], quân ta chiếm thành Chà Bàn, bắt sống Quốc vương Trà Toàn; nhà Vua đích thân thẩm vấn y. Sau đó ra lệnh rút đại quân về; chiếm đất đai từ đèo Cù Mông tức ranh giới 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên, trở ra bắc. Phần còn lại chia làm 3 nước: Chiêm Thành tại Phan Rang, Ninh Thuận; Nam Bàn tại miền Tây Nguyên, và Hoa Anh tại phía nam tỉnh Bình Định. Vua cho áp giải Trà Toàn về kinh, viết bài chiếu báo tin thắng trận, bố cáo cho thiên hạ biết:

Ngày mồng 1 tháng 3 [22/3/1471] hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về. Trước đó, các doanh đã làm xong phi kiều,[1] Trà Toàn hằng ngày đem lễ vật đến xin hàng. Vua cho gọi bọn Lê Quyết Trung đến bảo rằng:

‘Giặc đã tan rã chí chiến đấu; kỳ hạn đánh thành đã tới. Trà Toàn nay ở trong thành này, chỉ một trận là ta có thể nhổ được. Ta định phát pháo hiệu, nhưng sợ chúng biết, chi bằng mật ước các doanh cùng một lúc tiến đánh.’

 Lại dụ khắp cả tướng sĩ phải gấp rút bắc thang lên thành. Được một lát, vua trông thấy ở đằng xa, quân lính doanh Tiền khu đã trèo lên tường con trên thành liền bắn ba phát súng để hưởng ứng, lại sai nội thần đem quân Thần vũ phá cửa đông mà vào.

Sai đồng thái giám Nguyễn Đảm dụ các tướng sĩ ở các doanh rằng: Tất cả kho tàng, của cải trong thành đều phải niêm phong giữ kín, không được đốt cháy, Trà Toàn nước Chiêm phải bắt sống đưa về viên môn, không được giết chết.

 Vua sai chỉ huy Ngô Nhạn dẫn tên giặc đầu hàng là Bô Sản Ha Ma đến. Lại sai trưng bày những thứ giặc dùng làm lễ vật đem đến xin hàng mà ở nước ta không có, sai viên quan đô úy Đỗ Hoàn chỉ tên từng thứ một. Có cái hộp bạc, hình như thanh kiếm, vua hỏi vật gì. Hoàn trả lời rằng đó là đồ của nước Chiêm từ xưa, người làm quốc vương phải có vật đó để truyền cho con cháu. Ha Ma là bác ruột Trà Toàn.

 Quân Thuận Hóa bắt sống được Trà Toàn dẫn đến trước mặt vua. Trà Toàn cúi đầu quỳ xuống. Vua hỏi qua người phiên dịch rằng:

 ‘Ngươi là chúa nước Chiêm phải không?’.

Toàn trả lời:

 ‘Vâng’.

 Vua hỏi:

‘Có biết ta là vua không?’.

Toàn trả lời:

‘Tôi nhìn thấy phong thái, đã biết là thánh thượng rồi’.

 Vua hỏi:

 ‘Ngươi có mấy con rồi’.

 Trả lời:

 ‘Tôi có hơn 10 đứa con’.

Đỗ Hoàn nói:

 ‘Hắn đã kêu van xin làm thần tử, xin bệ hạ tha cho khỏi chết’.

 Vua nói với Toàn:

‘Trong đám gươm giáo, ta sợ ngươi bị hại, nay may mà còn sống đến đây, ta thực yên lòng’.

Bèn sai đưa Trà Toàn ra ngoài ty Trấn điện làm nhà nhỏ cho ở đấy. Các quan dẫn Toàn ra hơi gấp. Vua bảo:

‘Đưa đi thong thả thôi, người ta là vua của một nước, sao lại bức nhau đến như vậy?’.

Ngày mồng 2 [23/3/1471], vua thấy đã phá được thành Chà Bàn, liền xuống chiếu đem quân về. Vua thấy thuyền Trà Toàn đi chật hẹp, không chứa được hết vợ cả, vợ lẽ hắn, sai cho chọn hai người cùng đi. Còn những người khác, khi về đến kinh sư, sẽ trả lại cả. Vợ của Trà Toàn là con gái Bí Cai, cùng với cháu gái đều là vợ của Bàn La Duyệt là anh Toàn. Thế mà Trà Toàn thông dâm cả.

Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng của hắn là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung [Phan Rang, Ninh Thuận], chiếm cứ đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành, Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần, nộp cống, được phong làm vương.

Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh[2] và Nam Bàn[3] gồm 3 nước để dễ ràng buộc.

Ngày mồng 7 [28/3/1741], lấy người Chiêm đầu hàng là Ba Thái làm Đồng tri châu Thái Chiêm, Ba Thủy làm Thiêm tri châu. Vua dụ họ rằng:

‘Hai châu Thái Chiêm và Cổ Luỹ trước là đất của ta, đời gần đây bị mất về nước Chiêm, nay lấy lại được hết, đặc cách sai bọn các ngươi trấn giữ. Có kẻ nào không chịu theo, cho giết trước rồi tâu sau’.

Ngày 11 [1/4/1741], lấy Đổ Tử Quý làm Đồng tri châu tri Thái Chiêm quân dân sự, Lễ Đà làm cố Lũy châu tri châu tri quân dân. Người Chiêm nào dám chống lại hay làm loạn thì cho giết rồi tâu sau. Ai Lao sai sứ sang chầu. Trước đó, Ai Lao đã sai sứ sang chầu ở kinh sư, gặp khi đại giá khởi hành, bèn từ kinh sư đi tới hành điện ở cửa Tư Dung [huyện Phú Lộc, Thừa Thiên]. Đến khi đại giá khải hoàn mới được vào chầu.

Thổ quan phủ Trấn Ninh Ai Lao là Cầm Công sai đầu mục sang triều cống. Thổ quan châu Thuận Bình thượng du Quảng Trị là bọn Đạo Nhị tới chầu.

Bấy giờ đại giá về tới Thuận Hóa, tri châu là Đạo Nhị và em là Đạo Đồng cùng hơn 100 bộ đảng đem 5 con voi đến cống. Tri châu động Du Phác là Đạo Lự cũng đem ngà voi và thổ sản đến cống. Vì vua đã dẹp được Chiêm Thành, uy thanh chấn động khắp chốn, cho nên các nước phiên thuộc ở phía tây đều lật đật kẻ trước người sau tranh nhau đến cống.

Vua sai Đỗ Hoàn, chỉ vào Lê Thọ Vực mà bảo Trà Toàn rằng:

‘Đây là Điện tiền đô đốc; khi phá thành Chà Bàn, trèo lên đánh thành trước tiên là người này đây!’.

Trà Toàn nhìn Thọ Vực một hồi lâu.

Trả lại lương kho cho quân doanh Thuận Hóa. Bấy giờ số lương của Nguyễn Văn Chất chở đến đều là gạo đun chín. Vua hỏi Chất:

‘Gạo nấu chín có thể để tới 10 năm không?’.

Văn Chất trả lời:

‘Khoảng năm Thái Hòa, số gạo nấu chín khi đi đánh Chiêm Thành mãi đến khi đi đánh Bồn Man, trải qua 26 năm vẫn còn ăn được’.

 Vua nói:

‘Hạng tốt thì mới được thế, chả lẽ lại không có mốc, mục hay sao? Đại khái để lâu vừa thì 10 năm vẫn tốt nguyên’.

 Ngày 15 [5/4/1471], vua đã dẹp được Chiêm Thành, bắt sống Trà Toàn, bèn tự mình viết bài chiếu báo tin thắng trận, sai quan mang về kinh sư bố cáo thiên hạ biết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 62a.

Đầu tháng 4, xa giá nhà Vua về đến Nghệ An. Hoàng thái hậu cùng Thái tử đi thuyền đón Vua tại Thanh Hóa, rồi cùng trở về kinh. Riêng Trà Toàn lo lắng thành bệnh chết trên đường, bèn lấy thủ cấp, dâng tù tấu cáo tại Thái Miếu:

 “Mùa hạ, tháng 4 [20/4-19/5/1471], vua dừng lại ở Nghệ An.

 Ngày mồng 8 [27/4/1471], vua đến sông Phi Lai [huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa]. Vua thấy Hoàng thái hậu ngồi thuyền, có thái tử theo hầu, vội đi thuyền nhẹ đến, thay áo, lên thuyền rồi về hành điện ở Thiên Phái. Chúa Chiêm Trà Toàn vì lo lắng thành bệnh, đến đây thì chết. Sai chém lấy đầu Toàn, đốt xác ném xuống sông, chở đầu hắn đi, lại cắm lá cờ trắng ở đầu thuyền, đề mấy chữ rằng:‘Đầu của tên đầu sỏ tội ác Trà Toàn nước Chiêm Thành’ để cho thiên hạ đều biết.

Ngày 11 [30/4/1471], đại giá về hành điện ở Thổ Ngõa, vua ngự trên thuyền Thiên Thu [thuyền của Hoàng thái hậu], sau đó vua đi trước về bến Nhị Hà, Hoàng thái tử theo hầu, các thuyền hộ tống chỉ có mấy chiếc. Vua dừng thuyền hồi lâu, bắn 6 phát súng, đợi thuyền Thiên Thu tới, vua mới về cung.

Ngày 22 [11/5/1471], dâng tù ở Thái miếu. Đem thủ cấp của chúa Chiêm Thành là Trà Toàn và tai giặc bắt được tấu cáo ở Lam Kinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 65a.

Tháng 5, làm lễ mừng thắng trận. Tháng 6, đặt thêm ty thừa tuyên Quảng Nam, quản lãnh 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn; tức 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định ngày nay:

Tháng 5, ngày mồng 1 [20/5/1471], làm lễ mừng thắng trận. Các quan là bọn Lê Niệm dâng biểu mừng thắng trận.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 65b.

Tháng 6 [18/6-17/7/1471]… Nhà vua đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, quản lãnh 3 phủ, 9 huyện, đặt ba ty: Đô ty, Thừa ty, và Hiến ty và đặt vệ quân Thanh Hoa gồm 5 sở. Nhà vua lấy cớ rằng ở Quảng Nam không có thuyền, mỗi khi quân và dân nộp thuế, thường có sự hao hụt mất mát, nên hạ lệnh: từ nay, mỗi khi đến kỳ nộp thuế, thì Thừa ty Quảng Nam tư di công văn đến ba ty ở Thuận Hóa giao phó các hạng thuế, để Thuận Hóa sai người chuyển nộp về Kinh. Nhà vua ra sắc lệnh dụ bảo Phạm Bá Tôn, tham chính Quảng Nam: dân sinh nào là con trai từ 15 tuổi trở lên, tư chất thông minh chăm học, thì đến ngày khảo, hai ty Thừa ty và Hiến ty bản đạo hội đồng kén chọn, tâu bày đầy đủ, sẽ cho sung vào sinh đồ bản phủ, để dạy bảo cho biết lễ nghĩa…

Theo Hồng Đức thiên nam dư hạ tập, thì Quảng Nam thừa tuyên quản lĩnh ba phủ, chín huyện:

 Phủ Thăng Hoa [Quảng Nam] quản lĩnh ba huyện: Lê Giang, Hà Đông và Hi Giang.

 Phủ Tư Nghĩa [Quảng Ngãi] quản lĩnh ba huyện: Bình Sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang;

Phủ Hoài Nhân [Bình Định] quản lĩnh ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 22.

Tháng 7, qui định thể thức lập bản đồ, văn khế ruộng đất. Tháng 8, ra sắc lệnh cho viên Đề hình ngự sử kiểm tra các vụ án, hình ngục; vạch ra oan uổng cho phạm nhân:

Mùa thu, tháng 7 [18/7-15/8/1471], định lệ ban xuống thể thức bản đồ, văn khế. Ngày thi hành bắt đầu từ mồng 10 tháng giêng năm nay. Sau ngày ấy mà ai chưa tuân theo thì cho là không hợp lệ, đó là theo lời tâu của hộ bộ thượng thư kiêm thái tử thái bảo Lê Cảnh Huy. Ban bố thể thức văn khế đã được chuẩn y.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 65b.

Tháng 8 [16/8-13/9/1471], mùa thu… Nhà vua ra sắc lệnh cho viên Đề hình ngự sử: phàm viên chức trong bộ Hình, trong Đại Lý tự và quan giữ việc hình ngục, có ai tha tội người này buộc tội người khác, trái phép luật làm điều thảm khắc, hoặc làm cho người phạm tội có điều oan uổng, thì viên Đề hình ngự sử phải thân hành kiểm tra xét hỏi, tâu bày đàn hặc, để tỏ rõ nổi oan uổng cho phạm nhân.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 22.

Ngày 26 háng 9 [19/10/1471], qui định chế độ quan lại. Về hành pháp có 6 bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, bên cạnh đặt 6 khoa để giám sát, và 6 tự giúp thi hành, Về quân sự do 5 phủ nắm giữ, tại kinh đô có 3 ty cấm binh làm nanh vuốt. Bên ngoài từ bắc vào nam chia làm 13 ty thừa tuyên, cùng tổng binh coi giữ. Các cơ chế đặt ra nhắm ràng buộc và giúp đỡ lẫn nhau. Chức tước dòng họ nhà Vua chia làm 6 bậc: vương, công, hầu, bá, tử, nam. Quan văn gồm 9 phẩm, từ nhất phẩm đến cửu phẩm; quan võ có 6 phẩm, từ nhất phẩm đến lục phẩm; hoạn quan có 7 phẩm, từ tam phẩm đến cửu phẩm:

Ngày 26, hiệu định Hoàng triều quan chế. Vua dụ các quan viên văn võ và trăm họ rằng:

‘Đất đai bờ cõi ngày nay so với trước kia khác nhau nhiều lắm, không thể không thân hành nắm quyền chế tác, làm trọn đạo biến thông. Ở trong, quân vệ đông đúc thì năm phủ chia nhau nắm giữ, việc công bề bộn thì sáu bộ bàn nhau mà làm. Cấm binh coi giữ ba ty[4] để làm vuốt nanh, tim óc. Sáu khoa để xét bác trăm ty, sáu tự để thừa hành mọi việc. Thông chính ty sứ ty để tuyên đức hóa của vua và đề bạt nguyện vọng của dân. Ngự sử án để hặc tâu các quan làm bậy, soi xét ẩn khuất cho dân.

 Bên ngoài thì mười ba thừa ty cùng tổng binh coi giữ địa phương, đô ty thủ ngự thì chống giữ các nơi xung yếu, phủ, châu, huyện là để gần dân; bảo, sở, quan là để chống giặc; tất cả đều liên quan với nhau, ràng buộc lẫn nhau.

 Do đó, gọi lính, lấy quân, là việc của đốc phủ mà Binh bộ phải nắm chung; chi ra, thu vào là chức của Hộ bộ mà Hộ khoa phải giúp đỡ. Lại bộ thăng bổ lầm người thì Lại khoa được phép bác bỏ. Lễ bộ nghi chế không hợp lệ thì Lễ khoa có quyền hặc tâu, hình khoa xem xét công việc xử án của Hình bộ phải trái như thế nào; Công khoa kiểm điểm quá trình làm việc của Công bộ siêng năng hay lười biếng. Đến như việc xét duyệt sổ sách quân nhu hàng đống, hay phân biệt chọn lựa tướng súy, thiên tỳ, trong các quân của thủ phủ thì các quan kinh lịch, thủ lĩnh đều được phép tra xét, đàn hặc cả. Quy chế trước kia, đặt quan phần nhiều lấy quan to, tước cao. Chế độ ngày nay, đặt quan đều là lương ít trật thấp. Số quan đặt ra so với trước tăng rất nhiều, nhưng tiền lương chi tiêu so với xưa cũng thế. Đã không có người nào ăn hại, mà trách nhiệm lại có nơi quy kết, khiến cho quan to, quan nhỏ đều ràng buộc với nhau; chức trọng chức khinh cùng kiểm chế lẫn nhau. Uy quyền không bị lợi dụng thế nước vậy là khó lay. Hình thành thói quen giữ đạo lý, theo pháp luật mà dứt bỏ tội lỗi khinh nhân nghĩa, phạm ngục hình. Để hoàn thành chí hướng của đức thánh tổ thần tông ta, và giữ mãi bình yên thịnh trị tới vô cùng, chứ không phải là ta cố ra vẻ thông minh biến đổi phép cũ mà buộc miệng thiên hạ đâu! Kể từ nay, kẻ nào là con cháu ta, phải biết rằng ban hành quy chế này là điều bất đắc dĩ, một khi phép tắc đã định ra, phải kính cẩn duy trì và thực hiện, không được cậy mình là thông minh, rồi đem so với triều trước mà sửa đổi lại, làm đảo lộn mọi điển chương chế độ, để mắc tội bất hiếu. Kẻ nào là bề tôi cũng kính cẩn giữ phép thường, mãi mãi giúp đỡ vua các ngươi, để kế tục công liệt của người xưa, để vĩnh viễn không còn lầm lỗi. Kẻ nào dám dẫn bừa quy chế cũ mà bàn càn một quan nào, thay đổi một chức nào, chính là kẻ bề tôi gian nghịch, làm loạn phép nước, phải xử tử vứt xác ra chợ không thương xót; còn gia thuộc nó phải đày đi nơi xa để tỏ rõ tội kẻ làm tôi bất trung; ngõ hầu muôn đời sau này hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc sáng lập điển chương chế độ.’

Quan chế này bắt đầu bằng các tước của tông phái nhà vua. Thân vương thì hoàng tử được phong, lấy tên phủ làm hiệu (như phủ Kiến Hưng gọi là Kiến Hưng Vương). Tự thân vương[5] thì con cả của thân vương được phong, lấy tên huyện làm hiệu (như huyện Hải Lăng thì gọi là Hải Lăng Vương)… Tước công thì các con của hoàng thái tử và thân vương được phong, lấy mỹ tự làm tên hiệu như Triệu Khang công… Tước hầu thì con trưởng của tự thân vương hay thân công được phong, lấy mỹ tự làm tên hiệu (như Vĩnh Kiến hầu…). Tước bá thì hoàng thái tôn, các con của tự thân vương, tự thân công, con trưởng của thân công chúa, được phong, lấy mỹ tự làm tên hiệu (như Tĩnh Cung bá…). Tước tử thì xem như chánh nhất phẩm, các con thứ của thân công chúa, con trưởng tước hầu, tước bá được phong lấy mỹ tự làm tên hiệu (như Kiến Xương tử…). Tước nam thì xem như tông nhất phẩm, con trưởng của thân công chúa được truy tặng, các con thứ của tước hầu, tước bá được phong, lấy mỹ tự làm tên hiệu (như Quảng Trạch nam…).

Song lệ của tông phái nhà vua có 8 bậc[6] từ Tá quốc sứ đế Tự ân sứ. Thứ đến các tước của công thần. Nếu không phải là người có uy đức lớn, công lao to với nước từ trước, thì không được lạm phong. Như quốc ông, quận công thì lấy phủ, huyện làm tên hiệu, chỉ dùng một chữ, tước hầu, bá, thì lấy xã làm tên hiệu, dùng cả hai chữ.

Về cấp bậc của người có công lao thì bên văn từ Thượng trụ quốc đến Tu thận thiếu doãn gồm 5 phẩm, đều có chánh, tòng. Bên võ từ Thượng trụ quốc đến Thiết kỵ úy gồm 5 phẩm cũng có chánh, tòng. Tản quan bên văn, từ chánh nhất phẩm, sơ thụ Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, cho đến chánh cửu phẩm sơ thụ Tướng sĩ thứ lang, gồm 9 phẩm, đều có chánh, tòng. Tản quan bên võ từ chánh nhất phẩm sơ thụ Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân đến tòng lục phẩm, sơ thụ Quả cảm tướng quân gồm 6 phẩm, đều có chánh tòng. Nội quan tản từ Thị trung lệnh chánh tam phẩm đến Phó lịch sứ tòng cửu phẩm gồm 7 bậc, cũng có chánh, phó.

Về thông tư[7] thỉ thượng trật 24 tư đến hạ liệt 1 tư gồm 19 bậc. Về công thần được vinh phong thì từ chữ “suy trung” đến chữ “tuyên lực”, gồm 24 chữ. Đại để các quan văn võ có công thì ban đầu được phong từ 2 chữ đến 8 chữ. Người nào đáng được phong chữ nào thì tới lúc đó sẽ đặc xét gia phong. Lại lấy các chức Thái sư, Thái úy, Thái phó, Thái bảo, Thiếu sư, Thiếu úy, Thiếu phó, thiếu bảo làm hạng đại thần trọng chức. Lấy Lại, hộ, lễ, Binh, Hình, Công làm sáu bộ. Ngoài sáu bộ lại có 6 khoa. Đại lý, Thái thường, Quang lộc, Thái bộc, Hồng lô, Thượng bảo là 6 tự. Lại đặt Giám sát ngự sử 13 đạo, Đô đốc phủ năm phủ quân. Kim ngô, Cẩm y, gọi là hai vệ; tiền, hậu, tả, hữu vệ gọi là bốn vệ Hiệu lực; tiền, hậu, tả, hữu vệ gọi là bốn vệ Thần vũ. Vũ lâm, Tuyên trung, thiên uy, thủy quân, Thần sách, Ứng thiên gọi là 6 vệ Điện tiền. Các trấn bên ngoài cùng đặt phủ vệ, đô ty. Các xứ sông, biển cũng đặt tuần kiểm, giang quan. Các nha môn coi việc ở các thừa, ty, phủ, huyện, châu bên ngoài không chỗ nào không đặt quan để cai trị.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 66a.

Ngày 21 tháng 9, cử 2 sứ bộ sang nhà Minh, nhóm Bùi Viết Lượng đảm trách lễ cống trong năm; Nguyễn Đức Trinh trình bày việc biên giới Chiêm Thành. Đến tháng 9 năm sau, sứ bộ Nguyễn Đức Trinh mới đến nơi; trình bày rằng Chiêm Thành cướp phá Hóa Châu, bèn mang quân đến cứu, thì gặp lúc trong nước này có loạn, nên bị thua bại. Bấy giờ Vua Hiến Tông nhà Minh đã nhận được lời tâu của Sứ thần Chiêm Thành rằng An Nam chiếm nước, bắt Quốc vương nước này, nên tỏ ra không tin; bèn gửi sắc thư khuyên Vua Thánh Tông nước ta trả lại những người bị bắt:

Ngày 21 [4/10/1471], sai sứ sang Minh: Bọn Bùi Viết Lương, Nguyễn Lãm, lê Nhân đi tuế cống. Bọn Nguyễn Đức Trinh, Phạm Mục tâu việc Chiêm Thành quấy nhiễu biên giới.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 69b.

Ngày 13 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 8 [14/10/1472]. Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Hạo chớ xâm vượt lãnh thổ Chiêm Thành. Hạo sai Sứ thần Nguyễn Đức Trinh dâng thư tự trình bày rằng:

‘Mới đây vì Chiêm Thành xâm lấn đất Hóa Châu nên gửi binh đến tiếp viện; vì người trong nước này tự làm phản, nên bị thua bại.’

Thiên tử bèn ra lệnh Đức Trinh, mang sắc về dụ Hạo:

‘Mới đây Chiêm Thành tâu rằng, vào tháng 2 năm Thành Hóa thứ 7 [20/2-21/3/ 1471] ngươi đánh phá thành nước này, bắt Quốc vương và thân thuộc hơn 50 người. Lại cướp ấn, đốt nhà cửa, giết người già và trẻ em không kể xiết. Trẫm cho rằng lời riêng của một bên chưa có thể tin được; nay nhận được tâu, lời nói và ý đều khác. Nhưng nước Vương với Chiêm Thành thế lực lớn, nhỏ không cần phải biện thuyết; nếu bọn họ gây hấn trước, thì thật không biết độ đức lượng sức, nên gây ra sự bất nghĩa; nếu Vương vin vào việc họ quấy phá nhỏ, rồi giận lên hiếp kẻ yếu, gây hấn lớn, thì hợp với đạo nghĩa ư! Khi sắc đến, Vương nên bỏ qua những mất mát nhỏ, tăng điều đại nghĩa, trả lại những người bị bắt, răn đe quan lại nơi biên giới đừng sinh sự lập công, hưng binh gây oán, hoặc chuyên việc báo thù gây nên sự đau buồn; ngõ hầu trời soi sáng, vĩnh viễn hưởng danh thơm. Khâm thử.” (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 89).

Qui định đóng thuế bãi dâu, nhiều ít theo thứ hạng. Viên chức văn võ và hoạn quan, mới bổ cho vào hạng tập sự; đợi 3 năm làm việc không lỗi lầm mới được xếp vào hạng thực thụ; quyền lợi 2 hạng khác nhau:

Định lệ thuế bãi dâu, tính theo mẫu thuộc các hạng nhất nhì ba mà nộp tiền.

Ra sắc chỉ rằng:

‘Các chức quan văn, võ trong kinh, trung quan cũng thế, người nào mới được bổ thí chức tập sự thì Lại bộ tâu lên để ban cấp cho giấy khám hợp, cho mũ, đai và cấp cho một phần ba tiền lương, con cháu vẫn như dân thường. Sau ba năm mà xứng chức và không phạm lỗi gì thì được thăng cấp cho thực thụ. Người nào không xứng chức thì đuổi về làm các hạng quân sắc cũ. Nếu là người có tài năng lỗi lạc được bổ dụng theo đặc ân, thì không phải theo lệ này. Người vị nhập lưu[8] dẫu được thực thụ cũng chỉ cấp giấy khám hợp, không có cấp sắc mệnh. Từ nay về sau, khi có sắc chỉ hay các thể lệ lớn nhỏ, thì bộ, sứ ty và các nha môn phủ, huyện, châu đều phải viết ra bảng treo dán lên để dân chúng theo đó mà thi hành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 69b.

Tháng 9 nhuận [14/10-11/11/1471], định chế độ y phục và phép thêu hình chim, thú trên áo của vua quan. Cấm thường dân không được dùng y phục gấm, kim tuyến:

Vua dụ rằng:

‘Triều đình là nơi lễ nhạc, y phục là vẻ điểm tô, danh phận đã rạch ròi, không nên lấn lướt. Cho nên vua Thuấn xem người xưa mà dùng năm sắc vào triều phục, vua Vũ hay dùng y phục xấu nhưng triều phục lại rất hay. Vua Thuấn vua Vũ đều là thánh nhân, còn không coi y phục là tiểu tiết mà phải để tâm tới. Những người làm vua làm tôi đời sau lại không kính cẩn lo việc ấy hay sao? Nhà nước ta vỗ yên khắp cõi, theo lể văn xưa. Triều phục người trên kẻ dưới, quan văn thêu chim, quan võ vẽ thú, từ xưa đã có chế độ rồi. Nghi thức kẻ quý người hèn, không được tiếm vượt, trước đây cũng đã ngăn cấm, cớ sao các quan không chịu phân biệt, coi chế độ của nhà nước là mớ hư văn? Dân chúng thì phạm pháp, đem tơ gai dệt kim tuyến may áo thường. Quan viên và dân chúng các ngươi phải nghe lời trẫm, triều phục các quan văn võ thế nào, trước ngực sau lưng thêu gì, phải theo đúng quy chế đã ban hành. Trong hạn năm ngày, người nào không theo đúng quy chế sẽ phải giáng cấp, trị tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 69b.

Ngày mồng 8 tháng 11 [19/12/1471], lại đi đánh Chiêm Thành. Bắt được chúa nó là Trà Toại và bè lũ đem về kinh. Năm ấy, lấy Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo làm Đông các hiệu thư, Ngô Sĩ Liên làm Sử quan tu soạn. Lấy Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy trông coi sáu khoa. Nhân nhà Minh chuẩn bị hội khám đất đai biên giới, Vua căn dặn Lê Cảnh Huy phải cương quyết tranh biện, không nhường một thước đất “Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng”.

Trong mục Cẩn Án, Cương Mục cho rằng Bàn La Trà Toại và Bàn La Trà Duyệt ghi trong Minh Sử là một người. Điều đó không hợp lý, vì Trà Toại bị quân ta bắt vào ngày 19/12/1471; còn Sứ thần của Bàn La Trà Duyệt sang nhà Minh vào ngày 27/6/1472, và hai bên vẫn tiếp tục liên lạc ngoại giao, cho đến năm 1475 nhà Minh chuẩn bị sai sứ sang phong cho Trà Duyệt. Theo Minh Thực Lục năm 1457 Bàn La Duyệt lên ngôi; năm 1460 mất, em là Trà Toàn lên thay; năm 1471 Trà Toàn bị bắt, em là Bàn La Trà Duyệt lên thay. Vì Bàn La Duyệt chỉ khác Bàn La Trà Duyệt một chữ “Trà” nên dễ ngộ nhận:

Trà Toại nước Chiêm Thành, làm phản. Nhà vua sai Lê Niệm, bình chương tướng quân, đi đánh, dẹp yên được. Trước đây, chúa Chiêm Thành là Trà Toàn đã bị bắt, em hắn là Bàn La Trà Toại trốn vào trong núi, sai sứ đem việc trong nước bị hoạn nạn báo cáo với nhà Minh và xin nhà Minh phong vương cho, thống lĩnh ba vạn quân đi đánh, bắt Trà Toại và bộ lạc đưa về kinh sư.

Bổ dụng thái bảo Lê Cảnh Huy giữ công việc ở lục khoa. Nhà vua dụ bảo Lê Cảnh Huy rằng:

 ‘Nay nhận được tờ tấu của viên quan ở An Bang [Quảng Ninh] tâu: “Người nhà Minh sai nhiều binh lính từ Quảng Tây sang, nói phao là sang hội đồng khám địa giới”. Việc này cần phải sai người dò thám ngay, nếu thấy có gì khác, phải lập tức đưa công văn đi các đạo tập hợp binh lính phòng giữ. Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được? phải kiên quyết tranh luận, không để cho họ lấn dần. Nếu họ không theo, còn có thể sai sứ sang tận triều đình của họ, biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 22.

——————-

[1] Phi kiều: một loại chiến cụ đánh thành ngày xưa, làm bằng gỗ hoặc tre, dùng để bắc lên thành cho quân sĩ vào.

[2] Hoa Anh có lẽ là vùng đất thuộc tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hoà ngày nay.

[3] Nam Bàn: theo Cương mục sau là đất của Thủy Xá, Hỏa Xá, nay là vùng đất thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc.

[4] Ba ty: tức 3 tổ chức quân sự Điện tiền, Hiệu lực, Thần võ.

[5] Tự thân vương: con cả của thân vương được tập ấm tước của người cha.

[6] Theo Cương mục, thì 8 bậc đó là: Tá quốc sứ, Phụng quốc sứ, Dực quốc sứ, Lương quốc sứ, Sùng ân sứ, Dụ ân sứ, Mậu ân sứ, Tư ân sứ (CMCB 22, 14a).

[7] Tư: Cũng là đơn vị phẩm trật, mỗi phẩm thường gồm nhiều tư.

[8] “Vị nhập lưu” là những người chưa được liệt vào bậc nào trong chín bậc quan tước, tức cửu phẩm của nhà nước.