Nguồn: Andrei Soldatov và Irina Borogan, “The Rebirth of Russian Spycraft,” Foreign Affairs, ngày 27/12/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chiến tranh Ukraine đã thay đổi cuộc chơi như thế nào đối với các điệp viên Điện Kremlin – và các đối thủ phương Tây của họ?
Tháng 4/2023, một công dân Nga nổi tiếng bị nghi ngờ có quan hệ với tình báo nước này đã có một cuộc đào tẩu ngoạn mục khỏi đất Ý. Artem Uss, một doanh nhân và là con trai của một cựu thống đốc Nga, đã bị giam giữ tại Milan vài tháng trước đó, với cáo buộc buôn lậu công nghệ quân sự nhạy cảm của Mỹ sang Nga. Theo bản cáo trạng do tòa án liên bang ở Brooklyn, New York, công bố vào tháng 10/2022, Uss đã buôn bán trái phép loại chất bán dẫn cần thiết để chế tạo tên lửa đạn đạo và nhiều loại vũ khí khác, một vài trong số đó đã được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, trong lúc đang chờ dẫn độ sang Mỹ, Uss đã trốn khỏi Ý với sự giúp đỡ của một băng nhóm tội phạm người Serbia và trở về Nga.
Vụ đào tẩu, được Wall Street Journal đưa tin vào mùa xuân năm ngoái, chỉ là một trong hàng loạt các vụ việc gần đây, cho thấy lực lượng tình báo Nga đã tập hợp lại ra sao kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Quay trở lại mùa xuân năm 2022, vài tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược, các cơ quan tình báo Nga dường như đã bị bối rối và mất phương hướng. Các nước châu Âu lần lượt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Theo một ước tính của Anh, khoảng 600 quan chức Nga đã bị trục xuất khỏi châu Âu, trong đó có 400 người được cho là gián điệp. FSB, cơ quan an ninh nội bộ của Nga, cũng đã đánh giá sai mức độ kháng cự mà quân đội của họ sẽ phải đối mặt ở Ukraine, khi cho rằng Nga có thể nhanh chóng chiếm Kyiv. Điều này đã góp phần khiến Nga phải bẽ mặt trên chiến trường.
Nhưng giờ đây, mạng lưới tình báo nước ngoài của Nga đang quay trở lại báo thù. Và nó cũng đang trở nên sáng tạo hơn, khi ngày càng dựa vào công dân nước ngoài – chẳng hạn như băng nhóm người Serbia đã hỗ trợ Uss – để vượt qua các hạn chế đối với công dân Nga. Trước chiến tranh, các cơ quan tình báo phương Tây chủ yếu xử lý các chiến dịch tình báo do công dân Nga thực hiện. Nhưng tình hình đã thay đổi. Hiện tại, các hoạt động tình báo của Nga đang sử dụng khá nhiều công dân nước ngoài, và chúng không chỉ bao gồm việc do thám phương Tây và theo dõi các chuyến hàng vũ khí đến Ukraine, mà còn gồm cả việc gây áp lực lên những người Nga lưu vong và những người phản đối chế độ Putin đã trốn ra nước ngoài kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Bằng chứng về các hoạt động kiểu này đang xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ Gruzia và Serbia, đến các nước NATO như Bulgaria và Ba Lan. Chẳng hạn, vào đầu năm 2023, Anh đã bắt giữ 5 người Bulgaria bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga, bao gồm việc theo dõi những người Nga lưu vong ở London.
Cùng lúc đó, các cơ quan tình báo Nga dường như cũng đã thay đổi định hướng. Trước chiến tranh Ukraine, có sự phân công nhiệm vụ giữa ba cơ quan tình báo chính – SVR (tình báo hải ngoại), GRU (tình báo quân sự), và FSB (an ninh nội địa). Trong quá khứ, người ta thường ngầm hiểu rằng SVR chủ yếu tập trung vào hoạt động gián điệp chính trị và công nghiệp, còn GRU tập trung vào các vấn đề quân sự, trong khi FSB chủ yếu tập trung vào chính nước Nga, sử dụng các chi nhánh nước ngoài của mình để tiến hành các chiến dịch chống lại người Nga ở nước ngoài và giúp duy trì quyền lực cho các chế độ thân thiện ở các nước láng giềng. Giờ đây, sự phân công này đã không còn rõ ràng nữa: cả ba cơ quan đều tham gia sâu vào cuộc chiến ở Ukraine, và cả ba đều đang tích cực tuyển dụng đặc vụ từ nhóm người Nga mới lưu vong gần đây ở nước ngoài.
Sự trở lại của bộ máy gián điệp Moscow có ý nghĩa quan trọng đối với phương Tây trong nỗ lực chống lại sự can thiệp và các hoạt động tình báo của Nga. Nếu những dấu hiệu gần đây là chính xác, thì các hoạt động tình báo của Nga ở châu Âu và những nơi khác hiện có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn đáng kể so với những gì được giả định trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Đồng thời, những thay đổi này cũng đem lại hiểu biết về chế độ thời chiến của Putin và cách chế độ này xây dựng lại các cơ quan tình báo của Nga dựa trên các mô hình có từ thời Xô-viết. Putin không chỉ đang cố gắng bù đắp cho thất bại của KGB trong cuộc đối đầu với phương Tây vào cuối thế kỷ 20, mà còn đang cố gắng khôi phục lại vinh quang cho cơ quan mật vụ đáng gờm của Stalin, những người đã đạt được thành công đáng kể trước phương Tây trong nhiều thập niên, từ Cách mạng Bolshevik đến Thế chiến II.
“CHIẾN TRANH TRĂM NĂM”
Trước khi cuộc chiến toàn diện ở Ukraine bắt đầu vào năm 2022, các cơ quan tình báo Nga bị cho là khá yếu. Từ lâu, họ đã phải chịu đựng những cuộc đấu đá nội bộ, cũng như sự rạn nứt lòng tin giữa các vị tướng và cấp dưới của họ, dẫn đến sự chậm trễ và thất bại đáng kể trong việc đưa thông tin từ thực địa lên cấp cao nhất. Trong khi đó, các chiến dịch tình báo của Nga ngày càng bị gắn liền với sự cẩu thả, như trong hai vụ đầu độc bất thành cựu sĩ quan quân đội Nga Sergei Skripal ở Anh vào năm 2018 và thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny vào năm 2020. Tóm lại, các cơ quan tình báo Nga dường như đã mất đi ánh hào quang trước đây – và điều đó đã bị lộ sau đánh giá sai lầm về Ukraine trong kế hoạch xâm lược của Nga.
Nhưng khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ hai, các cơ quan tình báo Nga đã tập hợp lại và tìm ra mục đích mới. Thay vì chìm đắm trong những sai lầm của quá khứ và tự hỏi tại sao họ lại thất bại thảm hại trong việc dự đoán kháng cự của Ukraine trong giai đoạn đầu, các cơ quan tình báo Nga đơn giản là đã bước tiếp và củng cố tinh thần bởi thực tế là họ đang trong một cuộc đối đầu với toàn bộ phương Tây. Họ không chỉ tăng cường hoạt động ở châu Âu và các nước lân cận; FSB còn tăng cường nỗ lực chống lại đặc vụ Ukraine trên đất Nga. Việc Putin không thực hiện bất kỳ thay đổi căn bản nào trong các cơ quan an ninh bất chấp thảm họa năm 2022 được xem là một nước đi khôn ngoan: kể từ những năm 1990 đầy biến động, đã xuất hiện một quan điểm được chia sẻ rộng rãi cả trong giới lãnh đạo lẫn các nhân viên ngành tình báo, rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm “đại tu” các cơ quan này cũng sẽ làm suy yếu năng lực của họ.
Tuy nhiên, đằng sau sự hồi sinh này còn là một mục tiêu lớn hơn: khôi phục lại cuộc chiến tình báo của Nga chống lại phương Tây. Đối với các cơ quan tình báo chính của Nga, cuộc chiến này đã bắt đầu từ những năm đầu tiên của thời kỳ Xô-viết. Theo quan điểm của các quan chức tình báo Nga, cuộc chiến ở Ukraine chỉ là vòng đấu thứ ba của cuộc chiến tình báo lớn đã diễn ra từ năm 1917.
Vòng đầu tiên của cuộc chiến này, trong đó các đặc vụ Liên Xô đối đầu chủ yếu với các đặc vụ Anh, đã bắt đầu ngay sau Cách mạng Bolshevik. Khi đó, các đặc vụ Liên Xô đã ngăn chặn thành công mọi âm mưu kích động sự phản kháng chế độ Bolshevik từ nước ngoài. Họ đã làm điều này bằng cách tiến hành một chiến dịch cờ giả quy mô lớn và cực kỳ thành công, có mật danh là Trust, trong đó họ dụ dỗ những người Nga lưu vong chính trị, cũng như các đặc vụ Anh, đến Liên Xô để giúp đỡ một tổ chức chống Bolshevik giả mạo. Bằng cách này, những nhà hoạt động chống Liên Xô đã bị xác định danh tính và bị sát hại. Xung đột lên đến đỉnh điểm trong Thế chiến II, khi các điệp viên Liên Xô thâm nhập thành công vào cơ quan tình báo Anh, còn tại Mỹ, họ đã tiếp cận được Dự án Manhattan và đánh cắp bí mật về bom nguyên tử. Nhìn chung, các quan chức Liên Xô tin rằng họ đã thắng vòng đầu tiên trước tình báo phương Tây.
Tuy nhiên, vòng thứ hai của cuộc chiến tình báo đã không kết thúc tốt đẹp đối với Moscow. Trong Chiến tranh Lạnh, KGB đã thất bại trong nhiệm vụ cứu chế độ Xô-viết mà họ thề sẽ bảo vệ. Đến đầu những năm 1990, cơ quan này gần như đã biến mất sau khi bị chia cắt và giải thể. Sự sụp đổ của KGB đã để lại những vết sẹo sâu trong Putin, người đã tận mắt chứng kiến cảnh đó, cũng như cho giới tinh hoa an ninh của ông, trong lúc họ cố gắng xây dựng lại một nhà nước Nga đã mất đi quyền lực trước đây. (Sau cùng, Putin đã tạo dựng FSB trên nền tảng cũ của KGB.)
Giờ đây, khi một cuộc xung đột mới với phương Tây khởi phát, các cơ quan tình báo Nga đang tìm cách đảo ngược những thất bại hồi cuối Chiến tranh Lạnh. Và họ đã nhận ra một cơ hội mới, khi xem cuộc chiến ở Ukraine là loạt đạn mở đầu cho vòng thứ ba của cuộc chiến tình báo. Ý thức về sự tiếp nối với những người tiền nhiệm Liên Xô cũng được thể hiện rõ ràng ở Nga: vào tháng 9, Sergei Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, đã khánh thành một bức tượng mới vinh danh người sáng lập lực lượng cảnh sát mật Liên Xô tại trụ sở ở Moscow của SVR. Sang tháng 11, FSB đã củng cố thông điệp đó bằng cách kỷ niệm 100 năm thành lập OGPU, lực lượng cảnh sát mật Liên Xô, đồng thời nhấn mạnh vai trò của OGPU trong việc trấn áp các tổ chức di cư chính trị.
Nhưng tính tiếp nối còn vượt xa việc tôn vinh những chiến công thời Liên Xô. Trong giai đoạn chuẩn bị cho chiến tranh Ukraine và kể từ đó đến nay, Putin đã sử dụng nhiều cựu tướng của KGB, những người có chung mong muốn rửa nỗi nhục nhã khi Liên Xô sụp đổ. Nikolai Gribin, người vào thập niên 1980 từng là phó giám đốc các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch của nhánh tình báo nước ngoài của KGB, đã trở thành lãnh đạo một viện chính sách mới của Nga, thành lập vào năm 2021, có tên là Viện Nghiên cứu Phát triển Truyền thông Quốc gia, một tổ chức đang tìm cách định hình quan điểm ủng hộ Điện Kremlin ở các nước láng giềng của Nga, đặc biệt tập trung vào Belarus. (Đích thân Gribin đã viết một số báo cáo nghiên cứu về dư luận ở Belarus.) Vào những năm 1980, Alexander Mikhailov phục vụ trong Cục Năm (Fifth Directorate) khét tiếng của KGB – nhánh được giao nhiệm vụ “nhổ tận gốc” các nhóm ý thức hệ có ý định lật đổ, bao gồm những người bất đồng chính kiến, nhạc sĩ, và lãnh đạo nhà thờ – và điều hành các hoạt động tuyên truyền thông tin sai lệch cho FSB vào những năm 1990. Kể từ mùa thu năm 2021, vài tháng trước cuộc xâm lược Ukraine, Mikhailov đã trở thành người phát ngôn không chính thức của FSB trước giới truyền thông Nga, quảng bá quan điểm của cơ quan này về các sự kiện ở Ukraine. Theo mô tả của tình báo Nga, cuộc chiến này đã đặt Mỹ và châu Âu chống lại Nga, còn người Ukraine chỉ đóng vai trò là con rối trong tay những ông chủ gián điệp phương Tây của họ.
Cùng với Putin, các cơ quan tình báo Nga cũng đã rút ra một số bài học quan trọng từ các cuộc chiến tình báo trước đây của Liên Xô. Bởi vì chiến tranh Ukraine khiến Nga trực tiếp đọ sức với phương Tây, nó đã khiến Điện Kremlin và các cơ quan tình báo của nước này phải suy nghĩ lại một số vấn đề lớn của an ninh quốc gia vốn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng kể từ năm 1991, ví dụ như câu hỏi về biên giới của Nga và liệu có nên đóng chúng lại. Điện Kremlin đã quyết định không làm như vậy và điều đó đã mang lại lợi ích cho các cơ quan tình báo, vốn có thể tận dụng làn sóng di cư mới của công dân Nga sang châu Âu và các nước láng giềng khác để bù đắp cho việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi các thủ đô châu Âu. Putin rõ ràng đã đặt ra mục tiêu tránh mắc phải những sai lầm tương tự như trong Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô hạn chế đáng kể việc di chuyển xuyên biên giới của người dân, theo đó cản trở tình báo Liên Xô.
Nhưng có một vấn đề cấp bách khác đối với Điện Kremlin: làm thế nào để thực thi kỷ luật trong hàng ngũ đặc vụ. Putin có thể làm theo cách tiếp cận của Stalin, bắt tay vào các cuộc thanh trừng quy mô lớn và đàn áp hàng loạt. Nhưng dường như ông cũng nhận ra rằng những biện pháp đó cuối cùng đã phản tác dụng đối với Liên Xô. Putin hiểu rằng gieo rắc nỗi sợ hãi là một công cụ hữu ích, nhưng việc thanh trừng sẽ gây tổn hại cho các cơ quan tình báo – như những gì đã xảy ra vào thập niên 1930 khi tình báo nước ngoài của Liên Xô mất đi những đặc vụ tài năng nhất. Vì vậy, người đứng đầu chi nhánh tình báo nước ngoài của FSB, Sergei Beseda, đã bị bắt giữ và biệt giam sau giai đoạn thảm khốc đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine; nhưng chỉ sau vài tuần, ông đã được phục chức. Và các cuộc thanh trừng sâu rộng trong giới tình báo quân đội và FSB mà nhiều người mong đợi xảy ra sau khi Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn bán quân sự Wagner, lãnh đạo một cuộc binh biến vào tháng 6/2023, đã không bao giờ thành hiện thực.
Nhìn chung, Putin đã lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt, thực dụng đối với các cơ quan tình báo của mình, tận dụng nỗi sợ hãi về các cuộc thanh trừng luôn hiện hữu, đồng thời khuyến khích các cơ quan này đổi mới để giành lại thế thượng phong trước phương Tây. Kết quả là, trong năm qua, đã có sự gia tăng đáng chú ý trong các chiến dịch nước ngoài đầy tham vọng, bao gồm cả các hoạt động phá hoại, cũng như việc đặc vụ Nga trốn thoát ở Ý, và tăng cường nỗ lực tuyển dụng ở một số nước NATO, như đã thấy rõ trong vụ một nhân viên cơ quan tình báo BND của Đức bị bắt vào tháng 12/2022 sau cáo buộc chuyển thông tin mật cho chính phủ Nga và hiện đang bị xét xử vì tội phản quốc.
NHỮNG ĐẶC VỤ CỦA CHÚNG TA
Để chuẩn bị cho sự trở lại của mình, các cơ quan tình báo Nga cũng đã tiếp thu một bài học quan trọng khác từ những năm Xô-viết: đó chính là việc sử dụng ý thức hệ một cách chiến lược. Trong những năm 1930, Moscow đã có thể thu phục được nhiều người phương Tây ủng hộ chính nghĩa Xô-viết bằng cách chuyển hướng các luận điệu của mình nhắm vào những thiếu sót của phương Tây, hơn là thúc đẩy học thuyết Marxist. Vào thời điểm đó, các đặc vụ Liên Xô hiểu rằng họ không thực sự cần phải rao giảng về ý thức hệ cộng sản, nhưng thay vào đó, họ có thể mô tả Liên Xô như một sự thay thế cho chủ nghĩa đế quốc phương Tây, nhấn mạnh đến tiêu chuẩn kép và thói đạo đức giả của phương Tây, đồng thời xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo đứng lên chống lại các cường quốc toàn cầu. Những ý tưởng này chính xác là những gì các cơ quan của Nga hiện đang sử dụng để thúc đẩy các đồng minh tiềm năng và tuyển dụng đặc vụ trong cuộc chiến tình báo mới của Nga với phương Tây.
Khi chuẩn bị bước vào năm thứ ba của cuộc chiến ở Ukraine, các cơ quan tình báo Nga biết rằng Điện Kremlin ủng hộ họ, chia sẻ sự hoang tưởng cũng như thành kiến của họ. Thực tế này cho thấy các cơ quan tình báo có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Điện Kremlin. Nhưng điều đó không có nghĩa là quyền lực của Putin chắc chắn sẽ được đảm bảo.
Suốt 20 năm qua, Putin đã phải nỗ lực để kiểm soát cộng đồng an ninh và tình báo đồ sộ của mình, trải khắp trên một đất nước rộng lớn và cả ở nước ngoài. Đầu những năm 2000, ông đã huỷ bỏ khái niệm của cựu Tổng thống Boris Yeltsin về các cơ quan tình báo cạnh tranh nhau, và đưa FSB trở thành cơ quan hàng đầu. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Putin đã cố gắng buộc lực lượng tình báo của mình phải tuân phục bằng cách tống một số sĩ quan cấp trung vào tù vì tội tham nhũng. Nhưng điều này không dẫn đến việc Điện Kremlin kiểm soát các cơ quan tình báo một cách chặt chẽ hơn. Giờ đây, với cuộc chiến ở Ukraine, Putin đang cố gắng tránh những sai lầm trong quá khứ và giữ cho lực lượng tình báo của mình luôn trung thành. Hiện tại, ông cũng đã thành công trong việc làm cho họ mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong cuộc chiến.
Nhưng không rõ liệu điều này có cải thiện khả năng kiểm soát của ông đối với họ hay không. Cho đến nay, Putin vẫn chưa làm gì để giải quyết vấn đề: ông không muốn lặp lại sai lầm của Stalin khi thanh trừng các cơ quan của mình ở quy mô lớn, nhưng ông cũng hiểu rằng, không giống như những năm Xô-viết, khi Đảng Cộng sản kiểm soát KGB, ông không còn nhiều cách để kiềm chế họ. Nếu tình hình cuộc chiến bắt đầu trở nên tồi tệ đối với Nga, quan hệ một chiều này có thể đồng nghĩa là các điệp viên của Putin sẽ không vội cứu ông ta.
Andrei Soldatov là nghiên cứu viên không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, Đồng sáng lập và Tổng Biên tập của Agentura.ru, một trang tin chuyên giám sát các hoạt động của cơ quan mật vụ Nga.
Irina Borogan là nghiên cứu viên không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, Đồng sáng lập và Phó Tổng Biên tập của Agentura.ru.
Cả hai là đồng tác giả của cuốn “The Compatriots: The Russian Exiles Who Fought Against the Kremlin.”