Lần đầu tư giáo dục lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Ngày 22 tháng Sáu năm 1944, khi đã nắm chắc phần thắng trong cuộc chiến tranh chống phát xít, Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt ký “Dự luật Điều chỉnh quân nhân” (Servicemen’s Readjustment Act, thường gọi là G.I. Bill of Rights, thực chất là Luật về quyền lợi của quân nhân giải ngũ), nhằm chuẩn bị giải quyết quyền lợi cho 15 triệu binh sĩ Mỹ sắp giải ngũ khi chiến tranh kết thúc. Nội dung chính của Luật này là do Quân đoàn nước Mỹ (American Legion) dự thảo, sau đó hai viện Quốc hội thông qua Dự luật này vào mùa xuân 1944, khi Thế chiến II còn đang tiếp diễn gay go tại chiến trường Thái Bình Dương.

Theo Luật này, các binh sĩ giải ngũ sau khi đã phục vụ ít nhất 90 ngày trong quân đội đều được lĩnh trợ cấp thất nghiệp và phụ cấp y tế, được vay tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở, và quan trọng nhất là được tài trợ để vào học đại học. Các binh sĩ đi học sẽ được lĩnh mỗi năm 500 USD  để trả học phí và các chi phí liên quan việc học tập. Đây là khoản tiền rất lớn vì đồng dollar ngày ấy có giá trị cao gấp 20 lần bây giờ, thừa sức trang trải mọi chi phí học đại học, kể cả học trường tư có học phí cao gấp mấy lần trường công (nhưng cũng không quá 300 USD). Ngoài ra họ còn được trợ cấp mỗi tháng 50 USD sinh hoạt phí (sau tăng lên 75 USD), nếu đã lập gia đình thì được 75 USD (sau tăng lên 100 USD), đủ sống mức bình thường.

Khi quyết định thông qua Dự luật này, Quốc hội Mỹ đã xét đến kinh nghiệm lịch sử sau Thế chiến I. Hồi ấy, do không giải quyết hợp lý quyền lợi của binh sĩ giải ngũ, để nhiều người không có công ăn việc làm nên đã xảy ra cuộc bạo động đổ máu của những binh sĩ bất mãn xung đột với cảnh sát. Mùa hè năm 1932 tại Washington nổ ra cuộc biểu tình có 43 nghìn người tham gia, gồm 17 nghìn cựu binh của Thế chiến I thất nghiệp do suy thoái kinh tế sau chiến tranh, và người nhà họ, đòi cấp phát tiền trợ cấp. Chính phủ của Tổng thống Herbert Hoover cho cảnh sát đàn áp, bắn chết 2 binh sĩ giải ngũ. Vì vụ đàn áp mất lòng người này mà Hoover thất cử trong cuộc bầu cử năm 1932, Franklin Delano Roosevelt thắng cử.

Nhờ có Dự luật trên mà sau Thế chiến II, tất cả các trường đại học ở Mỹ, kể cả trường tư danh tiếng nhất đều nhận binh sĩ giải ngũ vào học. Ví dụ trường tư thục Stanford nhận 7.000 sinh viên mới, hơn gấp đôi mọi năm, trong đó 4/5 là binh sĩ giải ngũ. Tính đến năm 1947, cả nước Mỹ có 2,2 triệu quân nhân giải ngũ học đại học, chiếm 49% tổng số sinh viên đại học. Phần lớn họ là con em các gia đình nghèo, nay nhờ có trợ cấp của Nhà nước nên mới được học đại học. Đến năm 1956 (năm Dự luật hết hạn), trong số 16 triệu binh sĩ giải ngũ từ Thế chiến II, có 7,8 triệu người đã được dự chương trình giáo dục hoặc dạy nghề.

Tổng cộng Chính phủ Mỹ đã chi 5,5 tỷ USD để tài trợ việc học tập của các binh sĩ giải ngũ, trong đó 2,2 triệu người được học đại học, 3,5 triệu người được học trường dạy nghề; 1,5 triệu người được học tại chức. Kết quả đã đào tạo được 450 nghìn kỹ sư, 240 nghìn kế toán viên, 238 nghìn giáo viên, 91 nghìn cán bộ khoa học, 67 nghìn bác sĩ y khoa, 22 nghìn nha sĩ, 17 nghìn cán bộ văn học và nhiều người học các ngành khác.

Tóm lại, đây là lần đầu tư giáo dục thành công nhất của nước Mỹ. Số người kể trên đã có đóng góp xứng đáng cho đất nước: kinh tế Mỹ sau chiến tranh chẳng những không suy thoái mà còn tăng trưởng. Nền giáo dục đại học nhờ đó có dịp phổ cập tới hàng trăm nghìn con em các gia đình thu nhập thấp. Nước Mỹ xuất hiện cao trào giáo dục, và xuất hiện tầng lớp trung lưu. Dự luật trên còn làm cho quyền bình đẳng nam nữ, bình đẳng màu da được thực hiện với quy mô lớn. Chẳng hạn trong số 350 nghìn nữ binh sĩ Mỹ phục viên có 61 nghìn người được đi học đại học. Sau Thế chiến II, nhờ có Dự luật kể trên, binh sĩ da đen giải ngũ được vào học trường của người da trắng; năm 1947 số sinh viên da đen lên tới 73.174 người. Vì thế Sử gia Mỹ Milton Greenberg nói Dự luật G.I. đã làm thay đổi nước Mỹ.

Ngày nay tuy Nhà nước Mỹ có chủ trương cấp học bổng và tín dụng lãi suất thấp cho các sinh viên nhà nghèo nhưng nhiều gia đình vẫn không đủ khả năng cho con em học đại học, vì học phí ở Mỹ rất cao và thường xuyên tăng. Từ năm 1992, Chính phủ Mỹ đã mở rộng diện cho vay tiền học đại học, cho phép các gia đình thu nhập trung bình cũng được vay. Tháng 2/1997, Tổng thống Clinton đề xuất cần cho nhiều gia đình có con em học đại học, kể cả gia đình có thu nhập loại trung bình.

Ngoài quyền lợi về giáo dục, các binh sĩ giải ngũ còn được hưởng nhiều quyền lợi về đời sống vật chất. Năm 1951, có 2,4 triệu binh sĩ giải ngũ nhận được 13 tỷ USD tín dụng Liên bang nhằm giải quyết nhu cầu mua nhà ở, nông trại, cửa hiệu để khởi nghiệp. Tính đến năm 1956 đã có 5,9 triệu quân nhân giải ngũ được vay tổng cộng 50,1 tỷ USD tín dụng mua nhà.

Luật Điều chỉnh quân nhân sau này còn được áp dụng cho các binh sĩ giải ngũ từ Chiến tranh Triều Tiên (2,3 triệu người) và từ Chiến tranh Việt Nam (hơn 8 triệu người). Đến năm 1980, có 5,5 triệu binh sĩ giải ngũ từ chiến tranh Việt Nam được đi học đại học.

Nguyễn Hải Hoành biên soạn, có tham khảo tài liệu của National Archives Foundation.