Vai trò Chương trình Vay-Thuê của Mỹ trong Thế chiến II

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Chương trình Cho vay-Cho thuê (Lend-Lease Program, sau đây viết là Chương trình Vay-Thuê) nhằm cung cấp vật tư thiết bị quân sự của Mỹ cho các nước Đồng minh trong Thế chiến II là một chủ trương đối ngoại sáng suốt do Chính phủ của Tổng thống F. D. Roosevelt đề xuất và thực hiện, từng góp phần quan trọng giúp phe Dân chủ đánh thắng phe Phát xít, đồng thời nâng cao đáng kể vị thế của nước Mỹ trên chính trường thế giới trong và sau Thế chiến II.

Ý tưởng của Chương trình Vay-Thuê ra đời trong hoàn cảnh rất khó khăn, khi đa số dân Mỹ hồi ấy tán thành quan điểm cho rằng chớ bao giờ để nước mình bị lôi cuốn vào các tranh chấp địa chính trị ở bên ngoài Tây bán cầu. Dưới sức ép của các nghị sĩ theo chủ nghĩa biệt lập được đông đảo cử tri hậu thuẫn, Quốc hội Mỹ đã lần lượt thông qua 3 Đạo luật Trung lập (Neutrality Acts) vào các năm 1935, 1936 và 1937, bất chấp một thực tế là trong thời kỳ đó ngọn lửa chiến tranh ở châu Âu do chủ nghĩa phát xít nhen nhóm đang bốc lên ngày một cao.

Nội dung chính của luật Trung lập là cấm bán vũ khí cho các nước có nội chiến, hoặc cho các nước giao chiến với nhau bất kể là bên xâm lược hay bên bị xâm lược, tuy vậy vẫn cho phép bán các mặt hàng chiến lược (xăng dầu, hoá chất…) với điều kiện bên mua phải tự chuyên chở hàng.

Nhưng xu hướng trung lập của nước Mỹ không tồn tại được lâu. Tháng 9/1939, nước Đức phát xít chiếm Ba Lan, buộc Anh và Pháp phải chống lại Đức, Thế chiến II bùng nổ. Biết trước rằng cuộc chiến này sẽ trực tiếp đe doạ an ninh của nước Mỹ, Tổng thống F.D. Roosevelt đã nhiều lần kiên quyết yêu cầu Quốc hội Mỹ xét lại chính sách trung lập. Kết quả là ngày 3/11/1939, Quốc hội thông qua Luật Trung lập sửa đổi, cho phép nước Mỹ bán vũ khí cho những nước bị Đức bao vây và tấn công.

Mùa hè 1940, Pháp đầu hàng Đức, chỉ còn một mình Anh Quốc đơn độc chống lại nước Đức phát xít đang có ưu thế chiến lược lớn. Tình hình an ninh của nước Anh rất nguy cấp. Tân Thủ tướng Anh Churchill viết thư riêng cho Tổng thống Roosevelt đề nghị được cung cấp 50 tàu khu trục để bảo vệ eo biển Manche (English Channel). Tháng 9/1940, Roosevelt đã nhanh chóng đáp ứng đề nghị đó mà không thông báo trước cho Quốc hội Mỹ biết. Đổi lại, Anh đồng ý cho hải quân Mỹ được quyền sử dụng các căn cứ quân sự của Anh.

Tổng thống Roosevelt đã hết sức cố gắng thuyết phục Quốc hội và dân chúng Mỹ hiểu rằng giúp nước Anh chính là vì lợi ích của nước Mỹ. Ngày 29/12/1940 ông tuyên bố “Chúng ta nhất thiết phải trở thành kho vũ khí lớn của phe Dân chủ. (We must be the great arsenal of democracy).” Một cộng sự của ông là Bộ trưởng Chiến tranh Henry L. Stimson nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện: Chúng ta đang mua … chứ không phải cho vay. Chúng ta đang mua an ninh cho nước Mỹ trong khi chúng ta chuẩn bị chiến tranh. Suốt 6 năm qua, trong khi Đức ráo riết chuẩn bị chiến tranh thì chúng ta đã chậm trễ, giờ đây chúng ta thấy mình chưa chuẩn bị gì và không có vũ khí, phải đối mặt với một kẻ thù tiềm năng được chuẩn bị kỹ và vũ trang đầy đủ.

Ngày 10/01/1941, Tổng thống Roosevelt trình bày trước Quốc hội Chính sách Vay-Thuê (Lend-Lease Policy) nhằm giúp nước Anh đẩy lùi cuộc tấn công nguy hiểm của Phát xít Đức, trong khi nước Mỹ vẫn tôn trọng luật Trung lập sửa đổi. Sau 2 tháng tranh cãi gay gắt, ngày 11/3/1941, Quốc hội thông qua Luật Vay-Thuê (Lend-Lease Act, kèm phụ đề “Luật Nâng cao năng lực quốc phòng nước Mỹ, An Act to Promote the Defense of the United States”) do Tổng thống đưa ra.

Ngày 23/10/1941, Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật Vay-Thuê bổ sung (supplemental Lend-Lease Bill) trị giá 5,98 tỷ USD, trao cho Tổng thống quyền lực gần như vô hạn trong việc viện trợ vật tư chiến tranh cho các nước châu Âu có vai trò quan trọng đối với sự an toàn của nước Mỹ. Dự luật này đã tăng khoản viện trợ hiện có lên gần 13 tỷ USD, nhằm giúp cho việc bảo vệ chính nước Mỹ. Do chủ trương Mỹ nên can thiệp Thế chiến II, Roosevelt đã ủng hộ việc lập Chương trình Vay-Thuê như một cách gián tiếp giúp các nước Đồng minh mà không lôi kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến chưa được đại đa số dân chúng ủng hộ.

Tổng thống Roosevelt nhanh chóng sử dụng quyền hạn của mình theo luật mới, ra lệnh vận chuyển đến Anh một lượng lớn vật tư chiến tranh sản xuất tại Mỹ, từ xe tăng, máy bay, tàu chiến, vũ khí và vật tư xây dựng đường bộ, cho đến quần áo, hóa chất và lương thực thực phẩm.

Sau khi xảy ra vụ tàu chiến đầu tiên của Mỹ — tàu khu trục Reuben James — ngày 31/10/1941 bị tàu ngầm Đức đánh chìm, tư tưởng trung lập đã mất hết chỗ đứng ở Mỹ. Tiếp đó, ngày 7/12/1941 Nhật bất ngờ tập kích Pearl Harbor (Trân Châu Cảng), gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân đội Mỹ. Ngay hôm sau, Mỹ tuyên chiến với cả 3 nước Nhật, Đức, Ý. Các đạo luật Trung lập chính thức bị bãi bỏ.

Thời gian đó, Anh và Liên Xô đang gặp khó khăn trên chiến trường cũng như về sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự và hàng công nghiệp, nông nghiệp. Bởi vậy, tuy rằng đến 08/12/1941 Mỹ mới tuyên chiến với Đức, nhưng ngay trong tháng 10/1940 Mỹ đã viện trợ Anh số vật tư quân sự trị giá hơn 1 tỷ USD. Tiếp đó đến lượt Trung Quốc (từ 4/1941) rồi Liên Xô (từ 9/1941) bắt đầu được hưởng quy chế viện trợ của Mỹ – khi ấy xe tăng Đức đã vào đất Liên Xô và đang tiến về Moskva.

Như vậy, Chương trình Vay-Thuê đã được thực hiện ngay từ trước khi nước Mỹ tham gia Thế chiến II. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng. Viện trợ Mỹ đã lập tức phát huy tác dụng. Lương thực, vũ khí và hàng công nghiệp được chở đến Anh vào lúc nhiều tàu ngầm Đức đang phong toả quần đảo này, làm cho dân Anh thiếu lương thực nghiêm trọng. Xe tăng và máy bay Mỹ cũng được kịp thời chở đến Ai Cập để quân đội Anh sử dụng vào việc tổ chức đợt hành quân thứ hai vào Libya từ ngày 2/11/1941.

Ngay từ trước 9/1941, các nguồn viện trợ khẩn cấp đã được gửi tới Liên Xô theo khoản tín dụng 50 triệu USD do Chính phủ Mỹ ứng trước. Đoàn tàu đầu tiên chở hàng Mỹ cặp cảng Murmansk khi quân Đức đang tiến về phía Moskva. Viện trợ Mỹ đã tiếp nguồn sức mạnh cho người Nga trong giờ phút đen tối nhất. Chính phủ Trung Quốc chống Nhật cũng nhận được hàng viện trợ Mỹ chở theo tuyến đường bộ Miến Điện–Vân Nam, đường kết nối cuối cùng của nước này với phe Đồng Minh.

Tính đến hết chiến tranh, qua Chương trình Vay-Thuê, nước Mỹ đã viện trợ cho hơn 40 nước thuộc phe Đồng Minh một lượng vũ khí và vật tư trị giá 50,1 tỷ USD (tương đương 565 tỷ USD thời giá năm 2018), chiếm 17% tổng chi phí chiến tranh của nước Mỹ thời ấy.

Trong đó Anh Quốc được nhận 31,2 tỷ USD, Liên Xô – 11,3 tỷ, Pháp – 3,2 tỷ, Trung Quốc – 1,6 tỷ, các nước còn lại — 2,6 tỷ USD. Hầu như tất cả các lực lượng chống phát xít trên toàn thế giới, từ Phong trào nước Pháp Tự do của Charles de Gaulle, Chính phủ Ba Lan lưu vong, Hà Lan và Na Uy (hai nước bị Đức chiếm), cho tới Australia, New Zealand, Brazil, Paraguay và Peru…  đều được nước Mỹ viện trợ vật chất.

Trên thực tế, các khoản viện trợ này đều không hoàn lại, trừ một số tàu biển có trả lại nước Mỹ, tuy rằng mới đầu, từ “Lend-Lease” được định nghĩa là cho vay không lấy lãi và việc trả nợ sẽ bắt đầu 5 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Về phần mình, các nước Đồng Minh đã cung cấp cho các đơn vị quân đội Mỹ đóng ở nước ngoài những khoản viện trợ với tổng trị giá 8 tỷ USD.

Dân chúng Mỹ cũng không đòi hỏi các nước Đồng minh phải hoàn trả khoản viện trợ mà Mỹ đã trao cho họ. Họ hiểu rằng không thể so sánh viện trợ vật chất với những hy sinh to lớn về sinh mạng của các lực lượng chống phát xít trên thế giới.

Đối với Tổng thống F.D. Roosevelt, Chương trình Vay-Thuê chủ yếu không xuất phát từ lòng vị tha hay sự hào hiệp, mà chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích của nước Mỹ: bằng cách giúp nước khác đánh bại Đức Quốc xã mà Mỹ chưa cần trực tiếp tham chiến, ít nhất là cho đến khi Nhà nước Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự và dư luận xã hội. Thông qua Chương trình Vay-Thuê, nước Mỹ đã thành công trong việc trở thành “kho vũ khí của nền dân chủ” trong Thế chiến II, nhờ đó khi chiến tranh kết thúc, nước này đã có được vị trí ưu việt trong hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế.

Việc thực hiện Chương trình Vay-Thuê với quy mô cực lớn và thời gian lâu như vậy trong hoàn cảnh khó khăn thời chiến không tránh khỏi xảy ra nhiều trục trặc và do đó bị dư luận chê trách. Ví dụ lương thực và hàng tiêu dùng bị đám quan chức nơi nhận hàng xà xẻo, không đến được nơi cần đến. Mặt khác, lực lượng phát xít đã ra sức phá hoại các tuyến vận chuyển viện trợ của Mỹ. Tàu ngầm Đức đánh chìm khá nhiều tàu chở hàng Mỹ trên Đại Tây Dương. Máy bay Nhật đánh phá ác liệt tuyến vận chuyển đường bộ Miến Điện-Vân Nam. Nhiều binh sĩ và thuỷ thủ, nhân viên Mỹ đã hy sinh trên đường chuyên chở hàng viện trợ tới các nước Đồng Minh.

Hàng viện trợ từ Mỹ chuyên chở tới Liên Xô chủ yếu đi theo 3 tuyến:

– Tuyến Bắc cực, quãng đường ngắn nhất nhưng nguy hiểm nhất vì phải đi qua hải phận của Na Uy đang bị Đức chiếm. Tổng cộng chở được cho Liên Xô 3,964 triệu tấn hàng, tổn thất 7%.

– Tuyến Ba Tư: cự ly dài nhất, chở được 3,16 triệu tấn hàng.

– Tuyến Thái Bình Dương: khai thác từ 8/1941, chỉ được chở bằng tàu Liên Xô (vì Liên Xô tuyên bố trung lập trong chiến tranh Nhật-Mỹ) và chỉ được chở hàng phi quân sự. Tổng cộng đã chở được 8,224 triệu tấn hàng (50% tổng số hàng viện trợ Liên Xô). Theo phân tích của truyền thông Trung Quốc, số liệu này cho thấy Nhật có tác dụng cực kỳ quan trọng giúp Liên Xô tồn tại và chiến thắng Đức phát xít. Vì thế Nhật cho rằng việc Liên Xô ngày 9/8/1945 tuyên chiến với Nhật, tiến quân vào Đông Bắc Trung Quốc và vào đất Nhật, là hành động bội tín.

Liên Xô đánh giá cao việc Mỹ, ngay từ trước khi tuyên chiến với Đức (8/12/1941), đã cung cấp cho Liên Xô các loại vũ khí và trang thiết bị để giúp đánh thắng “cuộc chiến to lớn và khó khăn chống lại kẻ thù chung — chủ nghĩa Hitler khát máu” (lời Stalin nói với Roosevelt). Trong một dạ tiệc tại Hội nghị Teheran (10/1943) Stalin tuyên bố: “Nếu không có trang bị của Mỹ, Phe Đồng Minh không bao giờ có thể chiến thắng trong cuộc chiến”.

Theo trang mạng của Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô, tổng số viện trợ của Mỹ cho Liên Xô trị giá 11,3 tỷ USD, tương đương 180 tỷ USD thời giá hiện nay. Cụ thể Liên Xô đã nhận được từ Mỹ (số liệu quy tròn): 400.000 ô tô các loại, 14.000 máy bay, 8.000 máy kéo, 13.000 xe tăng, 1,5 triệu chiếc chăn, 15 triệu đôi ủng quân đội, 107.000 tấn bông, 2,7 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ, 4,5 triệu tấn lương thực thực phẩm.

Theo tài liệu Trung Quốc, Mỹ còn chuyển giao cho Liên Xô toàn bộ trang bị của một nhà máy chế tạo ô tô hoàn chỉnh (là River Rouge Plant của công ty Ford), và một nhà máy sản xuất săm lốp ô tô hoàn chỉnh.

Tháng 9/1945 Tổng thống Truman tuyên bố chấm dứt Chương trình Vay-Thuê. Sau đó viện trợ Mỹ được chuyển thành Kế hoạch Marshall, nhằm cung cấp kinh phí cho việc khôi phục nền kinh tế của các quốc gia châu Âu thân Mỹ, kể cả những nước trước đây từng là cựu thù, như Đức, Ý…

Tài liệu tham khảo chính: