Thế giới hôm nay: 14/02/2024

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức 3,1% so với cùng kỳ trong tháng 1, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang khó có thể bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 5. Lạm phát cơ bản vẫn giữ nguyên ở mức 3,9% theo năm của tháng 12. Giới kinh tế nhìn chung dự đoán lạm phát sẽ giảm nhanh hơn: một cuộc thăm dò do Bloomberg thực hiện cho thấy lạm phát được dự đoán giảm xuống 2,9% trong tháng 1.

Estonia cảnh báo Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với NATO trong thập niên tới. Cơ quan tình báo nước này cho biết, Nga có ý định tăng gấp đôi số lượng quân đồn trú dọc biên giới với Phần Lan, Estonia và Latvia. Trong khi đó, có thông tin nổi lên là bộ nội vụ Nga đang tiến tới cáo buộc hình sự đối với Kaja Kallas, thủ tướng Estonia, sau khi bà thúc đẩy việc dỡ bỏ các tượng đài thời Xô Viết.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật phân bổ 95 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel, cùng với viện trợ nhân đạo cho Gaza. Dự luật hiện đang được chuyển đến Hạ viện, nơi nó sẽ vấp phải phản đối mạnh mẽ từ đảng Cộng hòa. Tổng thống Joe Biden kêu gọi Hạ viện “chống lại những tên bạo chúa đang tìm cách chinh phục hoặc chia cắt lãnh thổ của các nước láng giềng của họ.”

Pakistan tiến tới thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử tuần trước. Theo một người phát ngôn, Nawaz Sharif, lãnh đạo của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N, đã đề cử Shehbaz Sharif, anh trai ông và là cựu thủ tướng, cho vị trí thủ tướng. Trước đó Đảng Nhân dân Pakistan cho biết họ sẽ ủng hộ ứng viên Liên đoàn. Trong khi đó Imran Khan, cựu thủ tướng đang bị bỏ tù, từ chối tham gia bất kỳ liên minh nào với các đối thủ.

Bốn binh sĩ Armenia đã bị lực lượng Azerbaijan giết chết. Giao tranh nổ ra ở tỉnh biên giới Syunik của Armenia, vốn bị quân đội Azerbaijan chiếm đóng một phần kể từ năm 2022. Đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa hai nước kể từ khi Azerbaijan chiếm được Nagorno-Karabakh, một khu vực đa số người Armenia, hồi tháng 9 năm ngoái, làm dấy lên lo ngại về các cuộc xâm nhập tiếp theo vào lãnh thổ Armenia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố hàng trăm người bán sách dọc sông Seine ở Paris có thể ở lại trong Olympics mùa hè năm nay. Cảnh sát địa phương ban đầu dự định loại bỏ hầu hết những người bán sách trước lễ khai mạc vào ngày 26 tháng 7 do lo ngại về an ninh. Hàng rong là một điểm nhấn quen thuộc ở thủ đô nước Pháp trong hơn hai thế kỷ qua.

Con số trong ngày: 52%, là tỷ lệ người Mỹ coi San Francisco là nơi an toàn để sinh sống, theo thăm dò của Gallup vào năm 2023.

TIÊU ĐIỂM

Giai đoạn hậu bầu cử đầy phức tạp ở Pakistan

Các cuộc đàm phán thành lập liên minh chính phủ đang được tiến hành ở Pakistan sau kết quả bầu cử gây sốc vào tuần trước. Các ứng viên được hậu thuẫn bởi Pakistan Tehreek-e-Insaf — đảng của Imran Khan, cựu thủ tướng bị cấm tham gia quốc hội và đang ngồi tù — đã giành được nhiều ghế nhất. Nhưng sự hồi sinh của Phong trào Dân chủ Pakistan, vốn đã lãnh đạo quốc hội cho đến tháng 8, là điều có thể xảy ra. Được lãnh đạo bởi Liên đoàn Hồi giáo Pakistan, một đảng trung hữu thân quân đội, nó sẽ có Đảng Nhân dân Pakistan (đảng thống trị tỉnh Sindh) cùng với một số đảng khu vực khác. Quốc hội sẽ phải triệu tập trước ngày 29 tháng 2 và bầu thủ tướng ngay sau đó.

Chính quyền buộc các ứng cử viên của đảng ông Khan phải tranh cử với tư cách độc lập; và một số đã gia nhập đảng khác. Ông Khan cảnh báo các đối thủ của ông không nên “thành lập chính phủ bằng số phiếu gian lận.” Sự chậm trễ trong việc công bố kết quả bầu cử đã gây ra biểu tình, mặc dù ủy ban bầu cử nhấn mạnh “sự chính xác chứ không phải tốc độ” mới là điều quan trọng. Song những người phản đối cho rằng uỷ ban còn có động cơ khác.

Hôm nay Indonesia bầu tổng thống

Hơn 200 triệu người Indonesia sẽ đi bỏ phiếu vào thứ Tư để bầu tổng thống mới. Trong cuộc bầu cử một ngày lớn nhất thế giới — được tổ chức tại quốc gia đông dân thứ tư — họ cũng sẽ bầu ra hơn 20.000 nhà lập pháp địa phương và quốc gia.

Prabowo Subianto, một cựu tướng gây nhiều tranh cãi, là ứng viên dẫn đầu. Gibran Rakabuming, ứng viên phó tổng thống của ông, là con trai của đương kim tổng thống Joko Widodo (được biết đến với biệt danh “Jokowi”), người sẽ từ chức sau hai nhiệm kỳ. Nhiều người Indonesia bỏ phiếu cho ông Prabowo vì họ cho rằng ông sẽ tiếp tục các chính sách của Jokowi, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng nhằm kết nối 17.000 hòn đảo của đất nước.

Nhưng Jokowi phải đối mặt với các cáo buộc can thiệp bầu cử. Đối thủ của ông Prabowo, Anies Baswedan và Ganjar Pranowo, đều là cựu thống đốc, cáo buộc các cơ quan nhà nước đã tùy tiện hủy bỏ mít tinh của họ và đe dọa những người chỉ trích Jokowi. “Dirty Vote,” một bộ phim tài liệu phát hành trên YouTube ghi lại những chiêu trò phản dân chủ của Jokowi, đang lan truyền trên mạng kể từ khi được công bố vào cuối tuần. Tuy vậy, bấy nhiêu là không đủ để cản trở con đường trở thành tổng thống của Prabowo.

IEA chủ trương xanh hoá năng lượng

Các bộ trưởng năng lượng sẽ tề tựu về Paris trong tuần này để dự cuộc họp mặt thường niên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Được thành lập cách đây 50 năm để đảm bảo an ninh nguồn cung dầu cho các nhà nhập khẩu năng lượng, cơ quan này gần đây tỏ ra lạc quan về tốc độ phi carbon hoá của thế giới. Giám đốc Fatih Birol đã xung đột với các nhà sản xuất dầu lớn về thời điểm dầu mỏ sẽ đạt đỉnh (mà ông cho là sẽ sớm xảy ra). Ông từng nói họ sẽ suy tàn trừ khi đầu tư vào năng lượng xanh.

Báo cáo mới nhất của IEA cho thấy công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đã tăng gần 50% trong năm 2023, tốc độ nhanh nhất trong hai thập niên qua, nhờ tăng trưởng tốt ở châu Âu, Mỹ, Brazil và đặc biệt là Trung Quốc. Tuy vậy, họ cũng cảnh báo là với mức tăng năng lượng tái tạo như hiện nay, công suất sẽ chỉ tăng 2,5 lần cho tới năm 2030. Con số này thấp hơn so với mục tiêu tăng gấp ba đặt ra tại COP28, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm ngoái. IEA cho rằng các chính phủ phải mạnh tay hơn nữa.

Khi nào thì lạm phát của Argentina mới quay đầu?

Cơ quan thống kê Argentina sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 1 vào thứ Tư, lần công bố thứ ba kể từ khi Javier Milei nhậm chức vào ngày 10 tháng 12. Trong tháng đó, lạm phát đã tăng vọt lên mức 211% theo năm, còn lãi suất hàng tháng tăng từ 13% trong tháng 11 lên 25,5%. Thủ phạm chính là “liệu pháp sốc” của tân tổng thống, bao gồm việc phá giá đồng peso và giảm trợ cấp cho năng lượng và giao thông.

Đây là những động thái ban đầu của ông Milei nhằm giải quyết thâm hụt tài khoá xấp xỉ 5,5% GDP. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy người dân Argentina ủng hộ ông. Tuy nhiên, nếu lạm phát vẫn tiếp tục, sự ủng hộ của họ có thể suy yếu. Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 18% trong tháng này, nhưng OECD vẫn dự báo lạm phát hàng năm của Argentina đạt 250% vào năm 2024. Việc thông qua các cải cách triệt để của ông Milei sẽ chỉ trở nên khó khăn hơn. Sau cuộc tổng đình công vào tháng 1, Quốc hội đã bác bỏ “dự luật tổng hợp” của ông vào tuần trước, trong đó vạch ra kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và những cải cách tài chính đầy tham vọng.