Nguồn: Lee Sang-yong, “What’s Driving Kim Jong Un’s New Regional Development Policy?,” The Diplomat, 13/02/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Kế hoạch mới thừa nhận sự chênh lệch nghiêm trọng về điều kiện sống giữa Bình Nhưỡng và phần còn lại của đất nước – cũng như sự bất mãn mà chênh lệch đó gây ra.
Lãnh đạo Triều Tiên gần đây đã công bố chính sách phát triển kinh tế địa phương mới mang tên “chính sách phát triển địa phương 20×10,” với kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất tại 20 thành phố và quận mỗi năm, trong vòng 10 năm tới. Chính sách này có thể được coi là việc chính thức thừa nhận sự chênh lệch nghiêm trọng về điều kiện sống giữa Bình Nhưỡng, được gọi là “thủ đô của cách mạng,” và phần còn lại của đất nước, cũng như việc thực tế này đang gây ra bất mãn lớn đến mức nào trong người dân Triều Tiên.
Đáng ngạc nhiên là lời thừa nhận lại được thốt ra từ miệng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong bài phát biểu trước Hội đồng Nhân dân Tối cao vào ngày 15/01. Kim cũng có hành động khác thường khi đặt ra cho chương trình thời hạn dài 10 năm, như để cho thấy rằng mục tiêu của nó không thể đạt được trong thời gian ngắn. Vậy động cơ thực sự của chế độ Kim là gì?
Một kế hoạch để thu phục công chúng?
Đầu tiên, rõ ràng là chế độ Kim không còn có thể bỏ qua mức độ ủng hộ ngày càng giảm của công chúng ở các khu vực bên ngoài Bình Nhưỡng, thường được gọi là “các tỉnh.” Tại Bình Nhưỡng, chế độ đã ghi điểm với công chúng kể từ năm 2021 với các dự án nhà ở ở các quận Songsin, Songhwa, và Hwasong, cũng như một dự án nhà liền kề bên bờ sông Potong. Tuy nhiên, các tỉnh lại phải gánh chi phí cho các dự án xây dựng ở Bình Nhưỡng, khiến nhiều người sống bên ngoài thủ đô cảm thấy như thể mình bị bóc lột tài chính.
Hơn nữa, các ngành công nghiệp và thị trường cấp tỉnh đã bị tàn phá do việc đóng cửa biên giới quốc gia trong thời kỳ đại dịch, và hy vọng về đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tiêu tan khi quyết tâm tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trở thành một phần chính thức trong chính sách của chính phủ. Sự bất mãn với chế độ ngày càng tăng và nhiều người đã dự đoán một tương lai ảm đạm.
Trong bối cảnh đó, Kim cần tìm cách để lấy lại sự ủng hộ của người dân. Vấn đề là kế hoạch của ông chẳng khác gì một khẩu hiệu khác nhằm ổn định chế độ bằng cách một lần nữa đổ lỗi cho các quan chức chính phủ. Chẳng hạn, vào tháng 8 năm ngoái, Kim đã công khai khiển trách Thủ tướng Kim Tok Hun vì “phá vỡ kỷ luật nghiêm trọng” khi đi thị sát ở tỉnh Bắc Pyongan. Sau đó, trên tờ Rodong Sinmun (Lao động Tân Văn), Kim Jong Un liên tục gọi các quan chức là bất tài và cáo buộc họ cản trở sự phát triển của các dự án mang tính cách mạng. Bằng cách này, ông đã thể hiện sự sẵn sàng đổ lỗi cho thủ tướng và các quan chức khác về những khó khăn kinh tế của Triều Tiên.
Thứ hai, Kim Jong Un dường như lại cố gắng khai thác những ký ức đẹp đẽ của người dân Triều Tiên về ông nội ông, Kim Il Sung (Kim Nhật Thành). Người dân Triều Tiên thường nhớ đến Kim Il Sung như một nhà lãnh đạo đã làm việc không mệt mỏi để cải thiện đời sống các tỉnh. Theo nội dung tuyên truyền của Triều Tiên, Kim Il Sung đã ủng hộ sự phát triển bình đẳng giữa các địa phương trong cuộc họp của các quan chức kinh tế và quan chức cấp tỉnh ở huyện Changsong, tỉnh Bắc Pyongan, vào năm 1962. Trên thực tế, Kim Jong Un đã chính thức cam kết tiếp tục chính sách phát triển kinh tế địa phương mà ông nội của ông chưa bao giờ hoàn thành. Điều này trở thành một nỗ lực sử dụng “chính trị kế thừa” để củng cố hơn nữa vị thế của ông.
Kim Jong Un cũng sử dụng cả biện pháp phô trương khi tổ chức các cuộc họp tại Núi Myohyang, một địa điểm mang tính biểu tượng gắn liền với ông nội ông. Kim Il Sung thường triệu tập các quan chức kinh tế đến biệt thự Myohyang của mình để gây áp lực buộc họ phải tìm cách cứu nền kinh tế khỏi khủng hoảng nghiêm trọng. Do đó, người Triều Tiên có xu hướng liên tưởng ngọn núi này với Kim Il Sung. Đây có thể là mục tiêu của Kim Jong Un, nhằm chứng tỏ rằng mình có thể mẫn cán như ông nội.
Kể từ khi lên nắm quyền, Kim Jong Un đã dành phần lớn thời gian rảnh rỗi ở tỉnh Chagang, nơi có rất nhiều hầm ngầm, và ở Wonsan, tỉnh Kangwon, nơi được nhiều người biết đến là quê hương của ông. Nhưng sau 10 năm cầm quyền, có tin đồn rằng Kim đã hoàn thành việc xây dựng lại và hiện đại hóa dinh thự của mình cũng như các nhà nghỉ khác trên Núi Myohyang. Chắc hẳn ông đã đưa những cố vấn thân cận của mình đến biệt thự sau khi việc cải tạo hoàn tất.
Thứ ba, Kim Jong Un đã cố gắng xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo dễ tính và trung thực. Nhà lãnh đạo Triều Tiên từng phàn nàn rằng người dân ở các tỉnh không nhận được những nhu cầu thiết yếu cơ bản của cuộc sống, thậm chí ông còn cho phép những phản ánh này được báo cáo đầy đủ. Rõ ràng, ông muốn công chúng Triều Tiên thấy rằng ông nhận thức được tình hình của họ, đồng thời thể hiện hình ảnh của một nhà lãnh đạo đã nỗ lực giải quyết những vấn đề này suốt thập niên vừa qua.
Đặc biệt, Kim Jong Un đã thành lập Ủy ban Trung ương Không thường trực nhằm Thúc đẩy Chính sách Phát triển Khu vực 20×10 để phụ trách các tỉnh thuộc Ban Tổ chức và Chỉ đạo của Đảng Lao động Triều Tiên. Ông cũng giao cho phụ tá đáng tin cậy nhất của mình, Jo Yong Won, bí thư phụ trách công tác tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách cơ quan mới, nhấn mạnh rằng chính sách này không chỉ là hình thức mà nhằm mục đích tạo ra kết quả. Nói cách khác, Kim đang nói rõ rằng ông dự định phát triển kinh tế địa phương sẽ là thành tựu nổi bật của mình trong thập niên tới.
Thách thức phía trước
Kim Jong Un dường như rất ghét bị xem là lãnh đạo của một nước nghèo. Ngay khi lên nắm quyền, ông đã tập trung xây dựng khu trượt tuyết Masikryong ở tỉnh Kangwon, đồng thời cử binh lính và thanh niên đi xây dựng vùng núi và nông thôn. Sau dự án nhà ở tại các thị trấn nông thôn như Samjiyon ở tỉnh Yanggang, Kim đã nhấn mạnh rằng các khu vực khác phải làm theo bằng cách xây thêm nhà cho người dân nông thôn. Đáng chú ý, chín tháng sau Đại hội lần thứ 8 của Đảng Lao động Triều Tiên, nước này đã ban hành Đạo luật Phát triển Thành phố và Quận huyện, cung cấp hỗ trợ thể chế cho sự phát triển của các tỉnh.
Dù “chính sách phát triển địa phương 20×10” của Kim giống như sự mở rộng của các chính sách trước đó, câu hỏi liệu nó có thành công hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Một thiếu sót rõ ràng của chính sách này là nó dựa trên tự cung tự cấp. Số tiền viện trợ từ chính phủ trung ương sẽ được công bố trong nửa đầu năm nay, nhưng Kim có thể sẽ chần chừ giải ngân tiền từ các quỹ dưới sự kiểm soát trực tiếp của mình.
Một biến số khác là các loại “gánh nặng phi thuế” khác nhau có thể sẽ được áp lên người dân Triều Tiên trong quá trình thực thi chính sách. Các biện pháp như vậy hiện đang được các cơ quan liên quan chuẩn bị, và chính quyền dự kiến sẽ yêu cầu thêm tiền hoặc hàng hóa từ các địa phương, ở mức cố định hoặc phù hợp với hoàn cảnh của họ. Kết quả nhiều khả năng sẽ là một tình huống vô lý, trong đó một chính sách được thiết kế để lấy lòng người dân lại được thực hiện bằng cách móc túi họ. Theo quan điểm của Kim, khả năng xảy ra biến động lớn hơn trong tâm lý công chúng là một vấn đề đáng lo ngại khác.
Còn một vấn đề gai góc khác là khả năng Kim sẽ mất đi sự ủng hộ của những phần tử trung thành ở Triều Tiên. Giới tinh hoa ở Bình Nhưỡng đã được tận hưởng cuộc sống xa hoa nhờ sự hy sinh của những người dân các tỉnh. Nếu Triều Tiên bắt đầu đầu tư nguồn lực hạn chế của mình vào các tỉnh, giới tinh hoa có thể nhanh chóng trở nên ít trung thành hơn với chế độ. Họ có thể bắt đầu cảm thấy đang bị các chính sách của chế độ đánh lừa. Cuối cùng, nước cờ phát triển kinh tế địa phương táo bạo của Kim có thể sẽ trở thành thử thách cho sự lãnh đạo của ông.
Lee Sang-yong là giám đốc nghiên cứu và phân tích của Daily NK. Bài viết được David Carruth dịch sang tiếng Anh và được Robert Lauler biên tập.