Thế giới hôm nay: 12/03/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Israel tiếp tục tấn công Gaza khi tháng chay Ramadan bắt đầu. Hôm thứ Bảy Lực lượng Phòng vệ Israel được cho là đã tấn công nơi Marwan Issa – lãnh đạo Lữ đoàn Qassam, cánh vũ trang của Hamas – có thể đã ẩn náu và đang cố gắng xác nhận xem ông ta có bị giết hay chưa. Trong khi đó, chuyến khởi hành của con tàu chở hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên từ Síp đến Gaza đã bị trì hoãn.

Tổng thống Joe Biden đề xuất ngân sách 7,3 nghìn tỷ USD cho năm tài khoá sắp tới. Kế hoạch của ông đề xuất giảm chi phí dịch vụ giữ trẻ và nhà ở, cùng nhiều thứ khác. Các đề xuất sẽ được tài trợ bằng cách tăng thuế đối với các tập đoàn và người giàu. Nhưng kế hoạch của ông Biden nhiều khả năng sẽ không qua được Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Kỳ họp thường niên của Nhân Đại Trung Quốc đã kết thúc. Các đại biểu nhất trí về các chính sách mới, gồm các chính sách kinh tế. Chúng sẽ không có tác dụng xoa dịu các nhà đầu tư hoặc người dân, nhất là khi mục tiêu mới đặt ra là tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2024 sẽ không dễ dàng đạt được. Bất chấp điều đó, chủ tịch Tập Cận Bình đã sử dụng sự kiện này để thể hiện quyền lực tuyệt đối của mình.

Sau chuyến thăm Mar-a-Lago vào tuần trước, Viktor Orban, thủ tướng chuyên quyền của Hungary, nói với truyền thông nhà nước Hungary rằng, với tư cách là tổng thống, Donald Trump sẽ “không đưa một xu nào” để hỗ trợ Ukraine và “do đó chiến tranh sẽ kết thúc.” Những người phe ông Trump trong đảng Cộng hòa đang ngày càng phản đối việc tài trợ cho Ukraine, cũng như ông Orban, người cho đến tháng trước vẫn cản trở các nỗ lực gửi thêm viện trợ của châu Âu.

Giá bitcoin vượt 71.000 USD, mức cao nhất mọi thời đại. Tiền điện tử này đã tăng giá trong 5 ngày liên tiếp và tăng hơn 60% kể từ đầu năm, nhờ làn sóng vốn chảy vào các quỹ ETF bitcoin mới được phê duyệt. Các cơ quan quản lý của Anh cho biết hôm thứ Hai là họ sẽ cho phép tạo ra các chứng khoán tương tự liên quan đến tiền điện tử.

Ấn Độ đã thực thi Đạo luật Sửa đổi Quyền Công dân, một đạo luật gây tranh cãi được thông qua lần đầu vào năm 2019, vài tuần trước cuộc tổng tuyển cử. Nó cho phép người nhập cư từ ba quốc gia — Afghanistan, Bangladesh và Pakistan — được tiếp cận quyền công dân nhanh hơn. Nhưng mặc dù chấp nhận tín đồ của sáu tôn giáo từ các quốc gia đó, đạo luật không chấp nhận người Hồi giáo. Điều này thách thức chủ nghĩa thế tục được ghi trong hiến pháp Ấn Độ và thúc đẩy các ưu tiên theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của chính phủ.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh đã bổ sung các bản ghi vinyl vào giỏ lạm phát, nhằm phản ánh thói quen chi tiêu của người tiêu dùng. Các đĩa nhạc bị đưa ra khỏi giỏ từ năm 1992 nhưng trở nên phổ biến hơn ở Anh trong những năm gần đây. Các bổ sung khác bao gồm nồi chiên không dầu và hạt hướng dương ăn được. Thuốc khử trùng tay và gà quay nóng bị bỏ ra.

Con số trong ngày: 13.000 USD, là khoản phí của Celestis Memorial Spaceflights, một công ty có trụ sở tại Houston, để gửi tro hỏa táng lên Mặt Trăng.

TIÊU ĐIỂM

IAEA khảo sát tiến trình Nhật xả nước phóng xạ đã qua xử lý

Từ tháng 8, công ty điện lực TEPCO của Nhật Bản đã bắt đầu xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương. Vụ tan chảy thảm khốc của nhà máy vào năm 2011 để lại một bóng đen rất lớn: dù nước thải đã qua xử lý hiện nay hầu như không có phóng xạ, quyết định này vẫn không được nhiều người ủng hộ.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn kế hoạch này từ mùa hè. Vào thứ ba, tổng giám đốc Rafael Grossi sẽ đến thăm Nhật Bản một lần nữa để khảo sát. Sau chuyến thăm ba ngày, ông có thể sẽ trấn an các quan chức chính phủ và người dân địa phương rằng không có thiệt hại nào về môi trường. Tuần trước, các chuyên gia IAEA báo cáo rằng mức độ phóng xạ trong nước vẫn “thấp hơn nhiều so với giới hạn hoạt động.”

Tuy vậy, thách thức thực sự là việc ngừng hoạt động nhà máy điện, nơi vẫn còn chứa khoảng 880 tấn mảnh vụn nhiên liệu phóng xạ trong các lò phản ứng đã bị tê liệt. Hồi tháng 1, TEPCO đã lần thứ ba liên tiếp trì hoãn kế hoạch dọn dẹp — dự kiến bắt đầu vào năm 2021. Nhiều người lo ngại lời hứa hoàn thành vào năm 2051 giờ đây có vẻ xa vời.

Lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ

Các số liệu tiêu đề có thể trông đáng lo ngại. Dữ liệu công bố vào thứ Ba dự kiến cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 2 đã tăng 0,4% so với tháng trước đó, cao hơn so với mức tăng của tháng 1. Giá xăng tăng đều đặn có lẽ là nguyên nhân chính. Nhưng điều thực sự quan trọng là động lực lạm phát cơ bản, thể hiện qua dữ liệu lạm phát không tính giá năng lượng và thực phẩm. Những con số này được dự báo tăng khoảng 0,3% so với tháng trước, giảm nhẹ so với tháng 1.

Bản thân việc lạm phát giảm nhẹ không tác động mấy đến thị trường. Nhưng nó có thể củng cố niềm tin của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Tuần trước Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cho biết ông “không còn cách xa” sự tự tin cắt giảm lãi suất. Một báo cáo lạm phát tích cực sẽ đưa ông đến gần hơn một chút với quyết định đó.

Lãnh đạo Ba Lan thăm Mỹ

Ba Lan gia nhập NATO cách đây một phần tư thế kỷ. Tư cách thành viên đó giờ đây dường như quan trọng hơn bao giờ hết. Người Ba Lan kinh hoàng theo dõi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO, vào năm 2022. Trong một cuộc thăm dò gần đây, gần một nửa số người được hỏi cho biết họ dự đoán Nga sẽ tấn công nước họ trong vài năm tới.

Năm ngoái Ba Lan đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 4% GDP – gấp đôi mục tiêu của các thành viên NATO. Tổng thống Joe Biden có thể sẽ ca ngợi cam kết đó khi ông tiếp đón Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda, và Thủ tướng mới của nước này, Donald Tusk, tại Nhà Trắng vào thứ Ba. Lời mời chung mang tính biểu tượng: cả hai lãnh đạo đến từ hai đảng đối lập gay gắt ở Ba Lan. Ông Duda nói điều này cho thấy sức mạnh của mối quan hệ Ba Lan-Mỹ “bất kể ai nắm quyền ở cả hai nước.”

Nhưng một số đảng viên Cộng hòa đang dao động về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh Đông Âu. Người Ba Lan hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Argentina và liệu pháp sốc của Tổng thống Milei

Hồi tháng 1, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Argentina lên tới mức đáng kinh ngạc là 254,2%, cao nhất kể từ năm 1991. Tuy vậy, nước này cũng ghi nhận thặng dư ngân sách lần đầu tiên sau gần 12 năm. Đối với một số người, phần thứ hai là đủ bằng chứng cho thấy việc theo đuổi cân bằng tài chính của Tổng thống Javier Milei – bao gồm việc phá giá 54% đồng peso và chấm dứt trợ cấp năng lượng và vận tải – đang dần phát huy tác dụng. Nhưng đối với những người khác, viên thuốc kinh tế là quá đắng không thể nuốt được.

Họ sẽ biết phải tiếp tục dùng thuốc của ông Milei trong bao lâu vào thứ Ba, khi dữ liệu lạm phát cho tháng 2 được công bố. Tổng thống dự đoán tỷ lệ theo tháng 15%, giảm từ 20,6% của tháng 1. Nhưng con số đó vẫn rất cao. Và ông Milei thừa nhận “sẽ phải mất một thời gian” trước khi đất nước cảm nhận được lợi ích từ những cải cách của ông. Nhưng với 57,4% người Argentina hiện sống dưới mức nghèo khổ – cao nhất trong hai thập niên – nhiều người không cảm thấy họ có thể chờ đợi.