Logic tàn bạo đằng sau hành động của Israel ở Gaza

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Raphael S. Cohen, “The Brutal Logic to Israel’s Actions in Gaza,” Foreign Policy, 29/02/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Đường lối bị nhiều chỉ trích của chính quyền Biden đã cho thấy việc thiếu một chiến lược thay thế rõ ràng.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas, chính quyền Biden đã cố gắng áp dụng một chính sách cân bằng mong manh: ủng hộ cuộc chiến của Israel chống lại Hamas ở Gaza, đồng thời yêu cầu Israel giảm bớt thiệt hại nhân đạo trong các chiến dịch của họ và xem xét một cách nghiêm túc những bất bình chính trị chính đáng của người Palestine. Nhìn chung, nỗ lực triển khai chính sách này chỉ gây thất vọng – và ngày càng khiến Mỹ bị cô lập. Giờ đây, ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng đang kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” nhằm chấm dứt các chiến dịch của Israel ở Gaza. Trong nước, Nhà Trắng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội cũng như từ các cơ sở của Đảng Dân chủ, yêu cầu thay đổi chiến thuật hiện tại trong việc đối phó với Israel.

Thế nhưng, điều mà chính quyền Biden hiểu – và điều mà nhiều nhà phê bình Israel bỏ lỡ – là cộng đồng quốc tế không thể đưa ra giải pháp cho cuộc chiến Israel-Hamas chỉ bằng cách ra lệnh. Nếu cộng đồng quốc tế muốn Israel thay đổi chiến lược ở Gaza, thì trước tiên họ phải đưa ra một chiến lược thay thế khả thi cho mục tiêu đã công bố của Israel là tiêu diệt Hamas ở dải đất này. Hiện tại thì chiến lược thay thế đó đơn giản là không tồn tại.

Hành động của Israel ở Gaza tuân theo một logic tàn bạo. Theo ước tính của chính Israel, họ đã tiêu diệt 3/4 số tiểu đoàn của Hamas, giết chết 2 trong số 5 chỉ huy lữ đoàn, 19 trong số 24 chỉ huy tiểu đoàn, hơn 50 trung đội trưởng, và 12.000 trong số 30.000 lính bộ binh của Hamas. Con số ước tính của tình báo Mỹ là thấp hơn, nhưng không nhiều: khoảng 20 đến 30% chiến binh của Hamas và 20 đến 40% đường hầm của tổ chức này đã bị phá hủy tính đến giữa tháng 1. Cũng cần nhớ rằng Hamas được cơ cấu giống một quân đội thông thường hơn là một nhóm khủng bố thuần túy. Theo quy ước, các lực lượng thông thường bị đánh giá là không hiệu quả trong chiến đấu nếu họ mất hơn 30% sức mạnh và sẽ bị tiêu diệt khi mất 50%.

Ngay cả khi Israel không tiêu diệt hoàn toàn Hamas mà chỉ thành công trong việc tước bỏ quyền lực của tổ chức này và buộc họ phải hoạt động ngầm, thì theo quan điểm của Israel, đó vẫn là một chiến thắng – bởi nó vẫn đủ để ngăn Hamas tiến hành thêm một cuộc tấn công với 3.000 lính giống như cuộc tấn công mà Israel đã chứng kiến vào ngày 7/10. Cuối cùng, cần nhớ rằng Mỹ đã phải mất vài năm mới đánh bại được Nhà nước Hồi giáo. Nhưng chỉ mới năm tháng trôi qua kể từ khi Israel tham gia vào cuộc chiến mà các nhà lãnh đạo nước này hứa hẹn sẽ là một cuộc chiến rất dài.

Chắc chắn có những hạn chế nghiêm trọng trong cách tiếp cận của Israel. Cuộc chiến này sẽ khuyến khích quá trình cực đoan hóa lâu dài của người dân Palestine, làm tổn hại đến mối quan hệ của Israel với các nước láng giềng Ả Rập, và làm hoen ố nghiêm trọng danh tiếng toàn cầu của Israel. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này đều mang tính lâu dài, trong khi các quốc gia và nền chính trị thường chỉ sống cho hiện tại.

Đồng thời, những người chỉ trích Israel đã thất bại – và tiếp tục thất bại – trong việc đưa ra một giải pháp thay thế rõ ràng. Thay vào đó, thường xuyên có những đề cập mơ hồ về sự cần thiết của một số “giải pháp chính trị” không xác định cho cuộc xung đột. Giả sử “giải pháp chính trị” này được diễn đạt rõ ràng, thì nó sẽ xoay quanh việc sử dụng mối đe dọa cô lập ngoại giao cùng với các mối đe dọa kinh tế để buộc Israel phải đồng ý “ngừng bắn ngay lập tức.” Đổi lại, lệnh ngừng bắn đó sẽ mở đường cho một giải pháp chính trị lâu dài, có thể xoay quanh giải pháp hai nhà nước. Vậy là vấn đề đã được giải quyết. Phải vậy không?

Đầu tiên, áp lực và lệnh trừng phạt quốc tế sẽ không thể buộc Israel phải thỏa hiệp. Người Israel từ các cấp lãnh đạo trở xuống đều nhận thức sâu sắc rằng đất nước của họ được sinh ra từ đống tro tàn của Holocaust, như một nơi trú ẩn an toàn cho người Do Thái sau hàng thiên niên kỷ bị đàn áp. Đất nước Israel sau đó đã trải qua một phần tư thế kỷ đầu tiên để chiến đấu vì sự tồn tại của mình. Ý tưởng cho rằng thế giới liên kết chống lại Israel đã ăn sâu vào DNA tập thể của người dân nước này, và những khẩu hiệu theo kiểu “từ sông đến biển,” cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái trên toàn cầu, sẽ chỉ đảm bảo rằng những nỗi sợ hãi đó tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.

Áp lực kinh tế – chẳng hạn như trừng phạt người định cư hoặc hạn chế viện trợ quân sự – cũng nhiều khả năng sẽ vô dụng. Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt thường không hiệu quả trong việc buộc các quốc gia từ bỏ lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi. Và sau vụ tấn công ngày 7/10, nếu không vì lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi, thì cuộc chiến này chẳng có ý nghĩa gì đối với Israel. Dù áp lực có thể có tác dụng trong giai đoạn đầu, nhưng một giải pháp chính trị bền vững đòi hỏi người Israel phải tự nguyện đồng ý.

Nhưng vì mục đích tranh luận, hãy cho rằng Israel sẽ chịu nhượng bộ trước áp lực từ bên ngoài và đồng ý ngừng bắn ngay lập tức. Vậy thì những ngày tiếp theo sẽ ra sao? Hamas – như Israel và Hamas đều thừa nhận – sẽ vẫn còn một lực lượng quân sự đáng kể, lên tới hàng nghìn người. Israel khi đó phải chấp nhận một thỏa thuận bất lợi khác để giải thoát những con tin còn lại. Hồi đầu tháng 2, Hamas muốn 1.500 tù nhân được trả tự do khỏi các nhà tù của Israel, trong đó có ít nhất 500 người đang thụ án chung thân vì tội giết người và các tội danh khác, để đổi lấy nhóm con tin Israel.

Con số tù nhân được thả ra sẽ sớm tăng lên, và điều không thể tránh khỏi là một vài kẻ trong số được thả ra sẽ khá nguy hiểm. Suy cho cùng, Yahya Sinwar – người đứng đầu Hamas ở Gaza và bị cáo buộc là kẻ chủ mưu vụ tấn công ngày 7/10 – đã được trả tự do khỏi một nhà tù của Israel, nơi ông ta đang thụ án chung thân vì tội giết người, trong vụ đổi 1.027 tù nhân Palestine để lấy một người lính Israel bị bắt, Gilad Shalit, vào năm 2011. Những diễn biến gần đây trong lịch sử đều không phải điềm lành cho hòa bình lâu dài.

Rất có thể Israel sẽ đáp lại lệnh ngừng bắn bằng cách thắt chặt phong tỏa Gaza, viện dẫn sự tồn tại của Hamas như một lý do để làm như vậy. Cụ thể hơn, Israel có thể sẽ đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt về số lượng và chủng loại vật liệu xây dựng được phép đưa vào Dải Gaza. Suy cho cùng, Hamas đã vận chuyển khoảng 1.800 tấn thép và 6.000 tấn bê tông đến để xây dựng mạng lưới đường hầm của mình và Israel không muốn thấy chúng được xây dựng lại. Hậu quả sẽ là việc tái thiết vốn rất cấp bách sẽ bị trì hoãn, hoặc thậm chí bị đình trệ.

Giao tranh cũng sẽ không dừng lại. Lo sợ rằng Hamas sẽ thực hiện đúng lời hứa lặp lại cuộc tấn công ngày 7/10 “hết lần này đến lần khác,” Israel sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công phủ đầu vào Gaza và Bờ Tây, bất cứ khi nào họ có cảm giác rằng Hamas có thể đang lên kế hoạch tấn công. Đồng thời, Hamas cũng sẽ tiếp tục tấn công Israel, dù chỉ là để củng cố tính chính danh của họ và chuyển sự chú ý ra khỏi tình trạng tồi tệ ở Gaza (một phần không nhỏ là do nỗ lực tái thiết bị cản trở). Tình hình nhiều khả năng sẽ quay trở lại nơi nó bắt đầu.

Liệu giải pháp hai nhà nước có giải quyết được vấn đề này không? Có lẽ là không. Ngay từ trước ngày 7/10, đa số người Israel đã không tin vào giải pháp hai nhà nước, thậm chí không tin rằng hòa bình có thể xảy ra. Hiện nay có lẽ số người tin vào giải pháp đó còn thấp hơn nhiều, nhất là nếu nhà nước Palestine cũng bao gồm Hamas dưới một hình thức nào đó. Việc người Mỹ ủng hộ thành lập một nhà nước do al Qaeda lãnh đạo chỉ 5 tháng sau vụ 11/9 là không thể xảy ra. Chẳng có lý do gì để tin rằng công chúng Israel sẽ khác biệt. Xét đến sự ủng hộ đáng kể của người dân Palestine dành cho Hamas, về mặt chính trị, sẽ không thể loại trừ tổ chức này khỏi một chính phủ Palestine dân chủ mới. Và ngay cả khi chính phủ của đất nước mới không thực sự dân chủ, họ vẫn sẽ gặp khó khăn nếu muốn loại trừ hoàn toàn Hamas, bởi nhóm này vẫn có hàng nghìn binh sĩ dưới quyền.

Ngay cả khi giả định rằng áp lực quốc tế áp đảo sẽ buộc Israel phải đồng ý với giải pháp hai nhà nước, điều đó cũng không đảm bảo hòa bình trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Vẫn còn một loạt vấn đề gai góc khác – bao gồm biên giới, quyền về nước uống, quyền đối với vùng trời, việc phi quân sự hóa nhà nước Palestine, và việc phân chia Jerusalem – cần phải được giải quyết trước khi một nhà nước thứ hai có thể ra đời. Sau đó, lại còn một vấn đề khác, là chỉ có 1/3 người Palestine ủng hộ giải pháp hai nhà nước và 9/10 người Palestine không tin tưởng vào Chính quyền Palestine (PA). Về phần mình, Hamas đã thể hiện rất rõ ràng rằng họ muốn có một nhà nước không có người Do Thái dưới ngọn cờ Hồi giáo. Điều này không có nghĩa là cộng đồng quốc tế không nên thúc đẩy một giải pháp chính trị, nhưng tốt nhất, nó nên là một giải pháp lâu dài chứ không phải là giải pháp ngắn hạn.

Nếu giải pháp hai nhà nước thực sự được triển khai, nó vẫn có thể không chấm dứt được tình trạng thù địch. Giải pháp hai nhà nước đã không giải quyết được sự thù địch giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, hay giữa Bắc và Nam Việt Nam. Israel sẽ không có nghĩa vụ cấp giấy phép lao động cho người Palestine – khi đó đã là công dân của một quốc gia riêng biệt, theo đó gây khó khăn cho nền kinh tế của quốc gia non trẻ. Họ cũng không phải cung cấp điện và các dịch vụ khác cho Gaza như trước khi có chiến tranh. Đồng thời, người Palestine sẽ có quyền thắc mắc tại sao nhà nước của họ lại phải phi quân sự hóa và không được hưởng các đặc quyền về chủ quyền của một “nhà nước bình thường.” Đến lúc ấy, có lẽ vẫn còn những người định cư Do Thái sống trên lãnh thổ của nước Palestine mới, tạo ra đủ loại vấn đề. Nếu không có sự đồng tình thực sự từ cả hai phía, thì giải pháp hai nhà nước sẽ đơn giản biến xung đột khu vực thành xung đột quốc tế.

Có rất nhiều điều khó chịu về cuộc chiến của Israel ở Gaza. Nó là một cuộc chiến tranh tàn khốc, đẫm máu đã giết chết quá nhiều người vô tội và cướp đi sinh mạng của quá nhiều thường dân. Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, đây cũng là một thảm kịch nhân đạo sẽ tác động đến khu vực này trong nhiều năm tới. Nhưng nếu cộng đồng quốc tế không chỉ đơn thuần đứng bên lề, và thực sự hy vọng giải quyết thảm kịch đang diễn ra ở Gaza, thì họ cần phải bắt đầu bằng cách đưa ra các giải pháp khả thi nhằm giải quyết cả những bất bình của người Palestine lẫn những lo ngại về an ninh của Israel.

Cần phải ghi nhận là chính quyền Biden chí ít cũng đang cố gắng đi theo hướng này. Họ đang thúc đẩy Israel giảm bớt thương vong cho dân thường, thiết lập các vùng an toàn, tăng cường viện trợ nhân đạo, và chuyển sang một giải pháp chính trị lâu dài hơn – trong khi vẫn ủng hộ (hoặc chí ít là không công khai phản đối) các chiến dịch đang diễn ra của Israel nhằm tiêu diệt tận gốc Hamas. Một số người có thể cho rằng cách tiếp cận cân bằng như vậy là quá mang tính chiến thuật và sẽ không thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh, nhưng một chiến lược tốt được xây dựng trên những chiến thuật đúng đắn.

Thật không may, cách tiếp cận của chính quyền Biden là ngoại lệ cả trên bình diện quốc tế và trong cuộc tranh luận trong nước về chính sách của Mỹ. Cũng giống như việc cánh hữu chính trị cần được nhắc nhở liên tục rằng người dân Palestine sẽ không đi đâu cả và Israel sẽ không thể từ bỏ con đường chiến thắng của mình, cánh tả cần được nhắc nhở rằng người Israel cũng sẽ không đi đâu cả và quyền công bằng của họ cũng phải được coi trọng.

Sau cùng, nếu những thành viên cánh tả chỉ trích Biden muốn một cuộc chiến khác, thì họ cần đưa ra một chiến lược thay thế và phân tích chiến lược đó dựa trên cùng một mức độ như họ đang phân tích nỗ lực quân sự hiện tại của Israel. Nếu không, logic tàn bạo của cuộc chiến hiện tại sẽ vẫn ở đó, và thảm kịch đang diễn ra sẽ tiếp tục diễn ra.

Raphael S. Cohen là giám đốc Chương trình Chiến lược và Học thuyết tại Dự án Không quân của Tập đoàn Rand.