01/04/1918: Thành lập Không lực Hoàng gia Anh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: RAF founded, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, Không lực Hoàng gia Anh (Royal Air Force, RAF) đã được thành lập thông qua việc hợp nhất Quân đoàn Không quân Hoàng gia (Royal Flying Corps, RFC) và Không lực Hải quân Hoàng gia (Royal Naval Air Service, RNAS). Kể từ đó, RAF trở thành một lực lượng quân sự riêng biệt với bộ phận phụ trách riêng, sánh ngang với Hải quân và Lục quân Anh.

Tháng 4/1911, tám năm sau khi anh em nhà Wright người Mỹ có chuyến bay đầu tiên bằng máy bay chế tạo có động cơ, nặng hơn không khí, một tiểu đoàn không quân thuộc Công binh Hoàng gia Anh (Royal Engineers) được thành lập tại Larkhill, Wiltshire. Tiểu đoàn này bao gồm các đơn vị máy bay, tàu bay, khinh khí cầu, và diều chở người. Tháng 12/1911, Hải quân Anh thành lập Trường Bay Hải quân Hoàng gia tại Eastchurch, Kent. Tháng 5/1912, cả hai đơn vị trên được sáp nhập vào Quân đoàn Không quân Hoàng gia mới thành lập, đơn vị này cũng thành lập một trường bay mới tại Upavon, Wiltshire, và xây dựng thêm nhiều phi đội máy bay khác. Tháng 7/1914, nhu cầu phòng không của hải quân đã dẫn đến việc thành lập Không lực Hải quân Hoàng gia.

Một tháng sau, vào ngày 4/8, Anh tuyên chiến với Đức, chính thức bước vào Thế chiến I. Lúc đó, RFC có 84 máy bay, còn RNAS có 71 máy bay và 7 tàu bay. Cuối tháng đó, bốn phi đội của RNAS được triển khai đến Pháp để hỗ trợ Lực lượng Viễn chinh Anh (British Expeditionary Force, BEF). Trong hai năm tiếp theo, người Đức vươn lên dẫn đầu về chiến lược không quân với các công nghệ như súng máy điều khiển thủ công, và người Anh đã phải hứng chịu các đợt không kích của những phi công át chủ bài người Đức như Manfred von Richthofen, hay Nam tước Đỏ. Các cuộc không kích liên tục của Đức đã khiến các nhà hoạch định quân sự Anh phải nhanh chóng thành lập một bộ phận không quân riêng biệt, có khả năng thực hiện các cuộc ném bom chiến lược chống lại Đức. Ngày 01/04/1918, Không lực Hoàng gia Anh được thành lập cùng với một nhánh nữ của lực lượng này, Không lực Hoàng gia Nữ (Women’s Royal Air Force). Vào ngày đó, các máy bay tiêm kích Bristol F.2B của Phi đội 22 đã thực hiện các nhiệm vụ chính thức đầu tiên của RAF.

Tính đến cuối Thế chiến I, vào tháng 11/1918, Không lực Hoàng gia Anh đã giành được ưu thế trên không dọc theo mặt trận phía tây. Sức mạnh của RAF ở thời điểm đó là gần 300.000 sĩ quan và phi công, cùng hơn 22.000 máy bay. Khi Thế chiến II nổ ra vào tháng 9/1939, sức mạnh của RAF ở châu Âu đã giảm xuống còn khoảng 2.000 máy bay.

Đến tháng 6/1940, các nước dân chủ phương Tây ở châu Âu lục địa lần lượt thất thủ trước Đức, khiến Anh trở thành kẻ đơn độc trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc Xã. Sau đó, Adolf Hitler lên kế hoạch xâm lược Anh, và vào tháng 7/1940 đã ra lệnh cho lực lượng không quân hùng mạnh của mình, Luftwaffe, tấn công các cảng của Anh dọc theo bờ biển để chuẩn bị xâm lược. RAF tuy bị áp đảo về quân số nhưng đã kháng chiến mãnh liệt trong những tuần đầu tiên của trận Không chiến nước Anh, buộc chỉ huy Không quân Đức phải đẩy việc tiêu diệt lực lượng không quân Anh lên làm ưu tiên hàng đầu trong cuộc tấn công của Đức. Nếu người Đức thành công trong việc xóa sổ Không lực Hoàng gia Anh, họ sẽ có thể bắt đầu cuộc xâm lược theo đúng lịch trình vào mùa thu.

Tuy nhiên, trong ba tháng tiếp theo, RAF đã kháng cự thành công trước những đợt không kích của Đức, nhờ vào công nghệ radar, các máy bay cơ động hơn, và lòng dũng cảm phi thường. Cứ mỗi máy bay Anh bị bắn hạ thì lại có hai máy bay chiến đấu của Đức bị tiêu diệt. Sang tháng 10, Hitler quyết định hoãn cuộc tấn công của Đức vô thời hạn, và vào tháng 5/1941, Không chiến nước Anh chính thức kết thúc. Thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói về các phi công của Không lực Hoàng gia Anh rằng, “Trong lịch sử các cuộc xung đột, chưa bao giờ nhân dân lại mang ơn một nhóm nhỏ nhiều đến vậy.”

Đến năm 1945, khi chiến tranh kết thúc, Không lực Hoàng gia Anh có gần một triệu nhân viên. Sau đó, con số này giảm xuống và ổn định ở mức khoảng 150.000 nhân viên cả nam và nữ.