Di sản độc hại của Cách mạng Xanh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Jayati Ghosh, “The Toxic Legacy of the Green Revolution”, Project Syndicate, 12/02/2024

Biên dịch: Nguyễn Văn Đáp

Trong khi việc đưa ra các loại hạt giống năng suất cao đã cứu hàng trăm triệu người khỏi nạn đói thì nó lại làm giảm chất lượng dinh dưỡng và làm tăng độc tính của các loại ngũ cốc thiết yếu. Để thiết lập một hệ thống thực phẩm bền vững và giàu dinh dưỡng, các quốc gia nên áp dụng các hình thức nông nghiệp sinh thái dựa trên hoạt động canh tác của các hộ nhỏ.

Có hơn 390.000 loài thực vật được xác định trên thế giới, nhưng chỉ có ba loài – lúa, ngô và lúa mì – chiếm khoảng 60% lượng calo từ thực vật trong chế độ ăn của chúng ta. Sự thống trị của ba loại ngũ cốc này phần lớn là kết quả của những đột phá lớn về công nghệ, đặc biệt là sự phát triển các giống lúa và lúa mì năng suất cao (HYV) trong cuộc Cách mạng Xanh những năm 1960.

Những đổi mới này đã mang lại lợi ích to lớn, tăng đáng kể khả năng tiếp cận các loại thực phẩm thiết yếu và giải cứu hàng trăm triệu người khỏi nạn đói. Tuy nhiên, sản lượng nông nghiệp tăng vọt cũng gây ra nhiều vấn đề khác, đặc biệt là liên quan đến quá trình trồng trọt. Đáng chú ý, năng suất được nâng cao của hạt giống HYV phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tưới tiêu đáng tin cậy và việc sử dụng các loại hóa chất đầu vào khác nhau, đặc biệt là phân bón và thuốc trừ sâu.

Do đó, việc sử dụng hạt giống HYV đã dẫn đến việc lạm dụng hệ thống tưới kênh và các vấn đề ngập úng sau đó, buộc nông dân phải dựa vào hệ thống tưới nước ngầm, ngay cả ở những vùng bán khô hạn. Tương tự, việc sử dụng phân bón dựa trên nitơ đã tăng lên đáng kể sau khi chuyển sang nền nông nghiệp dựa trên HYV.

Tính dễ bị tổn thương vốn có của các giống này trước sâu bệnh, cùng với xu hướng canh tác độc canh, đã dẫn đến sự xâm nhiễm thường xuyên của sâu bệnh và việc sử dụng rộng rãi, thường bừa bãi thuốc trừ sâu hóa học, dẫn đến độc tính tồn dư trong cây trồng và ngũ cốc. Với việc các loài gây hại ngày càng kháng lại các hóa chất này, việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới trở nên cần thiết, bao gồm cả việc phát triển các loại cây trồng biến đổi gen được thiết kế để có khả năng kháng lại (ít nhất là một số) sâu bệnh một cách tự nhiên.

Ngoài ra, trong khi các công nghệ này không phụ thuộc vào quy mô trang trại thì việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cần thiết và tiếp cận thị trường lại thường không như vậy. Kết quả là, các chủ thể sản xuất quy mô lớn được hưởng lợi một cách không tương xứng, làm tăng thêm sự bất bình đẳng trong nông nghiệp.

Như thể những thách thức này vẫn chưa đủ khó khăn, các chuyên gia ngày càng lo ngại về hàm lượng dinh dưỡng ngày càng suy giảm của các loại cây trồng năng suất cao. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mặc dù Cách mạng Xanh đã giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu tự cung tự cấp lương thực nhưng nó lại làm suy yếu an ninh dinh dưỡng của đất nước.

Bằng cách phân tích chất lượng và độc tính tiềm tàng của khoảng 1.500 giống lúa và lúa mì được phát triển và giới thiệu ở Ấn Độ từ những năm 1960 đến năm 2018, các tác giả đã theo dõi những tác động lâu dài của các chương trình nhân giống tập trung vào HYV. Họ nhận thấy những chương trình này đã thay đổi thành phần dinh dưỡng của ngũ cốc, dẫn đến giảm đáng kể lợi ích của chế độ ăn uống trong khi nồng độ độc tố cao hơn.

Nói tóm lại, mặc dù tăng cường dinh dưỡng là mục tiêu chính của việc trồng các loại ngũ cốc này, nhưng việc nhấn mạnh vào việc tăng năng suất đã làm giảm đáng kể giá trị dinh dưỡng của chúng. Đáng chú ý là hàm lượng các chất dinh dưỡng quan trọng như kẽm và sắt trong gạo và lúa mì, hai loại lương thực quan trọng nhất của Ấn Độ, đã giảm rõ rệt. Cụ thể, gạo có lượng kẽm giảm 33% và lượng sắt giảm 27%, trong khi hàm lượng kẽm và sắt trong lúa mì giảm lần lượt là 30% và 19%. Tệ hơn nữa, hàm lượng asen trong gạo đã tăng tới 1,493%.

Những phát hiện này có ý nghĩa sâu rộng về sức khoẻ đối với những người tiêu thụ các loại ngũ cốc này. Đặc biệt, các tác giả nêu bật “bằng chứng mạnh mẽ” rằng “ăn uống các chất độc kim loại qua đường miệng” có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như “ung thư phổi hoặc bệnh hô hấp mãn tính, bệnh tim mạch, tăng sừng, nhiễm độc thận và vôi hóa xương”. Việc tăng tiêu thụ các mặt hàng chủ lực như gạo và lúa mì – mục tiêu của Cách mạng Xanh – có thể làm trầm trọng thêm gánh nặng bệnh tật vốn đã đáng kể của Ấn Độ .

Điều này cũng đúng đối với nhiều quốc gia khác vốn phụ thuộc rất nhiều vào HYV để tăng năng suất và tăng sản lượng cây trồng chủ lực. Ví dụ, Liên minh Cách mạng Xanh ở Châu Phi được đổi tên gần đây tiếp tục ủng hộ một mô hình nông nghiệp công nghiệp lỗi thời không mang lại lợi ích dinh dưỡng như mong đợi.

Như tôi đã lập luận trước đây, dinh dưỡng không nên chỉ được xem xét dưới dạng tổng lượng calo tiêu thụ dựa trên canh tác độc canh. Mặc dù giá trị dinh dưỡng vượt trội của chế độ ăn đa dạng hiện đã được công nhận rộng rãi, nhưng để đạt được điều đó không chỉ đòi hỏi đổi mới công nghệ mà còn phải chuyển trọng tâm sang trồng nhiều loại cây trồng phù hợp nhất với môi trường và khí hậu địa phương. Ngoài việc cải thiện kết quả dinh dưỡng, phương pháp này còn thúc đẩy tính bền vững bằng cách giảm lượng khí thải CO2 trong toàn bộ vòng đời của thực phẩm.

Kinh nghiệm của Ấn Độ cung cấp một câu chuyện cảnh báo cho các nước đang phát triển. Ở Ấn Độ và các nơi khác, ngày càng rõ ràng rằng việc áp dụng các hình thức nông nghiệp sinh thái dựa trên canh tác của hộ nhỏ là cách hiệu quả nhất để phát triển hệ thống thực phẩm vừa bền vững, vừa giàu dinh dưỡng. Nhưng điều này đòi hỏi phải chuyển từ hình thức thương mại hóa nông nghiệp mang tính chất săn mồi, vốn chủ yếu phục vụ lợi ích của các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, sang một mô hình có lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng thực phẩm thực tế.