Động cơ đằng sau đợt cải tổ quân đội mới nhất của Tập Cận Bình

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “The ulterior motive behind Xi Jinping’s latest military reforms,” Nikkei Asia, 25/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Quyết định tái tổ chức Lực lượng Chi viện Chiến lược cho thấy Tập đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ tư.

Chỉ mất 9 năm để Lực lượng Chi viện Chiến lược của Trung Quốc – từng được ca ngợi là “đơn vị tương lai” khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái tổ chức quân đội lần trước – biến mất.

Một bài bình luận lan truyền trên mạng internet Trung Quốc đã gọi lực lượng bị giải tán là đơn vị quan trọng “tồn tại ngắn nhất” trong lịch sử Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Bài viết chỉ ra rằng lực lượng được chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015 – trở thành một thực thể ngang hàng với Lục quân, Hải quân, Không quân, và Quân chủng Tên lửa – đã “biến mất khỏi vũ đài lịch sử” trong một đợt tái tổ chức quân sự mới được công bố vào thứ Sáu (18/04/2024).

Sau khi được thành lập vào năm 2015, Lực lượng Chi viện Chiến lược được mô tả là một đơn vị cấp cao do một thượng tướng, cấp bậc cao nhất trong quân đội, hoặc một trung tướng, cấp bậc cao thứ hai, đứng đầu.

Điều gì đã khiến lực lượng này trở nên quan trọng đến vậy? Bởi vì đích thân Tập đã lập ra nó. Chủ tịch nước cũng giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan hàng đầu giám sát PLA.

Câu trả lời cho câu hỏi tiếp theo – Tại sao lực lượng này lại bị bỏ rơi nhanh đến vậy? – sẽ cung cấp những hiểu biết có giá trị về các ưu tiên và động cơ chính trị hiện tại của Tập.

Tập Cận Bình đi ngang qua các thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trước khi đặt hoa tại Đài tưởng niệm Các Anh hùng Nhân dân để kỷ niệm Ngày Liệt sĩ ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào ngày 30/09/2023. © Reuters

Ban đầu, nhiệm vụ, chức năng, và cơ cấu của lực lượng này được giữ bí mật, nhưng Trung Quốc đã đưa ra một lời giải thích bán chính thức vào năm 2016, thông qua một bài viết đăng trên Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài viết tiết lộ rằng lực lượng mới thành lập bao gồm ba đơn vị.

Đơn vị chiến tranh mạng chuyên chống lại các vụ tấn công của hacker, trong khi đơn vị chiến tranh không gian quản lý các vệ tinh do thám và Hệ thống Định vị Bắc Đẩu, còn đơn vị tác chiến điện tử sẽ phá vỡ hệ thống radar và thông tin liên lạc của kẻ thù.

Nhưng trong đợt tái tổ chức quân sự mới nhất, Lực lượng Chi viện Chiến lược đã bị giải thể và tái tổ chức thành ba đơn vị cấp thấp hơn.

Lực lượng Hỗ trợ Thông tin sẽ thu thập và phân tích thông tin tình báo, còn Lực lượng Hàng không Vũ trụ sẽ chỉ đạo chiến tranh không gian. Đơn vị thứ ba là Lực lượng Không gian mạng.

Một tên lửa mang theo vệ tinh cuối cùng của Hệ thống Định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc cất cánh từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 23/06/2020. © Reuters

Ba tổ chức mới được cho là những tổ chức cấp thấp hơn, do một trung tướng hoặc thiếu tướng, cấp bậc cao thứ ba trong quân đội, đứng đầu.

Dựa trên thông tin do chính quyền Trung Quốc tiết lộ, Lực lượng Chi viện Chiến lược đã ra đời sau một quá trình chuẩn bị công phu được bắt đầu trong bí mật từ năm 2014, một năm sau khi Tập trở thành chủ tịch nước, và ba năm trước kỳ đại hội đảng toàn quốc năm 2017.

Vậy Tập đã làm gì vào năm 2014? Ông đã bắt giữ vị tướng hàng đầu Từ Tài Hậu– cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương – như một phần của chiến dịch chống tham nhũng nổi tiếng của Tập. Ngay sau khi Từ qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2015, một nhân vật quyền lực khác của quân đội, Quách Bá Hùng, người cũng là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã bị bắt giữ. Sang năm 2016, Quách bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ.

Cuộc thanh trừng hai nhân vật hàng đầu và việc tái tổ chức quân đội chưa từng có tiền lệ đã được thực hiện để đảm bảo lòng trung thành của quân đội với Tập. Nhưng những động cơ thầm kín cũng đóng một vai trò nào đó. Tập coi việc thanh trừng và tái tổ chức quân đội là thành tựu tại đại hội đảng toàn quốc năm 2017, mở đường cho ông sửa đổi hiến pháp vào năm 2018, theo đó bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với chức chủ tịch nước.

Năm 2022, Tập giành được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba cho vai trò tổng bí thư, sau đó ông tiếp tục được bầu lại làm chủ tịch nước tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) vào tháng 3/2023.

Nhiều khả năng, ông muốn liệt kê đợt tái tổ chức quân đội mới nhất như một thành tựu tại đại hội toàn quốc của đảng trong ba năm tới, nhằm đảm bảo nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là người đứng đầu đảng.

Vì thế, dường như Tập đang cố gắng lặp lại những gì đã xảy ra 10 năm trước, bắt đầu quá trình chuẩn bị tái tổ chức quân đội vốn đã tạo ra Lực lượng Chi viện Chiến lược.

Khi đó, công việc chuẩn bị cũng bắt đầu ba năm trước đại hội toàn quốc của đảng, và đợt tái tổ chức quân đội năm nay cũng diễn ra ba năm trước đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng. Phải chăng đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Trong giai đoạn sau năm 2014, các động thái của Tập kết hợp hai khía cạnh: tái tổ chức quân đội và bắt giữ các quan chức quốc phòng cấp cao.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Rõ ràng là lần tái tổ chức quân đội mới nhất có liên quan đến sự sụp đổ của Lý. © AP

Tháng 10 năm ngoái, Lý Thượng Phúc, cựu thành viên Quân ủy Trung ương, đồng thời cũng là Bộ trưởng Quốc phòng và ủy viên Quốc vụ viện, chức vụ tương đương cấp phó thủ tướng, đã bị thanh trừng. Rõ ràng là lần tái tổ chức quân đội mới nhất có liên quan đến sự sụp đổ của Lý.

Sau đợt tái tổ chức quân đội cuối năm 2015, Lý đã tham dự các cuộc họp quan trọng với tư cách là phó tư lệnh và tham mưu Lực lượng Chi viện Chiến lược mới thành lập. Trước đó, ông từng giữ chức vụ sĩ quan cao cấp tại Tổng cục Trang bị.

Trên thực tế, Lý là người phụ trách lực lượng mới – vị trí mà ông sẽ không được trao nếu không được Tập tin tưởng.

Sau đó, Lý tiếp tục được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị của Quân ủy Trung ương. Ông còn thăng tiến thêm nữa để trở thành thành viên Quân ủy Trung ương, ủy viên Quốc vụ viện, và Bộ trưởng Quốc phòng. Đáng chú ý là ông cũng từng làm Giám đốc Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, một tỉnh tây nam Trung Quốc.

Nhiều người cho rằng Lý đã bị thanh trừng do các cáo buộc gian lận phát sinh trong vai trò trước đây của ông ở Cục Phát triển Thiết bị. Ngoài ra, Quân chủng Tên lửa cũng được cho là tồn tại các vấn đề tham nhũng mà Tập coi là nghiêm trọng. Không khó để tưởng tượng rằng Lực lượng Chi viện Chiến lược cũng rơi vào tình trạng tham nhũng tương tự do chia sẻ nhân sự với Cục Phát triển Thiết bị và Quân chủng Tên lửa.

Lý Thượng Phúc đã tham gia vào tất cả các đơn vị này, qua đó cho thấy có khả năng Lực lượng Chi viện Chiến lược, vốn được tung hô rất nhiều, đã không hoạt động tốt như dự kiến ban đầu của Tập.

Một vấn đề khác không thể bỏ qua là câu chuyện về khí cầu do thám.

Tháng 2/2023, một khí cầu cao 60m của Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ đã bị tên lửa từ máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tối tân bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Các mảnh vỡ của nó đã được lực lượng của Mỹ thu hồi.

Phần còn lại của “khí cầu do thám” hay “khí cầu dân sự không người lái” trôi dạt trên Đại Tây Dương sau khi bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina của Mỹ vào ngày 4/2/2023.

Phía Mỹ kết luận đó là “khí cầu do thám” của Trung Quốc, chỉ ra rằng nó được trang bị ăng-ten được cho là có liên quan đến việc thu chặn thông tin liên lạc.

Về phần mình, chính phủ Trung Quốc – vốn gọi khí cầu này là “khí cầu dân sự không người lái” dùng để quan sát thời tiết – đã phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bắn rơi nó.

Luật pháp Trung Quốc quy định rằng Quân ủy Trung ương, do Tập đứng đầu, chịu trách nhiệm về các vấn đề thời tiết liên quan đến quân sự. Vì vậy, Lực lượng Chi viện Chiến lược có thể đã phụ trách các sứ mệnh khí cầu.

Vụ khí cầu đã khiến quan hệ Mỹ – Trung rơi vào căng thẳng nghiêm trọng. Khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một nhận xét thú vị, đề cập khả năng Tập không biết gì về quả khí cầu do thám bay qua nước Mỹ.

Thật khó để biết điều đó có đúng hay không. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ban đầu Tập không nhận thức đầy đủ về quan hệ thực sự giữa Lực lượng Chi viện Chiến lược, được thành lập với sự hậu thuẫn của ông, và sự vụ khí cầu?

Tập Cận Bình tham dự lễ thành lập Lực lượng Hỗ trợ Thông tin tại Bắc Kinh ngày 19/4. © Tân Hoa Xã/Kyodo

Hôm thứ Sáu 18/04/2024, Tập đã tham dự lễ thành lập Lực lượng Hỗ trợ Thông tin. Ông ra lệnh cho đơn vị này phải kiên quyết tuân theo mệnh lệnh của đảng và “đảm bảo tuyệt đối trung thành, trong sạch, và đáng tin cậy”.

Ba đơn vị mới được thành lập trong đợt tái tổ chức quân đội năm nay đã được đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Điều này có nghĩa là đích thân Tập sẽ chỉ huy họ và họ sẽ phải báo cáo mọi chuyện với ông. Nếu không làm vậy, họ sẽ không được dung thứ.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.