Lý do thực sự khiến Trung Quốc quyết định mở rộng kho vũ khí hạt nhân

Nguồn: Tong Zhao, “The Real Motives for China’s Nuclear Expansion,” Foreign Affairs, 03/05/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bắc Kinh đang tìm kiếm đòn bẩy địa chính trị hơn là lợi thế quân sự.

Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo ước tính của Lầu Năm Góc, dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh đang trên đà tích lũy 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030, tăng từ mức khoảng 200 vào năm 2019. Việc củng cố kho vũ khí hạt nhân này, kết hợp với các khoản đầu tư sâu rộng của Trung Quốc vào việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đã gây quan ngại sâu sắc ở Washington. Năm 2023, Ủy ban Quốc hội về Vị thế Chiến lược của Mỹ đã nhấn mạnh rằng việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Mỹ “đánh giá lại quy mô và thành phần của lực lượng hạt nhân Mỹ.” Hồi tháng 3, Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cảnh báo “Chúng ta chưa từng đối mặt với mối đe dọa nào như thế này kể từ Thế chiến II.”

Trong lúc Washington chật vật xác định mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa và nguy cơ đối đầu hạt nhân, các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải nỗ lực để hiểu rõ hơn động cơ đằng sau hành động của Trung Quốc. Các nhà phân tích đã bối rối trước sự chuyển hướng đột ngột của Trung Quốc khỏi chính sách truyền thống là duy trì kho vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ. Một số người ở Washington tin rằng Trung Quốc mở rộng kho vũ khí như một phản ứng trước những tiến bộ công nghệ của Mỹ, trong khi những người khác quan ngại rằng Bắc Kinh nhiều khả năng đã đơn phương áp dụng một chiến lược hạt nhân mạnh mẽ hơn nhiều.

Một đánh giá cẩn thận về tư duy đang phát triển trong giới lãnh đạo chính trị và chính sách an ninh của Trung Quốc cho thấy các quan chức Trung Quốc không chỉ đơn giản mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ cho các mục đích kỹ thuật quân sự. Đúng hơn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã chấp nhận niềm tin chưa được kiểm chứng rằng vũ khí hạt nhân mang lại cho họ đòn bẩy địa chính trị lớn hơn để chống lại các mối đe dọa được nhận thức. Sự phản đối của Bắc Kinh đối với những gì họ xem là chiến lược hạt nhân không công bằng của Mỹ và các lợi ích an ninh không chính đáng của Mỹ càng củng cố sự sẵn lòng của Trung Quốc trong việc sử dụng các biện pháp đơn phương để giải quyết các quan ngại về an ninh của mình. Nếu muốn lèo lái quan hệ Mỹ-Trung theo hướng thận trọng hơn, Washington cần phải hiểu được cách những nhận thức cơ bản này định hình chính sách hạt nhân của Bắc Kinh – hoặc đối mặt với nguy cơ phản ứng dựa trên những giả định sai lầm, từ đó dẫn đến những kết quả phản tác dụng hoặc thậm chí thảm khốc.

HÒA BÌNH THÔNG QUA SỨC MẠNH?

Từ góc nhìn của Bắc Kinh, căng thẳng gia tăng với Washington là kết quả của sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ – một hệ quả từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, chứ không phải từ bất kỳ sự thay đổi nào trong hành vi của nước này. Theo đó, Washington cảm thấy bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc, và ngày càng trở nên thù địch với Bắc Kinh, đồng thời đã phát triển các chiến lược ngăn chặn nhằm duy trì sự thống trị địa chính trị của Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, Bắc Kinh phải thuyết phục Washington chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc như một tác nhân chính, và thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Mỹ rằng họ sẽ không thể kiềm chế, phá hoại, hoặc gây bất ổn cho Trung Quốc. Theo giới tinh hoa cầm quyền Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ có thể làm vậy bằng cách củng cố quyền lực của chính mình.

Lý do này khiến Trung Quốc cho rằng mối đe dọa từ Mỹ đang ngày càng gia tăng khi khoảng cách quyền lực giữa hai nước ngày càng thu hẹp. Là một người ủng hộ trung thành của quan điểm cho rằng Mỹ thù địch với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Tập xem vũ khí hạt nhân có ý nghĩa địa chính trị to lớn như một phương tiện để phô trương sức mạnh của Trung Quốc. Những người tiền nhiệm của ông, bị ảnh hưởng bởi triết lý hạt nhân khiêm tốn truyền thống của Trung Quốc và chỉ nắm trong tay nguồn lực hạn chế, đã giới hạn đáng kể việc phát triển năng lực hạt nhân của Trung Quốc và ưu tiên cải thiện chất lượng hơn là mở rộng số lượng. Mặt khác, Tập đã nâng quân chủng tên lửa lên vị thế của một lực lượng quân sự hàng đầu, ban hành các chỉ thị cụ thể để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hạt nhân, đồng thời tăng cường cả mức độ tinh vi lẫn quy mô của kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Cam kết của Tập đối với vũ khí hạt nhân phản ánh sự khác biệt sâu sắc trong cách ông nhìn nhận những loại vũ khí này so với những người đồng cấp Mỹ. Thay vì cố gắng đạt được các mục tiêu quân sự được xác định rõ ràng, chẳng hạn như ngăn chặn kẻ thù thực hiện các hoạt động quân sự cụ thể, Bắc Kinh xem vũ khí hạt nhân là biểu tượng của sức mạnh quân sự và tin rằng chúng có ảnh hưởng đặc biệt đến nhận thức của đối thủ về cân bằng quyền lực. Quan điểm này củng cố điều mà các quan chức Trung Quốc gọi là sứ mệnh “đối trọng chiến lược” của lực lượng hạt nhân – một nỗ lực nhằm buộc Mỹ phải có lập trường dễ chịu hơn đối với Trung Quốc.

Tập Cận Bình từ lâu đã tin vào giá trị của việc cân bằng chiến lược thông qua vũ khí hạt nhân. Ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông nhận xét Nga đã có quyết định đúng đắn khi ưu tiên phát triển năng lực hạt nhân ngay cả khi nền kinh tế nước này đang suy thoái. Động thái của Moscow phù hợp với quan điểm của Tập, rằng sức mạnh kho vũ khí hạt nhân của một quốc gia sẽ định hình cách tiếp cận tổng thể của đối thủ đối với quan hệ song phương. Đầu năm 2021, giữa bối cảnh có những cảnh báo nội bộ rằng chiến dịch chống Trung Quốc trên toàn cầu do Mỹ dẫn đầu sau đợt bùng phát COVID-19 có thể đặt ra thách thức lớn nhất đối với an ninh nhà nước và chế độ của Bắc Kinh suốt nhiều thập kỷ, Tập đã kêu gọi quân đội tăng tốc hơn nữa việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Việc nhấn mạnh vào vũ khí hạt nhân như một hình thức đòn bẩy chung đã được các chiến lược gia Trung Quốc chú trọng, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ. Trong lúc Bắc Kinh yêu cầu Washington đối xử với mình tốt hơn và từ chối bất kỳ cuộc đối thoại nào mà trong đó Mỹ chiếm ưu thế, các nhà lãnh đạo dư luận Trung Quốc cho rằng kho vũ khí hạt nhân lớn hơn sẽ buộc Washington phải thực sự tôn trọng Bắc Kinh và hành động thận trọng hơn.

Quan điểm cho rằng vũ khí hạt nhân sở hữu sức mạnh cưỡng chế sâu rộng – gần như ma thuật – ở cả trong và ngoài lĩnh vực quân sự có lẽ là sản phẩm của trực giác hơn là của logic và bằng chứng được xác thực. Xét cho cùng, sức mạnh hạt nhân đáng gờm của Moscow trong Chiến tranh Lạnh đã không thể ngăn cản Washington tìm cách làm suy yếu Liên Xô thông qua lật đổ kinh tế và chiến tranh chính trị. Tuy nhiên, cơ cấu quyền lực trong nước tập trung cao độ mà Tập thiết lập đã ngăn cản bất kỳ đánh giá nghiêm túc nào về các giả định chỉ đạo của ông, thay vào đó dẫn đến nhanh chóng triển khai và không nghi ngờ gì tầm nhìn của ông về Trung Quốc như một cường quốc hạt nhân mạnh hơn. Việc chính phủ đàn áp cái mà họ gọi là “những lời chỉ trích vô căn cứ đối với các quyết định của Đảng” và việc che giấu bí mật về các cơ chế và hoạt động lập kế hoạch của họ đã khiến cộng đồng chuyên gia Trung Quốc khó đánh giá và tranh luận về phát triển hạt nhân, chứ chưa nói đến việc ảnh hưởng đến chính sách trong tương lai. Học thuyết quân sự chính thức chứa đựng các yếu tố ngày càng rời rạc, chẳng hạn như sự nhấn mạnh của lực lượng hạt nhân vào việc “chuẩn bị cho chiến tranh” và “giành chiến thắng chiến lược” đi kèm với sự phản đối dai dẳng đối với chiến tranh, cho thấy rằng hoạch định chính sách hạt nhân là một quá trình được chỉ đạo từ trên xuống, được thúc đẩy bởi một quan điểm chính trị mơ hồ hơn là bởi nhu cầu quân sự rõ ràng và phương pháp luận mạnh mẽ. Việc thiếu các mục tiêu quân sự được định nghĩa rõ ràng và được kiểm tra kỹ lưỡng đã làm suy yếu khả năng của Trung Quốc trong việc giải thích công khai chính sách của mình – hoặc xác lập quan điểm rõ ràng về các trường hợp mà nước này sẽ sẵn sàng đàm phán về các hạn chế hạt nhân với Mỹ.

BẤT CÔNG

Trở ngại chính đối với đối thoại hạt nhân là sự hoài nghi ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các biện pháp hợp tác an ninh có thể bảo vệ nước này khỏi mối đe dọa sống còn mà nước này nhận thấy đang đến từ Mỹ. Chẳng hạn, Tập đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “nắm chắc trong tay các sáng kiến chiến lược để bảo vệ an ninh quốc gia.” Sự ngờ vực này đang đẩy Bắc Kinh tiến xa hơn đến mục tiêu đạt được cân bằng quyền lực có lợi và giảm bớt mối quan tâm của nước này đối với kiềm chế hạt nhân, chứ chưa nói đến các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí.

Thái độ bi quan của Bắc Kinh một phần xuất phát từ tiêu chuẩn kép của Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân. Các chuyên gia Trung Quốc chỉ ra thực tế rằng chính phủ Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc có quyền áp dụng các chiến lược hạt nhân giống như những gì Mỹ đã sử dụng. Chẳng hạn, Washington bảo lưu lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nhưng lại quan ngại về việc Trung Quốc có khả năng đi chệch khỏi cam kết vô điều kiện là không sử dụng vũ khí hạt nhân trước – một cam kết mà Trung Quốc nói rằng họ sẽ không phá vỡ.

Những người ra quyết định ở Mỹ giải thích những tiêu chuẩn kép này bằng cách ám chỉ rằng các mục tiêu an ninh của Mỹ chính đáng hơn của Trung Quốc. Họ xem mục tiêu của Mỹ – duy trì hiện trạng lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông – là phù hợp với luật pháp và chuẩn mực quốc tế, đồng thời họ so sánh các mục tiêu khu vực của mình với những nỗ lực thay đổi nguyên trạng lãnh thổ bằng các biện pháp cưỡng bức của Trung Quốc. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng việc duy trì một loạt các lựa chọn hạt nhân khác nhau cho Mỹ và các đồng minh vừa có tính đạo đức, vừa là điều cần thiết về mặt chiến lược.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng những tiêu chuẩn kép này bắt nguồn từ điều mà các quan chức Trung Quốc mô tả là “sự kiêu ngạo của bá quyền Mỹ.” Cụ thể, Trung Quốc xem tuyên bố của Mỹ về quyền bảo vệ Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh xác định là “lợi ích cốt lõi,” là bất hợp pháp, nhất là vì Washington đã xem vấn đề này là nhu cầu an ninh của chính mình. Các chiến lược gia Mỹ thường nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan và cho rằng việc giữ Đài Loan tách biệt khỏi Trung Quốc là cực kỳ quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, bao gồm việc duy trì lợi thế quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong khu vực, duy trì uy tín toàn cầu của Mỹ, và thúc đẩy cuộc cạnh tranh địa kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Những mục tiêu được công bố này càng củng cố thêm mối quan ngại của Bắc Kinh, rằng lợi ích địa chính trị của Mỹ sẽ phải trả giá bằng sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Và chúng cũng làm xói mòn nền tảng đạo đức của sự phản đối của Mỹ đối với chương trình nghị sự quân sự của Trung Quốc, và củng cố niềm tin của Bắc Kinh rằng họ phải thách thức những gì họ xem là bá quyền Mỹ.

Trung Quốc tin rằng họ có thể khắc phục sự mất cân bằng bất công này bằng cách phô trương sức mạnh theo một cách tham vọng hơn, bao gồm cả việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Chẳng hạn, các chuyên gia Trung Quốc lập luận rằng Liên Xô đã thành công trong việc thay đổi chiến lược hạt nhân của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Bằng cách tăng cường đáng kể khả năng hạt nhân của mình trong những năm 1960 và 1970, Moscow đã gây áp lực buộc Washington phải từ bỏ chính sách trả đũa trên diện rộng – vốn đe dọa tấn công hạt nhân quy mô lớn nhằm đáp trả bất kỳ hành động xâm lược nào của Liên Xô – ủng hộ chiến lược phản ứng linh hoạt vốn có tính kiềm chế hơn, trong đó đảm bảo mức độ và quy mô phản ứng hạt nhân của Mỹ sẽ tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành động xâm lược của Liên Xô. Họ cũng nhanh chóng chỉ ra rằng Washington đã không điều chỉnh chính sách của mình một cách tương ứng đối với những đối thủ yếu hơn, ví dụ như Trung Quốc, mà thay vào đó vẫn duy trì các kế hoạch tấn công diện rộng. Giờ đây, khi Trung Quốc đã có nhiều nguồn lực hơn đáng kể so với thời Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh đang tìm cách khắc phục những gì họ cho là bất công.

Sự phản kháng này cho thấy một chủ đề rộng hơn trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung: ngoài những khác biệt về các mục tiêu an ninh cụ thể, Trung Quốc ngày càng xem các quy tắc công bằng và tiêu chuẩn ứng xử bình đẳng là mục đích cuối cùng của chính mình. Các quan chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự công bằng như một điều kiện thiết yếu để tham gia vào các cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh và kiểm soát vũ khí. Động cơ này cho thấy Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển năng lực đơn phương, thay vì chấp nhận hợp tác, để thiết lập cái mà họ xem là quan hệ hạt nhân công bằng và bình đẳng hơn với Mỹ.

NHỮNG THÁCH THỨC CƠ BẢN

Những yếu tố phi kỹ thuật kể trên tạo ra những trở ngại cho cuộc đối thoại hạt nhân vốn đã rất phức tạp và khó có thể được hiểu rõ bởi các nhà quan sát sống bên ngoài Trung Quốc. Các nhà phân tích của Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục sử dụng các yếu tố kỹ thuật quân sự đã định hình chiến lược hạt nhân của Trung Quốc trong quá khứ để giải thích cho việc mở rộng hạt nhân của nước này trong hiện tại. Đúng là các chiến lược gia Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại suốt hàng chục năm qua, rằng hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa của Mỹ, vũ khí tấn công chính xác thông thường, và các công nghệ phi hạt nhân khác sẽ khiến Trung Quốc khó trả đũa hơn nếu nước này bị tấn công hạt nhân trước tiên. Nhưng người Mỹ đã không mở rộng đáng kể lực lượng hạt nhân, kho dự trữ tên lửa thông thường, hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa trong những năm gần đây, theo đó cho thấy vẫn còn có các yếu tố bổ sung khác đằng sau quyết định mở rộng hạt nhân của Tập.

Hầu hết các nhà phân tích và hoạch định chính sách nước ngoài đã không chú trọng mức độ mà việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc được thúc đẩy bởi lý luận chính trị mơ hồ và lối tư duy lộn xộn, thay vào đó lại giải thích nó là do một chiến lược quân sự tấn công thúc đẩy. Dựa trên các kịch bản chiến tranh hạt nhân trong trường hợp xấu nhất, bao gồm cả một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu phối hợp Nga-Trung nhằm chống lại Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ cần phải xây dựng lực lượng hạt nhân và khả năng phòng thủ của mình. Với mong muốn nhằm tăng cường khả năng răn đe của Mỹ (vì những lý do dễ hiểu), các chuyên gia này đã bỏ qua khả năng lập luận của họ thực sự có thể làm suy yếu an ninh Mỹ bằng cách tạo thêm bằng chứng cho phe diều hâu ở Bắc Kinh rằng Washington đang cố tình phóng đại mối đe dọa do Trung Quốc gây ra để biện minh cho việc theo đuổi mục tiêu bá quyền tuyệt đối về hạt nhân.

Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn do khoảng cách ngày càng tăng giữa xã hội Trung Quốc và Mỹ. Khoảng cách ngày càng lớn trong thế giới quan và nhận thức chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây, với phần lớn nguyên nhân là do sự kiểm soát thông tin và dư luận của Trung Quốc, đã trở thành trở ngại lớn cho việc đạt được sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Kết quả là cả hai bên đều không tin rằng cách tiếp cận hợp tác sẽ đảm bảo an ninh cho họ trong tương lai. Về phần mình, Bắc Kinh đang hy vọng có thể giải quyết vấn đề này với sự trợ giúp của một kho dự trữ hạt nhân lớn hơn. Được hỗ trợ bởi kho vũ khí mở rộng, Trung Quốc tin rằng họ có thể buộc Washington bỏ qua những khác biệt cơ bản giữa hai nước, bao gồm các tranh chấp leo thang về thực tế, chuẩn mực, và giá trị, và chỉ đơn giản là buộc Mỹ phải chấp nhận Trung Quốc như hiện tại, tôn trọng các lợi ích cốt lõi mà Bắc Kinh đã xác định. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường này, nước này sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh hạt nhân ngày càng gay gắt với Mỹ.

THU HẸP KHOẢNG CÁCH NHẬN THỨC

Cách tiếp cận hiện tại của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Trung Quốc là không hiệu quả. Đề xuất của các nhà phân tích Mỹ nhằm giảm leo thang cuộc chạy đua vũ trang thường kêu gọi kiềm chế lẫn nhau ở cấp độ kỹ thuật quân sự, thông qua các biện pháp tăng cường minh bạch hạt nhân hoặc hạn chế vũ khí chiến lược mới. Nhưng những đề xuất này không trực tiếp giải quyết những quan ngại và bất bình tiềm ẩn vốn đã thúc đẩy việc xây dựng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nên không có gì ngạc nhiên khi chúng không được Tập chú ý. Sau cùng thì, việc ổn định cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân Mỹ-Trung đòi hỏi Bắc Kinh và Washington phải tham gia thảo luận trực tiếp về các vấn đề an ninh then chốt đã gây ra sự thù địch lẫn nhau.

Một cuộc đối thoại như vậy hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của cả Mỹ và Trung Quốc. Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Washington bảo vệ dựa trên sự thừa nhận của các bên về những gì là lợi ích chính đáng và các phương tiện có thể chấp nhận được để theo đuổi chúng. Cùng lúc đó, trong các tuyên bố cấp cao của chính phủ và các tài liệu gần đây, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tính đến lợi ích an ninh chính đáng của các quốc gia khác” và đảm bảo “an ninh không bị suy giảm cho tất cả các quốc gia.” Sự giao thoa quan điểm của hai nước tạo cơ hội cho một cuộc thảo luận kỹ lưỡng nhằm xác định các lợi ích an ninh chính đáng và các biện pháp có thể chấp nhận được để đạt được chúng. Nó sẽ tương tự như quá trình dẫn đến Hiệp định Helsinki năm 1975, vốn đã giúp giảm bớt căng thẳng một cách hiệu quả giữa Liên Xô và phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Đầu tiên, Trung Quốc và Mỹ có thể cam kết không thay đổi nguyên trạng lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương thông qua các biện pháp quân sự. Một thỏa thuận như vậy, hoặc những tuyên bố đơn phương có đi có lại vì cùng một mục đích, sẽ củng cố đáng kể mức độ tin cậy của các tuyên bố của Trung Quốc về trỗi dậy hòa bình, giúp thiết lập các quy tắc ứng xử công bằng và bình đẳng, thúc đẩy tầm nhìn chung về ổn định khu vực, và giảm bớt động cơ xây dựng quân đội của tất cả các bên liên quan.

Nhưng phải thừa nhận rằng, vì Trung Quốc liên tục chần chừ tham gia các cuộc thảo luận có ý nghĩa về hạt nhân và các vấn đề an ninh khác rộng hơn, nên không có gì đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ ngay lập tức hoan nghênh đề xuất đàm phán của Mỹ. Ngay cả khi một cuộc đối thoại bắt đầu – nhiều khả năng là do những lời kêu gọi và áp lực quốc tế – thì vẫn cần có khả năng ngoại giao lão luyện để giúp hai bên vượt qua những gì có thể sẽ là những cuộc đối thoại đầy thách thức. Tuy nhiên, cách tiếp cận dựa trên đối thoại nhằm mục đích hiểu rõ hơn quan điểm của nhau về những gì tạo nên lợi ích và cách tiếp cận an ninh chính đáng sẽ giải quyết các quan ngại cốt lõi của Bắc Kinh và mang lại triển vọng ổn định quan hệ an ninh Mỹ-Trung. Bằng cách ưu tiên cuộc thảo luận này, Washington có thể thể hiện thiện chí của mình và giúp Bắc Kinh nhận ra rằng chỉ có các biện pháp hợp tác mới có thể làm dịu đi chính sách răn đe của Mỹ.

Tong Zhao là nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.