Hải quân Mỹ không thể đóng tàu chiến

Nguồn: Gil Barndollar và Matthew C. Mai, “The U.S. Navy Can’t Build Ships”, Foreign Policy, 17/05/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Hàng thập kỷ phi công nghiệp hóa và thu hẹp quy mô khiến nước Mỹ không còn các xưởng đóng tàu để đóng và bảo trì hạm đội.

Sau nhiều thập kỷ thiếu định hướng chiến lược và những thất bại tốn kém trong việc mua sắm trang thiết bị, Hải quân Mỹ đang lao thẳng vào một cơn bão không thể tránh khỏi. Mặc dù Bộ Quốc phòng ra rả tuyên bố Trung Quốc là “thách thức to lớn”, nhưng nhiều thập kỷ phi công nghiệp hóa và thất bại của các nhà hoạch định chính sách trong việc phân định ưu tiên giữa các quân chủng và các mối đe dọa khác nhau đã khiến Hải quân Mỹ không được trang bị tốt để chống chịu một cuộc xung đột cường độ cao kéo dài ở Thái Bình Dương. Mỹ không thể theo kịp tốc độ đóng tàu của Trung Quốc và sẽ tụt hậu hơn nữa trong những năm tới. Điều đó đặt Hải quân Mỹ và yêu cầu chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Mỹ – ngăn chặn chiến tranh ở Thái Bình Dương – vào tình thế như thế nào?

Theo yêu cầu ngân sách mới nhất của chính quyền Biden, những hạn chế về tài chính đang buộc Hải quân phải cắt giảm yêu cầu mua sắm, trì hoãn các chương trình hiện đại hóa và cho nghỉ hưu nhiều tàu chiến sớm hơn bình thường. Ngân sách của Hải quân cho năm tài khóa 2025 kêu gọi loại biên 19 tàu chiến – bao gồm ba tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và bốn tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường – trong khi chỉ mua sắm thêm sáu tàu mới. Hệ quả đầy đủ của thứ mà các nhà phân tích quân sự từ lâu đã cảnh báo là “Thập niên 2020 kinh khủng” giờ đây đã trở nên rõ ràng: Việc nâng cấp bộ ba hạt nhân đầy tốn kém của Mỹ, các nỗ lực hiện đại hóa đồng thời khắp các quân chủng và nợ chính phủ gia tăng đang buộc Lầu Năm Góc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về những gì họ có thể và không thể chi trả.

Thiếu hụt nhân công và các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng đang hạn chế năng lực đóng tàu. Cơ sở công nghiệp quốc phòng vẫn đang vật lộn để phục hồi sau những đợt cắt giảm ngân sách thời hậu Chiến tranh Lạnh, khiến ngành sản xuất quốc phòng của Mỹ bị thu hẹp đáng kể. Hải quân cần năng lực đóng tàu nhiều hơn, nhưng thách thức lớn nhất để mở rộng sản xuất là tìm đủ công nhân lành nghề cho các xưởng đóng tàu. Ngành đóng tàu đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài, trở nên lép về trước các nhà hàng thức ăn nhanh vốn cung cấp mức lương và phúc lợi tốt hơn cho nhân viên mới vào nghề. Xét cho cùng, việc thiếu thợ hàn, chứ không phải trang thiết bị, cần phải được khắc phục nếu Hải quân Mỹ muốn mở rộng hạm đội.

Thay vào đó, tình hình đóng tàu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một đợt đánh giá nội bộ do Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro ra lệnh tiến hành vào tháng Giêng cho thấy các chương trình lớn, bao gồm tàu ngầm và tàu sân bay, đang phải đối mặt với tình trạng trì trệ kéo dài. Ngay cả các khinh hạm lớp Constellation, được quảng bá là mẫu cải biên nhanh của một thiết kế đã được chứng minh ở Châu Âu, cũng bị chậm trễ ba năm.

Nhà phân tích quốc phòng David Alman đã viết trong một bài luận đoạt giải cho Tạp chí Proceedings của Viện Hải quân Mỹ, rằng Mỹ đơn giản là không thể thắng trong cuộc đua đóng tàu chiến với Trung Quốc. Mỹ thực sự đã từ bỏ năng lực đóng tàu thương mại dưới thời chính quyền Reagan vì thương mại tự do. Trong những thập kỷ tiếp theo, các khoản trợ cấp hào phóng của nhà nước đã giúp Trung Quốc thống trị ngành đóng tàu thương mại, và yêu cầu của Bắc Kinh về việc ngành này phải mang yếu tố lưỡng dụng đã tạo ra một ngành công nghiệp có thể chuyển sang sản xuất và sửa chữa tàu chiến cho quân đội trong thời kỳ xung đột, giống như các xưởng đóng tàu của Mỹ đã làm trong Thế chiến thứ II. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ ước tính rằng Trung Quốc hiện có năng lực đóng tàu gấp 232 lần so với Mỹ. Trung Quốc đã đóng gần một nửa số tàu mới của thế giới vào năm 2022, trong khi các xưởng đóng tàu của Mỹ chỉ sản xuất được 0,13%.

Việc xây dựng lại “kho vũ khí của nền dân chủ”, thứ đã quyết định chiến thắng trên biển của Mỹ cách đây 80 năm, sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều hay với giá rẻ – đó sẽ là dự án kéo dài nhiều thế hệ. Chương trình Tối ưu hóa Cơ sở hạ tầng Xưởng đóng tàu kéo dài 20 năm nhằm nâng cấp các ụ tàu khô, cơ sở vật chất và thiết bị sẽ tốn kém hơn nhiều so với con số dự kiến ​​21 tỷ USD. Nhưng kế hoạch này chỉ nhằm mục đích tối đa hóa năng lực công nghiệp hiện có của Mỹ và sẽ không giúp ích nhiều để thu hẹp khoảng cách đóng tàu khổng lồ với Trung Quốc. Điều đó đòi hỏi một chương trình tái thiết tương đương với một chuỗi các bộ luật hàng hải được thông qua sau Thế chiến thứ I, vốn hỗ trợ cho việc mở rộng cơ sở công nghiệp có khả năng sản xuất hàng nghìn tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm, khinh hạm và tàu chở hàng cho hạm đội Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Nhận thấy rằng các xưởng đóng tàu của Mỹ đang hoạt động hết công suất, các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu tìm kiếm năng lực bổ sung ở nước ngoài. Bộ trưởng Del Toro đã khuyến khích các công ty Hàn Quốc đầu tư vào ngành đóng tàu hải quân Mỹ trong chuyến thăm vào năm nay. Nhật Bản có khả năng sẽ sớm bắt đầu thực hiện công việc sửa chữa và bảo trì cho các tàu chiến Mỹ; Ấn Độ đã đồng ý làm điều tương tự vào năm ngoái. Những sáng kiến này sẽ giúp giảm bớt tình trạng tồn đọng công việc bảo trì ngày càng tăng tại các cơ sở của Mỹ, nhưng sẽ cần một phần lớn năng lực đóng tàu kết hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc để thay đổi đáng kể sự chênh lệch ngày càng tăng về quy mô hạm đội giữa Mỹ và Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Tất nhiên, không phải loại tàu nào cũng giống nhau. Tàu chiến Mỹ hạng nặng và có năng lực hơn tàu Trung Quốc, mặc dù sự thiếu hụt tàu hậu cần và khả năng vận chuyển đường biển là những mối quan ngại lớn. Tuy nhiên, kỷ nguyên chiến tranh tên lửa hiện tại đã làm nổi bật tầm quan trọng của quy mô hạm đội. Không có đủ tàu để sánh ngang với Hải quân Trung Quốc, Mỹ có thể làm gì để duy trì khả năng răn đe thông thường ở Thái Bình Dương và ngăn chặn chiến tranh? Ít nhất là hai việc lớn phải được tính tới: mua thêm tên lửa và cắt giảm nhiệm vụ.

Trước tiên, để quản lý rủi ro trong ngắn hạn, Hải quân và các lực lượng khác cần nhanh chóng mua thêm đạn dược — tập trung vào vũ khí và năng lực, chứ không phải các bệ phóng mang vác số đạn dược đó.

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine khiến các nhà hoạch định quân sự không nghĩ đến các cuộc xung đột ngắn, chóng vánh mà tập trung nhiều hơn vào các cuộc chiến tranh dài ngày và nhu cầu vật chất khổng lồ đi kèm. Những gì xảy ra với kho dự trữ đạn pháo cạn kiệt trên bộ cũng hoàn toàn có thể xảy ra với nhiều vũ khí cần thiết cho một cuộc chiến tranh trên biển. Một cuộc mô phỏng chiến tranh được công bố rộng rãi vào năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thực hiện cho thấy Mỹ sẽ hết sạch toàn bộ kho tên lửa chống hạm tầm xa quan trọng chỉ trong vài ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh Đài Loan. Tăng cường mua sắm và sản xuất các loại đạn dược này, cũng như Tên lửa tấn công mặt đất từ xa (Standoff Land Attack Missiles), Tên lửa tấn công hỗn hợp (Joint Strike Missiles) và tên lửa Harpoon sẽ cho phép sức mạnh không quân Mỹ cân bằng cán cân ở Thái Bình Dương.

Các hệ thống chống hạm do Lục quân và Thủy quân lục chiến vận hành cũng có thể bổ sung cho hỏa lực của các lực lượng khác. Tuy nhiên, việc triển khai tên lửa trên bộ sẽ đòi hỏi sự đồng ý của các đồng minh. Cho đến nay, không có đồng minh châu Á nào của Mỹ tình nguyện đặt tên lửa Mỹ một cách vĩnh viễn do những nhạy cảm về chính trị và thực tế là các quốc gia này đã sở hữu những vũ khí tương tự.

Đổi mới sáng tạo có thể tăng cường sức mạnh hải quân của Mỹ. Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu T.X. Hammes, nghiên cứu viên tại Đại học Quốc phòng Quốc gia, đã hối thúc Hải quân chuyển đổi các tàu container thương mại thành tàu chiến có khả năng phóng tên lửa, điều này sẽ bổ sung một lượng hỏa lực khổng lồ với giá cả phải chăng. Những “tàu buôn tên lửa” này cũng sẽ đòi hỏi ít nhân lực hơn đáng kể so với các tàu chiến truyền thống, một yếu tố quan trọng khi Hải quân đang vật lộn để lấp đầy các vị trí hiện có.

Các nhà hoạch định chính sách cũng cần đưa ra những lựa chọn khó khăn và hạn chế việc triển khai Hải quân. Mặc dù Hải quân đang thu hẹp quy mô, các nhiệm vụ của họ vẫn không giảm. Cường độ tác chiến cao, thiếu hụt nhân lực và hạm đội già cỗi đang châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng liên quan tới khả năng sẵn sàng chiến đấu, khiến cho các thủy thủ và tàu chiến mệt mỏi vì làm việc hết công suất.

Để giải quyết khủng hoảng về khả năng sẵn sàng chiến đấu, cần phải xem xét kỹ những nhiệm vụ nào là cần thiết cho an ninh nước Mỹ và những nhiệm vụ nào không. Như cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Work đã viết, kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, Hải quân đã dành 30 năm để ưu tiên sự hiện diện toàn cầu hơn so với khả năng sẵn sàng chiến đấu. Theo một đợt đánh giá của Hải quân, hai vụ tai nạn tàu ​​chết người ở Thái Bình Dương vào năm 2017 liên quan đến các tàu chiến USS Fitzgerald và USS John McCain là kết quả trực tiếp của sự cuồng nhiệt thiếu bền vững đối với năng lực hiện diện toàn cầu.

Sự nổi trội của các nhiệm vụ phục vụ nhu cầu hiện diện cũng dẫn đến những hậu quả khó nhận thấy hơn. Sau 20 năm triển khai lực lượng mà không gặp phải nhiều đối kháng ở Trung Đông, Hải quân Mỹ giờ đây phải đối mặt với một đối thủ có khả năng đáp trả: phiến quân Houthi ở Yemen. Kinh nghiệm gia tăng trong phòng thủ tên lửa và drone lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tiêu hao nhanh chóng các loại đạn dược chính xác. Trong cuộc xung đột với phiến quân Houthi, Hải quân đã sử dụng hết số tên lửa tấn công đối đất Tomahawk trong một ngày nhiều hơn số lượng họ mua được trong cả năm 2023. Trong khi đó, theo Tướng Michael Kurilla, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, phiến quân Houthi chỉ cần hai tàu chở hàng từ Iran là có thể thay thế tất cả khí tài bị phá hủy bởi các cuộc tấn công của Mỹ.

Chi phí duy trì sự hiện diện toàn cầu tăng lên do tình trạng tuyển dụng và giữ chân nhân sự của Hải quân. Những khó khăn trong tuyển dụng của Hải quân là không thể phủ nhận. Hải quân đã bỏ lỡ tất cả các mục tiêu tuyển dụng vào năm 2023, một số mục tiêu giảm tới 35%. Theo Giám đốc Nhân sự trưởng của Hải quân, lực lượng này dự kiến thiếu hụt 6.700 tân binh trong năm nay.

Cũng giống như phần còn lại của một lực lượng quân sự dựa hoàn toàn vào sự tình nguyện, những khó khăn chưa từng có trong tuyển dụng sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nhân lực vẫn là thách thức dai dẳng đối với Hải quân. Nếu không có bất kỳ thay đổi nào trong chương trình hoạt động tác chiến, các thủy thủ sẽ phải làm việc nhiều hơn, triển khai thường xuyên hơn và rời khỏi lực lượng với số lượng lớn hơn – đảm bảo một vòng xoáy đi xuống cho cả nguồn lực nhân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Mỹ không thể so sánh được với Trung Quốc về quy mô hạm đội trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Điều này là do quá trình phi công nghiệp hóa, lựa chọn mua sắm kém cỏi và sự tập trung thái quá vào sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ vẫn duy trì một số lợi thế đáng kể trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc: sự thống trị của tàu ngầm, tổng trọng tải ròng, kinh nghiệm trên biển và sự hỗ trợ từ các đồng minh có năng lực. Việc tăng cường đáng kể mua sắm đạn dược dùng chung và chấm dứt tình trạng thiếu hụt khả năng sẵn sàng chiến đấu do triển khai hiện diện ở các chiến trường phụ sẽ nâng cao lợi thế của Hải quân trong giai đoạn đỉnh điểm tiềm năng trong thập kỷ tới khi Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan. Nếu không làm được như thế, kịch bản thay thế sẽ thực sự ảm đạm. Nếu khả năng răn đe thông thường thất bại, nó có nguy cơ dẫn đến thất bại quân sự của Mỹ hoặc thậm chí là điều gì đó nguy hiểm hơn: đối đầu hạt nhân giữa hai siêu cường của thế giới.

Gil Barndollar là thành viên cấp cao tại Defense Priorities và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính khách của Đại học Công giáo Mỹ; Matthew C. Mai là cộng tác viên nghiên cứu tại Defense Priorities.