Tại sao ông Tập không vực dậy nổi nền kinh tế Trung Quốc?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Scott Kennedy, “Why Is Xi Not Fixing China’s Economy?”, Foreign Policy, 30/05/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Lời giải thích từ những người trong cuộc trải dài từ sự thiếu hiểu biết đến ý thức hệ.

Nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động rất tồi tệ. Sự phục hồi hậu đại dịch yếu hơn và ngắn hơn nhiều so với dự đoán của chính phủ Trung Quốc. Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng chính thức đáng nể, nhưng đã giảm xuống còn 5,2% vào năm 2023, thực tế có thể chậm hơn nhiều, với một số nhà phân tích ước tính mức tăng trưởng không quá 1-2%. Một số chỉ số cho thấy sự cải thiện khiêm tốn trong vài tháng đầu năm 2024, nhưng nền kinh tế dường như vẫn đang chững lại, với tăng trưởng hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.

Cùng với suy thoái kinh tế, niềm tin vào con đường tương lai của Trung Quốc đã sụp đổ, cả trong và ngoài nước. Dữ liệu định lượng rất rõ ràng, cho thấy sự sụt giảm đột ngột lòng tin của người tiêu dùng và nhà sản xuất vào mùa xuân năm 2022 sau khi Thượng Hải bị phong tỏa. Triển vọng tiêu dùng được cải thiện ngắn hạn khi các chính sách zero-COVID kết thúc vào cuối năm 2022 nhưng kể từ đó vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục. Các chỉ số kinh doanh nội địa khác nhau cho thấy sự phục hồi khiêm tốn trong giai đoạn gần đây, nhưng các con số vẫn còn kém xa so với mức cao lịch sử của chúng.

Dữ liệu này có thể đã đánh giá thấp mức độ lo lắng sâu rộng của người dân Trung Quốc về hiện tại và tương lai của đất nước – những lo ngại mà tôi đã trực tiếp nghe được trong chuyến nghiên cứu kéo dài vào mùa xuân này.

Ngoài nền kinh tế khó khăn và sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản, một vấn đề đáng lo ngại khác là chính sách zero-COVID và sự kết thúc đầy hỗn loạn của chính sách đó, các cuộc tấn công kéo dài nhắm vào các công ty công nghệ tư nhân, sự tập trung cao độ vào vấn đề ý thực hệ, quá trình theo đuổi tự chủ công nghệ phi thực tế và căng thẳng gia tăng với phương Tây. Những lo ngại này dẫn đến nhu cầu tiêu dùng yếu, đầu tư kinh doanh bị hạn chế và xu hướng chuyển tài sản, đưa gia đình ra nước ngoài.

Một câu hỏi lặp đi lặp lại: Tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc không làm nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế và phục hồi niềm tin? Và khi nói đến giới lãnh đạo, nhiều người ngầm ám chỉ một người duy nhất, Tập Cận Bình. Việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, sự chuyển đổi về quản trị quốc gia sang các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do ông kiểm soát và sự chú ý quá mức mà ông nhận được trên các phương tiện truyền thông chính thức khiến người dân Trung Quốc (và phần còn lại của thế giới) có ấn tượng rằng ông đang hoàn toàn nắm quyền ra quyết định.

Bắc Kinh không phải là không làm gì; họ đã nới rộng tín dụng, đưa ra các kế hoạch đa điểm để trấn an khu vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, giảm bớt hạn chế việc mua căn nhà thứ hai và giảm bớt các giọng điệu “chiến lang”. Nhưng phần lớn những người tôi gặp – vốn không phải là các nhà khoa học – không hề ấn tượng với những chính sách nêu trên, những bước đi này dường như vẫn quá ít và quá muộn màng.

Có bốn quan điểm thường được đưa ra về lý do tại sao Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác không tiến hành một cách tiếp cận khác, mà chúng ta có thể gọi là “Bốn Không” theo phong cách chính trị Trung Quốc. Thứ nhất là, “Ông ấy không biết.” Một số người suy đoán rằng Tập Cận Bình đang bị che mắt về tình trạng tồi tệ của nền kinh tế bởi các cán bộ không muốn báo tin xấu cho ông vì sợ ông sẽ đổ lỗi cho họ. Do đó, họ chỉ cung cấp cho ông ấy những báo cáo tích cực, được tô vẽ.

Một nguồn tin cho biết họ nghe nói các quan chức cấp thấp tại Trung Nam Hải đã yêu cầu các nhà nghiên cứu bên ngoài chỉ nộp các báo cáo tích cực. Một người khác nói rằng các quan chức cấp cao kiểm soát luồng tài liệu đến Tập Cận Bình có liên quan đến bộ máy an ninh và tuyên truyền, vì vậy tài liệu đến tay của ông ấy phản ánh định kiến của họ. Nhưng những người khác mà tôi nói chuyện thì lại hoàn toàn không đồng ý rằng Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác không được thông tin đầy đủ. Một chuyên gia đã gửi nghiên cứu cho Đảng nói rằng họ được yêu cầu cung cấp các phân tích trung thực vì lãnh đạo muốn nhận được các quan điểm có tính tranh biện.

Quan điểm thứ hai là “ông ấy không biết phải làm gì,” dựa trên giả định rằng Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác được thông tin đầy đủ nhưng họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề không dễ giải quyết. Danh sách này rất dài – từ khủng hoảng bất động sản, nợ chính quyền địa phương phình to, tỷ lệ sinh giảm mạnh, bất bình đẳng gia tăng, bất mãn ở Hồng Kông đến căng thẳng gia tăng với phương Tây và hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc – và các giải pháp thì không hề đơn giản.

Hơn nữa, ban lãnh đạo hiện tại được cấu thành bởi “đội hình B”, trong đó nhiều người có kinh nghiệm hạn chế trong chính quyền trung ương, và việc hoạch định chính sách đã trở nên tập trung cao độ vào ĐCSTQ đến mức sự phối hợp giữa các cấp lãnh đạo và giữa Bắc Kinh với các địa phương trở nên khó khăn hơn chứ không hề dễ dàng hơn.

Nhiều nguồn tin thân cận cho biết họ nghe nói rằng trong một số vấn đề, giới lãnh đạo đã có những cuộc tranh luận dài về cách giải quyết, trì hoãn các quyết định và việc triển khai các chính sách mới. Ví dụ, giới lãnh đạo dường như đã xác định thị trường chứng khoán yếu kém là một vấn đề vào mùa hè năm 2023, nhưng các giải pháp mới chỉ được triển khai vào đầu năm 2024, khi người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc bị thay thế. Điều thách thức hơn là việc tìm ra các cách giải quyết một vấn đề mà không làm trầm trọng thêm các vấn đề khác hoặc đưa ra một kế hoạch tổng thể tìm ra cách tiếp cận cân bằng.

Giải quyết mớ bòng bong bất động sản – và mất cân bằng trong nền kinh tế – có thể là ví dụ điển hình, cho thấy rõ ràng để tìm ra một con đường chính sách có hiệu quả điều hướng các lợi ích xung đột giữa tất cả các bên liên quan khó khăn như thế nào, bao gồm chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các nhà phát triển, người mua nhà, các tổ chức tài chính và các lĩnh vực kinh tế khác. Tương tự như vậy, Hội nghị Trung ương 3 được cho là đã bị hoãn từ tháng 1 năm 2024 sang mùa hè do thiếu sự đồng thuận.

Một số nguồn tin nhấn mạnh đến sự suy giảm chất lượng điều hành của các quan chức hàng đầu, và so sánh một cách tiêu cực Thủ tướng Lý Cường với người tiền nhiệm Lý Khắc Cường, người đã qua đời đột ngột vào mùa thu năm ngoái. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, Hà Lập Phong, được cho là kém năng lực hơn người tiền nhiệm Lưu Hạc.

Kịch bản thứ ba, “Ông ấy không quan tâm,” bắt nguồn từ giả thuyết rằng ưu tiên hàng đầu của Tập Cận Bình là củng cố sự độc quyền nắm giữ quyền lực của ĐCSTQ và sự thống trị chính trị cá nhân của ông. Mặc dù truyền thông cho thấy ông ấy đang thăm các nhà máy và tổ chức các phiên thảo luận về các thách thức kinh tế khác nhau, nhưng lịch trình hàng ngày của ông ấy có thể bị chi phối bởi việc quản lý các vấn đề an ninh và chính trị, bao gồm các quyết định về nhân sự, chứ không phải nền kinh tế.

Đây là kịch bản không được tán thành nhiều nhất bởi những người Trung Quốc mà tôi khảo sát, nhưng số ít người ủng hộ nó lại tin tưởng mãnh liệt vào kịch bản này. Quan điểm cốt lõi của họ là Tập Cận Bình dường như sẵn sàng hy sinh nền kinh tế vì chủ nghĩa dân tộc và sự thống trị của ĐCSTQ. Hơn nữa, Tập Cận Bình không đơn độc; ông được chọn làm người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, như người ta nói, “để không trở thành Mikhail Gorbachev,” chứ không phải để thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Điều đáng nói là những người ủng hộ quan điểm này thường lớn tuổi hơn (trên 60 tuổi); họ nhấn mạnh những điểm tương đồng rõ ràng trong tính cách của Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông, và sự quan tâm chung ở cả hai giai đoạn về sự trong sạch ý thức hệ cũng như đấu tranh giai cấp, dẫn đến căng thẳng đáng kể trong xã hội và giới tinh hoa.

Câu trả lời cuối cùng, “Ông ấy không đồng ý,” cho rằng vấn đề không phải là Tập Cận Bình thiếu thông tin, thiếu quyết đoán và năng lực, hay thiếu quan tâm mà là ông và các cộng sự không đồng ý với những lời chỉ trích cho rằng đường lối chính sách hiện tại là không chính xác và không đáp ứng được thách thức. Thực tế, quan điểm của giới lãnh đạo có thể là bởi vì Trung Quốc mất quyền tiếp cận đáng tin cậy với công nghệ, thị trường và tài chính phương Tây, nên Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ưu tiên phát triển công nghệ trong nước và đạt được càng nhiều lợi thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu càng tốt.

Quan trọng hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể chỉ ra một số bằng chứng cho thấy kế hoạch của họ đang hiệu quả – sự thống trị trong lĩnh vực xe điện và pin, hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, máy bay phản lực thương mại C919, một loạt các nền tảng internet rất phổ biến, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu, v.v…

Phần lớn những người cung cấp thông tin chọn quan điểm cuối cùng này. Họ tin rằng Tập Cận Bình có quan điểm mạnh mẽ về tầm quan trọng cốt yếu của việc kiểm soát các công nghệ tiên tiến, phục vụ cho cả nhu cầu kinh tế và chiến lược của Trung Quốc, và đang kiên quyết thực hiện tầm nhìn này. Do đó, chiến lược đầu tư đã chuyển dịch từ bất động sản sang sản xuất tiên tiến và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, đảng Cộng sản đối với các công nghệ mới nổi có thể vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa củng cố an ninh quốc gia. Trong khi một số người được hỏi nêu những lý do liên quan tới sự thiếu hiểu biết, yếu kém về mặt năng lực hoặc sự không quan tâm, đa số người được hỏi lại nhận thấy sự rõ ràng trong xác định mục tiêu và tính quyết đoán của lãnh đạo.

Tuy nhiên, những người ủng hộ lựa chọn “Ông ấy không đồng ý” lại chia thành hai phe. Hầu hết những người chọn lựa chọn này tin rằng lãnh đạo Trung Quốc đã phạm sai lầm chiến lược khi đi theo hướng ưu tiên tập trung hóa cao độ với chính sách phát triển công nghiệp ồ ạt và đặt cược quá nhiều vào việc kiểm soát các công nghệ của tương lai. Theo quan điểm này, việc quay lưng với tự do hóa và không đủ chú ý đến kinh tế hộ gia đình và tiêu dùng đồng nghĩa với năng suất thấp hơn, nợ cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và hơn nữa là căng thẳng gia tăng với các nền kinh tế tiên tiến khác.

Một nhóm nhỏ hơn ủng hộ lựa chọn này lại có phản ứng ngược lại. Thực tế, họ đồng ý với cách tiếp cận của lãnh đạo Trung Quốc và tin rằng những người chỉ trích là những người theo chủ nghĩa tân tự do phản đối một nhà nước tích cực theo bản năng và bỏ qua những dấu hiệu chính của tiến bộ công nghệ một cách không công bằng. Có lẽ không ngạc nhiên, một số người (mặc dù không phải tất cả) trong nhóm thứ hai này mà tôi biết đến đều làm việc trong các tổ chức nghiên cứu của chính phủ.

Những niềm tin này rất quan trọng. Nếu một trong hai lựa chọn đầu tiên – “Ông ấy không biết” hoặc “Ông ấy không biết phải làm gì” – là chính xác, thì con đường hiện tại là kết quả của những sai lầm không chủ ý, và tất cả những gì cần thiết để tạo ra sự thay đổi là cung cấp cho ban lãnh đạo thông tin tốt hơn và các kế hoạch hiệu quả hơn để giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước. Cách nhìn nhận vấn đề này từ bên ngoài Trung Quốc cũng quyết định cách tiếp cận của Trung Quốc về các vấn đề khác. Nó sẽ củng cố quan niệm của một số quan chức ở Washington rằng điều quan trọng đối với Tổng thống Joe Biden là phải có các cuộc đối thoại trực tiếp với Tập Cận Bình để đảm bảo ông ấy hiểu chính xác về chính sách đối ngoại của Mỹ về các vấn đề như Ukraine và Đài Loan.

Nhưng nếu Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác không quan tâm đến nền kinh tế hoặc không đồng ý với những lời chỉ trích, thì quỹ đạo hiện tại là kết quả của một kế hoạch có chủ ý, và các dữ liệu và báo cáo chính sách mới với các chiến lược thay thế sẽ không tạo ra nhiều khác biệt.

Rất có thể giới lãnh đạo sẽ chứng minh những người chỉ trích là sai lầm, nhưng nếu họ không làm vậy, thì có hai nguồn thay đổi tiềm năng. Đầu tiên sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn tạo ra sự thay đổi về mặt chính trị: Giới lãnh đạo hiện tại có thể nhận ra những sai lầm của mình và thay đổi cách tiếp cận, một nhóm tinh hoa khác có thể tập hợp và thay thế nhóm hiện tại, hoặc, ít có khả năng xảy ra nhất, công chúng có thể nổi dậy phản đối và cố gắng lật đổ hoàn toàn ĐCSTQ. Mặc dù có thể có nhiều thứ đang diễn ra ngầm bên dưới bề mặt mà người ngoài không thể nhìn thấy, nhưng không có kịch bản nào trong số này có vẻ khả thi trong ngắn hạn và trung hạn.

Nguồn thay đổi thứ hai sẽ là việc giới lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với một môi trường quốc tế ôn hòa hơn nhiều, nơi Mỹ và phương Tây nói chung, đưa ra những đảm bảo đáng tin cậy rằng họ trở lại thành một nhà cung cấp đáng tin cậy về công nghệ, thị trường và tài chính; vô điều kiện công nhận tính hợp pháp của hệ thống độc tài của ĐCSTQ; và chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông và Đài Loan. Nhưng khả năng thay đổi này xảy ra thậm chí còn nhỏ hơn bất kỳ kịch bản nào do nội bộ Trung Quốc thúc đẩy.

Một lý do khiến phương Tây khó có khả năng trở nên hợp tác hơn là vì các giám đốc điều hành và quan chức nước ngoài, khi được khảo sát ở cả trong và ngoài Trung Quốc, thường chọn “Ông ấy không đồng ý”. Từ góc nhìn của các phòng họp và thủ đô nước ngoài, Tập Cận Bình dường như nắm toàn quyền kiểm soát chính trị và quyết tâm tiến tới chiến lược này, với bất kỳ điều chỉnh nào cũng chỉ là những thay đổi chiến thuật nhỏ để xoa dịu một cách tối thiểu các tiếng nói chỉ trích trong và ngoài nước. Do đó, họ tin rằng mình cần phải kiên định hơn, chứ không phải kém kiên định hơn trong việc bảo vệ lập trường của mình.

Mặc dù không mang tính khoa học, cuộc khảo sát không chính thức này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa một phần xã hội Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của họ cũng như giữa Bắc Kinh và các thủ đô khác trên thế giới. Điều đó có nghĩa là sẽ có rất ít cơ hội cho các hành động mới táo bạo – nhưng những mâu thuẫn giữa lãnh đạo và các quan điểm đối lập trong nước và quốc tế báo trước những căng thẳng và xung đột gay gắt hơn sắp tới.

Scott Kennedy là cố vấn cấp cao và Chủ tịch Ủy thác về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.