Thặng dư thương mại của Nga và Trung Quốc là tốt hay xấu?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Paul Krugman, “Of Dictators and Trade Surpluses,” New York Times, 22/08/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Theo một cuộc thăm dò mới đây của NBC News, cử tri Mỹ hiện đang coi “các mối đe dọa đối với nền dân chủ” là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước họ phải đối mặt. Điều này vừa đáng lo ngại, vừa đáng hoan nghênh – vì nó có nghĩa là mọi người đã chú ý. Cũng cần lưu ý rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ. Các nền dân chủ đang sa sút trên toàn thế giới. Theo khảo sát mới nhất của Economist Intelligence Unit, hiện có 59 quốc gia theo chế độ chuyên chế, tương đương 37% dân số thế giới.

Tuy nhiên, trong số 59 chế độ này, chỉ có hai chế độ – Trung Quốc và Nga – là đủ mạnh để gây ra những thách thức lớn đối với trật tự quốc tế.

Tất nhiên, hai quốc gia này rất khác nhau. Trung Quốc là một siêu cường thực sự, sở hữu một nền kinh tế mà theo nhiều khía cạnh đã vượt qua Mỹ. Còn Nga chỉ là cường quốc hạng ba về mặt kinh tế, và các sự kiện kể từ ngày 24/02 cho thấy quân đội nước này yếu hơn nhiều so với những gì các nhà quan sát nghĩ. Tuy nhiên, họ nắm trong tay vũ khí hạt nhân.

Nhưng Trung Quốc và Nga có một điểm chung: cả hai hiện đang có thặng dư thương mại rất lớn. Liệu những thặng dư này có phải là dấu hiệu của sức mạnh? Liệu chúng có là bằng chứng cho thấy chế độ chuyên chế thực sự hiệu quả?

Không, trong cả hai trường hợp, thặng dư là dấu hiệu của sự yếu kém. Tình hình hiện tại cho chúng ta cơ hội chỉnh sửa quan niệm phổ biến – vốn được nhiều người ủng hộ, mà nổi bật là Donald Trump – rằng nếu một quốc gia bán được nhiều hàng hơn số họ mua vào, họ sẽ là “người chiến thắng.”

Hãy bắt đầu với Nga, nước có thặng dư thương mại tăng vọt kể từ khi Vladimir Putin xâm lược Ukraine. Tại sao lại như thế? Nguyên nhân phần lớn đến từ kết quả của các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, vốn đã có hiệu quả đáng ngạc nhiên – dù không theo cách mà nhiều người mong đợi.

Khi cuộc xâm lược nổ ra, đã có nhiều lời kêu gọi cấm vận xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga không gặp quá nhiều khó khăn trong việc duy trì xuất khẩu dầu mỏ của mình; họ đang bán dầu thô với giá chiết khấu, nhưng mức giá toàn cầu cao nghĩa là họ vẫn sẽ thu được nhiều tiền. Và việc xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu giảm mạnh đã cho thấy chế độ Putin đang gây áp lực lên phương Tây, hơn là chiều ngược lại.

Thay vào đó, các biện pháp trừng phạt đã làm suy yếu khả năng nhập khẩu hàng hóa của Nga, đặc biệt là khả năng mua các đầu vào công nghiệp quan trọng của nước này. Ví dụ, báo cáo chỉ ra rằng các hãng hàng không Nga đang phải ngừng sử dụng một số máy bay của họ để tháo lấy phụ tùng thay thế mà họ không còn mua được ở nước ngoài.

Vì vậy, thặng dư thương mại của Nga thực chất là một tin xấu đối với Putin, một dấu hiệu cho thấy đất nước của ông đang gặp khó khăn trong việc sử dụng tiền mặt để mua các hàng hóa cần thiết nhằm duy trì nỗ lực chiến tranh.

Vấn đề của Trung Quốc thì lại khác: Thặng dư thương mại của nước này là kết quả của những vấn đề nội bộ đã có từ lâu, mà sau cùng có thể sẽ bộc phát.

Các nhà quan sát nước ngoài từ lâu đã nhận ra rằng có quá ít thu nhập quốc dân của Trung Quốc được chuyển đến dân chúng, do đó chi tiêu tiêu dùng vẫn thấp bất chấp kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Thay vào đó, nước này đã ít nhiều duy trì tình trạng toàn dụng lao động bằng cách chuyển tín dụng giá rẻ vào các khoản đầu tư ngày càng kém hiệu quả, mà trên hết là thị trường bong bóng bất động sản với nền tảng là nợ tư nhân ngày càng tăng.

Trung Quốc đã cố gắng chơi trò chơi không bền vững này suốt một thời gian dài đáng kể. Tuy nhiên, lúc này đây, thị trường nhà ở của Trung Quốc dường như đang sụp đổ và nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang giảm sút. Điều đó đang kéo nhập khẩu của nước này đi xuống – cũng tức là thặng dư thương mại sẽ đi lên. Một lần nữa, thặng dư có thể là một dấu hiệu của sự yếu kém, không phải là sức mạnh.

Ngoài ra, còn có hai điểm nữa cần nói về Trung Quốc. Thứ nhất, nền kinh tế của nước này đang bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ từ chối thay đổi một chiến lược kiềm chế covid thất bại, chủ yếu dựa vào vaccine nội địa tương đối kém hiệu quả và chính sách phong tỏa hà khắc để ngăn chặn đại dịch.

Thứ hai, trong điều kiện hiện tại, cầu yếu ở Trung Quốc vô tình lại có lợi cho phần còn lại của thế giới.

Cách đây một chục năm, nền kinh tế thế giới đã rơi vào tình trạng không đủ cầu, và thặng dư thương mại của Trung Quốc khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn vì nó hút sức mua ra khỏi phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, ngày nay, nền kinh tế thế giới đang trong thế không đủ cung, dẫn đến lạm phát cao ở nhiều nước. Trong bối cảnh này, sự yếu kém của Trung Quốc thực sự có lợi cho các nước còn lại: Cầu giảm ở Trung Quốc đang làm giảm giá dầu và các mặt hàng khác, theo đó làm giảm áp lực lạm phát toàn cầu.

Vậy chúng ta có thể học được gì từ các nhà chuyên chế và thặng dư thương mại của họ?

Như tôi đã nói, chúng ta đang chứng kiến thực tế rằng xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu không có nghĩa là bạn đang chiến thắng: Theo những cách khác nhau, thặng dư thương mại của Nga và Trung Quốc đại diện cho thất bại hơn là thành công.

Ở cấp độ rộng hơn, chúng ta cũng nhận ra những rắc rối của các chế độ chuyên chế, khi mà chẳng một ai có thể nói với nhà lãnh đạo rằng họ đã sai. Putin có lẽ đã quyết định xâm lược Ukraine một phần vì các thuộc hạ quá sợ hãi, không dám cảnh báo ông về giới hạn sức mạnh quân sự của Nga. Tương tự, phản ứng covid của Trung Quốc đã đi từ hình mẫu đáng noi theo sang một câu chuyện cảnh giác, chắc hẳn là vì không ai dám nói với Tập Cận Bình rằng chính sách chủ chốt của ông ấy đang không hiệu quả.

Tóm lại thì chế độ chuyên chế có thể đang lan rộng – nhưng không phải vì nó có hiệu quả tốt hơn chế độ dân chủ.

Paul Krugman là chuyên gia bình luận của New York Times từ năm 2000, đồng thời là giáo sư tại Viện Cao học Đại học Thành phố New York. Ông giành Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 cho công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.