Thế giới hôm nay: 10/06/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử quốc hội, sau khi thăm dò hậu bầu cử vào Nghị viện châu Âu cho thấy các đảng cực hữu ở Pháp cũng như một số nước khác thắng đáng kể. Tại Đức, đảng Sự Lựa chọn Thay thế cho nước Đức chiếm vị trí thứ hai sau phe bảo thủ đối lập với 16,5% số phiếu bầu, tăng từ 11% của năm 2019. Tại Áo, Đảng Tự do được dự đoán sẽ giành được nhiều ghế nhất. Nếu được xác nhận, đây sẽ là chiến thắng đầu tiên của đảng này trong một cuộc bầu cử toàn quốc. Ông Macron cho rằng kết quả bầu cử không tốt “cho các đảng đang bảo vệ châu Âu.”

Benny Gantz đã từ chức khỏi nội các chiến tranh của Israel do mâu thuẫn với thủ tướng Binyamin Netanyahu về các kế hoạch hậu chiến cho Gaza. Chính trị gia trung dung này dự kiến ​​sẽ từ chức vào thứ Bảy, nhưng đã lùi ngày sau cuộc giải cứu thành công 4 con tin Israel khỏi Gaza. Ông Gantz nói cuộc chiến của ông Netanyahu đang ngăn cản Israel “tiến tới một chiến thắng thực sự.”

Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Ấn Độ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp tại một buổi lễ ở Delhi. Ông Modi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử kết thúc vào ngày 1 tháng 6, dù Đảng Bharatiya Janata của ông không giữ được đa số hoàn toàn, trái với dự đoán của một số cuộc thăm dò dư luận và một cuộc thăm dò hậu bầu cử. Vì vậy, để duy trì quyền lực, ông Modi cần sự ủng hộ của các đảng trong liên minh của ông, Liên minh Dân chủ Quốc gia.

Philippines cho biết họ sẽ tiếp tục vận hành các tiền đồn ở Biển Đông và “không bị cản trở bởi sự can thiệp hay đe dọa của nước ngoài.” Tuyên bố này do Eduardo Ano, cố vấn an ninh quốc gia, đưa ra sau khi Trung Quốc đề nghị Philippines nên thông báo cho các quan chức Trung Quốc trước khi tiếp cận các tiền đồn. Ông Ano gọi yêu cầu đó là “vớ vẩn, vô lý, và không thể chấp nhận được.”

Hàn QuốcBắc Triều Tiên đang tăng cường một cuộc đối đầu hòa bình (cho đến nay) nhưng hôi hám và ồn ào. Triều Tiên đã tăng cường chiến dịch gửi bóng bay chở rác tới Hàn Quốc, với hơn 300 quả bóng bị phát hiện vào cuối tuần này. Đáp lại, miền Nam cho biết loa phóng thanh của họ sẽ phát sóng các chương trình tuyên truyền qua biên giới, lần đầu tiên sau sáu năm.

IMF cho biết Mỹ và các nước giàu khác nên “đầu tư vào củng cố tài chính” để giảm nợ. Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, Gita Gopinath, người đứng thứ hai tại IMF, cho biết tăng trưởng ở Mỹ đã mang lại cho nước này “nhiều dư địa” để cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Bà nói thêm rằng thâm hụt tài chính của Mỹ, ước tính khoảng 7,1% GDP vào năm 2025, gây ra “rủi ro đáng kể” cho nền kinh tế toàn cầu.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình kinh tế vĩ mô của Nhật Bản

Khi Ngân hàng Nhật Bản chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3, nền kinh tế nước này dường như đã sẵn sàng cho một khởi đầu mới. Ngân hàng hứa hẹn một “chu kỳ lành mạnh” với mức tăng trưởng vừa phải cả về tiền lương và lạm phát. Nhưng khi chính phủ công bố dữ liệu GDP quý 1 năm 2024 vào thứ Hai, kết quả có thể sẽ rất ảm đạm. Dữ liệu sơ bộ được công bố vào tháng trước cho thấy nền kinh tế Nhật Bản suy thoái với tốc độ năm là 2%.

Lực cản lớn nhất là tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm khoảng 60% tổng GDP. Nó giảm 0,7% so với quý trước, lần giảm thứ tư liên tiếp theo quý. Hiện đồng yên yếu đang đẩy giá lên cao, và tháng 4 là tháng thứ 25 liên tiếp tiền lương thực tế giảm, khiến người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao.

Nhưng tác động của một số yếu tố có thể sẽ sớm phai đi. Một ví dụ là doanh số bán ô tô bị giảm tạm thời do vụ bê bối gian lận dữ liệu tại Daihatsu, công ty con của Toyota.

Ngân hàng lớn cuối cùng của phương Tây dừng hoạt động ở Nga

Vào thứ Hai, ngân hàng Raiffeisen của Áo sẽ ngừng thanh toán bằng đô la ra khỏi Nga. Quyết định này cho thấy chiến dịch của Mỹ nhắm vào các công ty tài chính bị cáo buộc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin đang mang lại kết quả.

Hồi tháng 12, chính quyền Biden đã ban hành lệnh hành pháp khiến các ngân hàng nước ngoài phải chịu trừng phạt thứ cấp nếu họ tham gia vào các giao dịch liên quan đến ngành công nghiệp quân sự của Nga. Raiffeisen, ngân hàng phương Tây lớn nhất vẫn đang hoạt động ở Nga, cho biết họ không làm như vậy.

Nhưng ngân hàng này có thể đã đến quá gần lằn ranh đỏ khi theo đuổi thỏa thuận hoán đổi một số tài sản ở Nga lấy cổ phần trong một công ty xây dựng Áo thuộc sở hữu của Oleg Deripaska, một nhà tài phiệt Nga có tên trong danh sách trừng phạt. Ngay sau đó bộ tài chính Hoa Kỳ đã đe dọa sẽ hạn chế khả năng tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ của ngân hàng. Vài ngày sau, Raiffeisen hủy bỏ thỏa thuận và hiện đang tạm dừng chuyển tiền bằng đô la ra nước ngoài để xoa dịu Mỹ. Vẫn chưa rõ liệu điều đó có đủ để đưa ngân hàng thoát khỏi tầm ngắm của Washington hay không.

Cuộc tranh giành quyền lực ở Iran sau khi tổng thống Raisi qua đời

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi qua đời trong vụ rơi trực thăng hôm 19/5. Kể từ đó, các nhà lãnh đạo đất nước đã đảm bảo rằng chiến dịch tranh cử bắt đầu vào thứ Hai để chọn ra người kế nhiệm ông sẽ ít biến động nhất có thể. Vào Chủ nhật, Hội đồng Giám hộ, cơ quan thẩm tra ứng viên của nhà Lãnh tụ Tối cao, đã loại trừ tất cả trừ một trong số nhiều ứng viên nặng ký đã nộp đơn ứng cử, qua đó coi như trao chiến thắng cho người dẫn đầu, Mohammad Baqer Qalibaf. Là một cựu chỉ huy quân sự, ông là họ hàng của Lãnh tụ Ayatollah Ali Khamenei.

Do đó tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 28 tháng 6 được dự đoán sẽ thấp nhất trong lịch sử, thậm chí thấp hơn cả cuộc bầu cử ba tháng trước, mà bản thân nó đã là một kỷ lục. Nhưng đằng sau hậu trường là một cuộc tranh giành quyền lực ác liệt. Trong quá khứ, chức vụ tổng thống là bước đệm cho ghế lãnh tụ tối cao. Nhưng ông Qalibaf, không như ông Raisi, không phải là giáo sĩ. Việc lựa chọn ông sẽ làm tăng thêm suy đoán rằng ông Khamenei đang chuẩn bị cho con trai mình, Mojtaba, lên kế vị.