13/06/1983: Pioneer 10 rời Hệ Mặt Trời

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Pioneer 10 departs solar system, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1983, sau hơn một thập niên du hành trong không gian, Pioneer 10, tàu thăm dò ngoài hành tinh đầu tiên trên thế giới, đã rời khỏi Hệ Mặt Trời. Ngày hôm sau, nó đã truyền về Trái Đất dữ liệu khoa học đầu tiên về vùng không gian giữa các vì sao.

Ngày 02/03/1972, tàu vũ trụ của NASA được phóng từ Mũi Canaveral, Florida, trong một sứ mệnh tới Sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Tháng 12/1973, sau khi đến được Vành đai tiểu hành tinh và vượt qua quãng đường 620 triệu dặm, Pioneer 10 đã đến Sao Mộc và gửi về Trái Đất những hình ảnh cận cảnh đầu tiên của hành tinh khí khổng lồ. Ngày 13/06/1983, tàu vũ trụ của NASA rời khỏi Hệ Mặt Trời. NASA chính thức kết thúc dự án Pioneer 10 vào ngày 31/03/1997, sau khi con tàu vũ trụ đã đi được một quãng đường khoảng sáu tỷ dặm.

Đi theo hướng chòm sao Kim Ngưu, trong vòng ba năm ánh sáng, Pioneer 10 sẽ đi qua một ngôi sao khác – Ross 246 – vào năm 34.600 SCN. Vỏ bên ngoài của tàu thăm dò có gắn một tấm bảng mạ vàng, kích thước 6×9 inch, gồm hình vẽ của một người đàn ông và một người phụ nữ, một bản đồ sao có đánh dấu vị trí của Mặt Trời, và một bản đồ khác hiển thị đường bay của Pioneer 10. Tấm bảng, có mục đích dành cho các dạng sống thông minh ở những nơi khác trong thiên hà, đã được thiết kế bởi nhà thiên văn học Carl Sagan.

02/03/1972: Tàu vũ trụ Pioneer 10 đến sao Mộc