Quan hệ Trung-Nga không đơn thuần là một cuộc hôn nhân thuận tiện

Nguồn: “The Xi-Putin partnership is not a marriage of convenience”, The Economist, 14/05/2024.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Vào tháng 3 năm ngoái, khi chia tay Vladimir Putin trước cửa Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một lời chia sẻ với tổng thống Nga. Sử dụng cụm từ “bách niên biến cục,” tức là một sự thay đổi mang tính lịch sử trong trật tự thế giới, ông Tập nói: “Chúng ta hãy cùng nhau thúc đẩy điều đó.” Ngày 16/5 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau lần thứ 43. Nga đã trở thành một đối tác quan trọng hơn bao giờ hết trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm chống lại Mỹ. Quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp và có những dấu hiệu cho thấy liên kết quân sự cũng sâu sắc hơn. Tính đến giữa tháng 5 năm 2024, Mỹ đã hai lần thắt chặt trừng phạt đối với thương mại Trung-Nga. Chính phủ của ông Tập phản ứng giận dữ, kêu gọi phương Tây “ngưng bôi nhọ và kiềm chế Trung Quốc.”

Trung Quốc là điểm đến đầu tiên ở nước ngoài của ông Putin sau cuộc bầu cử hồi tháng 3, vốn mang lại cho ông nhiệm kỳ tổng thống thứ năm. Cuộc họp này tương đồng ít nhiều với cuộc gặp năm ngoái, diễn ra ngay sau khi quốc hội Trung Quốc chấp thuận cho ông Tập phá vỡ tiền lệ để làm tiếp nhiệm kỳ chủ tịch nước lần thứ ba, và vài ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông Putin vì tội ác chiến tranh ở Ukraine. Đối với cả hai người, cuộc gặp của họ cho thấy sự khinh miệt đối với những nỗ lực chống các chế độ chuyên quyền của phương Tây.

Nhà lãnh đạo Nga rất thường bay tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm thứ 19 của ông kể từ khi trở thành tổng thống vào năm 2000. Chuyến đi tới Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022, vài ngày trước khi ông phát động cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine, được ví như Caesar vượt sông Rubicon. Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó họ tái định nghĩa chế độ độc tài và nói về  “truyền thống dân chủ lâu đời” của hai nước. Họ ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống lại “những nỗ lực của các thế lực bên ngoài,” ám chỉ Mỹ, nhằm “phá hoại an ninh và ổn định ở các khu vực lân cận chung của họ.” Điều đáng chú ý nhất là khi mô tả mối quan hệ Trung-Nga, hai nhà lãnh đạo nói “không có giới hạn, không có vùng ‘cấm’.”

Liệu có những giới hạn nào đối với sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga hay không đang là câu hỏi được phương Tây rất quan tâm. Trong nhiều lĩnh vực, tình hữu nghị giữa hai nước quả thực đã đạt những tầm cao mới. Trước khi đến Bắc Kinh trong chuyến đi mới nhất, ông Putin nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng hai nước có “sự tin tưởng sâu sắc lẫn nhau” và đang tăng cường “phối hợp chính sách đối ngoại vì lợi ích xây dựng một trật tự thế giới đa cực.” Mỹ và các đồng minh cho rằng các công ty Trung Quốc đang cung cấp hỗ trợ quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Thương mại đang bùng nổ của Trung Quốc và Ấn Độ với Nga cho đến nay đã là cứu cánh cho ông Putin. Và các lực lượng vũ trang Nga, Trung đã tập trận cùng nhau thường xuyên hơn.

Điều mà các nước phương Tây quan tâm nhất là dòng chảy công nghệ và các mặt hàng hữu ích khác đến từ Trung Quốc được các nhà sản xuất vũ khí Nga sử dụng. Trong các chuyến thăm riêng tới Trung Quốc vào tháng 4, bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen và ngoại trưởng Antony Blinken đã chỉ trích các quan chức Trung Quốc về điều này. Ông Blinken nói với các phóng viên khi kết thúc chuyến đi rằng Trung Quốc là “nhà cung cấp hàng đầu” về công cụ máy móc, vi điện tử, và các mặt hàng khác mà Mỹ coi là có “công dụng kép,” nghĩa là chúng có cả ứng dụng dân sự lẫn quân sự. Ông nói: “Nga sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc chiến ở Ukraine nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc.” Sau đó, ông chia sẻ với chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Borge Brende, rằng trong năm qua, công nghệ của Trung Quốc đã cho phép Nga sản xuất vũ khí và đạn dược “với tốc độ nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại của nước này, kể cả trong Chiến tranh Lạnh.”

Dữ liệu thương mại ủng hộ quan điểm của Mỹ. Hãy lấy ví dụ là những máy công cụ gia công kim loại cần thiết để chế tạo vũ khí. Trước chiến tranh Ukraine, nhiều nhà cung cấp các loại máy tiên tiến mà Nga dùng đến từ Mỹ, châu Âu, và các nước giàu ở châu Á. Nhưng rồi trừng phạt làm mất nguồn cung đó, khiến Nga phải quay sang Trung Quốc. Theo số liệu thương mại của Trung Quốc, trong năm 2022, xuất khẩu công cụ máy móc của Trung Quốc sang Nga đã tăng gần 120% lên 362 triệu USD. Đến năm 2023, con số này lại tăng gần 170%. Thị phần của Trung Quốc trong thị trường này ở Nga tăng từ dưới 30% trước chiến tranh lên khoảng 60% vào năm 2022 và 88% vào năm 2023. Viết cho Jamestown Foundation, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, Pavel Luzin gọi sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Nga cho mặt hàng trên là một “điểm yếu ngày càng tăng” đối với ông Putin.

Trung Quốc phải tận dụng điều đó. Trong những ngày đầu của nước Cộng hòa Nhân dân, trước khi chia rẽ Trung-Xô bắt đầu vào cuối những năm 1950, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào “người anh lớn” Liên Xô về viện trợ và vũ khí. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, cho rằng chuyến đi của ông Tập tới Moscow vào tháng 3 năm ngoái đã đẩy nhanh biến cục. Trong một báo cáo về ngành công nghiệp quốc phòng Nga, được công bố vào tháng 4, CSIS cho biết trong tháng đó đã có “sự gia tăng mạnh” các chuyến hàng Trung Quốc sang Nga đối với hàng hóa công dụng kép được Mỹ xác định là “ưu tiên cao.” Điều này có nghĩa là chúng rất quan trọng trong việc sản xuất vũ khí của Nga và bị Mỹ cũng như đồng minh kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ.

Máy móc và linh kiện điện tử, như chip máy tính, chiếm thị phần lớn nhất trong nhập khẩu các sản phẩm được ưu tiên cao của Nga. Gần như tất cả các nhà cung cấp nước ngoài hàng đầu của Nga về các mặt hàng quan trọng liên quan đến quân sự đều đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, theo CSIS. Dữ liệu do The Economist tổng hợp cũng cho thấy xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc sang Nga đã tăng lên 407 triệu USD vào năm 2023, so với chỉ 230 triệu USD của năm 2021. Đặc biệt, doanh số bán máy móc sản xuất chip của Trung Quốc sang Nga tăng trưởng ngoạn mục trong cùng kỳ, từ chỉ 3,5 triệu USD lên gần 180 triệu USD.

Danh sách ưu tiên cao bao gồm vòng bi, được sử dụng trong chế tạo xe tăng. Xuất khẩu mặt hàng này của Trung Quốc đã tăng gần 170% trong năm ngoái so với cùng kỳ năm 2021, một năm trước cuộc xâm lược của Nga. Trong khi đó, doanh số bán mặt hàng trên của Trung Quốc sang Kyrgyzstan cũng tăng vọt hơn 1.800%. Bình luận về điểm này, Markus Garlauskas và các học giả đồng nghiệp viết cho Hội đồng Đại Tây Dương rằng: “Mặc dù có thể thị trường nội địa Kyrgyzstan đột nhiên cần nhiều vòng bi, nhưng lời giải thích khả dĩ hơn nhiều là những sản phẩm này ngay lập tức được tái xuất khẩu sang Nga.”

Mỹ hiện đang tăng áp lực lên Trung Quốc để ngừng bán các mặt hàng ưu tiên cao. Vào ngày 1 tháng 5, họ đã áp trừng phạt đối với gần 300 thực thể nước ngoài, trong đó có 20 công ty từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Bộ tài chính Mỹ cáo buộc các doanh nghiệp này đã giúp Nga “có được những đầu vào quan trọng cho vũ khí hoặc sản xuất liên quan đến quốc phòng.” Không rõ liệu có công ty Trung Quốc nào hoạt động dưới sự chỉ đạo của nhà nước hay không.

Ở một góc độ nào đó, các nước phương Tây có thể yên tâm khi biết rằng có những giới hạn đối với quan hệ Trung-Nga. Trung Quốc rõ ràng nhận thức được nguy cơ leo thang với Mỹ. Hồi tháng 12, tổng thống Joe Biden đã cho phép bộ tài chính áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng nước ngoài liên quan đến các thương vụ giúp đỡ quân đội Nga. Một số ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc do đó trở nên hết sức thận trọng, và đã cho tạm dừng hoặc làm chậm các giao dịch liên quan đến các thực thể Nga. Thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 240 tỷ USD vào năm 2023. Nhưng dù đã tăng 47% vào năm ngoái lên 111 tỷ USD, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã giảm trong hai tháng liền, 16% trong tháng 3 và 14% trong tháng 4, tính theo năm. Các khó khăn của ngành ngân hàng có thể là một yếu tố.

Trung Quốc không hoàn toàn đồng ý với ông Putin về Ukraine. Ông Blinken ghi nhận ông Tập đã thuyết phục được Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Trung Quốc tỏ ra không hào hứng với quyết định xâm lược của Nga (họ không công nhận Crimea hay Donbas là một phần lãnh thổ Nga, như ông Putin tuyên bố). Và một chiến thắng toàn diện của Nga có thể không làm Trung Quốc hài lòng. Nó sẽ chuyển hướng chú ý ở phương Tây vào thất bại của Trung Quốc trong việc kiềm chế Nga và vào mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho trật tự tự do của phương Tây.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Trung Quốc vẫn muốn bảo đảm sự tồn tại của chế độ Nga. Họ không muốn bất kỳ kết quả nào khiến ông Putin mất quyền lực. Ông đơn giản là quá hữu ích trong cuộc đấu tranh của Trung Quốc với phương Tây. Điều này thể hiện rõ trong mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Nga. Hồi tháng 3, hải quân Nga, Trung Quốc, và Iran đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Vịnh Oman, lần mới nhất trong loạt cuộc tập trận bắt đầu từ năm 2018. Cuộc tuần tra hải quân chung của Nga và Trung Quốc hồi tháng 8 gần Alaska có thể là cuộc tuần tra lớn nhất của họ ở sát lục địa Mỹ.

Nga và Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để chiến đấu cùng nhau. Trong bản đánh giá mối đe dọa thường niên mới được công bố vào tháng 2, các điệp viên Mỹ cho biết các cuộc diễn tập chung chỉ mang lại “những cải tiến nhỏ về khả năng tương tác.” Chúng dường như chỉ là một cách báo hiệu độ thắm thiết của quan hệ Trung-Nga. Một thông điệp ngầm là nếu Trung Quốc và Mỹ xảy ra chiến tranh, ít nhất Mỹ sẽ phải tính đến việc Nga hỗ trợ năng lực tình báo cho Trung Quốc.

Sau những khó khăn của Nga ở Ukraine, Trung Quốc có thể đã kết luận rằng tấn công Đài Loan qua eo biển rộng hơn 125 km với một đội quân thiếu kinh nghiệm chiến đấu sẽ là một rủi ro tốt nhất không nên thực hiện trong tương lai gần. Tuy nhiên, ông Tập muốn cho Mỹ thấy rằng ông đã sẵn sàng chiến đấu, và ông đã chuẩn bị nước ông sẵn sàng cho khả năng đó.

Nga có một vai trò ở đây. Nếu chiến tranh nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ, Nga có thể cung cấp cho Trung Quốc ít nhất một phần năng lượng mà nước này cần, vượt qua các chốt hàng hải do Mỹ kiểm soát, bằng cách sử dụng đường ống và đường bộ. Năm ngoái, nhập khẩu dầu Nga của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 107 triệu tấn, tăng 24% so với năm 2022. Nga cung cấp gần 1/5 lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, đưa nước này trở thành nguồn cung lớn nhất của Bắc Kinh. Nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vào Trung Quốc tăng 62%. Nga muốn Trung Quốc mua nhiều hơn nữa qua đường ống dẫn khí đốt thứ hai đang được đề xuất. Đàm phán đã kéo dài nhiều năm qua vì Trung Quốc tỏ ra cứng rắn về giá cả.

Nói một cách nhẹ nhàng, cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine đã không làm cho cuộc sống của ông Tập trở nên dễ dàng hơn. Nó khiến phương Tây tập trung vào nhu cầu tăng cường khả năng phòng thủ cho Đài Loan, làm cho việc chiếm giữ hòn đảo này càng trở nên khó khăn hơn đối với ông Tập. Và nó đã khiến các nước châu Âu cảnh giác hơn với Trung Quốc: việc Bắc Kinh ủng hộ Nga được coi là mối đe dọa gián tiếp đối với an ninh của lục địa.

Nhưng dù ông Tập có bất kỳ mối lo ngại nào về hậu quả của chiến tranh, ông sẽ không để chúng làm suy yếu mối quan hệ song phương. Ông và ông Putin có vẻ thực sự thân thiết. Họ tặng nhau bánh sinh nhật và uống rượu vodka cùng nhau. Ông Putin cũng làm cho Đảng Cộng sản cảm thấy an toàn hơn: nếu nước Nga được cai trị bởi một nhà lãnh đạo cấp tiến thân phương Tây, ông Tập sẽ lo sợ bị lây lan. Tại cuộc gặp ở Moscow năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã cam kết hợp tác chống lại “các cuộc cách mạng màu,” nghĩa là những thách thức dân chủ đối với các chế độ độc tài. Đây không phải là một cuộc hôn nhân thuận tiện. Đối với cả hai nhà lãnh đạo, quan hệ Trung-Nga là một nhu cầu thiết yếu và lâu dài./.