Những điểm yếu ít được chú ý của Biden và Trump

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ross Douthat, “The Biden and Trump Weaknesses That Don’t Get Enough Attention,” New York Times, 22/06/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thứ Năm tuần này, Donald Trump và Joe Biden sẽ bước vào cuộc tranh luận tổng thống như những nhân vật cực kỳ nổi tiếng, khi cả hai đều không được lòng dân và có nhiều điểm yếu như nhau. Những điểm yếu quan trọng nhất của họ – đối với đương kim tổng thống, là sự già yếu và tình trạng lạm phát; còn đối với người thách đấu, là sự không phù hợp đã được chứng minh sau sự kiện ngày 06/01 – dường như đã trở nên quá quen thuộc, đến mức chẳng còn đáng bàn luận thêm cho đến khi chúng ta chứng kiến sân khấu tranh luận.

Có thể toàn bộ chiến dịch tranh cử của Biden sẽ nổ tung nếu ông trả lời câu hỏi về lạm phát bằng cách lảm nhảm như một ông cụ nói về giá sữa trứng đông lạnh trên Bãi biển Rehoboth năm 1968.

Có thể Trump sẽ nổi nóng như Đại tá Jessup [nhân vật trong phim A Few Good Men] khi bị Jake Tapper thẩm vấn, và nhận toàn bộ trách nhiệm về vụ bạo loạn ở Điện Capitol năm 2021.

Tạm gác lại những kết cục có thể xảy ra cho cả hai ứng viên, chúng ta hãy dành thời gian phân tích những điểm yếu thứ yếu nhưng vẫn quan trọng của họ. Đây chính là những điểm có thể tác động đến sự ủng hộ của cử tri “ghét cả hai” – bởi nhóm cử tri này cho rằng những điểm yếu chính của hai ứng viên sẽ triệt tiêu lẫn nhau.

Đối với Biden, điểm yếu thứ yếu đó là chính sách đối ngoại, là tình trạng trật tự thế giới đang xấu đi kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức. Đã có một cuộc tranh luận bất tận về việc liệu nỗi hoài niệm của cử tri đối với nền kinh tế thời Trump có chính đáng hay không, hay liệu nền kinh tế dưới thời Biden có giúp Trump thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid gây ra vào năm 2020 hay không.

Nhưng nỗi hoài niệm về bối cảnh địa chính trị thời Trump dường như hoàn toàn hợp lý: Trước khi Trump thua trong cuộc bầu cử, Nga đã không xâm lược Ukraine, cũng không có cuộc chiến tàn khốc nào ở Thánh Địa, và chỉ có một liên kết lỏng lẻo giữa các thế lực chống Mỹ, thay vì một liên minh ngày càng được củng cố giữa các đối thủ của chúng ta ở Moscow, Bắc Kinh, Tehran, và thậm chí cả Bình Nhưỡng.

Chính quyền Biden chắc chắn sẽ phủ nhận trách nhiệm về tình trạng suy thoái này, và lập luận rằng Biden đã xử lý một loạt các tình huống cực kỳ khó khăn tốt hơn so với Trump, người vốn có cảm tình với các nhà độc tài. Và với tư cách người ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan (bất chấp quá trình triển khai thảm hại), và người bảo vệ một phần cho nỗ lực cân bằng giữa rủi ro và đạo đức của Mỹ ở Ukraine, tôi có phần thông cảm với những lời tự biện minh của Nhà Trắng.

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng: quyết định đầu tư của phe tự do vào ý tưởng rằng Biden là người bảo vệ vĩ đại của trật tự quốc tế tự do chống lại chủ nghĩa biệt lập và phản động đã khiến các đảng viên Dân chủ khó đạt được mức độ ổn định mà trật tự do nước Mỹ lãnh đạo đã từng đạt được dưới thời các chính sách quyền lực theo kiểu “giao dịch” của Trump.

Sự tương phản đó có nghĩa là: nếu thực sự có một lý lẽ tích cực ủng hộ chính sách đối ngoại của Biden, thì nó không nên được đưa ra cùng với những cảnh báo lặp đi lặp lại về việc Trump sẽ làm tan rã NATO và cho phép kẻ thù của chúng ta lộng hành – bởi những kẻ thù đó dường như còn hung hăng hơn nhiều dưới thời Biden.

Trong khi đó, điểm yếu thứ yếu của Trump không phải là vấn đề thành tích, mà là những lời hứa của ông: cụ thể là cam kết áp mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu như một chính sách kinh tế chính trong nhiệm kỳ thứ hai tiềm năng của ông.

Khi lần đầu tiên tranh cử tổng thống vào năm 2016, chủ nghĩa bảo hộ của Trump là một phần trong xu hướng tổng thể, nhằm thoát khỏi chủ nghĩa tự do của Đảng Trà và chương trình nghị sự thắt lưng buộc bụng của Mitt Romney-Paul Ryan, trong bối cảnh nước Mỹ vẫn còn nhiều dư địa tài chính để sử dụng và vẫn có thể hứa hẹn đủ kiểu để cân bằng với cái giá của thương chiến.

Trong môi trường hiện tại, lời hứa của Trump về việc không cắt giảm Medicare và An sinh Xã hội nghe như một bản tin đã cũ, một điều hiển nhiên đối với những người ủng hộ ông. Nhưng không còn nhiều chỗ cho những lời hứa đáng tin cậy khác, dù là cắt giảm thuế mới hay chi tiêu mới, khi lạm phát vẫn ở mức tương đối cao.

Điều đó khiến cho chi phí trước mắt của mức thuế 10% – vốn có thể đè nặng lên tầng lớp trung lưu đang mệt mỏi vì lạm phát – càng trở nên đặc biệt nổi bật. Một phần chi phí đó có thể được bù đắp, nếu chính sách thuế quan đang được thiết kế bởi những người ủng hộ nó một cách nghiêm túc. Nhưng nó vẫn là một lập luận phức tạp, và các lập luận chính sách phức tạp không phải là sở trường của Trump. Vì vậy, cam kết thuế mới này đặt ra một mục tiêu chính trị giống như lời hứa của John McCain về hủy việc miễn thuế đối với bảo hiểm y tế do người sử dụng lao động cung cấp vào năm 2008, điều mà Barack Obama đã mô tả một cách thành công là việc tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu.

Khi kết hợp mức thuế 10% với lời hứa của Trump về việc giữ nguyên mức giảm thuế doanh nghiệp lớn trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy, hoặc thậm chí giảm sâu hơn: Giá cả cao hơn cho tầng lớp trung lưu và thuế suất doanh nghiệp thấp hơn chính là nguồn nguyên liệu lý tưởng cho chiến dịch tranh cử hiệu quả nhất của Đảng Dân chủ chống lại Đảng Cộng hòa – kiểu chiến dịch mô tả Đảng Cộng hòa là cướp bóc tầng lớp trung lưu vì lợi ích của những nhà tài phiệt.

Liệu Biden có thể chỉ ra điều đó một cách thuyết phục, mà không khiến cử tri nhớ lại các chính sách lạm phát của chính ông hay không? Tôi ngờ là không. Nhưng chúng ta cũng có thể đặt nghi vấn về việc Trump lập luận chống lại việc Biden chật vật kiềm chế các kẻ thù độc tài của nước Mỹ, mà không gợi nhớ đến những hành động độc tài của chính mình.

Và với cả hai câu hỏi, cả hai nghi ngờ, chúng ta sẽ quay trở lại với những điểm yếu chính của mỗi ứng cử viên. Nhưng dưới cái bóng của chúng – vào tối thứ Năm tới đây và sau đó – các cuộc tranh luận thứ cấp chắc chắn sẽ diễn ra.

Ross Douthat đã phụ trách chuyên mục Ý kiến trên tờ New York Times từ năm 2009. Gần đây nhất, ông là tác giả của cuốn sách “The Deep Places: A Memoir of Illness and Discovery.”