Vẫn chưa quá trễ để đảo ngược tình trạng suy thoái chính trị của Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Francis Fukuyama, “It’s not too late to reverse America’s political decay,” Financial Times, 02/03/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Khi các thể chế của một xã hội không thể thích ứng với hoàn cảnh thay đổi, chúng sẽ trở nên xơ cứng.

Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Freedom House, số lượng và chất lượng của các nền dân chủ tự do trên thế giới đã giảm dần đều suốt 18 năm qua. Và trong số những nước đang đi thụt lùi, không có trường hợp nào nghiêm trọng hơn nước Mỹ.

Các thể chế của Mỹ đã suy thoái được một thời gian và hiện đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng lớn. Gần một phần ba cử tri tin vào lời nói dối rằng Tổng thống Joe Biden đã “đánh cắp” cuộc bầu cử năm 2020. Các cuộc thăm dò cho thấy cử tri nhiều khả năng sẽ bầu lại Donald Trump, vị cựu tổng thống đã cố tình lan truyền lời nói dối trong những người ủng hộ, dẫn đến vụ tấn công vào Điện Capitol trong ngày 06/01/2021 để giúp ông ta tiếp tục nắm quyền. Trump cũng từ chối hỗ trợ Ukraine và gần đây còn mời Nga tấn công bất kỳ đồng minh NATO nào không chịu trả “khoản nợ” để được Mỹ bảo vệ. Với năm chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ, cùng nhiều chiến thắng khác được dự kiến diễn ra vào Siêu Thứ Ba, ông đã sẵn sàng trở thành ứng viên Đảng Cộng hòa. Và nếu ông tái đắc cử vào tháng 11, hệ lụy sẽ lan rộng khắp mọi quốc gia trên toàn thế giới.

Suy thoái chính trị xảy ra khi các thể chế của xã hội không thể thích ứng với những hoàn cảnh đang thay đổi. Tình trạng này đã diễn ra tại Mỹ suốt một thế hệ và lên đến đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng lớn sẽ diễn ra trong vòng 8 tháng tới. Hệ thống của Mỹ vốn được xây dựng xung quanh một tập hợp các thể chế kiềm chế-đối trọng phức tạp, giúp các nhóm thiểu số chính trị dễ dàng cản trở ý chí của đa số. Khi các thể chế này được kết hợp với sự phân cực chính trị cực đoan, chúng sẽ khiến chính phủ tê liệt và mất khả năng thực hiện các chức năng cơ bản như thông qua ngân sách hàng năm.

Một vài trong số những điểm cứng nhắc này bắt nguồn từ Hiến pháp Mỹ. Cử tri đoàn đang đại diện quá mức cho cư dân của các bang nhỏ hơn, trong khi Thượng viện là biểu tượng khổng lồ của tình trạng đại diện không bình đẳng. Wyoming, với dân số dưới một triệu người, có hai thượng nghị sĩ, trong khi California với gần 40 triệu dân cũng chỉ có hai thượng nghị sĩ. Các đạo luật thông thường sẽ được thông qua khi có sự ủng hộ đa số, đồng nghĩa là 40 trong số 100 thượng nghị sĩ có thể ngăn chặn bất cứ luật nào họ không thích.

Chẳng hạn, điều đặc biệt gây khó chịu về tình trạng bế tắc xoay quanh viện trợ cho Ukraine là đa số thành viên của cả Hạ viện và Thượng viện, cũng như một bộ phận lớn công chúng Mỹ, ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, họ không thể thông qua dự luật vì phe bảo thủ cứng rắn trong Hạ viện kiên quyết phản đối – không chỉ với khoản viện trợ cho Ukraine, mà còn đối với bất kỳ thỏa thuận lưỡng đảng nào có liên quan đến Đảng Dân chủ.

Ở nước Mỹ phân cực ngày nay, Đảng Cộng hòa MAGA (Nước Mỹ trên hết) chỉ đơn giản phủ quyết vì muốn làm suy yếu bên còn lại. Nhiều tháng qua, họ đã kêu gọi áp dụng các biện pháp an ninh mạnh mẽ hơn ở biên giới phía nam. Về cơ bản, Biden đã nhượng bộ các yêu cầu của họ để có được nguồn tài trợ cho Ukraine, Israel, và Đài Loan, nhưng lúc đó Trump, vẫn chỉ là một ứng viên, đã can thiệp để phủ quyết thỏa thuận vì không muốn tổng thống được hưởng bất kỳ công lao nào.

Một số khía cạnh khác của trật tự chính trị Mỹ đã góp phần tạo ra sự phân cực này. Chế độ tổng thống đảm bảo người chiến thắng sẽ giữ ghế của mình suốt bốn năm không thể thay đổi, và người đó chỉ có thể bị loại bỏ thông qua luận tội, vốn là một quá trình cực kỳ khó khăn. Một trong những lợi thế lớn nhất của Trump hiện nay là tuổi tác và mức độ không được lòng dân của Biden. Trong hệ thống cộng hòa nghị viện, tầng lớp tinh hoa của đảng có thể thay thế một nhà lãnh đạo thất bại bằng một người có khả năng đắc cử cao hơn, nhưng điều này không thể xảy ra ở Mỹ.

Nguyên nhân bắt nguồn từ quá trình lựa chọn ứng viên của đảng, một quá trình kéo dài và cực kỳ vất vả. Hệ thống đa số đầu phiếu đơn (first-past-the-post, nghĩa là người thắng đa số sẽ nhận toàn bộ phiếu bầu), khi kết hợp với các cuộc bầu cử sơ bộ phổ thông, sẽ có lợi cho các ứng cử viên ở hai cực của phổ chính trị. Do phán quyết của Tối cao Pháp viện, xem việc chi tiêu cho chiến dịch tranh cử tương đương với quyền tự do ngôn luận, nên tiền đã tạo ra sự khác biệt quá lớn trong các cuộc bầu cử ở Mỹ.

Tất cả những vấn đề này đều có thể được giải quyết thông qua cải cách. Các tiểu bang có thể yêu cầu phân bổ số phiếu cử tri đoàn theo tỷ lệ dân số. Việc bỏ phiếu theo đa số đơn có thể được thay bằng bỏ phiếu xếp lựa chọn theo thứ tự ủng hộ (rank-choice voting), trong đó yêu cầu cử tri chỉ rõ các ứng viên họ thích ở vị trí thứ hai và thứ ba, đồng thời tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các ứng viên độc lập từ bên thứ ba. Cũng có thể thiết lập các hạn chế về tài chính cho chiến dịch tranh cử và bãi bỏ yêu cầu đa số phiếu (60 phiếu) tại Thượng viện. Danh sách này thậm chí còn chưa đề cập đến những cải cách hiến pháp lớn, chẳng hạn như bãi bỏ cử tri đoàn hoặc thay đổi quyền lực của Thượng viện. Hiện tại, những điều này vẫn chỉ nằm trong trí tưởng tượng.

Dù những vấn đề này gây nhiều khó chịu, nhưng chúng chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm còn lớn hơn nhiều. Trump đúng là một kẻ mị dân cực kỳ khéo léo, nhưng động lực thúc đẩy xu hướng chuyển sang cực hữu lại chính là các cử tri. Nhiều nhà lãnh đạo “bình thường” của Đảng Cộng hòa hiểu rõ tại sao các chính sách dân túy lại có hại cho đất nước, nhưng họ vẫn ủng hộ chúng vì họ sợ những người ủng hộ mình.

Bất kỳ nền dân chủ nào cũng phụ thuộc vào một cử tri đoàn có đầy đủ thông tin và ủng hộ các chuẩn mực làm nền tảng cho hệ thống. Nhưng một số lượng đáng kinh ngạc người Mỹ đang tin vào những thuyết âm mưu và quan điểm kỳ quái. Kết quả thăm dò cho thấy 17% người Mỹ ủng hộ QAnon, một thuyết nói rằng các đảng viên Dân chủ đang uống máu trẻ em trong các đường hầm bí mật ở Washington. Hơn một nửa số đảng viên Cộng hòa tin rằng vaccine có hại hơn là có ích, trong khi nhiều tín đồ Tin lành Phúc âm (evangelicals) cho rằng việc đóng cửa nhà thờ trong thời kỳ đại dịch là phát súng đầu tiên trong chiến dịch của những người theo chủ nghĩa tự do nhằm vĩnh viễn đóng cửa nhà thờ.

Trong thập niên vừa qua, một trong những biến đổi lớn nhất xảy ra trong xã hội Mỹ là cuộc cách mạng trong việc đánh giá đạo đức của chính nước này. Trong phần lớn lịch sử Mỹ, người dân thường tin vào các phiên bản của chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, trong đó nước này trở thành nguồn cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức trên khắp thế giới.

Điều này từng đặc biệt đúng đối với những người bảo thủ, nhưng ngày nay Đảng Cộng hòa MAGA tin rằng đất nước của họ đang bị thói suy đồi đạo đức nhấn chìm. Niềm tin vào nền dân chủ Mỹ đã được thay thế bằng sự ngưỡng mộ đối với những lãnh đạo cứng rắn và các chính phủ độc tài ở nước ngoài. Trump ca ngợi Tập Cận Bình của Trung Quốc và Kim Jong Un của Triều Tiên vì đã cai trị người dân của họ bằng bàn tay sắt.

Đảng Cộng hòa đã quay trở lại với chủ nghĩa biệt lập trước năm 1941, nhưng đó là chủ nghĩa biệt lập với chút khác biệt. Trước kia, những người theo chủ nghĩa biệt lập tin rằng nước Mỹ rất thuần khiết và không nên bị vấy bẩn bởi sự liên kết với nước ngoài. Còn ngày nay, họ tin rằng đất nước của mình cần phải được thanh lọc.

Rõ ràng, sự thay đổi của chủ nghĩa biệt lập Mỹ từ tả sang hữu này có ý nghĩa lớn đối với trật tự thế giới. Chiến thắng của Trump vào tháng 11 sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine. Theo thời gian, chúng ta có thể phải chứng kiến cảnh Kyiv thất thủ và rơi vào tay Nga. Nhưng Vladimir Putin sẽ không dừng lại ở đó, và Trump đã nói rõ rằng ông không có ý định chiến đấu để bảo vệ các đồng minh NATO. Trong cuộc phỏng vấn với Tucker Carlson, Putin cho biết ông sẽ không tấn công Ba Lan hay Litva, nhưng không đề cập đến Estonia, quốc gia có cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga giống như Ukraine. Có lẽ nước này sẽ là con cá tiếp theo nằm lên thớt.

Logic tương tự cũng có thể áp dụng cho các đồng minh châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản. Bất cứ ai cho rằng Trump sẽ bảo vệ Đài Loan trước sự xâm lược của Trung Quốc cũng cần suy nghĩ lại.

Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn để đảo ngược quá trình suy thoái này. Hầu hết người Mỹ không hiểu mức độ sâu rộng của mối đe dọa mà Trump đặt ra cho nền dân chủ của họ, và chỉ xem ông như một chính trị gia bình thường với những ưu tiên chính sách hơi khác biệt. Bất cứ ai tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ đơn giản lặp lại nhiệm kỳ đầu tiên đều không chú ý đến những gì ông ấy đã nói và làm.

Đảng Dân chủ còn rất nhiều việc phải làm để thức tỉnh người dân về tầm quan trọng của thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt. Nếu họ có thể thức tỉnh người dân, thì thay vì giành được một chiến thắng sít sao, họ có thể giành chiến thắng áp đảo, và cũng có thể bắt đầu suy nghĩ đến những cải cách nhằm đảo ngược quá trình suy thoái. Những người tin tưởng vào một nước Mỹ tự do kinh điển cần tìm cách giảm bớt khả năng các nhóm thiểu số chính trị cản trở đa số, đồng thời hợp lý hóa các quy trình và thủ tục vốn đang phức tạp đến mức không thể tưởng tượng được để giúp chính phủ hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng trước tiên, họ cần phải thắng.

Francis Fukuyama là tác giả cuốn ‘Liberalism and Its Discontents’