Hệ thống cáp ngầm Trung Quốc thách thức trừng phạt của Mỹ

Nguồn: Cheng Ting-Fang, Lauly Li, Tsubasa Suruga, và Shunsuke Tabeta, “China’s subsea cable drive defies U.S. sanctions,” Nikkei Asia, 22/06/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ngay giữa ‘cuộc đua ngoại giao’ với Washington, Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng một mạng lưới cáp ngầm toàn cầu của riêng mình.

Đối với nhà sản xuất cáp ngầm Trung Quốc, Wuhan FiberHome International Technologies, việc bị chính phủ Mỹ cấm vận chẳng có gì đáng lo ngại. Trên thực tế, điều đó còn có lợi cho hoạt động kinh doanh của họ.

“Chúng tôi không quan tâm đến việc bị Mỹ đưa vào danh sách đen,” giám đốc điều hành họ Vũ của FiberHome nói với Nikkei Asia, đề cập đến việc bị Washington đưa vào “Danh sách Thực thể” thương mại năm 2020 như một phần của cuộc đàn áp sâu rộng nhắm vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Động thái này đã ngăn cản công ty mua lại công nghệ của Mỹ.

Tuy nhiên, căng thẳng với Mỹ lại tạo ra nhiều cơ hội hơn cho FiberHome, vì Bắc Kinh đã bắt đầu nỗ lực tự chủ trong lĩnh vực công nghệ cáp ngầm, đẩy mạnh các đơn đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước như họ, Vũ nói. “Nếu nói về đến cáp thông tin dưới biển, Trung Quốc có thể sản xuất tất cả các thành phần. Chúng tôi không cần công nghệ nước ngoài,” ông khẳng định.

Với chiều dài 1,4 triệu km – đủ để quấn quanh Trái Đất hơn 30 vòng – mạng lưới cáp ngầm của thế giới là xương sống của hệ thống liên lạc toàn cầu. Những sợi cáp này nằm sâu hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn mét dưới mặt nước, truyền tải hơn 95% dữ liệu của thế giới và tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi lần lắp đặt. Sử dụng các công ty như FiberHome, Trung Quốc đang quyết tâm phá vỡ sự thống trị của Mỹ trong ngành này.

Mỹ và một số đồng minh đã thống trị thị trường cáp ngầm trong hàng thập kỷ, và Washington đang nỗ lực xây dựng các mạng lưới thông tin “sạch” không có sự tham gia của Trung Quốc, viện dẫn các rủi ro về an ninh quốc gia.

FiberHome của Trung Quốc đã nâng cấp tổng cộng 1.000 km cáp ngầm dưới biển nối nhiều đảo ở Philippines. (Ảnh của FiberHome)

Nhưng sự trỗi dậy thầm lặng của các công ty như FiberHome cho thấy Mỹ khó có thể ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc trong một ngành mà nước này đã thành thạo.

Khác với các chất bán dẫn tiên tiến, lĩnh vực mà kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với các công cụ sản xuất thực sự khiến ngành công nghiệp chip của Trung Quốc bị tụt hậu nhiều năm, các chuyên gia đồng ý với đánh giá của Vũ: Trung Quốc không cần công nghệ nước ngoài trong lĩnh vực cáp quang. Thay vào đó, thành công trong ngành này phụ thuộc nhiều hơn vào các mối quan hệ ngoại giao cấp nhà nước, trong đó chính trị quyết định ai có quyền truy cập vào các thị trường quan trọng và ai không.

Vũ, giám đốc điều hành của FiberHome, tuyên bố: “Mạng lưới cáp ngầm của Mỹ là công cụ để duy trì bá quyền của họ. Ngành công nghiệp cáp ngầm giống như một câu lạc bộ thành viên, tất cả chúng tôi đều cần sự đồng ý của các chính phủ khác để kết nối với quốc gia của họ. … Đây là một cuộc đua ngoại giao.”

Có thể nói thị trường quan trọng nhất nằm ở ngay sân sau của Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu TeleGeography có trụ sở tại Washington, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực dẫn đầu toàn cầu về đầu tư cáp ngầm, ghi nhận mức chi tiêu dự kiến từ năm 2024 đến năm 2026 cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Có ít nhất ba dự án lớn do Trung Quốc dẫn đầu đang được xây dựng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nối liền Trung Quốc và Hong Kong với nhiều quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Indonesia, và Singapore.

Châu Á sẽ chi cho cáp ngầm dưới biển nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trong 2 năm tới. Chi phí xây dựng các tuyến cáp ngầm mới đi vào hoạt động, tính bằng tỷ USD. Chi phí được tính toán dựa trên năm lắp đặt cáp; không bao gồm chi phí nâng cấp và vận hành. *Nguồn ước tính: TeleGeography

Khu vực này đã nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh kể từ năm 2013, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất “Con đường Tơ lụa Trên Biển Thế kỷ 21” như một phần của Sáng kiến Một vành đai-Một con đường, nhằm mục đích “đa dạng hóa, tự cung tự cấp, cân bằng và bền vững cho Trung Quốc.” Tầm nhìn này sau đó được mở rộng để bao gồm “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số,” với các tuyến cáp ngầm dưới biển đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.

Các chính sách Con đường Tơ lụa này đã khởi đầu ngành công nghiệp cáp ngầm dưới biển của Trung Quốc. Theo phân tích của Nikkei Asia dựa trên các tài liệu của công ty và chính phủ, trong khoảng 10 năm qua, Trung Quốc đã chuyển từ chỉ đầu tư một phần vào các liên minh cáp ngầm đến tích cực tài trợ, xây dựng, và nâng cấp ít nhất 65 dự án quốc tế.

Theo Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), cơ quan tư vấn hàng đầu về viễn thông, các công ty Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp 45% trong tổng số 770.000 km cáp được lắp đặt từ năm 2023 đến năm 2028.

Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp cáp Trung Quốc đã thách thức sự thống trị lâu đời của Mỹ và các đồng minh. Cho đến gần đây, chỉ một số ít công ty có đủ tiền, kinh nghiệm, công nghệ, và liên hệ với chính phủ để xây dựng các mạng lưới cáp lớn: SubCom của Mỹ, Alcatel Submarine Networks của châu Âu, và NEC Corp. của Nhật Bản.

Antonia Hmaidi, nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) cho biết: “Cáp ngầm dưới biển là công nghệ đã có khá lâu.”

Các bộ lặp, như loại bộ lặp này của NEC, là thành phần chính trong sản xuất cáp ngầm dưới biển. (Ảnh của NEC)

“Nó không giống như chất bán dẫn tiên tiến, vốn đang thay đổi và trở nên cao cấp hơn nhiều sau mỗi năm,” Hmaidi nói thêm. Trong thị trường cáp ngầm, “các công ty Trung Quốc có thể trở nên lớn mạnh chỉ nhờ khả năng tích hợp tốt hơn.”

Điều đó đã cho phép tăng trưởng nhanh chóng – Trung Quốc chỉ mới đạt đến điểm có thể sản xuất và lắp đặt cáp ngầm vào năm 2017, theo lời của Triệu Tử Sâm, người được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp cáp quang Trung Quốc.

Đi đầu trong nỗ lực phát triển cáp ngầm của Trung Quốc là gã khổng lồ thiết bị viễn thông có trụ sở tại Thâm Quyến, Huawei. Công ty này đã trở thành một trong những công ty công nghệ Trung Quốc đầu tiên bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2019.

Thông qua đơn vị cũ là Huawei Marine Networks, công ty đã đạt được tiến bộ kể từ cuối những năm 2000 bằng cách cung cấp dịch vụ của mình với mức chiết khấu cao. “[Huawei] đã sử dụng giá để thâm nhập thị trường và cung cấp các dự án gần như miễn phí trong giai đoạn đầu,” một giám đốc điều hành ngành cáp ngầm cho biết, đồng thời nói thêm rằng chiến thuật này được sử dụng đặc biệt để bán cáp cho các nền kinh tế đang phát triển, chẳng hạn như châu Phi.

Cuối năm 2019, Huawei đã bị Mỹ gây áp lực, buộc họ phải bán phần lớn cổ phần trong Huawei Marine Networks cho Tập đoàn Hanh Thông (Hengtong), một nhà sản xuất cáp điện và cáp quang. Huawei Marine Networks sau đó được đổi tên thành HMN Technologies.

HMN Tech, trước đây là Huawei Marine Networks, đã đứng đằng sau phần lớn tiến trình triển khai cáp ngầm của Trung Quốc trong 5 năm qua. (Ảnh của Getty Images)

Huawei và HMN Tech đã tham gia tổng cộng ít nhất 40 dự án quốc tế và giúp lắp đặt 94.000 km cáp. HMN Tech phụ trách nhiều dự án lớn kết nối Hong Kong với các quốc gia Đông Nam Á. Các dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng một đến hai năm tới.

FiberHome, ban đầu là nhà sản xuất cáp quang trên đất liền, đã đi theo bước chân của Huawei, thành lập mảng thiết bị biển vào cuối năm 2015 và dần  đảm nhận các dự án trong nước. Công ty này đã tăng tốc đầu tư sau khi HMN Tech – lúc đó vẫn là đơn vị của Huawei – bị Mỹ đưa vào danh sách đen

Chẳng bao lâu, FiberHome cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ, bị Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc, cùng với một số công ty công nghệ cao khác của Trung Quốc, vi phạm nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương vào năm 2020. Tuy nhiên, những cáo buộc cụ thể chống lại FiberHome đã không được làm rõ và công ty đã từ chối bình luận về các cáo buộc này.

Gian hàng của FiberHome tại Đại hội Di động Thế giới 2024 ở Barcelona, Tây Ban Nha, vào tháng 2. (Ảnh của Cheng Ting-Fang)

Với việc bị cắt quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ, FiberHome đã chuyển sang tự chủ trong hoạt động kinh doanh, từ tự chế tạo các thành phần quan trọng đến mua tàu cáp riêng. Theo các nguồn thạo tin, FiberHome đã đầu tư vào một số nhà phát triển chip quang học của Trung Quốc và hợp tác với nhà sản xuất chip hàng đầu nước này, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), mà họ vốn có chung một cổ đông lớn – Tập đoàn Công nghệ Thông tin Truyền thông Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước – để xây dựng các thành phần cáp ngầm.

Trong vòng chưa đầy 10 năm, FiberHome cho biết họ đã hoàn thành các dự án xây dựng hoặc nâng cấp cáp ngầm dài hàng nghìn km ở Philippines, Malaysia, Indonesia, Chile, Nam Âu, và Trung Đông. Công ty cũng mong muốn mở rộng hơn nữa – tới bất kỳ nơi nào không đưa họ đến quá gần các lãnh thổ hoặc đồng minh của Mỹ, vì điều này có thể cho phép Washington ngăn chặn các dự án của họ, đại diện của FiberHome nói với Nikkei Asia.

Một đại diện của FiberHome nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi gặp khó khăn hơn khi mở rộng ở Mỹ và một số khu vực ở Châu Âu. Nhưng không sao. Chúng tôi có thể mở rộng ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh.”

Trung Quốc cũng là nhà cung cấp cáp quang lớn, với bốn công ty – Công ty Cổ phần Cáp quang Dương Tử (YOFC), Tập đoàn Hanh Thông, FiberHome, và Công ty Công nghệ Giang Tô Trung Thiên – kiểm soát hơn 35% thị trường toàn cầu. Để thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa, vào năm 2023, Trung Quốc đã tăng thuế chống bán phá giá đối với các hãng cáp quang nước ngoài như Corning của Mỹ lên 41%.

Rebecca Chu, phó giám đốc điều hành của YOFC, nói với Nikkei: “Trọng tâm chính của chúng tôi [đối với cáp ngầm] vẫn là ở các đại dương châu Á-Thái Bình Dương. Lợi thế của chúng tôi là đang chế tạo đủ loại cáp cho đất liền và biển, đồng thời chúng tôi cũng có các tàu kỹ thuật riêng [dùng cho trang trại gió ngoài khơi].” Chiến lược tích hợp theo chiều dọc của công ty này tương tự như FiberHome.

Khả năng tự cung tự cấp của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng cáp ngầm (Các công ty Trung Quốc chủ chốt trong các lĩnh vực quan trọng của thị trường cáp ngầm – Cột màu cam) Nguồn: Nikkei Asia Research

Một đại diện khác của YOFC nói với Nikkei rằng châu Âu cũng là khu vực quan trọng đối với tăng trưởng. Giống như sự mở rộng của FiberHome với nhiều cơ sở ở nước ngoài, như Thái Lan và Hungary, YOFC cũng có các cơ sở sản xuất ở Indonesia, Nam Phi, Brazil, và Ba Lan.

Một trong những thành phần sử dụng nhiều vốn nhất của chuỗi cung ứng là tàu cáp, vốn không chỉ quan trọng đối với việc lắp đặt, mà còn đối với sửa chữa và bảo dưỡng.

Theo CAICT, Trung Quốc sở hữu chưa đến 10 trong số 60 tàu rải cáp hiện đang hoạt động trên thế giới, dù họ đã hạ thủy thêm nhiều tàu nữa trong năm nay, bao gồm cả Khởi Phàm 19, tàu kỹ thuật cáp được đóng trong nước lớn nhất của Trung Quốc, theo lời Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc xây dựng chuỗi cung ứng này không chỉ để phục vụ nhu cầu của chính mình.

YOFC, nhà sản xuất cáp quang hàng đầu của Trung Quốc, trưng bày sản phẩm tại hội chợ công nghiệp ở Vũ Hán, nơi được gọi là “Thung lũng Quang học của Trung Quốc.” (Ảnh của Shunsuke Tabeta)

Kenny Huang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Mạng Đài Loan, nói với Nikkei: “Bạn không nuôi bò chỉ vì muốn ăn một bát mì bò. Nhưng người Trung Quốc có vốn và cầu lớn đủ để phát triển đội tàu cáp của riêng mình, điều đó sẽ trở thành lợi thế lớn để nước này mở rộng trong ngành cáp ngầm. … Trong tương lai, Trung Quốc sẽ chỉ tiếp tục tăng cường đầu tư và thu hút thêm nhiều đồng minh ngoại giao về phe mình.”

Tuy nhiên, thành công trong thị trường cáp ngầm không đến chỉ sau một đêm.

Julian Rawle, chuyên gia và nhà tư vấn về cáp quang dưới biển, nói với Nikkei rằng phải mất gần 20 năm để Huawei đạt đến mức mà khách hàng sẵn sàng chấp nhận rủi ro với một nhà cung cấp mới.

“Điều cuối cùng bạn muốn sau khi đặt [cáp] xuống đáy biển, ở độ sâu hàng nghìn mét… là phải kéo nó lên lại để sửa chữa thứ gì đó, vì vậy hệ thống phải cực kỳ đáng tin cậy,” ông nói. “FiberHome cũng sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để trở thành đối thủ cạnh tranh.”

Cáp ngầm trở thành chính trị

Mạng lưới và cơ sở hạ tầng mạng đã trở thành một vấn đề ngày càng nhạy cảm đối với Mỹ trong những năm gần đây.

Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra sáng kiến “Mạng Sạch” vào năm 2020 để đảm bảo rằng các tuyến cáp ngầm dưới biển kết nối nước Mỹ với internet toàn cầu “không bị Trung Quốc phá hoại để thu thập thông tin tình báo.”

Cuộc đàn áp của Washington đối với ngành công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả các công ty cáp ngầm của nước này, đã bắt đầu một cách nghiêm túc dưới thời cựu Tổng thống Trump. (Ảnh của AP)

Chính quyền Biden vẫn duy trì cách tiếp cận đó, kêu gọi các công ty Mỹ tránh kết nối các tuyến cáp mới tới các địa điểm ở Hong Kong, trước đây vốn là trung tâm dữ liệu, hoặc đưa chúng qua Biển Đông, viện dẫn lý do lo ngại về an ninh. Các giám đốc điều hành và nhà phân tích trong ngành tiết lộ rằng Mỹ cũng đặt mục tiêu cấm các tuyến cáp ngầm có sự đầu tư của Trung Quốc đi vào lãnh thổ Mỹ, bao gồm cả Đảo Guam.

Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tận dụng lợi thế địa lý của mình để đình chỉ cấp phép cho các tuyến cáp có sự tham gia của các công ty Mỹ, đặc biệt là tại khu vực xung quanh Biển Đông.

Phân tích của Nikkei Asia cho thấy, những căng thẳng kiểu ăn miếng trả miếng này đã khiến ít nhất sáu dự án cáp biển dài hơn 50.000 km bị trì hoãn, đình chỉ, hoặc cần thiết kế lại trong vòng 5 năm qua.

Một trong số đó là Hệ thống cáp Hong Kong-Mỹ (HKA), nối Hong Kong với California qua Đảo Guam. Các nhà tài trợ bao gồm Meta của Mỹ và các nhà cung cấp viễn thông China Telecom, Tata Communications, và Telstra. Theo những người am hiểu thông tin, dự án này được công bố vào năm 2018 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2020, nhưng hiện tại nó đang trong tình trạng trì trệ và có khả năng bị hủy bỏ do áp lực từ cả Mỹ và Trung Quốc.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ cáp ngầm lại có thể mang tính chính trị đến vậy,” một chuyên gia kỳ cựu trong ngành từng tham gia vào dự án HKA nói với Nikkei Asia. “Làm sao có thể tin được rằng 85% số cáp đã được lắp đặt và hoàn thiện dưới biển, nhưng chúng ta lại không thể hoàn thành những km cuối cùng ở hai phía [Mỹ và Trung Quốc] và đưa nó đi vào hoạt động?”

Vị giám đốc điều hành cho biết dự án không thể tiến triển vì Mỹ không muốn có bất kỳ tuyến cáp nào có nhà đầu tư Trung Quốc trên lãnh thổ của mình, trong khi Trung Quốc có thể chặn giấy phép đối với bất kỳ tuyến cáp nào có sự tham gia của Mỹ trong vùng lân cận Hong Kong. “Một số cuộc họp căng thẳng đang diễn ra giữa các thành viên liên minh kinh doanh, nhằm thảo luận về việc liệu các nhà đầu tư Trung Quốc có thể rút lui hay không,” người này chia sẻ.

Vùng biển xung quanh Hong Kong là điểm nóng về căng thẳng cáp biển Mỹ-Trung. (Ảnh của Ken Kobayashi)

Hệ thống cáp Bay to Bay Express (BtoBE) – hợp tác giữa China Mobile, Meta, Amazon, và nhiều công ty khác – cũng phải đối mặt với những trở ngại. Kế hoạch ban đầu là kết nối Hong Kong, Đông Nam Á, và California, nhưng kế hoạch này đã được thu hẹp lại để tránh Hong Kong. Bản kế hoạch hiện tại kêu gọi kết nối giữa Philippines và Mỹ.

Trong khi đó, tuyến cáp Đông Nam Á-Nhật Bản 2 (SJC2) đang bị chậm tiến độ đáng kể. Được tài trợ bởi Meta, KDDI của Nhật Bản, và nhiều công ty khác, tuyến cáp dài 10.500 km nối Nhật Bản với Singapore với các nhánh cáp đến Trung Quốc đại lục, Hong Kong, và Đài Loan từng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Người ta cần có giấy phép để đặt cáp ngầm trong lãnh hải của một quốc gia, nhưng thường không cần giấy phép để đặt cáp trong vùng đặc quyền kinh tế, một khu vực kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển của quốc gia đó. Tuy nhiên, theo nhiều người trực tiếp tham gia dự án, chính quyền Trung Quốc đã thiết lập một quy trình phê duyệt dài lê thê đối với các dự án nằm trong “đường chín đoạn” gây tranh cãi mà nước này tự tuyên bố.

Khu vực mà đường chín đoạn vạch ra có sự chồng chéo đáng kể với các yêu sách lãnh thổ của các nước khác giáp Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia, và tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Lực lượng vũ trang Philippines và lực lượng hải cảnh Trung Quốc đụng độ trên Biển Đông ngày 17/06. (Ảnh của AFP/Jiji)

“Tất cả các tuyến cáp mới liên kết với Mỹ đều tránh đường chín đoạn. … Không có tuyến cáp nào trong số này được đặt ở Hong Kong,” Jonathan Brewer, kỹ sư tư vấn của Telco2, một công ty tư vấn viễn thông, cho biết. “Nếu có một tuyến cáp bị đứt và nó nằm trong đường chín đoạn, thì sẽ có thể có vấn đề trong việc đưa tàu [bảo trì] vào, nhất là nếu khu vực cáp đứt đang bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng.”

Các nhà khai thác cũng ngày càng bỏ qua vùng biển tranh chấp để tránh bị chậm trễ. Nhóm này bao gồm Meta và Google, hai công ty đang cùng xây dựng Echo, tuyến cáp ngầm nối California với Singapore qua Guam và Indonesia. Ngoài ra, Google, NTT của Nhật Bản, và các đối tác khác hy vọng sẽ hoàn thành Apricot, tuyến cáp nội Á đi qua vùng biển phía đông của Philippines và Indonesia.

Trong một số trường hợp, chính quyền đã yêu cầu các nhà cung cấp chuyển hướng các tuyến cáp đến các đích đến khác nhau. “Chúng tôi đã phải lùi lại một phần một số dự án,” một nhà cung cấp cáp nói với Nikkei Asia.

Giá cả tăng cao, nhiều trung tâm mới

Theo TeleGeography, đầu tư toàn cầu vào cáp ngầm dự kiến đạt mức cao kỷ lục, vượt 4 tỷ USD vào năm 2025. Một phần nguyên nhân là do căng thẳng địa chính trị đã đẩy chi phí lên cao.

“Trước đại dịch, tôi đã sử dụng con số 30.000 USD mỗi km làm chi phí trung bình cho một hệ thống cáp được lắp đặt hoàn chỉnh,” Julian Rawle, chuyên gia tư vấn cáp ngầm cho biết. Giờ đây, con số đó “chắc chắn đã tăng lên khoảng 40.000 đến 60.000 USD.”

Rawle cũng tiết lộ các hạn chế của Mỹ đối với việc đặt cáp ở Hong Kong đã dẫn đến các khoản lỗ đầu tư hàng triệu USD. Việc xin giấy phép từ Trung Quốc để làm việc ở Biển Đông hiện nay cũng vô cùng tốn thời gian. Các vấn đề an ninh gia tăng do căng thẳng giữa các quốc gia ở Biển Đông đã đẩy chi phí bảo hiểm cho tàu thuyền tăng cao.

Một giám đốc điều hành tham gia vào một trong những dự án ở Đông Nam Á cho biết việc giảm thiểu rủi ro chậm trễ cấp phép đã trở thành “ưu tiên hàng đầu” đối với các nhà đầu tư.

Việc chính trị hóa các tuyến cáp ngầm cũng có tác động tới các trung tâm trung tâm dữ liệu của châu Á. Truyền tải dữ liệu xuyên quốc gia – vốn cần thiết cho hoạt động liên lạc, giải trí, đào tạo dữ liệu và suy luận dữ liệu – đều dựa vào cáp ngầm dưới biển.

Đông Nam Á vượt Hong Kong và Đài Loan trở thành trung tâm cáp ngầm. dữ liệu tính đến ngày 18/06. Nguồn: TeleGeography, Datacenters.com, Cloudscene, Nikkei Asia Research

Hong Kong, một trung tâm tài chính với hơn 100 trung tâm dữ liệu, từng là điểm dừng chân chính của các tuyến cáp đến châu Á, nhưng việc thực thi Luật An ninh Quốc gia và các hạn chế của Mỹ đã thay đổi điều đó. Hiện chỉ có 5 tuyến cáp ngầm đang được xây dựng – tất cả đều do các công ty Trung Quốc xây dựng hoặc đầu tư – có kế hoạch cập bến Hong Kong.

Ngược lại, Guam và Philippines đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng cáp ngầm trong những năm gần đây, dù họ có ít trung tâm dữ liệu hơn nhiều.

Lane Burdette, nhà phân tích của TeleGeography, cho biết: “Các tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương đến Mỹ hiện không còn có thể nối trực tiếp vào bờ biển Hong Kong nữa. Điều này không có nghĩa là không thể truyền tải dữ liệu giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ là bây giờ, lượng dữ liệu này phải được định tuyến theo các đường dẫn của bên thứ ba. Xu hướng này đã biến Hong Kong từ một trung tâm liên khu vực thành một trung tâm nội khu vực.”

Hong Kong đang nhanh chóng đánh mất danh tiếng là trung tâm dữ liệu và cáp ngầm dưới biển vào tay các quốc gia Đông Nam Á như Singapore. (Ảnh của Ken Kobayashi)

Đài Loan, một điểm đến từng được ưa chuộng trước đây do vị trí thuận lợi để kết nối Đông Á và Bắc Mỹ, cũng đã chứng kiến sự sụt giảm các kết nối mới do căng thẳng với Bắc Kinh.

Singapore vẫn là một trong những trạm cáp quan trọng nhất thế giới, nhờ vị trí và vị thế là một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất châu Á. Nước này cũng vẫn cởi mở với các dự án cáp do cả Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu, dù các nhà đầu tư trong ngành đã bày tỏ lo ngại về diện tích hạn chế để xây dựng điểm cập bến và do đó thời gian phê duyệt cần thiết để xin giấy phép đã bị kéo dài.

Cung cầu gặp địa chính trị

Nhìn về phía trước, các nhà phân tích và giám đốc điều hành ngành đều nhận định cầu về cáp ngầm mới và nâng cấp dự kiến sẽ tăng vọt.

“Cầu về truyền tải dữ liệu và điện toán AI đang ngày càng tăng cao,” Atsushi Kuwahara, giám đốc điều hành của bộ phận mạng lưới cáp ngầm tại NEC của Nhật Bản nói. “Điều này đang tạo ra cầu lớn hơn đối với các cáp ngầm kết nối không chỉ các nước phát triển mà còn cả các khu vực như châu Á, Ấn Độ và châu Phi.”

Cáp ngầm sẽ trở thành một chiến trường thậm chí còn nóng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc khi cầu dữ liệu tăng lên ở châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh của Ken Kobayashi)

Căng thẳng chính trị đang khiến số km cáp tăng thêm vì mỗi bên đều tìm cách xây dựng mạng lưới riêng của mình. Hmaidi của MERICS nói rằng “ngày càng nhiều” tuyến cáp ngầm song song có thể sẽ xuất hiện, dẫn đến hai mạng lưới riêng biệt, một do Mỹ và các đồng minh dẫn đầu, và một do Trung Quốc và các đối tác của nước này dẫn đầu.

Các nhà điều hành và nhà phân tích mô tả điều này là “một thế giới, hai hệ thống” – vốn đang nhanh chóng trở thành hiện thực dưới những làn sóng biển.

“Điều này rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và chúng tôi muốn tự lực cánh sinh mà không cần sự can thiệp của Mỹ,” Vũ của FiberHome nói về mạng cáp đang mở rộng của Trung Quốc. “Điều này cũng rất quan trọng [để xây dựng cơ sở hạ tầng] cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc biển hùng mạnh.”

Cáp ngầm: Mặt trận ít được chú ý trong ‘Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung’