Nguồn: Changwook Ju và Joshua Byun, “China’s Nuclear Taboo Isn’t as Strong as It Seems,” Foreign Policy, 19/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Kết quả nghiên cứu mới đặt ra nghi ngờ về một lý thuyết đã có từ lâu.
Cấm kỵ hạt nhân (nuclear taboo), một thuật ngữ do nhà khoa học chính trị Nina Tannenwald đặt ra vào những năm 1990, đã trở thành một trong những ý tưởng có ảnh hưởng nhất trong quan hệ quốc tế đương đại, xuất hiện không chỉ trên các ấn phẩm học thuật lớn mà còn trong các tuyên bố của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và bài giảng của những người đoạt giải Nobel. Khái niệm này cho rằng sau Thế chiến II, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đã trở nên đáng bị chỉ trích đến mức các nhà lãnh đạo sẽ tránh xa lựa chọn này ngay cả khi nó hợp lý về mặt chiến lược.
Luận thuyết cấm kỵ hạt nhân đã bị thách thức bởi nghiên cứu ở các nước như Mỹ, Pháp, Anh, và Israel. Tuy nhiên, đối với nhiều người, vẫn còn một quốc gia có thể được xem là tiêu chuẩn cho cấm kỵ hạn nhân trong thế kỷ 21: Trung Quốc. Dù điều này có thể gây ngạc nhiên cho những nhân vật diều hâu ở Washington, nhiều học giả về chính trị Trung Quốc đã lập luận rằng truyền thống văn hóa đặc biệt của Trung Quốc khiến các nhà lãnh đạo và người dân nước này có xu hướng kiềm chế trong chiến tranh. Năm 1974, John Fairbank, cha đẻ của ngành Trung Quốc học hiện đại ở Mỹ, đã nhận xét rằng: văn hóa Nho giáo của Trung Quốc khuyến khích các nhà lãnh đạo và người dân ưu tiên “giảm thiểu chiến tranh,” rằng “Nguyên tắc đạo đức tuyệt đối là hướng tới hòa bình.”
Những tuyên bố như vậy phản ánh một giả định rằng những mong muốn dựa trên văn hóa sẽ định hình hành vi chiến lược của các quốc gia. Như nhà khoa học chính trị Alastair Iain Johnston đã nói, nếu truyền thống văn hóa Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh “các biện pháp chính trị hoặc ngoại giao phi bạo lực để đối phó với kẻ thù,” thì chiến lược của Trung Quốc trong thời chiến phải có “đặc tính bạo lực tối thiểu đặc biệt.” Do đó, người ta có thể kết luận rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vốn có khả năng giết chết hàng trăm nghìn người không tham chiến, sẽ là điều đáng ghê tởm đối với những người theo một nền văn hóa như vậy.
Nhiều nhà phân tích đã dựa vào lý do này để lập luận rằng lệnh cấm sử dụng hạt nhân dựa trên chuẩn mực văn hóa đang chiếm ưu thế ở Trung Quốc, và nước này “không xem vũ khí hạt nhân là có mục đích sử dụng quân sự.” Việc Bắc Kinh tuân thủ chính sách không sử dụng hạt nhân trước tiên suốt một thời gian dài dường như đã củng cố thêm độ tin cậy cho những tuyên bố như vậy. Theo lời của Tannenwald, chính sách này được thiết kế để truyền đạt “bản chất phòng thủ thuần túy” của kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và “tinh thần ‘chung sống hòa bình’ mà Trung Quốc đã cam kết tuân theo.” Trong lịch sử, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thỉnh thoảng đã thừa nhận khía cạnh này trong quan điểm hạt nhân của Bắc Kinh. Ví dụ, một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng năm 1987 đã nhận xét rằng “chiến lược hạt nhân của Trung Quốc về bản chất là mang tính phòng thủ. Đó là một chiến lược mang tính răn đe tối thiểu.” Các cuộc thăm dò ý kiến công chúng cho thấy gần 90% công dân Trung Quốc tin rằng “các nước không bao giờ nên sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh,” theo đó củng cố quan điểm của một số cộng đồng chuyên gia, rằng mặc dù kho vũ khí của nước này vẫn đang lớn dần, nhưng nếu cấm kỵ hạt nhân vẫn tồn tại ở bất kỳ quốc gia hạt nhân nào ngày nay, thì quốc gia đó sẽ là Trung Quốc.
Tuy nhiên, các bằng chứng mới cho thấy có lý do chính đáng để nghi ngờ giả thuyết này.
Vào mùa thu năm 2022, chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm ở Trung Quốc đại lục để lần đầu tiên xem xét một cách có hệ thống thái độ phổ biến ở nước này đối với vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã yêu cầu một mẫu gồm 2.283 công dân Trung Quốc – cân bằng về giới tính và độ tuổi để đại diện gần đúng cho dữ liệu điều tra dân số – xem xét một cuộc xung đột quân sự giả định giữa Trung Quốc và một đối thủ giấu tên ở Biển Đông, với sự can thiệp tiềm tàng của Mỹ. Kịch bản mô tả những tổn thất nặng nề đối với Quân Giải phóng Nhân dân, và buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công các thành phố của kẻ thù nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến trước khi Mỹ can dự. Sau khi được giao ngẫu nhiên các biến thể của kịch bản này, những người trả lời được yêu cầu cho biết liệu họ có muốn sử dụng vũ khí hạt nhân hay sẽ tiếp tục cuộc chiến mà không có chúng, cũng như mức độ họ chấp thuận quyết định sử dụng vũ khí của chính phủ.
Kết quả đã tiết lộ một số thông tin mới về thái độ của công chúng Trung Quốc đối với việc sử dụng hạt nhân trong thời chiến. Tương tự như các cuộc khảo sát trước đây, người trả lời thường có mong muốn cá nhân chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong thời chiến. Hầu hết những người trả lời giải thích quyết định phản đối của họ bằng các thuật ngữ đạo đức và nhân đạo, đưa ra những tuyên bố như “Người dân [ở nước thù địch] vô tội. … Chưa kể ở đó còn có cả trẻ em nữa.” Xu hướng này trái ngược rõ rệt với những phát hiện ở Mỹ, nơi ngay cả những cá nhân bày tỏ quan điểm chống hạt nhân cũng có xu hướng giải thích quan điểm của mình dựa trên những lý do mang tính hệ quả – ví dụ, mong muốn tránh tạo ra tiền lệ nguy hiểm có thể làm gia tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại nước Mỹ trong tương lai.
Mặc dù những người trả lời chủ yếu phản đối việc sử dụng hạt nhân ở cấp độ cá nhân, nhưng những phát hiện chung lại không ủng hộ quan điểm cấm kỵ đối với quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh của chính phủ. Về cơ bản, 73% số người trả lời không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các thành phố của kẻ thù, nhưng 54% số người trả lời vẫn chấp thuận quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân của các nhà lãnh đạo của họ. Đáng chú ý, ngay cả trong các biến thể kịch bản nhấn mạnh đến những hậu quả kinh hoàng của một cuộc tấn công hạt nhân – bao gồm việc khiến 2 triệu dân thường của đối phương thiệt mạng và kích động một cuộc trả đũa hạt nhân không cân xứng của Mỹ – thì hơn 40% số người trả lời vẫn bày tỏ sự ủng hộ chính trị đối với các quyết định của chính phủ.
Những phát hiện này chỉ ra rằng hầu hết người dân Trung Quốc bình thường sẵn sàng tin tưởng các nhà lãnh đạo của họ về các quyết định liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này không chỉ có ở Trung Quốc – mà còn ở nhiều nước khác. Quan điểm của người Trung Quốc về vấn đề này tương tự với quan điểm của người Mỹ. Chẳng hạn, một nghiên cứu quan trọng đã phát hiện ra rằng: bất chấp sự phản đối cá nhân của nhiều người đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân, 59% người dân Mỹ vẫn sẵn sàng tán thành quyết định của tổng thống nhằm giết 2 triệu người Iran bằng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến giả định, nếu giải pháp thay thế là mạo hiểm tính mạng của 20.000 lính Mỹ trong một cuộc xâm lược trên bộ.
Đúng là vẫn có khả năng những người ra quyết định ở Bắc Kinh có quan điểm sử dụng vũ khí hạt nhân khác so với người dân bình thường. Tuy nhiên, cần nhớ rằng cấm kỵ hạt nhân thường được hiểu là một tiêu chuẩn được chia sẻ rộng rãi, về hành vi có thể chấp nhận được liên quan đến vai trò của vũ khí hạt nhân trong thời chiến. Thực tế là công chúng – những người không có quyền ra quyết định – sẵn sàng hỗ trợ đáng kể cho quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân của chính phủ khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Liệu cấm kỵ hạt nhân có chiếm ưu thế trong giới tinh hoa trong những thời điểm khủng hoảng hay không?
Cũng cần lưu ý rằng nghiên cứu của chúng tôi đưa ra cho những người trả lời một kịch bản xung đột liên quan đến Biển Đông, vốn ít nhạy cảm về mặt chính trị và cảm xúc đối với công chúng Trung Quốc hơn so với một kịch bản liên quan đến chiến tranh ở Đài Loan. Do đó, sẽ hợp lý khi cho rằng những kết quả này chỉ đại diện cho một ước tính thận trọng về mức độ mong manh của khái niệm cấm kỵ hạt nhân ở Trung Quốc. Nếu người dân Trung Quốc bình thường sẵn sàng ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một kịch bản ít có khả năng xảy ra, thì họ càng có khả năng làm như vậy trong một cuộc xung đột thực tế liên quan đến “cam kết thiêng liêng” của dân tộc Trung Hoa.
Những phát hiện này, dù thận trọng đến đâu, cũng mang lại những hiểu biết có giá trị để các nhà hoạch định chính sách Mỹ cân nhắc trong một cuộc khủng hoảng quân sự Mỹ-Trung trong tương lai. Người ta có thể dễ dàng hình dung một cuộc xung đột trong tương lai, trong đó các nhà hoạch định chính sách và học giả kêu gọi Washington leo thang nghiêm túc và giáng cho Bắc Kinh một thất bại quyết định vì tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ xem việc sử dụng vũ khí hạt nhân để cứu vãn tình thế là điều “không thể tưởng tượng nổi.” Xét đến những hậu quả của việc hiểu sai vấn đề, sẽ thật ngu ngốc khi tin rằng nền tảng văn hóa của Trung Quốc mạnh đến mức Bắc Kinh sẽ thực sự kiềm chế sử dụng hạt nhân trong một kịch bản như vậy. Quả thực, như một trò chơi chiến tranh năm 2022 đã phát hiện ra, một cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh các điểm nóng như Đài Loan “rất có thể dẫn đến leo thang hạt nhân,” đặc biệt nếu các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng vũ khí hạt nhân có thể giúp ngăn chặn sự can thiệp mang tính quyết định của Mỹ.
Leo thang hạt nhân vẫn là một khả năng nghiêm trọng trong một cuộc xung đột Mỹ-Trung trong tương lai. Việc ngăn chặn một kết quả như vậy sẽ không liên quan đến những đặc điểm văn hóa hay cấm kỵ hạt nhân, nhưng sẽ phụ thuộc vào quyết tâm tránh xa vũ khí hạt nhân của các nhà lãnh đạo trong các cuộc khủng hoảng – bất chấp khả năng của họ trong việc đảm bảo sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, và bất chấp nguy cơ chính trị khi bị cáo buộc đi theo đường lối xoa dịu. Các nhà lãnh đạo ở cả Washington và Bắc Kinh nên loại bỏ ảo tưởng rằng các quan ngại mang tính quy chuẩn ở cả hai bên – do văn hóa hoặc một yếu tố nào khác – sẽ ngăn cản chiến tranh đi đến điểm cực đoan hạt nhân, bởi chỉ có kỷ luật chính trị và kiềm chế mới làm được điều đó.
Changwook Ju sẽ trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế của Đại học Stanford.
Joshua Byun là trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston.