Cuộc chiến bí mật của UAE tại Sudan

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: John Prendergast and Anthony Lake, “The UAE’s Secret War in Sudan”, Foreign Affairs, 31/07/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Trong vòng bốn tháng tới, 2,5 triệu người Sudan có thể chết vì các nguyên nhân liên quan đến nạn đói. Con số này gấp đôi số người chết đói dưới chế độ Pol Pot ở Campuchia trong bốn năm và gấp 2,5 lần số người chết trong nạn đói năm 1983–85 ở Ethiopia – nạn đói đã truyền cảm hứng cho ca khúc từ thiện “We are the World”. Như Martin Griffith, quan chức nhân đạo hàng đầu của Liên Hợp Quốc, gần đây đã nói: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta từng có con số người có nguy cơ chết đói lớn như thế này.”

Sự gia tăng chóng mặt của các nghĩa trang ở khu vực Darfur của Sudan và nạn diệt chủng trong các trận chiến giành các thành phố chính chỉ là phần nổi của bi kịch nhân đạo tại đây. Ngay cả khi chiến tranh đang hoành hành ở những nơi khác trên thế giới, vẫn không có nơi nào có thể sánh được với cường độ và quy mô xung đột ở Sudan. Kể từ khi nội chiến nổ ra vào tháng 4 năm 2023, 10 triệu người Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa. Cứ tám người phải lánh nạn trong nước trên thế giới thì có một người là người Sudan, và có nhiều trẻ em phải di tản khỏi nhà ở Sudan hơn bất kỳ nơi nào khác.

Tuy nhiên, thế giới hầu như không nhận thấy nỗi thống khổ của Sudan và người dân nước này. Các nhà tài trợ mới chỉ đóng góp được 31% trong số 2,7 tỷ USD mà Liên Hợp Quốc yêu cầu cho Sudan – một khoản thiếu hụt đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nạn đói. Đôi khi, các chính phủ công bố các biện pháp trừng phạt, hoặc các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại. Tuy nhiên, phần lớn họ không thực hiện các hành động có ý nghĩa để ngăn chặn tình trạng đổ máu.

Không một quốc gia nào đang nỗ lực đủ để chấm dứt những đau khổ này, nhưng một số quốc gia đang tích cực tiếp tay và hưởng lợi từ cuộc nội chiến ở Sudan. Ai Cập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Khartoum, mặc dù có bằng chứng cho thấy Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) tham gia vào các vụ đánh bom và tra tấn bừa bãi, và họ sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh. Nga ban đầu ủng hộ Lực lượng bán quân sự Phản ứng Nhanh (RSF), bên còn lại trong cuộc xung đột này, lực lượng này có nguồn gốc từ dân quân Janjaweed, những kẻ đã gây ra tội diệt chủng ở Darfur cách đây hai thập kỷ. Nhưng Moscow hiện đang bắt cá hai tay; vào tháng 5, họ đã ký một thỏa thuận với SAF để thiết lập một căn cứ hỗ trợ hậu cần của Nga trên Biển Đỏ để đổi lấy vũ khí và thiết bị. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út, vốn có quan hệ lâu đời với giới lãnh đạo SAF, đã dành nhiều tháng để phá hoại các nỗ lực nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến bị đình trệ vào cuối năm 2023. Mãi đến tháng 7 năm nay, Mỹ mới nhận được sự đồng ý của Ả Rập Xê Út để khởi động lại các cuộc đàm phán, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 tại Geneva.

Tuy nhiên, bên thứ ba phải chịu trách nhiệm nhiều nhất cho nạn đói và thanh trừng sắc tộc là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Khi RSF tiến hành các cuộc tấn công diệt chủng nhằm vào thường dân ở Darfur và các khu vực khác, Abu Dhabi đang cung cấp vũ khí cho lực lượng dân quân này. Trong khi đó, các công ty vô đạo đức đã buôn lậu vàng Sudan vào thị trường UAE, tiếp tay cho cuộc xung đột. UAE đã có thể hành động mà không bị trừng phạt, do trữ lượng dầu mỏ, tầm quan trọng chiến lược của họ như một đối trọng với Iran, và vai trò của họ trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza khiến các nhà lãnh đạo phương Tây do dự trong việc gây áp lực mạnh mẽ lên Abu Dhabi.

Với vai trò lớn của UAE trong việc thúc đẩy cuộc khủng hoảng ở Sudan, bên thứ ba cần phải buộc giới lãnh đạo UAE thay đổi hướng đi. Ngay cả khi Mỹ và các đối tác của họ vẫn không sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh, chẳng hạn như áp đặt các biện pháp trừng phạt mạng lưới sâu rộng hoặc đầu tư vào các lực lượng gìn giữ hòa bình mới ở Darfur, các chủ thể công và tư vẫn có thể tận dụng các điểm khác để gây áp lực lên giới lãnh đạo UAE, bao gồm buôn bán vàng bất hợp pháp, lợi ích tài chính trong các đội và giải đấu thể thao, mua vũ khí của Mỹ và việc dựa vào các nhà vận động hành lang ở Washington. Nếu phải đối mặt với đủ áp lực, Abu Dhabi có thể kết luận rằng việc họ ủng hộ RSF gây ra nhiều rắc rối hơn lợi ích mà nó mang lại.

Vàng (tới từ) xung đột

Vàng là một trong những động lực chính của cuộc chiến ở Sudan. Dù RSF tham gia sâu hơn vào việc buôn bán vàng, nhưng cả hai bên đều đã buôn lậu và bán một lượng lớn vàng để nuôi bộ máy chiến tranh của họ. UAE hiện đang hưởng lợi từ hoạt động buôn bán này. Số liệu thống kê cho năm 2023 chưa có sẵn, nhưng vào năm 2022, UAE đã nhập khẩu 39 tấn vàng từ Sudan, trị giá hơn 2 tỷ USD và các chuyến hàng vận chuyển vàng trực tiếp từ Sudan vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Các đối tượng xấu cũng buôn lậu vàng Sudan sang Chad, Ai Cập, Ethiopia, Nam Sudan và Uganda – tất cả những nước này cuối cùng đều bán phần lớn số vàng đó cho UAE. Theo dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc, hơn 60 tấn đã đến UAE thông qua các tuyến đường này vào năm 2022. Trong một tư vấn rủi ro kinh doanh vào tháng 5 năm 2023, Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng UAE nhận được “gần như tất cả” số vàng xuất khẩu từ Sudan.

UAE là một trung tâm rửa vàng toàn cầu và cho đến nay là điểm đến lớn nhất của vàng buôn lậu từ châu Phi. Một báo cáo gần đây của tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ Swissaid ước tính rằng 405 tấn đã được buôn lậu từ châu Phi cận Sahara đến UAE vào năm 2022, khiến UAE trở thành nhà nhập khẩu vàng bất hợp pháp lớn nhất châu Phi trong năm đó. Các chuyên gia trong ngành cho biết, một lượng lớn vàng buôn lậu không bao giờ được khai báo ở nước xuất xứ sẽ đột nhiên trở thành hợp pháp khi được chuyển qua UAE, củng cố vai trò hàng đầu của quốc gia này trong việc rửa vàng.

Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, Hiệp hội Thị trường Vàng Thỏi London, một tổ chức giao dịch vàng toàn cầu có ảnh hưởng, và Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính, một cơ quan liên chính phủ chống rửa tiền, đã gây áp lực buộc Abu Dhabi phải giải quyết vấn đề rửa vàng và rửa tiền. Đáp lại, giới lãnh đạo UAE đã thực hiện một số bước cải cách, yêu cầu các nhà máy tinh chế phải được kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, những lỗ hổng quan trọng vẫn còn tồn tại, đặc biệt là tại các khu chợ vàng của quốc gia này, nơi vàng được giao dịch bằng tiền mặt.

Các hành động cứng rắn hơn chống lại hoạt động buôn bán vàng bất hợp pháp sẽ khiến UAE và các công ty của nước này khó kiếm lợi nhuận từ chiến tranh hơn. Hiệp hội Thị trường Vàng Thỏi London nên phối hợp với các chính phủ khác để thúc đẩy UAE cho phép giám sát độc lập các khu chợ vàng của mình – tương tự như các nhiệm vụ đánh giá độc lập làm gián đoạn việc buôn bán kim cương máu trong Quy trình Chứng nhận Kimberley. Nếu không có sự giám sát độc lập đối với các khu chợ vàng, các cải cách địa phương sẽ không thể làm giảm đáng kể hoạt động buôn bán vàng xung đột.

Cuối cùng, Mỹ và Liên minh châu Âu nên trừng phạt nhiều công ty mua và bán vàng xung đột từ Sudan hơn. Vào tháng 6, Bộ Tài chính Mỹ đã chặn bảy công ty có trụ sở tại UAE tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ vì nghi ngờ rằng họ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Sudan. Đây là một bước đi tốt, nhưng để thay đổi suy nghĩ của các nhà lãnh đạo UAE, Mỹ và EU phải tăng cường các biện pháp trừng phạt hiện có, nhắm mục tiêu vào toàn bộ mạng lưới các công ty và cá nhân ở UAE tham gia buôn lậu vàng từ Sudan. Do các chủ sở hữu thường xuyên thay đổi tên công ty và sử dụng giám đốc công ty giả mạo để thay thế những cá nhân thực sự phụ trách, nên các biện pháp trừng phạt phải có phạm vi rộng mới có hiệu quả.

Gây sức ép toàn diện

Làm gián đoạn hoạt động buôn bán vàng xung đột của Sudan có thể là một cách đặc biệt hiệu quả để các chủ thể bên ngoài tách UAE khỏi việc hậu thuẫn RSF, nhưng đó không phải là phương pháp duy nhất mà họ có thể sử dụng. Giống như Ả Rập Xê Út, chính phủ UAE đã đầu tư rất nhiều vào việc rửa tiền thông qua thể thao – làm sạch danh tiếng bằng cách tài trợ, trực tiếp hoặc thông qua các công ty tư nhân, các giải đấu và đội thể thao trên khắp thế giới. Một số câu lạc bộ bóng đá lớn nhất châu Âu, chẳng hạn như AC Milan, Arsenal, Manchester City và Real Madrid, đã nhận được sự ủng hộ của UAE. Công thức 1, giải đua xe quốc tế; Baseball United, một giải đấu có trụ sở tại Dubai có nhóm sở hữu bao gồm các cựu cầu thủ bóng chày thuộc Giải bóng chày Major League của Mỹ; và một số tổ chức thể thao có trụ sở tại Mỹ, bao gồm Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia, Ultimate Fighting Championship và Giải vô địch quần vợt Mỹ Mở rộng. Người hâm mộ chắc chắn sẽ thất vọng khi biết rằng các nhà tài trợ cho các vận động viên yêu thích của họ cũng đang tài trợ cho nạn bạo lực diệt chủng. Nếu chỉ cần một vài đội thể thao, giải đấu, người chơi và người hâm mộ sử dụng mạng xã hội để lên án những đóng góp của UAE cho cuộc khủng hoảng của Sudan, thì sự bẽ mặt trước công chúng có thể khiến UAE phải suy nghĩ lại về các chính sách của mình.

Mỹ cũng nên xem xét lại hàng tỷ USD vũ khí mà họ bán cho UAE mỗi năm. Các thành viên Quốc hội và các nhóm xã hội dân sự, chẳng hạn như Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc UAE trang bị vũ khí cho RSF và kêu gọi các quốc gia cung cấp vũ khí cho UAE thực hiện thẩm định thêm để đảm bảo những lô hàng đó không rơi vào tay Darfur. Hạ nghị sĩ Sara Jacobs, Đảng Dân chủ từ California và là thành viên cấp cao trong Tiểu ban Châu Phi của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã đệ trình một dự luật vào tháng 5 năm 2024 nhằm cấm bán vũ khí của Mỹ cho UAE cho đến khi tổng thống Mỹ xác nhận rằng Abu Dhabi đã ngừng trang bị vũ khí cho RSF. Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến cả việc bán hàng của chính phủ và tư nhân Mỹ và sẽ bao gồm súng cầm tay, pháo binh, đạn dược, tên lửa, bom, chất nổ, xe quân sự và máy bay, cùng các loại thiết bị khác. Nếu dự luật này được thông qua, tín hiệu cho thấy Washington đang ưu tiên vấn đề này có thể là một lời cảnh báo hữu ích đối với UAE.

Cuối cùng, các nghị sĩ, nhà báo và những người ủng hộ nhân quyền của Mỹ nên lên tiếng về các công ty Mỹ mà Abu Dhabi đã thuê để gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ và định hình dư luận theo ý thích của họ. Ví dụ, nhóm tư vấn chiến lược FGS Global có hai hợp đồng với chính phủ UAE với tổng trị giá 5,6 triệu đô la, cộng với chi phí, cho giai đoạn 2024–25. Tương tự như vậy, Akin Gump Strauss Hauer & Feld, một công ty luật nổi tiếng ở Washington, đã ký hợp đồng phụ với một công ty vận động hành lang có trụ sở tại D.C. để tư vấn cho UAE về việc bán vũ khí vào năm 2023 và tự thu về 3,8 triệu đô la phí từ UAE trong sáu tháng cùng năm. Miễn là UAE hỗ trợ và tiếp tay cho RSF, các nhà vận động hành lang ở Washington và các công ty luật làm việc cho chính phủ UAE đang giúp tạo điều kiện cho các hành động tàn bạo.

Gia tăng sức ép

Gần hai thập kỷ trước, trong bối cảnh nạn diệt chủng ở Darfur, liên minh các nhà hoạt động toàn cầu Save Darfur đã đặt mục tiêu gây ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc, quốc gia khi đó là nhà đầu tư lớn nhất ở Sudan. Save Darfur cáo buộc Trung Quốc đã phớt lờ các hành động tàn bạo ở Darfur và phát động một chiến dịch chỉ trích việc Bắc Kinh không có hành động trong lúc chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Olympic 2008. Đầu tháng 2 năm 2008, Steven Spielberg, người được thuê làm giám đốc nghệ thuật cho lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội, đã từ chức để phản đối mối liên hệ của Trung Quốc với nạn diệt chủng. Sự lên án ngày càng tăng của quốc tế đã có tác động: đến cuối tháng 2, Bắc Kinh đã tham gia cùng quốc tế gây sức ép buộc Khartoum cho phép viện trợ nhân đạo vào các trại dành cho thường dân phải di tản, điều này đã ngăn chặn hàng trăm nghìn người chết vì đói.

Như trường hợp của Spielberg hai thập kỷ trước, áp lực từ các nguồn không ngờ tới có thể tạo ra sự khác biệt. Ngày nay, các nhóm vận động, công ty, đội thể thao, vận động viên, nhà hoạch định chính sách và bất kỳ ai có nền tảng công cộng đều nên sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để ngăn chặn nạn đói và diệt chủng leo thang ở Sudan. UAE có mối quan hệ sâu sắc với RSF và phải chịu trách nhiệm nặng nề về cuộc khủng hoảng này, nhưng điều này cũng có nghĩa là họ có đòn bẩy rất lớn – nếu Abu Dhabi bị buộc phải sử dụng nó – để định hình các quyết định của RSF. Mặt khác, Ai Cập và Ả Rập Xê Út, những nước có ảnh hưởng đối với SAF, có thể giúp gây sức ép để ngừng bắn và chấm dứt sự cản trở của các lực lượng này đối với viện trợ cứu người.

Nếu không có thêm nhiều áp lực lên các bên tham chiến và những kẻ hưởng lợi từ đằng sau, cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Sudan sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Không nên để hình ảnh những em bé Sudan chết đói tràn ngập các bản tin mới khiến các công ty, nhóm vận động viên và chính phủ đặt nguyên tắc lên trên lợi nhuận hoặc quyền lợi.

JOHN PREDERGAST là Người đồng sáng lập của Sentry, một tổ chức điều tra các mạng lưới săn mồi hưởng lợi từ xung đột bạo lực, đàn áp và chế độ tham nhũng đầu sỏ. ANTHONY LAKE từng là Cố vấn An ninh Quốc gia trong chính quyền Clinton.