Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Muhammad Yunus, người từng thắng giải Nobel hòa bình, vừa hạ cánh ở Dhaka, thủ đô Bangladesh, để lãnh đạo một chính phủ lâm thời. Ông đã gặp tổng tư lệnh quân đội và dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức vào thứ Năm. Cựu thủ tướng Sheikh Hasina đã từ chức và bỏ trốn vào thứ hai sau nhiều ngày bất ổn dữ dội.
Donald Trump và Kamala Harris đã đồng ý tranh luận trên truyền hình vào ngày 10 tháng 9. Trước đó, ông Trump đã nói rằng bà Harris “không thông minh” và tuyên bố chức tổng thống đã bị “tước khỏi” Joe Biden. Ông Trump đã thổi phồng quy mô cuộc mít tinh của mình khi được hỏi về mít tinh của bà Harris, với tuyên bố đã thu hút nhiều người đến nghe bài phát biểu của ông vào ngày 6 tháng 1 năm 2020 hơn cả Martin Luther King năm 1963.
Theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai, cơ quan quản lý của Mỹ, một tòa án đã ra lệnh cho công ty tiền điện tử đã phá sản FTX phải trả 12,7 tỷ đô la cho khách hàng. Khoản hoàn trả này sẽ bồi thường đầy đủ cho các chủ nợ dựa trên giá trị tài khoản của họ khi FTX nộp đơn xin phá sản vào tháng 11 năm 2022. Hồi tháng 3, Sam Bankman-Fried, ông chủ của FTX, đã bị kết án 25 năm tù vì tội gian lận.
Theo Reuters, Barclays đã bãi bỏ mức thưởng trần cho các nhân viên ngân hàng. Ngân hàng Anh sẽ theo chân JP Morgan và Goldman Sachs, hai ngân hàng của Mỹ, trong việc nâng mức thưởng cho các nhân viên ngân hàng cấp cao, sau khi Anh gỡ bỏ các giới hạn do EU áp đặt vào năm ngoái. Khối này đã đưa ra quy định giới hạn tiền thưởng cho các nhân viên ngân hàng là gấp đôi lương cơ bản của họ vào năm 2014.
Giá khí đốt ở châu Âu tăng lên mức cao nhất vào năm 2024, khi cuộc tấn công của lực lượng Ukraine ở Kursk, một tỉnh Nga giáp với Ukraine, bước sang ngày thứ ba. Nga ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Điện Kremlin cho biết khoảng 1.000 quân Ukraine và một số xe tăng đã vượt biên giới. Trước đó, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Ukraine phát động một “hành động khiêu khích lớn.”
Nhật Bản đã ban hành cảnh báo sóng thần sau khi một trận động đất mạnh 7,1 độ richter tấn công hòn đảo Kyushu ở phía nam. Không có thương vong nào được báo cáo. Nhật Bản là một trong những nước dễ xảy ra động đất nhất trên thế giới, vì nằm ở nơi giao nhau của hai mảng kiến tạo trong một khu vực xung quanh Thái Bình Dương được gọi là “vành đai lửa.” Một trận động đất hồi tháng 1 ở vùng trung bắc Noto đã khiến hơn 240 người thiệt mạng.
Nhà lãnh đạo ly khai Carles Puigdemont của Catalan đã trở về Tây Ban Nha sau bảy năm lưu vong, mặc dù chính quyền đã ban hành lệnh bắt giữ. Còn nhớ sau khi có một bài phát biểu đầy nhiệt huyết, ông đã biến mất một cách bí ẩn. Cảnh sát Catalan đã phát động một chiến dịch để tìm ông Puigdemont và bắt giữ một trong những sĩ quan của họ vì bị cáo buộc giúp ông trốn thoát. Năm 2017, khi còn là thủ hiến Catalonia, ông Puigdemont đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vi hiến đòi độc lập.
TIÊU ĐIỂM
Kinh tế Trung Quốc trì trệ
Với dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái, ứng dụng thanh toán hiện đại và sự xuất hiện tràn lan của xe điện, các thành phố Trung Quốc có vẻ như đang sống ở tương lai. Nhưng nếu nhìn từ kinh tế vĩ mô, nước này chỉ là tàn tích của quá khứ. Một số nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc đang rơi vào tình trạng “đình trệ mạn tính” (secular stagnation), một thuật ngữ từ những năm 1930 cũng được áp dụng cho nước Mỹ những năm 2010. Tình trạng này bao gồm thiếu hụt cầu kinh niên dẫn đến tăng trưởng dưới mức trung bình, lãi suất thấp, và lạm phát thấp.
Số liệu công bố vào thứ Sáu dự kiến sẽ cho thấy giá tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ tăng 0,3% trong tháng 7, so với một năm trước. Ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng trước. Nhưng họ cũng đang cố gắng ngăn chặn lợi suất trái phiếu dài hạn giảm quá thấp. Chiến lược hỗn hợp này (nâng đỡ lãi suất dài hạn trong khi cắt giảm lãi suất ngắn hạn) làm gợi nhớ đến biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất được áp dụng ở Nhật Bản vào năm 2016. Khi nhìn từ chính sách tiền tệ, có lẽ Trung Quốc cũng hơi lạc hậu.
Việt Nam và Philippines tập trận cảnh sát biển
Các tàu tuần duyên Việt Nam và Philippines sẽ lần đầu tiên tổ chức tập trận chung ở gần Manila vào thứ Sáu. Đây là dấu hiệu cho thấy có thay đổi trong quan hệ Việt Nam-Philippines, hai trong sáu bên có yêu sách đối với toàn bộ hoặc một phần Biển Đông. Hai nước đang gác lại cạnh tranh song phương trước thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Những yêu sách của Bắc Kinh bao gồm tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông và hòn đảo Đài Loan do chính quyền dân chủ quản lý.
Trung Quốc, vốn không muốn leo thang xung đột, đã triển khai tàu tuần duyên để truy đuổi các tàu nước ngoài ra khỏi vùng biển tranh chấp mà không cần dùng đến vũ khí. Các nước láng giềng cũng cảnh giác tương tự, khi chỉ cử các tàu tuần duyên để chống trả một cách thụ động. Trong các cuộc xung đột vùng xám xảy ra sau đó, những nước phản kháng mạnh mẽ nhất là Việt Nam và Philippines. Tập trận chung lần này là cơ hội để lực lượng tuần duyên của hai nước khai thác chuyên môn của nhau.
Nhật Bản và Hàn Quốc lại xích mích
Một vụ tấn công mạng đã gây ra tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Hồi tháng 10, dữ liệu cá nhân của hàng trăm nghìn người dùng trên Line, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Nhật Bản, đã bị rò rỉ. Trong một động thái hiếm hoi, chính phủ Nhật Bản yêu cầu Line Yahoo (LY), đơn vị quản lý ứng dụng, xem xét lại cơ cấu sở hữu 50-50 giữa SoftBank, một nhà đầu tư công nghệ Nhật Bản, và Naver, một gã khổng lồ internet của Hàn Quốc. Naver — công ty sẽ báo cáo thu nhập vào thứ Sáu — kiểm soát phần lớn công nghệ của Line. Chính quyền Nhật Bản cáo buộc công ty Hàn Quốc này quản lý yếu kém, và muốn SoftBank cũng như LY cắt đứt quan hệ với công ty này.
Chính quyền Hàn Quốc đã hứa sẽ có phản ứng mạnh mẽ trước bất kỳ biện pháp “bất công” nào đối với Naver. Song dù thế nào đi nữa quyền sở hữu Line vẫn sẽ thay đổi. SoftBank có kế hoạch tăng cổ phần tại LY trong trung đến dài hạn, cuối cùng biến Line thành một “nền tảng nội địa.” Tháng trước, LY đã nói với chính quyền Nhật Bản rằng họ đặt mục tiêu “hoàn toàn tách biệt” các hệ thống của mình khỏi Naver từ năm 2026.