Tương đồng và khác biệt trong trao đổi chiến lược Mỹ – Trung mới nhất

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Dư Đông Huy, 中评关注:中美最新战略沟通之同与不同, CRNTT, 29/08/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Từ ngày 27 đến 28 tháng 8, ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, Vương Nghị – Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã tiến hành một vòng trao đổi chiến lược mới với Jake Sullivan – Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ.

Đánh giá từ báo cáo cuộc họp được hai bên công bố, lập trường của hai bên có những điểm tương đồng và đã đạt được một số đồng thuận mới. Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn còn nhiều khác biệt và bất đồng sâu sắc.

Điểm chung thứ nhất: Để mô tả bầu không khí của cuộc họp này, hai bên sử dụng ba từ tương đồng: “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng” (candid, substantive, and constructive). Điều này cho thấy, cuộc gặp kéo dài hai ngày lần này vẫn giữ phong cách “trao đổi chiến lược” mà Vương Nghị và Sullivan đã tiến hành vào 18 tháng trước. Hai bên đã có cuộc thảo luận sâu sắc và hiệu quả về các vấn đề mang tính chiến lược trong quan hệ hai nước.

Điểm chung thứ hai: Hai bên rất coi trọng vai trò dẫn dắt của lãnh đạo hai nước trong quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện sự đồng thuận mà các nguyên thủ đã đạt được.

Trong năm điều mà Vương Nghị đề cập về “con đường đúng đắn để các nước lớn cùng chung sống” giữa Trung Quốc và Mỹ, điều đầu tiên là: Điểm mấu chốt để duy trì quan hệ Mỹ-Trung đi đúng hướng nằm ở sự lèo lái của nguyên thủ hai nước. Hai bên cần đề cao các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, thực hiện sự đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đã đạt được, qua đó thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Nội dung của đoạn đầu tiên trong báo cáo cuộc họp của Mỹ viết: Cuộc họp này là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các kênh trao đổi và quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ Mỹ-Trung, như đã được Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Woodside năm 2023.

Để đạt được mục tiêu này, phía Trung Quốc tiết lộ, hai bên đã tiến hành thảo luận về một vòng trao đổi mới giữa nguyên thủ hai nước trong thời gian tới; phía Mỹ thậm chí còn tiết lộ rằng, hai bên hoan nghênh những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các kênh trao đổi thông suốt, bao gồm cả kế hoạch tổ chức cuộc điện đàm cấp lãnh đạo trong vài tuần tới.

Điểm chung thứ ba: Hai bên đều có ý định tiếp tục thực hiện sự đồng thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Trung ở San Francisco, cũng như sẽ tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược và đối thoại tiếp xúc ở mọi cấp độ giữa hai bên.

Phía Trung Quốc bày tỏ, hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện sự đồng thuận quan trọng mà nguyên thủ hai nước đã đạt được tại hội nghị ở San Francisco, duy trì tiếp xúc cấp cao và trao đổi ở tất cả các cấp, đồng thời tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như kiểm soát ma túy, hành pháp, hồi hương người nhập cư bất hợp pháp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên nhất trí tổ chức các cơ chế như cuộc gọi video giữa lãnh đạo quân đội hai nước và vòng đối thoại liên chính phủ Mỹ-Trung về trí tuệ nhân tạo lần thứ hai vào thời điểm thích hợp.

Về điều này, phía Mỹ nêu cụ thể hơn: Hai bên đã thảo luận về tiến độ và các bước tiếp theo trong việc thực hiện các cam kết của Hội nghị Thượng đỉnh Woodside, bao gồm kiểm soát ma túy, trao đổi giữa quân đội hai nước cũng như sự an toàn và rủi ro của trí tuệ nhân tạo. Họ chú ý đến tầm quan trọng của việc giao lưu quân sự thường xuyên và liên tục, đồng thời lên kế hoạch tổ chức các cuộc điện đàm giữa các chỉ huy chiến khu trong tương lai gần. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các bước tiếp theo để làm giảm sự lưu thông của ma túy tổng hợp bất hợp pháp, cũng như tiếp tục hợp tác trong vấn đề hồi hương người nhập cư không có giấy tờ và hành pháp. Cả hai bên đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hiện các bước cụ thể để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Ngoài ra, John Podesta – Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ về Chính sách Khí hậu Quốc tế – sắp tới thăm Trung Quốc.

Phía Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo đều ghi nhận tầm quan trọng của kênh trao đổi chiến lược này trong 18 tháng qua, đồng thời cam kết tiếp tục duy trì hoạt động ngoại giao cấp cao và tham vấn cấp chuyên viên không bị gián đoạn.

Điểm chung thứ tư: Cả hai bên đều mong muốn tránh xung đột và cùng tồn tại hòa bình, nhưng lại có những bất đồng về cách thức đạt được điều này.

Vương Nghị chỉ ra rằng, điểm mấu chốt để Trung Quốc và Mỹ tránh xung đột và đối đầu nằm ở việc tuân thủ ba thông cáo chung. Phải gìn giữ nền tảng chính trị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, tôn trọng chế độ chính trị và con đường phát triển của Trung Quốc, đồng thời tôn trọng quyền phát triển chính đáng của người dân Trung Quốc.

Sullivan bày tỏ, giữa Mỹ và Trung Quốc có bất đồng, có cạnh tranh, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực cần hợp tác. Đồng ý rằng đối phương cần được đối xử theo cách bình đẳng và cạnh tranh cũng cần phải lành mạnh và công bằng. Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng tồn tại hòa bình trên hành tinh này trong một thời gian dài, mục tiêu chính sách của Mỹ là phải tìm được cách để quan hệ Mỹ-Trung phát triển bền vững. Mỹ sẵn sàng tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược với Trung Quốc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cũng như giảm bớt những hiểu lầm và đánh giá sai lầm.

Qua đó có thể thấy, hai bên đã đạt được sự đồng thuận về việc duy trì đối thoại và trao đổi, phải làm gì tiếp theo và mục tiêu chung là tránh xung đột. Tuy nhiên, lập trường của hai bên về một số vấn đề lớn vẫn tồn tại những bất đồng dễ nhận thấy.

Điểm khác biệt thứ nhất: Về định nghĩa mối quan hệ giữa hai nước, phía Trung Quốc khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không thể được định nghĩa bằng sự cạnh tranh. Hai nước phải tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng với nhau. Trong khi đó, phía Mỹ vẫn coi cạnh tranh là đặc điểm mang tính quyết định trong quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của mình.

Điều này được thấy rõ qua năm điều mà Vương Nghị đề cập về “con đường đúng đắn để các nước lớn cùng chung sống” giữa Trung Quốc và Mỹ. Phía Trung Quốc có nhiều bất mãn và lo ngại về cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc.

Vương Nghị bày tỏ, điều then chốt để tương tác giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra suôn sẻ là đối xử bình đẳng với nhau. Xuất phát từ vị thế và sức mạnh không phải là cách thức tương tác đúng đắn giữa các quốc gia; để Trung Quốc và Mỹ đạt được sự chung sống hòa bình, điều quan trọng là thiết lập một nhận thức đúng đắn. Về đối nội, Trung Quốc dốc sức để người dân Trung Quốc có một cuộc sống tốt đẹp, về đối ngoại thì nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và sự phát triển của thế giới. Phía Mỹ không nên phán xét Trung Quốc theo con đường mà mình từng đi, cũng không nên soi xét Trung Quốc qua khuôn mẫu rằng cường quốc tất sẽ theo đuổi bá quyền.

Điểm khác biệt thứ hai: Mỗi bên vẫn có thái độ riêng về các vấn đề an ninh như Đài Loan, Biển Đông, Ukraine, nhưng điều này không loại trừ khả năng hai bên đạt được sự ngầm hiểu nhất định.

Về vấn đề Đài Loan, phía Trung Quốc đã tiến hành những đàm phán quan trọng. Ngoài cảnh báo “Hai nước Trung Quốc và Mỹ phải tránh xung đột và đối đầu, điểm mấu chốt là tuân thủ ba thông cáo chung; gìn giữ nền tảng chính trị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, Vương Nghị nhấn mạnh, Đài Loan thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc nhất định sẽ thống nhất. “Đài Loan độc lập” là nguy cơ lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Phía Mỹ nên thực hiện cam kết không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và ba thông cáo chung Mỹ-Trung, ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan và ủng hộ sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc.

Báo cáo cuộc họp của Mỹ chỉ đề cập đến vấn đề Đài Loan một cách ngắn gọn: Sullivan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên hai bờ eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, báo cáo phía Trung Quốc viết rằng, Sullivan bày tỏ Mỹ tuân thủ chính sách Một Trung Quốc và không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, “Hai Trung Quốc” hay “Một Trung Quốc, Một Đài Loan”. Kết hợp với cuộc họp báo của Mỹ trước cuộc gặp mặt, lẽ ra trong cuộc họp Sullivan nên đề cập đến “Chính sách Một Trung Quốc” mà Mỹ tự định nghĩa, cũng như các lập trường truyền thống của nước này như phản đối bất kỳ bên nào đơn phương thay đổi hiện trạng và thúc giục hai bờ eo biển Đài Loan tiến hành cuộc đối thoại có ý nghĩa…

Về vấn đề Biển Đông gây nhiều ồn ào gần đây, Vương Nghị nhấn mạnh rằng, Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải đối với các đảo ở Biển Đông, đồng thời gìn giữ tính nghiêm túc và hiệu quả của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Mỹ không được sử dụng các hiệp ước song phương như một cái cớ để làm tổn hại chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như không được ủng hộ hay dung túng những hành vi xâm phạm của Philippines.

Trong khi đó, Sullivan nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bày tỏ quan ngại về “các hành vi thất thường của Trung Quốc nhằm đáp trả các hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines ở Biển Đông”.

Về vấn đề chiến tranh Nga-Ukraine, Vương Nghị bày tỏ, Trung Quốc luôn nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình, thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đúng đắn. Phía Mỹ không nên đẩy trách nhiệm về phía Trung Quốc, càng không nên tùy ý áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp. Sullivan thì bày tỏ lo ngại về “sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và ảnh hưởng của nó đối với an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương”.

Điểm khác biệt thứ ba: Về các vấn đề kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ, lập trường của hai bên có sự bất đồng rõ ràng và cách làm cụ thể khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Vương Nghị chỉ ra rằng, an ninh của các quốc gia phải chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, an ninh của đất nước mình không thể được xây dựng trên sự thiếu an toàn của các quốc gia khác. An ninh quốc gia đòi hỏi phải có ranh giới rõ ràng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế thì càng cần phải được xác định một cách khoa học. Phía Mỹ nên ngừng kiềm chế Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ, cũng như ngừng làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của phía Trung Quốc. Việc sử dụng “thuyết dư thừa công suất” làm cái cớ để thực hiện chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ làm tổn hại đến sự phát triển xanh toàn cầu và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Trong cuộc họp, mặc dù Sullivan đã nhắc lại rằng “Mỹ không có ý định tách khỏi Trung Quốc”, nhưng ông nhấn mạnh “Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết để ngăn chặn việc công nghệ tiên tiến của Mỹ bị sử dụng để làm suy yếu an ninh quốc gia, mà không làm hạn chế quá mức hoạt động thương mại hay đầu tư”. Ông cũng nêu lên những lo ngại liên tục về “các chính sách thương mại không công bằng và các hoạt động kinh tế phi thị trường” của Trung Quốc.

Tóm lại, có thể kỳ vọng rằng trong gần 5 tháng còn lại trước khi chính phủ mới của Mỹ lên nắm quyền, Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục duy trì trao đổi và đối thoại, kiểm soát những bất đồng lớn, thúc đẩy hợp tác thực chất và cố gắng duy trì đà phát triển tương đối ổn định hiện nay trong quan hệ Mỹ-Trung, dựa trên sự đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh San Francisco.