Tại sao Mỹ nên từ bỏ nỗi ám ảnh về việc trở thành quốc gia số 1

Nguồn: Danny Quah, “Why America Should Drop Its Obsession With Being No. 1,” Foreign Policy, 04/09/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một lá thư từ Singapore gửi tới tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Thưa Tổng thống,

Xin chúc mừng ông/bà đã trở thành người dẫn dắt nước Mỹ trong một cuộc đổi mới chính trị. Suốt nhiều thập niên qua, Đông Nam Á chúng tôi đã ngưỡng mộ và trân trọng những món quà mà đất nước của các vị trao cho thế giới. Nước Mỹ đã giành được sự ngưỡng mộ của chúng tôi bằng cách chia sẻ với chúng tôi Giấc mơ Mỹ, cho thấy cách các vị thành công và dẫn đầu bằng cách làm gương.

Nhưng không thể phủ nhận rằng mọi thứ đã thay đổi. Ngay cả những kết quả mà các vị từng tranh đấu vì chúng – chủ nghĩa đa phương, hay một sân chơi bình đẳng, và một nền kinh tế thế giới mạnh mẽ hơn – giờ đây dường như đang chống lại các vị. Hồi cuối thế kỷ 20, các vị đã đưa ra ba ý tưởng lớn: sự hội tụ chính trị, hiệu quả kinh tế, và lợi thế so sánh. Những điều này hứa hẹn mang lại một xã hội toàn cầu thịnh vượng và bình đẳng hơn. Nhưng chúng đã không mang lại kết quả mà các vị mong muốn. Hẳn các vị đã thấy rất nản lòng và mệt mỏi.

Tuy nhiên, tôi tin rằng thế giới có thể tiếp tục vận hành một cách tốt đẹp cho các vị, và thực ra là cho tất cả chúng ta. Để thành công, chúng ta chỉ cần tránh rơi vào tình trạng bế tắc. Chúng ta không cần phải hợp tác rõ ràng hoặc thậm chí đồng ý với nhau.

Xin đưa ra ba gợi ý.

Trước tiên, hãy tự hỏi điều gì mới thực sự quan trọng; hãy quên chuyện trở thành quốc gia số 1 thế giới đi. Các vị có biết điều gì sẽ xảy ra với lối sống của người dân Mỹ và hệ thống chính phủ Mỹ nếu các vị trở thành số 2 không? Không, chẳng có gì cả.

Sẽ không có khác biệt nào trong cách người Đông Nam Á chúng tôi cư xử và giao tiếp với các vị, hay với Trung Quốc, hay với bất kỳ ai khác. Chúng tôi hiểu rằng một quốc gia có thể là số 1 vì nó thực sự xuất sắc. Hoặc nó có thể là số 1 chỉ vì nó cố tình ngăn cản những quốc gia khác vươn lên. Các vị đến Đông Nam Á và yêu cầu chúng tôi lựa chọn giữa các vị và Trung Quốc, qua đó cho thấy hai bên đang bị kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Nhưng chúng tôi đã nói rõ mình sẽ không lựa chọn.

Thứ hai, điều chúng tôi nghĩ thực sự quan trọng là hãy chăm sóc người dân của các vị. Những hoàn cảnh bất hạnh, yếu đuối, và dễ bị tổn thương trong xã hội của các vị không phù hợp với hình ảnh thành công phát triển kinh tế và xã hội mà các vị tự nhận về mình. Tại sao hệ thống của các vị lại kém hiệu quả đến mức 50% dân số nghèo nhất của các vị ngày nay chẳng khá hơn chút nào so với hàng chục năm trước?

Thứ ba, hãy thoải mái hơn với thế giới. Điều này không có nghĩa là khép mình và được bao quanh bởi bạn bè ở phía bắc và phía nam, cũng như bởi cá biển ở phía đông và phía tây. Chúng tôi cũng không yêu cầu một thái cực khác, rằng các vị phải rong ruổi khắp thế giới để tìm cách tham gia vào mọi dự án công ích toàn cầu. Đó là một công thức chắc chắn dẫn đến kiệt quệ.

Thay vào đó, chúng tôi muốn các vị chỉ theo đuổi lợi ích cá nhân của mình. Như nhà kinh tế học Adam Smith đã chỉ ra trong The Wealth of Nations (Của cải của các dân tộc), chúng ta mong đợi thức ăn trên bàn ăn của mình không phải vì chúng ta trông chờ vào lòng nhân từ của người bán thịt, người nấu bia, hay thợ làm bánh. Nhưng chính xác là vì chúng ta biết họ chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân nên chúng ta mới dựa vào họ để mang thức ăn về nhà.

Đông Nam Á chúng tôi chỉ yêu cầu sự hợp tác vô tình. Trong khu vực của mình, chúng tôi đã thực hành cách tiếp cận này. Các quốc gia riêng lẻ khác nhau có các yêu sách lãnh thổ chồng chéo ở Biển Đông. Dù lợi ích của các nước rõ ràng là xung đột lẫn nhau, và mỗi nước đều có chương trình nghị sự riêng, nhưng chúng tôi vẫn có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận chung về vùng nước đó. Ngược lại, việc cố gắng đạt được sự hợp tác thông qua thỏa thuận thường sẽ không hiệu quả vì rất khó để tất cả nhất trí với nhau. Thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà chúng tôi và các vị đã nỗ lực thảo luận trong nhiều năm, đã nhanh chóng tan rã bởi các vị đã đơn phương quyết định vào phút cuối rằng nó không tốt cho các vị. Khi cần có sự hợp tác toàn diện, việc không thể hợp tác sẽ là một thất bại thảm hại.

Tiếp theo, tôi xin nói thẳng. Chúng tôi không muốn các vị chạy khắp nơi và can dự ở mọi nơi, vì đôi khi các vị sẽ làm hỏng mọi thứ nếu làm vậy. Khi các vị không đổ tâm huyết vào một dự án, hoặc các vị không thực sự giỏi về lĩnh vực đó, hoặc các vị không hiểu những người còn lại trong chúng tôi muốn gì, hãy thoải mái quay trở lại nơi chỉ có bạn bè và cá biển. Chúng tôi tiếp cận chủ nghĩa đa phương theo cách linh hoạt hơn, mỗi bên có thể giữ nguyên quan điểm của mình trong các vấn đề mà chúng tôi có thể bất đồng. Thế giới không nhất thiết phải luôn luôn đa phương.

Đây là cách ba đề xuất này có thể chuyển thành chính sách. Hãy nhớ rằng người Đông Nam Á chỉ tin vào bằng chứng. Khi chúng tôi tận mắt chứng kiến những gì các vị tuyên bố là đúng, thì các vị không cần nói gì thêm cả, chúng tôi sẽ tự tham gia. Nhưng hãy làm – chứ đừng chỉ nói suông.

Một khi các vị từ bỏ nỗi ám ảnh về việc trở thành số 1, sự can dự của các vị với Trung Quốc sẽ không còn phải mang tính đối đầu nữa. Sẽ có thể xuất hiện một kết quả đôi bên cùng có lợi, khi Trung Quốc tiếp tục trở nên giàu có hơn và các vị được tận hưởng an ninh kinh tế.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của các vị đã nói về những thăng trầm của nền dân chủ tại đất nước của các vị. Trước khi trở thành Ngoại trưởng, Antony Blinken đã nói rằng nền dân chủ đang thoái lui trên toàn thế giới, và ở Mỹ cũng vậy, khi Tổng thống Donald Trump “ngày nào cũng dùng gậy gỗ tấn công các thể chế, các giá trị, và người dân cả nước.” Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, các vị đã quá tin rằng các giá trị chính trị và xã hội của mình là phổ quát – và rằng nền dân chủ của các vị rất mạnh mẽ và kiên cường.

Nếu sân chơi bình đẳng được xây dựng trên chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa – những ý tưởng và thể chế tuyệt vời mà các vị đã trao tặng cho thế giới – đang bị phá hoại bởi những kẻ không tuân thủ các quy tắc, thì giải pháp đúng đắn là tìm ra lý do tại sao hệ thống này lại mong manh và dễ bị thao túng như vậy. Giải pháp không phải là để các thế lực bảo hộ, chống toàn cầu hóa của các vị phá hủy một hệ thống đã đưa hàng trăm triệu người trên khắp thế giới thoát khỏi đói nghèo, và tạo cơ hội cho sự tiến bộ liên tục ở Đông Nam Á và Đông Á.

Sẽ có những người xung quanh các vị khăng khăng gọi thời kỳ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Hãy bác bỏ thứ ngôn từ đó. Trong Chiến tranh Lạnh thế kỷ 20 giữa các vị và Liên Xô, đối thủ của các vị đã cố gắng cung cấp một ý thức hệ và một hệ thống kinh tế xã hội đe dọa lối sống của người dân Mỹ và làm suy yếu ý tưởng của Mỹ về chính phủ. Ngày nay, bất chấp những thiếu sót của họ, Bắc Kinh không hề có bất kỳ ý tưởng nào như vậy đối với xã hội và chính phủ Mỹ. Trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ngày nay, các vị phải đối mặt với mối đe dọa rằng người dân Mỹ sẽ mất việc làm, các ngành công nghiệp Mỹ sẽ bị phá dỡ, các thị trấn ma sẽ xuất hiện ở nơi mà cộng đồng trung lưu hiện đang phát triển thịnh vượng. Chưa từng có điều nào trong số này xuất hiện trong cuộc cạnh tranh của các vị với Liên Xô. Việc gọi thời kỳ này là chiến tranh lạnh là một nỗ lực nhằm hồi sinh cuốn sổ tay chiến thuật đã từng hiệu quả với một đối thủ khác hoàn toàn.

Đông Nam Á chúng tôi nhận thấy có một quan hệ nhân quả hai chiều và sự kết nối giữa những thách thức trong nước và hành vi quốc tế của các vị.

Việc cải thiện phúc lợi cho những người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội của các vị, và cung cấp cho họ cơ hội thông qua các thể chế công và cơ sở hạ tầng trong nước vững mạnh cùng các trường đại học đẳng cấp thế giới, sẽ không chỉ giúp tăng cường sự gắn kết và cấu trúc xã hội của các vị mà còn khiến các vị trở thành niềm ghen tị và thần tượng của chúng tôi.

Năm 1967, Richard Nixon đã viết về Trung Quốc như sau: “Không có nơi nào trên hành tinh nhỏ bé này mà một tỷ người có khả năng nhất của Trung Quốc phải sống trong sự cô lập đầy giận dữ.” Kể từ ngày ấy, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng một thế giới trong đó luôn có chỗ cho một Trung Quốc đang trỗi dậy. Ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới, chúng tôi hiện không có khả năng xây dựng một thế giới cũng có chỗ cho một nước Mỹ bất ổn và bất an. Chúng tôi muốn nước Mỹ tồn tại trong thế giới của chúng tôi – và chúng tôi cũng muốn Trung Quốc trong thế giới đó.

Danny Quah (Kha Thành Hưng) là giáo sư kinh tế và là hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.