Tập Cận Bình siết chặt kiểm soát tư tưởng tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc

Nguồn: Xi Jinping wants to stifle thinking at a top Chinese think-tank,” The Economist, 26/09/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Sẽ không còn nữa những suy nghĩ ảm đạm về nền kinh tế.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) không chỉ đơn thuần là nhóm tập hợp các chuyên gia về chính sách. Trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, viện này có vị thế tương đương với một bộ của chính phủ. Viện có hàng ngàn thành viên, trong đó có những người cung cấp các báo cáo cho Bộ Chính trị. Trong số các “viện nghiên cứu mang đặc sắc Trung Quốc” mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng ông muốn thúc đẩy hơn nữa, CASS đứng ở vị trí hàng đầu. Nhưng gần gũi với quyền lực không có nghĩa là các nhà nghiên cứu của Viện sẽ được bảo vệ. Các thuộc cấp của ông Tập đang gia tăng áp lực lên những ai dám có suy nghĩ khác biệt.

Một dấu hiệu gần đây cho thấy điều này là cuộc thanh trừng không rõ lý do đối với nhà kinh tế nổi bật trong lĩnh vực y tế tại CASS, ông Chu Hằng Bằng (Zhu Hengpeng). Cho đến đầu năm nay, ông Chu đã giữ chức vụ phó giám đốc Viện Kinh tế và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công thuộc CASS. Hiện tại, các trang có đề cập đến tên ông Chu trên trang web của CASS không còn truy cập được. Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng, ông Chu bị bắt giam hồi mùa xuân sau khi đăng bình luận trong một nhóm riêng trên WeChat, một nền tảng mạng xã hội, về nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc. Các bình luận này có hàm ý chỉ trích ông Tập, tờ báo cho biết.

Một đợt cải tổ với phạm vi rộng hơn cũng đã diễn ra ở Viện Kinh tế. Vào tháng Tám, CASS công bố sự thay đổi toàn diện trong ban lãnh đạo của Viện Kinh tế (mà không đề cập gì đến ông Chu), với việc bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc và bí thư mới. Không có số nào trong số các diễn biến này được CASS, hay bất kỳ cơ quan nào khác, đưa ra lời giải thích. Tuy nhiên, chúng trùng hợp với những nỗ lực của các quan chức nhằm gây áp lực lên các học giả và nhà báo không được bày tỏ sự bi quan về triển vọng kinh tế của đất nước. “Công khai phê bình các chính sách chính của Đảng trên mạng là một vi phạm nghiêm trọng về kỷ luật chính trị,” theo lời một quan chức của CASS phát biểu trwocs thành viên của Viện hồi tháng Sáu.

Tại CASS, những người giúp thực thi kỷ luật cho ông Tập đang mạnh tay đối với mọi lĩnh vực nghiên cứu. Kể từ năm 2018, những người này, cùng với đội ngũ giám sát riêng của CASS, đã tiến hành các cuộc kiểm tra hàng năm, cử người đến một số viện trong hàng chục viện của CASS ở trong nhiều tuần liền để đảm bảo rằng thành viên của Viện tuân thủ đường lối của Đảng. Năm nay, Viện Kinh tế nằm trong số những mục tiêu của đội giám sát. Nhân viên tại CASS có thời gian đến hết tháng Mười để gửi bất kỳ thông tin nào họ quan sát được về hành vi làm trái quy định của đồng nghiệp đến các đội kiểm tra.  Trong số các loại hành vi cần chú ý có “người hai mặt” (những người thể hiện sự ủng hộ đối với Đảng nhưng lại âm thầm chỉ trích), và “hổ chặn đường” (những người cản trở ý nguyện của Đảng).

Cao Tường (Gao Xiang), người đã lên nắm quyền Viện trưởng và Bí thư Đảng ủy vào năm 2022, đang dẫn đầu nỗ lực này. Các trang web của CASS tràn ngập những lời tuyên bố hùng hồn của Cao. Cao kêu gọi “sự trung thành sắt đá” đối với ông Tập và Đảng. Ông nói rằng, học viện cần “theo dõi sát sao… những vấn đề quan trọng có thể cản trở khả năng phục vụ của Viện” đối với ông Tập và Đảng. Cao đưa ra danh sách “mười điều nghiêm”, trong đó có quy định cấm các cuộc phỏng vấn với nhà báo nước ngoài khi chưa có sự cho phép. Điều nghiêm cấm đầu tiên trong danh sách là cấm công bố hoặc thậm chí cấm sử dụng bất kỳ tài liệu nào bị coi là “vi phạm kỷ luật của Đảng”. Các thành viên của Viện cần phải có “nỗi lo sợ trong lòng, sự thận trọng trong lời nói và sự kiềm chế trong hành động”, Cao nói. Đây là một câu mà ông Tập thường dùng. Câu này ám chỉ về việc các quy định liên quan đến kỷ luật trong Đảng cần phải có tác động như thế nào lên các Đảng viên.

Như Cao chắc hẳn vẫn nhớ, đã có một thời CASS mang diện mạo rất khác. Rất nhiều nhà nghiên cứu của CASS đã tham gia vào cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989, đến nỗi sau này chính quyền gọi nơi đây là “khu vực thảm hoạ nghiêm trọng”.  Bất chấp chiến dịch siết chặt kiểm soát năm đó, bao gồm cả việc thanh lọc nhân sự, một số học giả có tư tưởng cải cách vẫn giữ được công việc của mình. Một số người còn sẵn sàng tham gia trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài.

Nhưng dấu ấn của ông Tập giờ đây đã hiện diện trong khắp các nghiên cứu tại CASS. Năm ngoái, theo yêu cầu của ông Cao, Viện Kinh tế đã thành lập Văn phòng Nghiên cứu Tư tưởng Kinh tế Tập Cận Bình. CASS cho biết bộ phận mới này “nỗ lực đưa ra những kết quả nghiên cứu chất lượng cao dựa trên các lý luận nâng cao, chiều sâu học thuật và nghiên cứu thực chất”. Và, có lẽ họ cũng nên ghi thêm rằng văn phòng được vận hạnh bởi một đội ngũ nghiên cứu luôn tuân thủ khuôn khổ tư tưởng được áp đặt.