Thời khắc đen tối nhất của Ukraine

Nguồn: Ben Hall, Christopher Miller, và Henry Foy, “Ukraine faces its darkest hour,” Financial Times, 01/ 10/ 2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trở về nhà từ Mỹ, Zelenskyy phải đối mặt với bước tiến của quân Nga, một xã hội kiệt quệ, và viễn cảnh thiếu hụt năng lượng vào mùa đông

Tại một sở chỉ huy gần thành phố Pokrovsk đang giao tranh ở miền đông Ukraine, những người lính thuộc Lữ đoàn Tổng thống Ukraine (Separate Presidential Brigade) đã than thở về việc Washington do dự cho phép Kyiv sử dụng tên lửa phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

Một người điều khiển máy bay không người lái tấn công phàn nàn rằng nếu họ có thể chiến đấu “bằng cả hai tay thay vì một tay bị trói sau lưng” thì quân đội dũng cảm của Ukraine đã có thể có cơ hội chiến thắng quân đội Nga hùng mạnh.

Đứng giữa những màn hình video giám sát đường tiến quân của địch, chỉ huy tiểu đoàn cho biết mục tiêu của ông đã bắt đầu thay đổi.

“Hiện tại, tôi đang nghĩ nhiều hơn về cách cứu người của mình,” Mykhailo Temper nói. “Thật khó để tưởng tượng rằng chúng tôi có thể đẩy lui kẻ thù trở lại biên giới năm 1991,” ông nói thêm, ám chỉ mục tiêu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.

Từng được thúc đẩy bởi hy vọng giải phóng đất nước, giờ đây, ngay cả những người lính ở tiền tuyến cũng lên tiếng bày tỏ mong muốn đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh. Yuriy, một chỉ huy khác ở mặt trận phía đông, người từ chối tiết lộ họ của mình, nói rằng ông lo sợ viễn cảnh một “cuộc chiến mãi mãi.”

“Tôi hiện ủng hộ đàm phán,” ông nói thêm, bày tỏ lo ngại rằng con trai ông – cũng là một người lính – có thể phải dành phần lớn cuộc đời để chiến đấu, và cháu trai ông một ngày nào đó sẽ phải thừa hưởng một cuộc xung đột không hồi kết.

“Nếu Mỹ cắt viện trợ, chúng tôi sẽ tiêu đời,” một sĩ quan khác, thành viên của Lữ đoàn Cơ giới số 72 đóng tại Kurakhove gần đó, cho biết.

Ukraine đang tiến vào thời khắc có lẽ là đen tối nhất của cuộc chiến cho đến nay. Họ đang thua trên chiến trường phía đông đất nước, trong lúc lực lượng Nga tiến lên không ngừng nghỉ – dù phải trả giá đắt về nhân sự và trang thiết bị.

Các thành viên của văn phòng tuyển quân khu vực Kharkiv kiểm tra giấy tờ của một thường dân. Hàng triệu người đàn ông Ukraine đã bị buộc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu không muốn đối mặt với những khoản tiền phạt lớn. © Narciso Contreras/ Anadolu/ Getty Images

Ukraine đang phải vật lộn để khôi phục lại lực lượng đã suy yếu của mình bằng những người lính được đào tạo bài bản và có tinh thần chiến đấu, nhưng hệ thống huy động quân lực tùy tiện đang gây ra căng thẳng xã hội thực sự. Nước này cũng đang phải đối mặt với một mùa đông ảm đạm với khả năng mất điện nghiêm trọng và không có điện sưởi ấm.

“Xã hội đã kiệt sức,” Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine, nhận định.

Cùng lúc đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các đối tác phương Tây, nhằm tìm ra con đường hướng tới một giải pháp đàm phán, bất chấp những hoài nghi về thiện chí tham gia đàm phán của Nga trong tương lai gần và lo ngại rằng vị thế của Ukraine hiện còn quá yếu để đảm bảo một thỏa thuận công bằng.

“Hầu hết các bên đều muốn xuống thang căng thẳng,” một quan chức cấp cao của Ukraine tại Kyiv cho biết.

Chính quyền Biden nhận thức được rằng chiến lược hiện tại của họ không bền vững vì “chúng ta đang thua cuộc,” Jeremy Shapiro, người đứng đầu văn phòng tại Washington của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), tuyên bố. “Mọi người đang nghĩ cách để chấm dứt cuộc chiến một cách hòa bình hơn.”

Mối đe dọa lớn nhất đối với Kyiv là khả năng Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng tới và việc ông sẽ cố gắng áp đặt một thỏa thuận hòa bình bất lợi cho Ukraine bằng cách đe dọa cắt giảm viện trợ quân sự và tài chính. Hồi tuần trước, Trump đã lặp lại tuyên bố của mình, rằng ông có thể nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.

Những người ủng hộ trung thành nhất của Ukraine ở châu Âu có thể muốn tiếp tục chiến đấu nhưng lại không có đủ vũ khí để làm vậy, và cũng không có kế hoạch lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại.

Kyiv đã thừa nhận rằng họ đang đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán trong tương lai theo cách bất thường, khi quân đội của họ chiếm giữ một vùng đất thuộc khu vực Kursk của Nga trong một cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ vào tháng 8. Zelenskyy cho biết vùng đất này sẽ đóng vai trò là một quân bài thương lượng.

Ngoài ra, hồi tuần trước, trong một nỗ lực định hình tư duy của các đồng minh, Zelenskyy đã đến Mỹ để tiếp thị cái gọi là “kế hoạch chiến thắng” của mình, một công thức nhằm củng cố vị thế của Ukraine trước các cuộc đàm phán có thể xảy ra với Moscow. Tổng thống Ukraine mô tả đó là “chiến lược đạt được hòa bình thông qua sức mạnh.”

Tổng thống Ukraine gặp Donald Trump tại Trump Tower ở New York vào tuần trước. Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa đã nhiều lần tuyên bố rằng ông có thể nhanh chóng chấm dứt chiến tranh © Shannon Stapleton/ Reuters

Dấn thân vào vòng xoáy tranh cử Mỹ, Zelenskyy đã có các cuộc hội đàm riêng với Tổng thống Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris và đối thủ Đảng Cộng hòa của bà, Trump, để trình bày quan điểm của mình.

Đã có lúc sứ mệnh tại Mỹ của Zelenskyy đi chệch hướng nghiêm trọng, sau khi ông bị Trump chỉ trích vì phản đối các cuộc đàm phán hòa bình, và còn bị các đảng viên Cộng hòa cấp cao chỉ trích vì đã đến thăm một nhà máy vũ khí ở tiểu bang dao động quan trọng Pennsylvania mà chỉ có các chính trị gia Dân chủ đi cùng. Nhưng cuối cùng, ông đã thuyết phục Trump cho ông gặp mặt và cứu vãn chuyến thăm của mình.

“Đó không phải là chiến thắng, cũng không phải là thảm họa,” vị quan chức cấp cao của Ukraine nói về chuyến đi của Zelenskyy tới Mỹ. “Sẽ là ngây thơ nếu mong đợi những tràng pháo tay mà chúng tôi từng nhận được hai năm trước,” vị quan chức này nói thêm, ám chỉ đến bài phát biểu của Tổng thống Ukraine trước Quốc hội Mỹ vào tháng 12/2022, trong đó ông đã nhận được nhiều tràng pháo tay và tuyên bố rằng Ukraine sẽ “không bao giờ đầu hàng.”

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine đã rời Washington với hai bàn tay trắng trong hai vấn đề chính: việc Mỹ cho phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga và tiến triển trong nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Chính quyền Biden đã phản đối cả hai, vì lo ngại chúng có thể khuyến khích Moscow leo thang xung đột, theo đó lôi kéo Mỹ và các đồng minh khác vào cuộc.

Các quan chức Mỹ không mấy ấn tượng với “kế hoạch chiến thắng” của Zelenskyy, vốn bao gồm yêu cầu cung cấp một lượng lớn vũ khí phương Tây.

Một cố vấn giúp soạn thảo tài liệu tiết lộ rằng Zelenskyy không có lựa chọn nào khác ngoài việc tái khẳng định quyết tâm của mình về tư cách thành viên NATO, bởi bất kỳ động thái nào khác đều sẽ bị cho là thoái lui trước vấn đề đảm bảo an ninh của phương Tây, điều mà người Ukraine cho là không thể thiếu.

Bất chấp quan ngại của Washington, khả năng tấn công lãnh thổ Nga cũng là một trọng tâm trong kế hoạch chiến thắng của Zelenskyy, vị cố vấn cho biết. Trong khi các quan chức Mỹ lập luận rằng Nga đã di chuyển máy bay tấn công ra khỏi tầm bắn của tên lửa phương Tây, các quan chức Ukraine khẳng định vẫn còn nhiều mục tiêu khác như trung tâm chỉ huy, kho vũ khí, kho nhiên liệu, và các điểm giao hậu cần.

Việc phá hủy chúng có thể làm gián đoạn khả năng tiến hành chiến tranh của Moscow, theo đó cho nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin thấy rằng mục tiêu chiếm giữ ít nhất bốn tỉnh của Ukraine là không thể đạt được và bác bỏ niềm tin của ông rằng phương Tây sẽ không còn hứng thú với việc hỗ trợ Ukraine.

“Không nên đánh giá quá cao Nga,” Andris Sprūds, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, nói. “Họ cũng có những điểm yếu của mình.”

Dù kế hoạch chiến thắng của Zelenskyy chỉ đơn giản lặp lại các mục tiêu cũ, nhưng ý nghĩa thực sự của nó là chuyển mục tiêu chiến tranh của Ukraine từ giải phóng hoàn toàn sang điều hướng cuộc chiến theo hướng có lợi cho Kyiv, vị quan chức cấp cao của Ukraine cho biết.

“Nó là một nỗ lực nhằm thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến và đưa Nga vào bàn đàm phán. Zelenskyy thực sự tin vào điều đó.”

Quyền kiểm soát rộng rãi của Nga đối với miền Đông Ukraine. Các vùng màu đỏ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga hoặc bị Nga tuyên bố kiểm soát. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Dự án Các Mối đe dọa Quan trọng của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nghiên cứu của Financial Times. Cập nhật lần cuối vào ngày 30/03 lúc 3 giờ chiều GMT.

Nhiều nhà ngoại giao châu Âu tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được tổ chức tuần trước tại New York cho biết đã có sự thay đổi rõ rệt trong giọng điệu và nội dung của các cuộc thảo luận xoay quanh một giải pháp tiềm năng.

Họ chỉ ra rằng các quan chức Ukraine đã cởi mở hơn khi thảo luận về khả năng đồng ý ngừng bắn ngay cả khi quân đội Nga vẫn ở trên lãnh thổ của họ, và các quan chức phương Tây cũng đã thảo luận thẳng thắn hơn về tính cấp thiết của một thỏa thuận.

Các nhà ngoại giao cũng tiết lộ rằng tân Ngoại trưởng Ukraine, Andrii Sybiha, đã sử dụng các cuộc họp riêng với những người đồng cấp phương Tây trong chuyến công du đầu tiên tới Mỹ để thảo luận về các giải pháp thỏa hiệp tiềm năng. Giọng điệu của ông cũng thực tế hơn so với người tiền nhiệm về khả năng đàm phán đổi đất lấy an ninh.

“Chúng tôi đang thảo luận ngày càng cởi mở hơn về cách thức kết thúc của cuộc xung đột này và những gì Ukraine sẽ phải từ bỏ để có được một thỏa thuận hòa bình lâu dài,” một trong những nhà ngoại giao có mặt tại New York cho biết. “Và đó là một thay đổi lớn so với sáu tháng trước, khi kiểu nói chuyện này còn là điều cấm kỵ.”

Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Ukraine tuyên bố “Không có sự thỏa hiệp về lãnh thổ nào được đề xuất, thảo luận, hoặc thậm chí ám chỉ trong bất kỳ cuộc họp nào.”

Dư luận Ukraine dường như cũng cởi mở hơn với các cuộc đàm phán hòa bình – nhưng không nhất thiết phải chấp nhận những nhượng bộ mà đàm phán có thể yêu cầu.

Một cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv (KIIS) có liên kết với Viện Dân chủ Quốc gia Mỹ thực hiện vào mùa hè cho thấy 57% số người được hỏi cho rằng Ukraine nên tham gia đàm phán hòa bình với Nga, tăng từ mức 33% một năm trước đó.

Cuộc khảo sát cho thấy chiến tranh đang gây ra thiệt hại ngày càng nặng nề hơn: 77% số người được hỏi nói rằng họ đã mất đi người thân, bạn bè, hoặc người quen, cao gấp bốn lần so với hai năm trước. Hai phần ba cho biết họ cảm thấy khó hoặc rất khó để sống bằng thu nhập thời chiến của mình.

Người dân địa phương đi qua một cơ sở có máy biến áp điện bị hư hỏng do một cuộc tấn công của Nga ở Kyiv. Điện Kremlin đã phá hủy ít nhất một nửa công suất phát điện của Ukraine © Alina Smutko/ Reuters

Cuộc sống sắp trở nên khó khăn hơn nữa. Nga đã phá hủy ít nhất một nửa công suất phát điện của Ukraine sau khi học nối lại các cuộc tấn công hàng loạt bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng lưới điện của Ukraine hồi mùa xuân năm nay.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Ukraine hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện “nghiêm trọng” lên tới 6GW, tương đương một phần ba nhu cầu cao điểm mùa đông. IEA cũng lưu ý rằng Ukraine đang ngày càng phụ thuộc vào ba nhà máy điện hạt nhân đang còn hoạt động. Nếu Nga tấn công các trạm biến áp gần các nhà máy này – bất chấp những nguy hiểm của kiểu tấn công này – thì họ có thể khiến hệ thống điện của Ukraine sụp đổ, cùng với đó là hệ thống sưởi ấm và cấp nước. Các cơ sở sưởi ấm trung tâm ở các thành phố lớn như Kharkiv và Kyiv cũng dễ bị tổn thương.

Một nguồn căng thẳng khác là việc tuyển quân. Theo luật mới, hàng triệu người đàn ông Ukraine đã bị buộc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu không muốn đối mặt với những khoản tiền phạt lớn. Đồng thời, nhiều người Ukraine đã kể lại việc những người đàn ông bị chặn lại ngẫu nhiên ở các ga tàu điện ngầm hoặc xe lửa, thường là vào đêm khuya, và bị đưa đến các trung tâm huấn luyện, được đào tạo một thời gian ngắn rồi sau đó bị đưa ra tiền tuyến.

“Đây là hành động lạm dụng, còn tệ hơn cả khi bạn là tội phạm, chí ít thì việc đó còn có quy trình hợp lệ,” Hlib Vyshlinksy, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Kinh tế tại Kyiv cho biết. “Nó khiến người ta suy sụp. Kẻ thù thực sự là Nga, nhưng mọi người cũng sợ một văn phòng tuyển sinh tham nhũng, lạm dụng đang làm điều sai trái.”

Nếu người dân Ukraine chấp nhận ý tưởng đàm phán, thì phần lớn – 55% theo cuộc thăm dò của KIIS vào tháng 5 – vẫn phản đối bất kỳ sự nhượng bộ lãnh thổ chính thức nào như một phần của thỏa thuận hòa bình.

“Người dân muốn hòa bình nhưng họ cũng phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ. Thật khó để thỏa hiệp,” Merezhko, chủ tịch ủy ban đối ngoại, cho biết.

Tuy nhiên, khảo sát của KIIS cho thấy tỷ lệ người trả lời phản đối bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào đã giảm mạnh từ mức đỉnh điểm là 87% vào đầu năm ngoái. Khảo sát cũng phát hiện ra rằng người Ukraine sẵn sàng chấp nhận một thỏa hiệp mà trong đó, để đổi lấy tư cách thành viên NATO của Ukraine, Nga duy trì quyền kiểm soát trên thực tế đối với các vùng bị chiếm đóng của Ukraine, nhưng không xác lập chủ quyền đối với chúng.

Nhưng các cuộc thăm dò khác cho thấy người dân Ukraine vẫn tự tin vào chiến thắng và sẽ thất vọng vì bất kỳ điều gì khác ngoài chiến thắng toàn diện trên chiến trường. Vấn đề trong nước lớn nhất đối với Zelenskyy có thể đến từ một nhóm thiểu số theo chủ nghĩa dân tộc phản đối bất kỳ sự thỏa hiệp nào, một số người thuộc nhóm này hiện được trang bị vũ khí và huấn luyện để chiến đấu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) gặp Zelenskyy trong kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Ukraine tiếp tục kêu gọi các đảm bảo an ninh từ liên minh © Ukrainian Presidential Press Service/ AFP/ Getty Images

“Nếu chúng tôi đồng ý tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào, nó có thể là tác nhân gây ra bất ổn xã hội,” một quan chức Ukraine cho biết. “Zelenskyy hiểu rất rõ điều này.”

“Sẽ luôn có một bộ phận cực đoan trong xã hội Ukraine sẵn sàng gọi bất kỳ cuộc đàm phán nào là đầu hàng. Phe cực hữu đang phát triển ở Ukraine. Cánh hữu là mối nguy hiểm đối với nền dân chủ,” Merezhko, một nghị sĩ từ Đảng Đầy tớ của Nhân dân của Zelenskyy, nhấn mạnh.

Như cuộc thăm dò của KIIS cho thấy, việc chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Nga ở lại các khu vực của Ukraine mà nước này đã chiếm đóng kể từ cuộc xâm lược đầu tiên vào năm 2014 sẽ phụ thuộc vào việc nhận được sự đảm bảo an ninh có ý nghĩa từ phương Tây, mà đối với Kyiv có nghĩa là tư cách thành viên NATO.

“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là đảm bảo an ninh. Đảm bảo an ninh thực sự. Nếu không, chiến tranh sẽ không chấm dứt, sẽ chỉ có thêm một cuộc chiến khác,” một quan chức Ukraine cho biết.

“Dùng đất đai để đổi lấy tư cách thành viên [NATO] là lựa chọn duy nhất hiện có, ai cũng biết điều đó,” một quan chức cấp cao phương Tây cho biết. “Không ai dám nói ra thành tiếng… nhưng đó là chiến lược duy nhất trên bàn..”

Việc gia nhập NATO vẫn là mục tiêu chính của Ukraine, nhưng chỉ một vài trong số 32 thành viên liên minh chịu chấp nhận ngay cả khi không có lệnh ngừng bắn hoàn toàn, lâu dài, và một đường ranh giới rõ ràng trên bản đồ, xác định phần lãnh thổ nào của Ukraine được áp dụng điều khoản phòng thủ chung của liên minh. Mô hình mà một số người đưa ra là tư cách thành viên của Tây Đức trong liên minh, vốn đã kéo dài hơn ba thập kỷ trước khi Bức tường Berlin sụp đổ và họ thống nhất với Đông Đức.

“Mô hình Tây Đức đang thu hút sự chú ý đặc biệt là ở Nhà Trắng, nơi hoài nghi nhất về tư cách thành viên NATO của Ukraine,” Shapiro của ECFR cho biết. “Người Nga sẽ ghét điều đó, nhưng chí ít thì nó có thể là bước mở đầu cho một thỏa hiệp.”

Nhưng ngay cả điều đó cũng đòi hỏi Mỹ và các đối tác phải triển khai một lực lượng lớn – một lực lượng mà bất kỳ chính quyền Mỹ nào, Dân chủ hay Cộng hòa, cũng sẽ phản đối vì Washington mong muốn tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu các cường quốc châu Âu có sẵn sàng gánh thêm trách nhiệm hay không.

Zelenskyy ký vào một vỏ đạn trong chuyến tham quan một nhà máy đạn dược ở Scranton, Pennsylvania. Chuyến thăm của ông đến tiểu bang dao động cùng với các chính trị gia Dân chủ đã bị phía Cộng hòa chỉ trích © Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine/ AFP/ Getty Images

Và liệu Nga có chấp nhận để Ukraine gia nhập NATO, vốn là liên kết với phương Tây mà họ đã cố gắng ngăn chặn bằng quân sự suốt mười năm qua, hay không? Nhiều người ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều tin rằng điều đó là không thể.

“Tôi không nghĩ Nga sẽ đồng ý cho chúng tôi gia nhập NATO,” một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết.

Ngoài tư cách thành viên đầy đủ, không còn gì có thể ngăn chặn cuộc xâm lược quân sự của Điện Kremlin. “Ngay cả khi chúng tôi nhận được lời mời của NATO, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đó là một quyết định chính trị,” vị quan chức cấp cao của Ukraine nói thêm.

Trong chuyến đi có thể là chuyến đi cuối cùng tới châu Âu trước khi rời ghế tổng thống, Biden sẽ chủ trì một cuộc họp giữa Ukraine và các đồng minh tại Đức vào ngày 12/10.

Một quan chức phương Tây được thông báo về các cuộc đàm phán của Zelenskyy tại Washington cho biết có những dấu hiệu thận trọng cho thấy Biden có thể đồng ý thúc đẩy tư cách thành viên NATO của Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1.

Khi rời Mỹ vào cuối tuần này, Zelenskyy nói rằng tháng 10 sẽ là “thời điểm quyết định.” Nhà lãnh đạo Ukraine sẽ một lần nữa cầu xin được phép tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga bằng đạn dược do phương Tây cung cấp, bởi ông biết rằng đây là một trong số ít những lựa chọn để chấm dứt tình trạng thù địch.

“Chìa khóa nằm ở việc khắc chế năng lực của Nga” và gây áp lực để buộc họ phải mở các cuộc đàm phán, vị quan chức cấp cao của Ukraine cho biết. “Nó thực sự là một cơ hội nếu chúng ta muốn giải quyết dứt điểm cuộc chiến này.”