Vì sao thể chế vững mạnh là chìa khóa cho sự thịnh vượng của một quốc gia?

Nguồn: Renaud Foucart, “Nobel economics prize: how colonial history explains why strong institutions are vital to a country’s prosperity – expert Q&A,”  The Conversation, 14/10/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Giải Nobel Kinh tế năm nay đã được trao cho Daron Acemoglu và Simon Johnson từ Viện Công nghệ Massachusetts, cùng James Robinson từ Đại học Chicago, nhờ công trình nghiên cứu giải thích tại sao lại có sự chênh lệch lớn về mức độ thịnh vượng giữa các quốc gia.

Khi công bố giải thưởng, Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Kinh tế, cho biết: “Giảm bớt sự chênh lệch lớn trong thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. “Nghiên cứu đột phá” của ba nhà kinh tế học đã mang lại cho chúng ta “một sự hiểu biết sâu sắc hơn về những nguyên nhân gốc rễ của sự thành công hay thất bại của các quốc gia.”

Giải Nobel Kinh tế, được thành lập vào thập niên 1960, vài thập kỷ sau khi các giải Nobel đầu tiên được trao, được biết đến chính thức với tên gọi là Giải thưởng Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển dành cho Khoa học Kinh tế. Các học giả sẽ cùng chia sẻ giải thưởng và số tiền mặt 11 triệu krona Thuỵ Điển (810.000 bảng Anh).

Để giải thích về công trình nghiên cứu của ba nhà kinh tế và tầm quan trọng của công trình này, tác giả đã trò chuyện với Renaud Foucart, giảng viên cao cấp về kinh tế tại Đại học Lancaster, Vương quốc Anh.

Những cống hiến của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson

Ba học giả giành giải thưởng chủ yếu nhờ việc cung cấp bằng chứng nhân quả về ảnh hưởng của chất lượng thể chế của một quốc gia đối với sự thịnh vượng kinh tế của quốc gia đó.

Thoạt đầu nghe qua chuyện này như “thừa giấy vẽ voi.” Hầu hết mọi người đều đồng tình rằng một quốc gia thực thi quyền sở hữu tài sản, hạn chế tham nhũng, bảo vệ cả pháp quyền lẫn sự cân bằng trong quyền lực sẽ thành công hơn trong việc khuyến khích công dân tạo ra của cải, cũng như phân phối của cải hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bất kỳ ai theo dõi tin tức ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Mỹ hoặc thậm chí là ở Anh sẽ nhận thấy rằng không phải ai cũng đồng tình với ý kiến này. Chẳng hạn như tại Hungary, các vụ tham nhũng, chủ nghĩa gia đình trị (nepotism), truyền thông thiếu đa dạng và những mối đe dọa ảnh hưởng đến độc lập tư pháp đã dẫn Hungary đến một xung đột căng thẳng với Liên minh Châu Âu.

Các nước giàu thường có thể chế vững mạnh. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo (hoặc muốn trở thành lãnh đạo) lại rất thoải mái với việc làm suy yếu nền pháp quyền. Họ dường như không xem thể chế là nguyên nhân của sự thịnh vượng, mà chỉ coi thể chế là một thứ ngẫu nhiên tương quan với sự giàu có của đất nước.

Theo ba nhà kinh tế đạt giải Nobel, tại sao chất lượng thể chế của các nước lại khác nhau?

Công trình nghiên cứu của ba nhà kinh tế bắt đầu bằng một thứ rõ ràng không trực tiếp ảnh hưởng đến sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia ngày nay – đó là điều kiện sống của người dân trong giai đoạn đầu của thời kỳ thuộc địa châu Âu vào thế kỷ 14. Giả thuyết của họ là, nước nào càng giàu có và càng khắc nghiệt với “người ngoài”, thì các thế lực thực dân càng quan tâm đến việc cướp bóc tàn bạo tài nguyên của nước đó.

Trong tình huống ấy, các thế lực thực dân đã dựng lên các thể chế mà không hề quan tâm đến người dân địa phương. Điều này dẫn đến việc hình thành các thể chế kém chất lượng trong thời kỳ thuộc địa, kéo dài cho đến tận sau khi các nước giành độc lập, dẫn đến tình trạng kinh tế bất ổn hiện nay.

Tất cả những điều này diễn ra bởi vì – và đây là một lĩnh vực khác mà các chủ nhân giải Nobel năm nay đã đóng góp – các thể chế tạo ra những điều kiện cần thiết để duy trì sự bền vững của chính thể chế đó.

Trái lại, ở những nơi kém phát triển hơn nhưng lại có điều kiện sống thuận lợi, các cường quốc thực dân không đến khai thác tài nguyên. Thay vào đó, họ định cư luôn ở đó và tìm cách tạo ra của cải. Vì vậy, việc thực dân xây dựng các thể chế dân chủ có lợi cho người dân địa phương là vì các mối lợi ích (dẫu mang tính vụ lợi) của chính họ.

Ba nhà nghiên cứu sau đó đã kiểm tra giả thuyết của mình bằng cách xem xét dữ liệu lịch sử. Đầu tiên, họ phát hiện ra một “sự đảo ngược lớn” về mức độ thịnh vượng. Những nơi từng có tỉ lệ đô thị hóa cao và đông dân nhất vào năm 1500 trở thành những khu vực nghèo nhất vào năm 1995. Thứ hai, họ nhận thấy rằng những nơi mà người đến định cư chết nhanh chóng vì bệnh tật và do đó không thể ở lại – trong khi dân địa phương hầu hết miễn nhiễm với bệnh – hiện nay cũng nghèo hơn.

Việc xem xét nguồn gốc thuộc địa của các thể chế là một nỗ lực để làm rõ đâu là “nhân” và đâu là “quả” trong mối quan hệ nhân quả giữa chất lượng thể chế của một quốc gia và sự thịnh vượng kinh tế của quốc gia đó. Đây cũng có lẽ là lý do chính mà ủy ban Nobel cho rằng, ngay cả khi những người được trao giải năm nay không phải là người phát minh ra ý tưởng về tầm quan trọng của các thể chế, đóng góp của họ vẫn xứng đáng nhận được sự vinh danh cao nhất.

Một số ý kiến cho rằng công trình này lập luận đơn thuần rằng “dân chủ đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế.” Điều này có đúng không?

Không thể xem xét đơn độc một yếu tố dân chủ và đặt ngoài lề những yếu tố xung quanh. Chẳng hạn, công trình của ba nhà kinh tế không khẳng định rằng việc áp đặt một nền dân chủ hoàn toàn mới vào một quốc gia vốn có thể chế hoạt động kém sẽ thành công. Chưa chắc một nhà lãnh đạo dân chủ thì sẽ không tham nhũng.

Các thể chế là một tổng thể hệ thống. Đó là lý do tại sao việc duy trì các khía cạnh khác nhau của thể chế ngày nay lại quan trọng đến vậy. Việc làm suy yếu ngay cả một phần nhỏ các biện pháp bảo vệ mà nhà nước cung cấp cho công dân, người lao động, doanh nhân và nhà đầu tư có thể dẫn đến một vòng tiêu cực luẩn quẩn: Mọi người không cảm nhận được sự an toàn rằng họ sẽ được bảo vệ trước tham nhũng hoặc việc bị tước đoạt tài sản; điều này làm suy giảm mức độ thịnh vượng và gia tăng nhiều lời kêu gọi hơn về các quy tắc độc tài.

Cũng có thể có những trường hợp ngoại lệ. Trung Quốc rõ ràng đang cố gắng khẳng định quan điểm rằng chủ nghĩa tư bản không cần dân chủ tự do vẫn có thể song hành với thành công kinh tế.

Sự tăng trưởng của Trung Quốc kể từ các cải cách của Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980 trùng hợp với thời điểm đưa ra các quyền sở hữu tài sản được củng cố hơn cho doanh nhân và doanh nghiệp. Xét từ khía cạnh này, đây chính là một ví dụ điển hình về sức mạnh của các thể chế.

Nhưng cũng chính Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh cho quân đội đàn áp cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Dễ thấy Trung Quốc ngày nay sở hữu một hệ thống chính trị độc tài hơn so với các nền dân chủ phương Tây.

Thực ra, theo Acemoglu, chế độ ngày càng độc tài của Tập Cận Bình chính là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Trung Quốc trong tình trạng “dột từ nóc.”

Các thể chế dân chủ trên toàn cầu hiện đang phát triển theo hướng nào?

Acemoglu đã bày tỏ lo ngại rằng các thể chế dân chủ ở Mỹ và châu Âu đang mất dần sự ủng hộ từ người dân. Thực tế, nhiều nền dân chủ dường như đang nghi ngờ về tầm quan trọng của việc bảo vệ các thể chế của mình.

Họ mạo hiểm trao nhiều quyền lực hơn cho những kẻ mị dân, những người tuyên bố rằng thành công có thể đạt được mà không cần một bộ quy tắc chặt chẽ để ràng buộc quyền lực của những người lãnh đạo. Tôi không biết giải thưởng hôm nay có chút ảnh hưởng nào đến họ không.

Dù vậy, nếu có một thông điệp để “bỏ túi” từ công trình của những người đoạt giải năm nay, thì đó chính là cử tri nên thận trọng, đừng vì những quy tắc đôi khi gây khó chịu nhưng cần thiết để duy trì sự thịnh vượng mà bỏ đi những quy tắc đó, qua đó giết chết sự thịnh vượng kinh tế.