Mối nguy thực sự từ các kế hoạch kinh tế của Trump

Nguồn: Adam S. Posen, “The True Dangers of Trump’s Economic Plans,” Foreign Affairs, 18/10/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chương trình nghị sự cấp tiến của Trump sẽ tàn phá các doanh nghiệp, công nhân và người tiêu dùng Mỹ.

Nhiều nhà quan sát hiểu biết và một bộ phận đáng kể cử tri Mỹ đang tỏ ra bình tĩnh, nếu không muốn nói là phấn khích, về chương trình kinh tế mà Donald Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ thứ hai của ông với tư cách là tổng thống. Một số người tập trung vào lời hứa gia hạn cắt giảm thuế và bãi bỏ các quy định của ông, cho thấy sự tiếp nối các chính sách trước đây của Đảng Cộng hòa. Những người khác viện dẫn mức lạm phát thấp và lợi nhuận thị trường chứng khoán cao đặc trưng cho nhiệm kỳ đầu tiên của ông trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu và lập luận rằng các chính sách của Trump – bao gồm cả cách tiếp cận không chính thống của ông đối với thuế quan và nhập cư – đã thành công, hoặc chí ít là không gây hại.

Nhiều nhà đầu tư và người trong cuộc khẳng định rằng những lời đe dọa cực đoan hơn của Trump – liên quan đến trục xuất, thương mại, Trung Quốc, và Cục Dự trữ Liên bang – thực chất là những chiến lược khôn ngoan giúp giành được đòn bẩy trước các tác nhân nước ngoài, các nhà kỹ trị trong nước, hoặc đa số Dân chủ tại Hạ viện. Và có một sự tin tưởng sâu rộng rằng nếu bất kỳ chính sách kinh tế hung hăng nào của Trump gây ra chi phí nặng nề, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp lớn, thì ông sẽ đảo ngược chúng.

Tuy nhiên, cảm giác tự tin này bắt nguồn từ việc không hiểu được mối nguy thực sự của các kế hoạch kinh tế hiện tại của Trump. Không có tổng thống Mỹ nào từng từ bỏ các ưu tiên kinh tế mà ông ta đã nhiều lần tuyên bố ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức. Trump và người bạn đồng hành của ông, J.D. Vance, đã đề xuất một loạt các biện pháp can thiệp triệt để, quy mô lớn đối với nền kinh tế Mỹ, bao gồm thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu, ở mức gấp 10 đến 15 lần mức thuế mà Trump từng áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chủ yếu chỉ đánh vào hàng hóa của Trung Quốc; trục xuất hoặc giam giữ khoảng một triệu đến tám triệu người nhập cư, gồm cả một số người hiện đang ở Mỹ một cách hợp pháp; và một cuộc tranh giành quyền lực liên quan đến việc sử dụng quyền hành pháp để tịch thu các khoản tiền do Quốc hội phân bổ và can thiệp vào sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang trong việc thiết lập lãi suất. Đây là những biện pháp tệ hơn gấp bội so với những gì ông theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Thế giới quan biện minh cho những chính sách này không giống với những quan điểm đã định hình nên chính quyền Reagan và hai chính quyền Bush. Quan điểm của Trump dựa trên Hobbes, không phải Hayek, và nó xem nền kinh tế thế giới là một trò chơi mà các quốc gia khác chỉ muốn loại bỏ Mỹ – vì vậy Mỹ cần phải loại họ trước. Trump nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn hoạt động kinh tế của người nước ngoài sẽ giúp cải thiện đáng kể kết quả cho những người Mỹ mà ông ủng hộ. Đây là đường hướng xuyên suốt thống nhất trong tất cả các chính sách kinh tế mà ông đề xuất.

Cách tiếp cận như vậy có thể mang lại lợi ích trong ngành bất động sản và bán hàng trực tuyến. Nhưng nền kinh tế quốc gia không chỉ đơn giản là tổng của nhiều thỏa thuận khác nhau do chính phủ đưa ra, ngay cả trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế. Một chính quyền không nhận ra được khác biệt này và cứ cố gắng tối đa hóa các giao dịch một lần sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đất nước đối với đầu tư dài hạn.

Trong 50 năm qua, các chương trình nghị sự kinh tế của các chính quyền tổng thống từ cả hai đảng, dù có nhiều khác biệt, nhưng đều nhận ra tầm quan trọng của việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô nói chung. Các tổng thống đã ủng hộ các quy định của chính phủ và chi tiêu công ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung họ đã cam kết giảm thiểu sự bất ổn trong dài hạn. Các chính phủ khác trên thế giới đã tìm cách noi gương Mỹ về mặt này, vì lợi ích lâu dài của họ.

Ngược lại, cách tiếp cận của Trump lại vũ khí hóa sự bất ổn. Nhưng bất ổn là một vũ khí khó kiểm soát, và nó sẽ phản tác dụng với bất kỳ ai lạm dụng nó.

HAI BÊN CÙNG THUA

Theo Trump, việc trục xuất số lượng lớn lao động không có giấy tờ; áp thuế cao đối với hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, hàng hóa nước ngoài; và tăng quyền quyết định của tổng thống đối với các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ mang lại sự thịnh vượng cho người lao động Mỹ. Trên thực tế, tất cả những biện pháp này sẽ tạo ra kết quả ngược lại. Bằng cách hạn chế nguồn cung các sản phẩm mà các doanh nghiệp, người lao động, và hộ gia đình Mỹ xem trọng và sử dụng, họ sẽ làm giảm năng suất của nền kinh tế Mỹ.

Các biện pháp đó cũng sẽ khiến việc kinh doanh trở nên đắt đỏ và bất ổn hơn. Bị buộc phải tự bảo vệ mình vì không có khả năng tiếp cận ổn định với nguồn cung và thị trường, nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn hoạt động ở quy mô nhỏ hơn. Và lĩnh vực thương mại của Mỹ có thể tách riêng doanh số và sản xuất cho phần còn lại của thế giới với thị trường Bắc Mỹ, theo đó làm giảm lợi nhuận đầu tư tư nhân vào nền kinh tế Mỹ và làm giảm tăng trưởng thu nhập thực tế cho mọi người.

Hãy xem xét viễn cảnh trục xuất hàng loạt. Nếu nó được thực hiện như Trump và những người đại diện của ông đề xuất, thì có nghĩa là ít nhất 1,3 triệu người sẽ bị trục xuất, phần lớn trong số họ đang làm việc trong nền kinh tế Mỹ. Chính sách này đang được nhiều nhóm cử tri ủng hộ và nằm trong thẩm quyền ra quyết định hợp pháp của tổng thống. Nó cũng có một tiền lệ lịch sử là Chiến dịch Wetback, chương trình của chính quyền Eisenhower đã trục xuất được hơn một triệu người trong khoảng thời gian 18 tháng, vào thời điểm dân số Mỹ nhìn chung nhỏ hơn đáng kể.

Tác động kinh tế của kế hoạch trục xuất của Trump sẽ rất nghiêm trọng. Việc loại bỏ hàng trăm nghìn công nhân có việc làm sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động ở các ngành công nghiệp cụ thể và địa điểm cụ thể, từ đó dẫn đến tình trạng tăng giá trên diện rộng khi nguồn cung giảm. Một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson phát hiện ra rằng một cú sốc cung lao động tiêu cực lớn như vậy sẽ dẫn đến tình trạng đình trệ trên toàn nền kinh tế, khiến lạm phát tăng thêm 1,5% và GDP giảm hơn 3% chỉ trong vòng ba năm.

Cú sốc này sẽ càng mạnh hơn nữa vì trong các lĩnh vực phụ thuộc nhiều nhất vào lao động không có giấy tờ – trồng cây ăn quả và rau củ, dịch vụ khách sạn, xây dựng nhà ở, khai thác mỏ, một số ngành sản xuất – người sử dụng lao động sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lao động hợp pháp để thay thế những người đã bị trục xuất. Lao động hợp pháp được hưởng mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn so với hầu hết những gì người di cư không có giấy tờ có thể yêu cầu, và họ sẽ không dễ dàng chịu nhận công việc lương thấp. Trong những trường hợp này, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm chi phí lao động thông qua tự động hóa.

Trục xuất hàng loạt cũng sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế theo những cách khác. Như nhà kinh tế học Michael Clemens đã chỉ ra, nhập cư tạo ra việc làm cho công dân và thường trú nhân hợp pháp – với tỷ lệ khoảng một việc làm cho mỗi mười người nhập cư có việc làm. Hiện tượng này là do người lao động nhập cư và gia đình của họ cũng là người tiêu dùng. Việc trục xuất họ sẽ làm giảm cầu đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ mà nhóm người này mua ở Mỹ – cũng như cầu đối với lao động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, lao động nhập cư giúp mở rộng cơ sở thuế, vì khoản lợi nhuận và chi tiêu mà họ tạo ra cũng bị đánh thuế. Họ cũng có xu hướng trẻ tuổi hơn và sợ bị trục xuất, vì vậy họ ít có khả năng hưởng các phúc lợi của chính phủ. Những người nhập cư thế hệ đầu tiên cũng đóng góp lớn về mặt kinh doanh và đổi mới cho nền kinh tế, những đóng góp này sẽ bị mất đi nếu Mỹ không còn chào đón người nhập cư. Tóm lại, kế hoạch trục xuất của Trump sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm hơn (nếu không muốn nói là suy thoái), lạm phát tăng cao, giảm việc làm cho công dân và thường trú nhân hợp pháp, và ít đổi mới hơn. Cố tình thu hẹp lực lượng lao động của một quốc gia là hành động mang tính tự hủy cực kỳ sâu rộng.

Kế hoạch thuế quan của Trump cũng liều lĩnh tương tự đối với một khía cạnh cung khác của nền kinh tế. Ông đã đề xuất mức thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, và từ 10% đến 50% đối với hàng hóa từ mọi nơi khác, tuyên bố rằng mức thuế này sẽ tự chi trả cho chính nó bằng cách thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại địa phương và tạo ra việc làm mới. Trump khẳng định doanh thu từ các mức thuế này cũng sẽ bù đắp phần lớn cho việc ông đề xuất gia hạn cắt giảm thuế cho các tập đoàn và cá nhân có thu nhập cao. Trên thực tế, chi phí của các mức thuế chung này chủ yếu sẽ được chuyển cho người tiêu dùng, thông qua mức giá cao hơn hoặc tình trạng thiếu hụt một số sản phẩm nhập khẩu. Nếu các công ty Mỹ có thể sản xuất sản phẩm thay thế cho một số sản phẩm nhập khẩu, họ sẽ chỉ làm vậy chừng nào họ còn có thể tính giá thấp hơn so với mức giá do thuế quan thúc đẩy; nếu không, họ sẽ bỏ mặc cơ hội kiếm tiền.

Kết quả sẽ là lạm phát, và điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, những người có ngân sách chủ yếu dành cho quần áo, đồ chơi, đồ điện tử, năng lượng, và thực phẩm nhập khẩu. Một nghiên cứu gần đây của Viện Peterson cho thấy thuế quan sẽ khiến một hộ gia đình trung bình phải trả thêm ít nhất 2.600 đô la một năm và các nghiên cứu khác ước tính chi phí cao gấp đôi con số đó. Đối với các công ty phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu, việc tăng giá và thiếu sản phẩm thay thế có thể khiến họ phá sản. Do đó, chính quyền Trump thứ hai về cơ bản sẽ lặp lại một số tác động của sự cố chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra. Các mức thuế mới này sẽ khác với chính quyền Trump đầu tiên ở chỗ chúng sẽ được áp dụng rộng hơn và ở mức gấp 10 đến 15 lần so với mức thuế đã áp dụng trước đó.

Về doanh thu thuế, thuế quan không thể thay thế bất kỳ phần có ý nghĩa nào của các loại thuế liên bang khác, chính xác là vì mục đích của thuế quan là buộc người tiêu dùng phải thay đổi hành vi mua hàng của họ. Nếu một chính quyền tăng thuế đối với một loại hàng hóa nhất định, theo thời gian, người nộp thuế sẽ tìm ra sản phẩm thay thế, hoặc giảm mức tiêu thụ hàng hóa đó và doanh thu thuế thu được từ mặt hàng đó sẽ giảm. Khi các doanh nghiệp phá sản vì chi phí của họ tăng quá nhiều, thì điều đó cũng làm giảm doanh thu thuế. Mức thuế chung 20% của Trump sẽ mang lại doanh thu khoảng 1,0 đến 1,5% GDP trong năm đầu tiên và sẽ giảm dần từ đó; một mức thuế cao hơn sẽ mang lại doanh thu thậm chí còn ít hơn.

QUẢN LÝ QUÁ RỘNG

Vì quá trình cắt giảm thuế rất tốn kém và các mức thuế được đề xuất sẽ không tạo ra nhiều doanh thu, nên chương trình của Trump sẽ tạo ra thâm hụt ngân sách liên bang cực lớn. Các nhà phân tích phi đảng phái tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania đã ước tính rằng những đề xuất này sẽ làm tăng thâm hụt thêm từ 3,5 đến 5 nghìn tỷ đô la trong mười năm. (Các kế hoạch kinh tế được đối thủ của Trump, Phó Tổng thống Kamala Harris, tung hô cũng sẽ làm tăng thâm hụt, nhưng chỉ bằng chưa đến một phần ba số tiền đó.) Một nghiên cứu phi đảng phái gần đây của các học giả tài chính công hàng đầu đã chỉ ra rằng quyết định cắt giảm thuế năm 2017 của Trump tạo ra ít tăng trưởng hơn chúng ta nghĩ – và do đó doanh thu thuế cũng thấp hơn nhiều so với khoản tiền mất trực tiếp từ thuế thu được.

Hiện tại, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ vào khoảng 7% GDP – một con số quá lớn vào thời điểm đất nước có việc làm đầy đủ và không phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, y tế, hay quân sự. Việc tăng con số đó thêm 1,5% trở lên mỗi năm sẽ buộc chính phủ phải dành một phần ngày càng lớn hơn của ngân sách liên bang để trả lãi cho các khoản nợ. Ngoài ra, vì Trump cũng đã đề xuất các rào cản mới để ngăn cản hơn nữa đầu tư của Trung Quốc và các nước khác vào nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả khả năng đánh thuế đối với việc nước ngoài mua trái phiếu chính phủ Mỹ, nên Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ có ít người mua hơn để tài trợ cho khoản thâm hụt ngân sách. Khi Bộ Tài chính phát hành nhiều trái phiếu hơn, nhưng lại có ít người mua đủ điều kiện hơn, họ sẽ phải trả lãi suất cao hơn để bán hết số trái phiếu đó. Việc cắt giảm nguồn cung tiết kiệm có sẵn từ nước ngoài, giống như cắt giảm nguồn cung hàng hóa hoặc lao động, sẽ khiến nước Mỹ phải trả giá.

Trump cũng đã nói rằng, với tư cách là tổng thống, ông sẽ dùng đến thẩm quyền hành pháp để tịch thu – tức là từ chối chi tiêu – các khoản tiền do Quốc hội phân bổ, nhằm cắt giảm những khoản chi tiêu công mà chính quyền của ông phản đối. Thông qua hoạt động này – về cơ bản là đe dọa đóng cửa chính phủ – Trump sẽ giành được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán ngân sách. Dù việc khẳng định thẩm quyền theo cách này được tòa án liên bang cho là hợp pháp, nhưng nó sẽ làm xói mòn thêm tính minh bạch và khả năng dự đoán quá trình hoạch định ngân sách vốn đã lung lay ở Mỹ. Quản trị tài chính kém sẽ khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước xem nợ chính phủ là rủi ro hơn và họ sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn khi mua trái phiếu.

Trump cũng đã đe dọa sẽ cắt giảm đáng kể tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang, một trụ cột chính cho sự ổn định trong nền kinh tế Mỹ. Nhờ khả năng thiết lập lãi suất mà không cần quan tâm đến áp lực chính trị ngắn hạn, một Fed độc lập có thể kìm hãm nền kinh tế khi cần thiết, như họ đã làm thành công vào năm 2022 và 2023, khi tăng mạnh lãi suất để giải quyết tình trạng lạm phát sau đại dịch. Một ngân hàng trung ương có thể phản ứng đáng tin cậy với áp lực lạm phát mà không có sự can thiệp của chính phủ là điều cần thiết để ngăn chặn tình trạng lạm phát tăng vọt khi giá cả tăng vọt.

Trump có thể gây ảnh hưởng bằng cách chính trị hóa các cuộc bổ nhiệm vào Fed, thay thế chủ tịch Fed bằng một tay chân chính trị của mình, hoặc thay đổi các quy tắc chi phối quá trình ra quyết định của Fed. Sự can thiệp như vậy sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn và các chu kỳ phát triển-suy thoái thường xuyên hơn. Một số người sẽ phản đối, nói rằng cam kết của Trump về việc khẳng định thẩm quyền của nhánh hành pháp đối với Fed chỉ là một lời nói suông. Nhưng nếu các nhà đầu tư tư nhân xem lời đe dọa đó là đáng tin cậy, họ sẽ tính đến kỳ vọng về lạm phát cao hơn và yêu cầu bồi thường cho rủi ro đó. Nếu một chính trị gia tạo ra sự bất ổn trong chính sách tài khóa và tiền tệ, các nhà đầu tư sẽ không làm những gì chính phủ bảo họ làm.

NỀN KINH TẾ CỦA GÃ ĐIÊN

Gần như tất cả các đề xuất kinh tế của Trump đều sẽ làm giảm nguồn cung lao động, đầu vào công nghiệp, hàng tiêu dùng, và doanh thu thuế liên bang. Chiến lược của ông sẽ gây ra bất ổn trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ, vì các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ sợ rằng giá cả có thể tăng hoặc quyền tiếp cận các sản phẩm có thể bị hạn chế bất cứ lúc nào theo lựa chọn của chính phủ. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với các chính sách hướng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, vốn có thành tích đã được chứng minh trên toàn thế giới về việc mang lại tăng trưởng bền vững và lạm phát thấp.

Đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế và nguồn cung thu hẹp, cũng như thâm hụt ngân sách và giá cả tăng vọt, các nhà đầu tư sẽ tính lãi suất cao hơn cho chính phủ Mỹ. Các tập đoàn đa quốc gia, ngay cả những tập đoàn có trụ sở chính tại Mỹ, sẽ cắt giảm kế hoạch đầu tư và việc làm của họ tại thị trường Mỹ. Họ sẽ không phải chấp nhận các yêu cầu do cách tiếp cận của Trump, ngay cả khi chính phủ của họ thỉnh thoảng nhượng bộ các tối hậu thư cụ thể tại một thời điểm nhất định.

Một số nhà đầu tư và quan sát viên khẳng định rằng nỗi lo đối với chính sách kinh tế của Trump đang bị thổi phồng. Họ tin rằng vì các kế hoạch của Trump sẽ đe dọa đến lợi nhuận kinh doanh, bao gồm cả lợi nhuận của các nhóm cử tri có ảnh hưởng đang ủng hộ liên danh Cộng hòa, nên chúng khó có thể được thực hiện. Theo quan điểm này, nếu thị trường chứng khoán giảm hoặc lãi suất tăng, chính quyền Trump thứ hai sẽ cắt giảm hoặc đảo ngược các chính sách của mình. Những người khác chỉ ra sự tương đồng với “Thuyết Gã Điên” về chính sách đối ngoại: bằng cách đe dọa áp thuế quan cao ngất ngưởng – hoặc trục xuất hàng loạt, hoặc từ chối chi các khoản tiền liên bang đã được phân bổ – Trump sẽ giành được sự nhượng bộ từ các chính phủ nước ngoài và các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội, mà không cần phải thực hiện các lời đe dọa của mình.

Nhưng những giả định như vậy đã được chứng minh là sai trong quá khứ. Trên thực tế, chính quyền Trump đầu tiên đã thực hiện hầu hết các chính sách thương mại, tài chính, và lao động đã hứa của mình – và duy trì chúng ngay cả khi các chính sách đó mang lại kết quả kém. Cũng giống như cách tiếp cận Gã Điên trong chính sách đối ngoại, các mối đe dọa phải đáng tin cậy để có được hiệu quả mong muốn. Nếu có đủ chuyên gia và nhà đầu tư đặt cược rằng Trump sẽ không làm những điều ông nói, hoặc rằng ông sẽ rút lại chúng nếu cái giá của chúng tăng lên, thì ông sẽ buộc phải thực hiện chúng để chứng minh sự cứng rắn của mình. Nếu không, ông sẽ bị các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài phớt lờ, điều này chắc chắn không phải là kết quả mà ông mong muốn.

Nhưng vấn đề với chương trình nghị sự của Trump còn sâu sắc hơn thực tế là các chính sách của ông sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ. Khác với chính sách đối ngoại, nơi mà việc tạo ra sự bất an ở nước ngoài thông qua một chính sách không thể đoán trước có thể mang lại kết quả có lợi trong một số trường hợp, trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, việc tạo ra sự bất an sẽ chỉ gây tổn hại đến năng lực sản xuất của Mỹ. Trên thị trường toàn cầu, Washington có thể cố gắng thương lượng với các chính phủ. Nhưng các doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, và hàng trăm triệu dân thường, ở cả trong và ngoài nước, sẽ phản ứng bằng cách cố gắng giảm bớt sự dễ bị tổn thương của họ trước chính quyền Trump, và nước Mỹ không thể kiểm soát hoặc ngăn chặn những phản ứng như vậy.

Kết quả là, bất kỳ lợi ích ngắn hạn nào đạt được bằng cách thúc đẩy một điều khoản khó khăn trong các cuộc đàm phán song phương hoặc trong một ngành công nghiệp nhất định sẽ bị đè bẹp bởi chi phí kinh tế vĩ mô của việc tạo ra bất ổn. Đây là sai sót cơ bản đã định hình chương trình nghị sự của Trump, vốn hoàn toàn khác với bất kỳ chương trình kinh tế nào mà bất kỳ đảng chính trị lớn nào của Mỹ đã theo đuổi trong nửa thế kỷ qua. Nếu Trump thắng, ít nhất ông cũng cố gắng biến sự bất ổn thành vũ khí thông qua các mối đe dọa, và thiệt hại đối với nước Mỹ sẽ khó có thể đảo ngược.

Adam S. Posen là Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.