Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thăm dò sau bỏ phiếu cho thấy Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản sẽ mất đa số trong Hạ viện sau cuộc bầu cử sớm vào Chủ nhật. Điều này đe doạ vị thế của tân thủ tướng Ishiba Shigeru, người gọi kết quả là một “phán quyết nghiêm khắc” đối với đảng của ông. Đảng LDP thống trị chính trường gần bảy mươi năm qua, nhưng một vụ bê bối tài trợ gần đây đã làm tổn hại đến danh tiếng của đảng.
Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran đã xuất hiện công khai lần đầu tiên kể từ khi Israel không kích Iran. Ông nói không nên “phóng đại hoặc xem nhẹ” cuộc tấn công, nhưng không kêu gọi leo thang. Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu cũng không cho thấy ý định leo thang. Ông phát biểu hôm Chủ nhật rằng cuộc tấn công trả đũa của Israel vào cuối tuần qua là “chính xác và mạnh mẽ,” và đã đạt được “tất cả các mục tiêu.”
Không kích của Israel đã giết chết ít nhất 45 người ở Gaza, hầu hết ở miền bắc. Hôm Chủ nhật, tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres mô tả tình hình tại miền bắc Gaza là “không thể chịu nổi” và “đáng sợ.” Trong khi đó, đàm phán về một lệnh ngừng bắn tiềm năng đã được nối lại ở Qatar. Bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo rằng Israel sẽ phải nhượng bộ “đau đớn” để đảm bảo việc thả các con tin ở Gaza.
Ủy ban bầu cử trung ương của Georgia cho biết đảng cầm quyền đã thắng trong cuộc bầu cử quốc hội của nước này. Đảng Giấc mơ Georgia thân Nga giành được 54% phiếu bầu, với gần như toàn bộ số phiếu đã được kiểm. Nhà sáng lập tỷ phú của đảng, Bidzina Ivanishvili, đã ăn mừng chiến thắng cùng người ủng hộ. Các liên minh đối lập thân EU về ngay sau với 38% số phiếu. Họ gọi kết quả này là “gian lận” và cho biết sẽ “yêu cầu hủy bỏ kết quả.”
Kamala Harris nỗ lực thu hút cử tri ở Pennsylvania, một bang chiến trường quan trọng. Phát biểu tại một nhà thờ ở Philadelphia, bà yêu cầu các giáo dân cân nhắc “loại quốc gia” mà họ muốn sống. Mô hình dự đoán của The Economist cho thấy bà có 43% cơ hội giành chiến thắng tại bang này. Donald Trump sẽ tổ chức một cuộc vận động tranh cử ở New York, thành trì của Đảng Dân chủ, vào Chủ nhật.
Bão Trà Mi đã đổ bộ vào miền trung Việt Nam vào Chủ nhật. Cơ quan khí tượng của Việt Nam cho biết bão có tốc độ gió lên tới 88 km một giờ. Tại Philippines, cơn bão đã khiến hơn 120 người thiệt mạng và buộc nửa triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Phần lớn đảo chính của Philippines đã bị ngập.
Thượng Hội đồng Giám mục kéo dài một tháng qua ở Vatican đã ủng hộ ý tưởng cho phụ nữ đóng vai trò lớn hơn trong lãnh đạo Giáo hội Công giáo, nhưng chưa đi xa đến mức cho phép họ trở thành linh mục hoặc phó tế. Hội nghị được tổ chức sau một cuộc tham vấn kéo dài bốn năm với giáo dân Công giáo trên toàn thế giới. Điều đặc biệt là Đức Giáo hoàng Francis đã mời một số giáo dân – bao gồm 60 phụ nữ – tham gia.
Con số trong ngày: 19.700, là số ca mắc Cochliomyia hominivorax, một loại ký sinh trùng, được ghi nhận tại Panama trong năm nay.
TIÊU ĐIỂM
Chỉ còn hơn một tuần là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang bước vào chặng cuối trước ngày bầu cử vào ngày 5 tháng 11, nhưng vẫn chưa rõ ai đang dẫn đầu. Mô hình dự đoán của The Economist cho thấy Donald Trump có một phần hai cơ hội đánh bại Kamala Harris, đồng nghĩa một cuộc đua 50-50. Trong giai đoạn tranh cử, cả hai ứng viên đều đã dừng chân tại các bang không cạnh tranh như Texas và New York để hỗ trợ các ứng viên cùng đảng khác. Nhưng trong những ngày cuối cùng, họ sẽ dồn sức vào bảy bang chiến trường sẽ quyết định cuộc bầu cử.
Khoảng 33 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, dấu hiệu cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và sự nhiệt tình vẫn ở mức cao. Hai ứng viên đều sử dụng ngôn từ ngày càng mạnh mẽ: bà Harris gọi đối thủ của mình là “phát xít”, trong khi ông Trump tuyên bố chiến thắng của bà Harris sẽ báo hiệu “sự kết thúc của đất nước chúng ta.” Cho tới nay các chiến dịch đã chi hơn 2 tỷ USD cho quảng cáo. Chặng cuối sẽ diễn ra căng thẳng, nhưng kết quả thăm dò có lẽ sẽ không thay đổi đáng kể.
Chưa có lối ra nào cho khủng hoảng nhân đạo ở Sudan
Vào thứ Hai, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về cuộc nội chiến thảm khốc của Sudan, trong bối cảnh có áp lực yêu cầu LHQ phải làm nhiều hơn để ngăn chặn giao tranh và giải quyết phần nào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Tháng trước, phái đoàn điều tra của LHQ cho biết cả hai phe trong xung đột, quân đội quốc gia và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh, có thể đã phạm tội ác chiến tranh. Riêng Lực lượng Hỗ trợ Nhanh có thể đã phạm tội ác chống lại loài người. Phái đoàn kêu gọi triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình độc lập để bảo vệ dân thường.
Nếu có, lực lượng này sẽ phải khẩn trương. Vì mùa mưa đã kết thúc, giao tranh đang leo thang mạnh mẽ. Quân đội gần đây đã mở các chiến dịch lớn để giành lại đất ở thủ đô Khartoum và các vùng đất nông nghiệp ở phía đông. Ở chiều ngược lại, Lực lượng Hỗ trợ Nhanh đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát Darfur, một khu vực rộng lớn ở phía tây. Trong khi đó dân thường đang chết đói. Khi không có một lệnh ngừng bắn tiềm năng nào, một số người dự đoán đói nghèo và các bệnh liên quan có thể khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng ở Sudan cho tới cuối năm nay.
Ford lỗ lớn với xe điện
Ford, một trong ba nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ, sẽ công bố kết quả quý ba vào thứ Hai. Tổng doanh số bán xe không tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh số xe điện tăng 12%. Song Ford vẫn có một vấn đề lớn với xe điện. Hãng lỗ 54.000 USD cho mỗi chiếc xe điện bán ra, nhưng lại lãi 2.000 USD mỗi chiếc xe xăng. Dự kiến mảng xe điện của Ford sẽ lỗ 5,5 tỷ USD trong năm nay do cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Mỹ và Trung Quốc. Công ty nghiên cứu thị trường Bloomberg Intelligence dự báo xe điện của Ford sẽ không có lãi cho đến năm 2027.
Do đó Ford đang thay đổi hướng đi. Năm ngoái hãng đã trì hoãn 12 tỷ USD đầu tư vào xe điện; đến tháng 8 năm nay, họ cũng hủy bỏ phát triển một mẫu SUV điện để thay thế bằng một phiên bản hybrid. Tuy nhiên, ngay cả việc quay lại các nguyên tắc cơ bản cũng có thể không giải quyết được vấn đề lợi nhuận của Ford. Nhu cầu dường như đang giảm khi người tiêu dùng thận trọng không muốn chi tiêu lớn.
Thượng viện Philippines điều tra ông Duterte
Vào thứ Hai, một ủy ban của Thượng viện Philippines sẽ bắt đầu các phiên điều trần về cuộc chiến chống ma túy do Rodrigo Duterte, tổng thống của nước này từ năm 2016 đến 2022, phát động. Trong thời gian ông tại nhiệm, lực lượng thực thi pháp luật đã giết hơn 6.000 nghi phạm. Ông Duterte có thể tham dự phiên điều trần để lập luận rằng các vụ giết người là hợp pháp. Tòa án Hình sự Quốc tế tại The Hague cũng đang điều tra liệu ông Duterte có chịu trách nhiệm hay không. Song người kế nhiệm ông, Ferdinand Marcos, cho đến nay vẫn bảo vệ ông Duterte khỏi các công tố viên quốc tế.
Con gái của ông Duterte, Sara Duterte, là đối tác liên danh tranh cử của ông Marcos trong cuộc bầu cử năm 2022 và hiện là phó tổng thống. Nhưng họ đang công khai mâu thuẫn. Điều này có thể khiến ông Marcos ít sẵn sàng bảo vệ ông Duterte hơn. Tổng thống dường như đang đưa ra một lời đe dọa ngầm: nếu gia đình Duterte không kiềm chế sự thù địch đối với ông, ông Duterte có thể sẽ phải ra điều trần tại The Hague.