Thành công kỳ lạ của Triều Tiên

Nguồn: Andrei Lankov, “The Strange Success of North Korea,” Foreign Affairs, 18/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trung Quốc và Nga đang cải thiện quan hệ với một Kim Jong Un nguy hiểm hơn – và Mỹ cũng có thể làm như vậy.

Vào năm 2017, chế độ quân sự hóa cao độ của Kim Jong Un ở Triều Tiên đã phải đối đầu với một liên minh hiếm hoi gồm Trung Quốc, Nga, và Mỹ. Để đáp trả vụ thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và thiết bị nhiệt hạch đầu tiên của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thường bế tắc đã nhất trí ban hành một loạt các lệnh trừng phạt cứng rắn. Được khởi xướng bởi Washington, và được cả Bắc Kinh và Moscow ủng hộ, các biện pháp trừng phạt này có khả năng hủy diệt nền kinh tế Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump, người vừa mới tiếp quản Nhà Trắng, đã công khai thảo luận về khả năng tấn công phủ đầu, hứa sẽ trút “lửa và thịnh nộ” xuống Triều Tiên.

Ngày nay, tình hình đã khác biệt đáng kể. Đầu tiên, khi cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, Bắc Kinh không còn có thể gây áp lực lên Triều Tiên theo những cách có thể dẫn đến bất ổn ngay trước cửa nhà của Trung Quốc, và đã chuyển sang những bước đi để củng cố chế độ Kim. Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022, tổ hợp quân sự lớn của Triều Tiên cũng trở nên không thể thiếu đối với Moscow, khi Bình Nhưỡng cung cấp số lượng lớn đạn dược, và hiện là hàng nghìn binh sĩ, cho cỗ máy chiến tranh của Nga.

Cuối cùng, với chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11, Kim đang có cơ hội củng cố thêm những thành quả của mình trên trường quốc tế. Bất chấp lời lẽ đe dọa vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ đắc cử, trái ngược với các đối thủ Dân chủ của mình, dường như vẫn nuôi dưỡng một số cảm xúc tích cực đối với Kim, và ông đã nói rằng ông hy vọng sẽ đạt được một vài thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ngay cả cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới – loại tên lửa có thể bắn tới bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ – diễn ra ngay vào đêm trước cuộc bầu cử Mỹ, hay việc Bình Nhưỡng ủng hộ một học thuyết thù địch hơn đối với Hàn Quốc, cũng không gây ra nhiều khó khăn cho Kim: khác với hồi năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không phản ứng với những thách thức này.

Dù khó có thể dự đoán các sự kiện trong tương lai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự cai trị của ông, Kim Jong Un rõ ràng là người được hưởng lợi từ sự đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ với cả Trung Quốc và Nga. Thật kỳ lạ, ngay cả khi Triều Tiên trở nên hung hăng hơn đối với người hàng xóm phía nam và đặt ra thách thức quân sự lớn hơn cho phương Tây, thì nước này vẫn đạt được sự ổn định kinh tế và ít bị tổn thương hơn trước áp lực bên ngoài. Tình hình mới này cho thấy rằng trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, chế độ Kim có thể trở nên quyết đoán hơn nữa, tiếp tục thúc đẩy các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình với ít lo ngại hơn về các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài.

PHẦN THƯỞNG CỦA BẮC KINH

Trọng tâm trong vận mệnh thay đổi của Triều Tiên là sự cải thiện đáng kể trong quan hệ với Trung Quốc. Suốt một thời gian dài, bất chấp những tuyên bố lớn tiếng về sự đồng cảm với nhau – hay còn gọi là tình hữu nghị – quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng không hề lý tưởng. Một mặt, các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem Triều Tiên như một vùng đệm chống lại phương Tây và thậm chí còn tìm cách duy trì tình đoàn kết hư cấu với những gì họ gọi là một trong số ít các quốc gia “xã hội chủ nghĩa” còn lại. Mặt khác, họ khó chịu vì chế độ Kim từ chối noi gương các cải cách kinh tế theo định hướng thị trường của Trung Quốc, và xem tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Bắc Kinh ưa thích và ủng hộ. Trung Quốc cũng lo ngại rằng hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng đã tạo thêm cho Mỹ một cái cớ để tiếp tục hiện diện quân sự trong khu vực. Đôi khi, các hành động của Triều Tiên – trên hết là các cuộc thử hạt nhân của nước này – đã dẫn đến sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, khi cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt, giá trị chiến lược của Triều Tiên đối với Bắc Kinh đã trở nên quan trọng hơn mọi cân nhắc khác trong tính toán của Trung Quốc. Một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạng nặng mang lại chiều sâu cho khả năng phòng thủ của Trung Quốc, đồng thời tạo ra vùng đệm giữa các căn cứ và trạm nghe lén của Trung Quốc và Mỹ tại Hàn Quốc. Trên hết, Trung Quốc không thể để xảy ra tình trạng bất ổn hoặc hỗn loạn ở một quốc gia láng giềng có vũ khí hạt nhân. Việc miền Nam giàu có, thân Mỹ sáp nhập miền Bắc nghèo đói, như trường hợp của Tây Đức, hiện là một viễn cảnh ác mộng đối với Bắc Kinh – và rõ ràng là sự sụp đổ của chế độ Kim có thể dẫn đến một kết cục như vậy, ngay cả khi Seoul không còn hứng thú với viễn cảnh đảm nhận trách nhiệm đối với miền Bắc nữa.

Phần còn lại của một tên lửa Triều Tiên được sử dụng trong cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv, Ukraine, 01/2024. © Vyacheslav Madiyevskyy / Reuters

Do đó, vào khoảng năm 2019, Trung Quốc đã bắt đầu tăng đáng kể viện trợ cho Bình Nhưỡng, triển khai một chính sách nhằm duy trì chế độ Triều Tiên. Trung Quốc hiện đang vận chuyển một lượng lớn nhiên liệu, thực phẩm, và phân bón miễn phí đến Triều Tiên và nhắm mắt làm ngơ mỗi khi Triều Tiên có hành vi vi phạm chế độ trừng phạt 2017-2019 của Liên Hiệp Quốc, miễn là những hành vi vi phạm này vẫn ở quy mô tương đối nhỏ và có thể phủ nhận. Khoản viện trợ này giúp Triều Tiên không rơi vào nạn đói và bất ổn, nhưng xét đến quy mô nền kinh tế của Trung Quốc, nó cũng không tốn kém nhiều. (Dân số Triều Tiên chưa bằng 2% dân số Trung Quốc và GDP của nước này chỉ bằng 0,2% GDP của Trung Quốc.) Chính viện trợ của Trung Quốc đã giúp Triều Tiên vượt qua giai đoạn COVID-19 khó khăn, khi biên giới của nước này hầu như đóng cửa và hoạt động thương mại với nước ngoài hoàn toàn đình trệ.

Bất chấp dòng viện trợ này, Trung Quốc vẫn chưa giành được nhiều quyền kiểm soát đối với các hành động của Triều Tiên. Trung Quốc có thể nhận được một số nhượng bộ nhỏ: chẳng hạn, dường như áp lực của Trung Quốc đã ngăn cản Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân cho đến nay. Dù vậy, sự ủng hộ của Trung Quốc cũng có giới hạn: Bắc Kinh không hào phóng trong việc hỗ trợ và không cam kết tài trợ cho một cuộc chuyển đổi kinh tế ở quy mô lớn hơn của nước láng giềng. Tuy nhiên, khoản viện trợ này đã đủ để bù đắp cho tình trạng kém hiệu quả kinh niên của nền kinh tế Triều Tiên và tác động của các lệnh trừng phạt. Và chế độ Kim cũng biết rằng Bắc Kinh cần một Triều Tiên ổn định và có thể quản lý được, và sẽ không mạo hiểm trừng phạt nước này vì những hành động mà Trung Quốc không hài lòng. Do đó, khó có khả năng Trung Quốc dùng đến loại áp lực có thể tạo ra sự thay đổi hữu hình ở nước láng giềng, và Triều Tiên có thể mong đợi nhận được các lô hàng viện trợ của Trung Quốc ít nhiều vô điều kiện, có lẽ là trong nhiều năm tới.

NHÂN LỰC CHO MOSCOW

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã mang lại lợi ích bất ngờ cho giới tinh hoa Triều Tiên. Ban đầu, cuộc xâm lược của Moscow vào nước láng giềng phía Tây có vẻ xa vời và chẳng liên quan gì đến Bình Nhưỡng, nhưng khi xung đột trở thành một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, với chiến tranh chiến hào gợi nhớ đến Thế chiến I, thì pháo binh và nhân lực lại trở nên quan trọng. Không lâu sau, Điện Kremlin phát hiện ra rằng Triều Tiên không chỉ là nhà sản xuất chính của loại vũ khí mà binh lính Nga cần nhất – đạn pháo hạng nặng – mà còn là quốc gia duy nhất sẵn sàng bán loại đạn này cho Nga với số lượng lớn. Kể từ đầu năm 2023, Triều Tiên đã vận chuyển hàng triệu quả đạn pháo, cùng với một số loại vũ khí và đạn dược khác, đến chiến trường Ukraine. Chỉ riêng trong năm 2023, doanh thu từ thỏa thuận này được ước tính thận trọng là 540 triệu đô la – góp phần tăng gần 25% vào tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên.

Sau đó, vào năm 2024, tình trạng thiếu hụt nhân lực ngày càng trầm trọng của Điện Kremlin đã mở đường cho sự tham gia lớn hơn của Triều Tiên vào cuộc chiến Ukraine. Thỏa thuận này có lẽ đã được hoàn tất trong cuộc gặp giữa Putin và Kim tại Triều Tiên vào tháng 6: Bình Nhưỡng đã đồng ý gửi binh sĩ – tính đến nay là 11.000 người – đến Nga để đổi lấy tiền, lương thực, và có thể là một số công nghệ quân sự tiên tiến. Ngoài việc lấp đầy khoảng trống nhân lực của Nga, thỏa thuận này còn cho phép Nga duy trì chiến tranh với chi phí thấp hơn đáng kể: Chi phí cho lính Triều Tiên rẻ hơn nhiều so với lính tình nguyện Nga, những người hiện nhận được tới 30.000 đô la tiền thưởng khi nhập ngũ, cộng với mức lương ít nhất là 2.000 đô la một tháng. Thỏa thuận này cũng làm giảm áp lực buộc Putin phải ban bố lệnh động viên thứ hai, vốn có thể gây ra nhiều bất bình hơn cho công chúng ở Nga. (Hiện tại, lực lượng Triều Tiên đã được triển khai ở khu vực Kursk của Nga, nơi Ukraine đã chiếm được một phần lãnh thổ nhỏ, chứ không phải ở chính Ukraine.)

Đối với Bình Nhưỡng, ngoài khoản doanh thu đáng kể, thỏa thuận này còn mang lại những lợi ích chiến lược quan trọng. Ví dụ, nó có thể giúp Triều Tiên tiếp cận nhiều công nghệ quân sự tiên tiến của Nga – bao gồm cả động cơ tên lửa và vệ tinh trinh sát – vốn khó hoặc không thể thu thập được. Moscow cũng có thể sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào các dự án hợp tác phi quân sự, thậm chí có khả năng trợ cấp cho các liên doanh như vậy. Trong khi đó, lực lượng mặt đất của Triều Tiên, vốn chưa từng tham chiến kể từ năm 1953, đang tích lũy được kinh nghiệm chiến trường quý giá. Và với sự hỗ trợ ngoại giao mới của Nga, Triều Tiên đã ít bị cô lập hơn trên trường quốc tế, và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khó có thể thông qua thêm hành động nào chống lại nước này.

Tuy nhiên, thỏa thuận này không phải là không có rủi ro. Nếu quân đội Triều Tiên thể hiện kém cỏi trên chiến trường, điều đó sẽ khiến Bình Nhưỡng trông dễ bị tổn thương hơn. Trong quá trình triển khai, quân đội Triều Tiên cũng có thể có một số quyền truy cập vào Internet và radio có thể điều chỉnh kênh (vốn là hai phương tiện truyền thông bị cấm ở Triều Tiên), vì vậy họ có thể tiếp xúc với thông tin chưa được kiểm duyệt về thế giới, đặc biệt là từ Hàn Quốc. Nhưng những rủi ro này có vẻ nhỏ so với những lợi ích có thể đạt được.

Điều đáng chú ý là dòng tiền đột ngột từ Nga đổ vào dường như đã khuyến khích Kim tránh xa Trung Quốc hơn. Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã nguội lạnh đáng kể kể từ khi các thỏa thuận với Nga được thực hiện. Nhưng bất chấp sự phụ thuộc kinh tế liên tục của Triều Tiên vào Trung Quốc, chế độ Kim không có nhiều lý do để lo ngại về tâm trạng ở Bắc Kinh. Bất chấp sự thất vọng hiện tại với nước láng giềng, Trung Quốc hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục ủng hộ Bình Nhưỡng, và Triều Tiên biết rằng quan hệ chặt chẽ hơn có thể được khôi phục gần như ngay lập tức nếu cần. Chẳng hạn, nếu chiến tranh lắng xuống ở Ukraine và Nga mất hứng thú trong việc hợp tác với Triều Tiên – một kết quả rất có thể xảy ra, bất chấp những lời bàn tán về một “liên minh độc tài” mới – thì Bình Nhưỡng vẫn còn Trung Quốc để dựa vào.

Trong nước, chính quyền Kim đã phản ứng với quan hệ mới với Trung Quốc và Nga theo cách có thể dự đoán được. Theo sau lệnh trừng phạt năm 2017, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2018, chính quyền Triều Tiên đã không thể thúc đẩy thành công các cải cách kinh tế theo định hướng thị trường – phần nào giống với các cải cách của Trung Quốc những năm 1980 – mà Kim và các cố vấn của ông đã khởi xướng và thực hiện. Giờ đây, sau khi đảm bảo được nguồn tiền của Trung Quốc và Nga, chính quyền Triều Tiên đã quay ngoắt 180 độ, khôi phục lại mô hình kinh tế chỉ huy và tiếp tục xây dựng nhà nước giám sát của mình. Dù cách tiếp cận theo chủ nghĩa Stalin mới này không hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng nó cho phép chính quyền duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn đối với người dân. Giám sát chặt chẽ hơn là điều mà Kim và giới tinh hoa luôn mong muốn, nhưng chính sự ủng hộ ngày càng tăng từ Moscow và Bắc Kinh đã giúp họ có thể tăng cường quyền kiểm soát nền kinh tế và xã hội. (Và việc áp dụng chế độ trừng phạt siêu nghiêm ngặt vào năm 2017-2019 cũng khiến bất kỳ chính sách nào hướng đến xuất khẩu – một thành phần quan trọng của chính sách cải cách trước đây – trở nên không thể duy trì được.)

TRỞ LẠI HÀ NỘI?

Một khía cạnh cuối cùng, dù ít chắc chắn hơn, về sự trỗi dậy của Triều Tiên là sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump. Đối với chế độ Kim, nhiệm kỳ đầu tiên của Trump vừa là mối đe dọa vừa là cơ hội. Trong một thời gian ngắn vào đầu nhiệm kỳ của mình vào năm 2017, Trump dường như đã chuẩn bị sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên, nhưng bất chấp lời đe dọa công khai của ông, những kế hoạch như vậy, nếu chúng từng tồn tại, đã sớm bị từ bỏ. Thay vào đó, Tổng thống gợi ý rằng ông sẵn sàng từ bỏ mục tiêu chính sách mà Mỹ đã ủng hộ từ lâu nhưng ngày càng trở nên không thực tế là “CVID” – phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể đảo ngược của Triều Tiên – và đàm phán một thỏa thuận dựa trên việc chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, nhưng với những hạn chế.

Bộ khung của một thỏa thuận như vậy đã xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim năm 2019 tại Hà Nội: nếu Triều Tiên đồng ý tháo dỡ một phần đáng kể các cơ sở hạt nhân của mình – lý tưởng nhất là tất cả các cơ sở đã biết – thì Mỹ sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt lớn theo ngành nhắm vào nền kinh tế của Triều Tiên. Một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép Triều Tiên – dù rõ ràng hay ngầm định – giữ lại các thiết bị hạt nhân mà họ đã sản xuất, cùng với các hệ thống phân phối của họ. Cũng có khả năng Bình Nhưỡng sẽ cố gắng che giấu ít nhất một số cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) và sản xuất hạt nhân, và bí mật duy trì hoạt động của chúng. Dù cuộc đàm phán tại Hà Nội năm 2019 đã đổ vỡ do cả hai bên không thể thống nhất về một số vấn đề kỹ thuật nhất định, nhưng chúng cung cấp một hình mẫu cho những gì Trump có thể thử trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Trump và Kim tại biên giới Triều Tiên, tháng 6/2019. © Kevin Lamarque / Reuters

Đối với Mỹ, lợi thế chính của việc theo đuổi một thỏa thuận theo kiểu Hà Nội là làm chậm sự tiến triển nhanh chóng của công nghệ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Dù Bình Nhưỡng cuối cùng có thể phá vỡ lời hứa và từ bỏ thỏa thuận, nhưng họ sẽ cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để xây dựng lại các cơ sở hạt nhân của mình sau khi chúng bị tháo dỡ. Thay vào đó, nếu Mỹ tiếp tục chính sách của chính quyền Biden – về cơ bản là không làm gì, trong khi lặp lại câu thần chú cũ về phi hạt nhân hóa hoàn toàn – thì kết quả khả thi duy nhất là Triều Tiên sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ngày càng tiên tiến hơn.

Nhiều người cho rằng, thay vào đó, chính quyền Trump có thể khôi phục lại cách tiếp cận “lửa và thịnh nộ.” Tuy nhiên, loại áp lực tối đa này khó có thể thành công trong thế giới năm 2025. Với sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc, Triều Tiên ít có khả năng bị đe dọa hơn, và trong mọi trường hợp, chính quyền Trump có khả năng bị phân tâm bởi một lượng lớn hơn nhiều các thách thức trên toàn thế giới.

Mặt khác, khả năng mới về một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ làm dấy lên quan ngại ở Hàn Quốc, vì nó có thể đe dọa đến an ninh của chính Hàn Quốc. Seoul lo ngại rằng chính quyền Trump có thể sử dụng một sự thỏa hiệp với Bình Nhưỡng làm cái cớ để biện minh cho việc rút quân đội Mỹ khỏi bán đảo, khiến Hàn Quốc phải tự mình đối mặt với một đối thủ có vũ khí hạt nhân. Thái độ tiêu cực của Trump đối với các cam kết ở nước ngoài là điều ai cũng biết, và ông đã nhiều lần chỉ trích cụ thể sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, đối với Kim, một thỏa thuận như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nó sẽ ngầm công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân trên thực tế, và thậm chí có thể dẫn đến một số hình thức bình thường hóa với Washington. Với việc dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên sẽ ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì được sự ủng hộ của Bắc Kinh nếu cần thiết. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng Kim và các cố vấn của ông đang tuyệt vọng muốn đàm phán với Trump. Từ năm 2017 đến năm 2019, trước thềm các hội nghị thượng đỉnh Singapore và Hà Nội, phía Triều Tiên đã bị dồn vào chân tường và có nhiều động lực hơn để tìm kiếm sự thỏa hiệp. Nhưng giờ đây, họ biết rằng mình có thể xoay xở mà không cần đến nó.

VƯƠNG QUỐC MỚI CỦA KIM JONG UN

Lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Bình Nhưỡng không còn là một quốc gia bị bài xích và có những người ủng hộ nước ngoài đáng tin cậy – các cường quốc không còn bị thúc đẩy bởi một ý thức hệ mơ hồ nào đó, mà bởi những tính toán lạnh lùng, thực dụng, và dài hạn. Quyết định vào tháng 12/2023 của chế độ Kim, về việc tái phân loại Hàn Quốc thành một “quốc gia khác biệt và thù địch,” theo đó phá vỡ chính sách kéo dài hàng thập kỷ xem nước này là đối tác trong các nỗ lực thống nhất, là một dấu hiệu khác cho thấy sự quyết đoán ngày càng gia tăng.

Trước đây, Triều Tiên xem miền Nam là nguồn viện trợ, nhưng bây giờ, họ đã có đủ viện trợ từ các nguồn khác để duy trì nền kinh tế của mình. Họ cũng sẵn sàng từ bỏ luận điệu thống nhất cũ kỹ, vốn đã không còn thực tế từ hàng chục năm trước. Theo cách nhìn nhận của Bình Nhưỡng, một cách tiếp cận thẳng thắn và đối đầu hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, vì nó biện minh cho việc giữ cho người dân Triều Tiên bị cô lập khỏi miền Nam giàu có nguy hiểm, và khiến họ thù địch với những ảnh hưởng văn hóa có khả năng phá hoại của Hàn Quốc.

Với sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga, gia tộc Kim đang tự tin về tương lai nắm quyền của mình hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong ba thập kỷ qua. Giới tinh hoa trong nước dường như cũng đang bị họ kiểm soát chặt chẽ. Việc lan truyền kiến thức nguy hiểm về thế giới bên ngoài trong giới trẻ Triều Tiên vẫn là một vấn đề, nhưng biên giới Triều Tiên đang được kiểm soát chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Trong hai năm qua, con gái của Kim – tên của cô bé, không bao giờ được nhắc đến trong các ấn phẩm chính thức, được cho là Kim Ju Ae, và cô bé hiện đang ở độ tuổi thiếu niên – thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên tại các sự kiện chính thức. Có lẽ cô sẽ kế thừa quyền lực của cha mình, người có lẽ sẽ tiếp tục nắm quyền trong nhiều năm tới. Chí ít vào lúc này, Triều Tiên và triều đại Kim Jong Un có thể nằm trong số những bên hưởng lợi rõ ràng nhất từ một thế giới ngày càng chia rẽ.

Andrei Lankov là một nhà sử học về Triều Tiên tại Đại học Quốc dân Hàn Quốc, Seoul. Ông là tác giả của cuốn sách “The Real North Korea: Life and Politics in the Failed Stalinist Utopia.”