Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh đến mức nào? (P2)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Michael Beckley và Hal Brands, “How Primed for War Is China?,” Foreign Policy, 04/02/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xem thêm: Phần 1

Trung Quốc ngày nay đã không còn ẩn mình chờ thời. Thay vào đó, nước này đang sản xuất tàu chiến và tên lửa nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể từ Thế chiến II. Máy bay và tàu chiến Trung Quốc liên tục mô phỏng các cuộc tấn công vào mục tiêu ở Đài Loan và Mỹ. Các tuyến đường biển châu Á có chi chít các tiền đồn quân sự của Trung Quốc và đầy ắp các tàu hải cảnh và tàu đánh cá Trung Quốc, ngang nhiên xua đuổi tàu của các nước láng giềng ra khỏi khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, Trung Quốc đang tiếp tay cho hành động tàn bạo của Nga đối với Ukraine và tập trung lực lượng ở biên giới Trung-Ấn.

Ngân sách quân sự của Trung Quốc từ năm 1990. Nguồn: Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm

Một lý do khiến Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn đơn giản là vì nước này có thể. Ngân sách quân sự được điều chỉnh theo lạm phát của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần từ năm 1990 đến năm 2020. Bắc Kinh hiện chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn mọi quốc gia khác ở châu Á cộng lại. Họ sở hữu lực lượng tên lửa đạn đạo và hải quân lớn nhất thế giới. Đến cuối thập niên này, kho vũ khí hạt nhân của họ nhiều khả năng sẽ sánh ngang với kho vũ khí hạt nhân của Washington. Với các tên lửa thông thường có khả năng huỷ diệt các căn cứ của Mỹ ở Okinawa – những căn cứ duy nhất cách Đài Loan trong phạm vi hơn 800 km – không thể biết được liệu Lầu Năm Góc có thể phản ứng ngay lập tức, chứ chưa nói đến việc đánh bại, một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan hay không. Trong lịch sử, Mỹ đã dựa vào năng lực sản xuất của mình để sản xuất nhiều vũ khí hơn đối thủ trong các cuộc chiến kéo dài. Nhưng giờ đây, Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Bắc Kinh có thể tin tưởng – dù đúng hay sai – rằng cán cân quân sự sẽ dịch chuyển theo hướng có lợi cho họ nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài.

Trung Quốc cũng có động cơ gây chiến lớn hơn khi tranh chấp lãnh thổ ngày càng gia tăng. Đầu tiên, các biện pháp để thống nhất với Đài Loan trong hoà bình đang biến mất nhanh chóng. Năm 1995, đa số người dân Đài Loan vẫn xem mình là người Trung Quốc, và số lượng người ủng hộ thống nhất với Trung Quốc nhiều hơn hẳn so với nhóm ủng hộ độc lập. Ngày nay, gần hai phần ba dân số tự nhận mình là người Đài Loan, trong khi chỉ có 4% tự nhận là người Trung Quốc. Thêm nữa, dù hầu hết người Đài Loan ủng hộ việc duy trì hiện trạng, 49% dân số muốn tuyên bố độc lập hơn là hiện trạng vô thời hạn (27%) hoặc thống nhất với đại lục (12%). Trong khi đó, Mỹ đã dần thắt chặt quan hệ với Đài Loan, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ít nhất bốn lần rằng Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo này khỏi một cuộc tấn công của Trung Quốc. Trong lúc Washington và Đài Bắc cải tổ quân đội của họ để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc, Bắc Kinh ngày càng trở nên cảnh giác hơn về số phận của vùng lãnh thổ mà họ thèm muốn nhất.

Sự thay đổi quan điểm của người Đài Loan về độc lập so với thống nhất. Nguồn: Quỹ Quan điểm Công chúng Đài Loan

Ở Biển Đông, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc đã mở rộng đáng kể, nhưng vị thế ngoại giao của nước này lại đang bị xói mòn. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết rằng các yêu sách mở rộng của Trung Quốc đối với Biển Đông là vô hiệu. Kể từ năm 2022, Philippines – quốc gia khởi kiện – đã tái khẳng định các quyền hàng hải của mình, đồng thời cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự bổ sung trên lãnh thổ của Philippines để hỗ trợ phòng vệ. Về phần mình, Nhật Bản đang hình thành một bán liên minh với Manila, và ngày càng có nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Pháp, và Đức, đang gửi tàu chiến đi qua Biển Đông bất chấp các yêu sách của Bắc Kinh. Đáp trả, Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn nhiều. Ví dụ, hồi năm ngoái, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã dùng vòi rồng bắn vào các tàu tiếp tế của Philippines, ngăn cản các tàu này giao thực phẩm cho quân nhân đồn trú trên Bãi Cỏ Mây.

Dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang trên đà gia tăng, triển vọng địa chính trị của nước này lại dần trở nên u ám. Nền kinh tế Trung Quốc gần đây đã trì trệ và suy giảm so với Mỹ. Năng suất giảm nhưng nợ lại cao ngất ngưởng. Hơn 20% thanh niên thất nghiệp tính đến giữa năm 2023 – khi Bắc Kinh tạm thời ngừng công bố số liệu thống kê về vấn đề này – và con số đó gần như chắc chắn đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Hàng loạt người Trung Quốc giàu có và có học vấn cao đang cố gắng mang của cải và con cái họ ra nước ngoài. Và vấn đề sẽ còn tồi tệ hơn khi Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng già hóa dân số tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới: Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ mất đi 70 triệu người trong độ tuổi lao động và có thêm 130 triệu người cao tuổi.

Cuối cùng, Trung Quốc còn phải đối mặt với một môi trường chiến lược ngày càng thù địch. Các quốc gia giàu có nhất thế giới đang hạn chế khả năng tiếp cận các chất bán dẫn cao cấp – huyết mạch của đổi mới kinh tế và quân sự – đồng thời áp đặt các hạn chế thương mại và đầu tư mới đối với Bắc Kinh. Các hiệp định chống Trung Quốc, như AUKUS, Đối thoại An ninh Bốn bên Quad, và hiệp định ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, xuất hiện ngày một nhiều. Cường quốc đồng minh duy nhất của Trung Quốc, Nga, đã đưa quân đội vào một cuộc xung đột khốc liệt tại Ukraine, khiến dư luận ở nhiều nước châu Âu không còn thiện cảm với Bắc Kinh.

Nếu Trung Quốc được cai trị bởi một ủy ban gồm các nhà kỹ trị, thì có lẽ nước này có thể đối phó với áp lực bằng thỏa hiệp ngoại giao và cải cách kinh tế. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc do một nhà độc tài lãnh đạo, người đã thể hiện sự sẵn sàng hy sinh lợi ích của người dân để đạt được những mục tiêu vĩ mô của mình.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập đã tìm cách để trở thành lãnh đạo trọn đời, đưa triết lý cai trị của mình vào hiến pháp, và thanh trừng hàng nghìn đối thủ tiềm năng. Ông nhất quyết không khoan nhượng đối với các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc. “Chúng tôi không thể để mất dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên mình để lại,” ông cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vào năm 2018. Tập đã gắn tính chính danh của mình với việc biến Trung Quốc thành một siêu cường. Ngày nay, truyền thông nhà nước tuyên bố rằng: dưới thời Mao, Trung Quốc đã đứng lên; dưới thời Đặng, Trung Quốc đã tích luỹ của cải; và dưới thời Tập, Trung Quốc sẽ trở nên hùng mạnh. Trong những năm gần đây, Tập đã có những bài phát biểu nội bộ yêu cầu quân đội Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh và yêu cầu người dân chuẩn bị cho “các tình huống cực đoan nhất.”

Có thể những tuyên bố mạnh mẽ này chỉ là hù dọa. Nhưng nhiều hành động của Tập – các lệnh phong tỏa zero COVID hà khắc, các trại tập trung ở Tân Cương, việc đàn áp các quyền tự do của Hong Kong – đã bộc lộ sự tàn nhẫn. Kết hợp với những thay đổi khác mà Trung Quốc đang trải qua, những hình thức đàn áp nội bộ này đang khiến chúng ta lo ngại về nguy cơ xâm lược nước ngoài trong tương lai.

Tất nhiên, các quốc gia không đưa ra lựa chọn chiến tranh hay hòa bình một cách đơn độc; họ cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thế giới. Vào thập niên 1930, tình trạng hỗn loạn quốc tế lan rộng đã làm suy giảm tinh thần của những người bảo vệ trật tự hiện tại và khuyến khích những kẻ có ý định tấn công nó. Vậy tình trạng rối loạn hiện nay – được đánh dấu bởi cuộc chiến lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II và cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông – sẽ định hình những lựa chọn của Trung Quốc như thế nào?

Một quan điểm cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến cho chiến tranh xâm lược ít có khả năng xảy ra hơn, bằng cách cho thấy chúng có thể phản tác dụng kinh khủng đến mức nào. Theo quan điểm này – vốn được các quan chức chính quyền Biden và một số chuyên gia học thuật ưa chuộng – Trung Quốc đang học được những bài học nghiêm túc từ việc thâu tóm lãnh thổ bất hợp pháp của Putin. Bắc Kinh đang học được rằng cuộc chinh phạt sẽ khó đến mức nào khi gặp phải một hàng phòng vệ kiên định, quân đội chuyên chế có thể hoạt động kém hiệu quả ra sao trên chiến trường, tình báo Mỹ lão luyện đến đâu trong việc phát hiện các kế hoạch săn mồi, và thế giới dân chủ có thể trừng phạt những quốc gia thách thức các quy tắc của trật tự tự do khắc nghiệt đến mức nào. Các quan chức Mỹ đã theo dõi sát sao quân đội Trung Quốc để tìm kiếm dạng tham nhũng tương tự như đã làm suy yếu quân đội Nga, và nhờ đó phát hiện mức độ tham nhũng còn sâu rộng hơn nhiều so với tưởng tượng. Chắc chắn, họ hy vọng Trung Quốc sẽ diễn giải các sự kiện gần đây theo cách tương tự.

Nhưng chúng ta phải cẩn trọng xem xét cách giải thích này. Cần nhớ một điều, rất khó để xác định quan điểm thực sự của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine. Suy cho cùng, những bài học quan trọng không phải là những bài học do các đại tá cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân hay các chuyên gia tư vấn ở Bắc Kinh công bố. Những bài học quan trọng là những bài học được rút ra bởi một nhà độc tài được bao quanh bởi những kẻ nịnh hót, khiến nhận thức của ông về thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi tất cả những bệnh lý thông thường của các chế độ độc tài cá nhân. Từ những phát biểu công khai của Tập, có rất ít bằng chứng cho thấy cuộc xung đột đã làm giảm tham vọng của ông hoặc khiến chiến lược của Trung Quốc thay đổi đáng kể. Khi Tập đến thăm Moscow vào tháng 3/2023, ông nói với Putin: “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”

Hơn nữa, Tập Cận Bình có thể không coi Ukraine và Đài Loan là hai thứ có thể so sánh với nhau. Lực lượng của Putin đã phải chật vật ở Ukraine một phần vì đây không phải là cuộc chiến mà họ đã được chuẩn bị về thể chất lẫn tinh thần. Đó sẽ không phải là vấn đề đối với Trung Quốc, vì nước này đã chuẩn bị cho cuộc chiến với Đài Loan suốt hàng chục năm– và không ngừng ra chỉ thị cho binh lính của mình rằng thống nhất là trọng tâm trong “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.” Hơn nữa, nếu Tập cho rằng khả năng kêu gọi phản kháng toàn xã hội của Đài Loan là kém hơn Ukraine, thì ông cũng không đơn độc. Nhiều quan chức Mỹ và các nhà phân tích độc lập cũng bày tỏ quan ngại tương tự.

Hoặc có lẽ Tập đã kết luận rằng Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ cuộc chiến nào chống lại một cường quốc có vũ khí hạt nhân – bởi Biden đã dùng lý do này khi giải thích tại sao Washington không đối đầu trực tiếp với Moscow. Hoặc có lẽ Tập cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây không thực sự mang tính trừng phạt đến vậy: Hai năm sau chiến tranh, Nga vẫn kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine, trong khi dầu mỏ và các mặt hàng xuất khẩu khác của nước này đã tìm được thị trường mới, các nhà máy của nước này tiếp tục sản xuất thêm vũ khí, và nền kinh tế của nước này không đứng trước nguy cơ sụp đổ. Và có lẽ Tập coi quỹ đạo gần đây của cuộc chiến Ukraine – trong đó Nga đã vượt qua các cuộc phản công của Ukraine giữa lúc các chính trị gia Mỹ tranh cãi về việc gửi thêm tiền và vũ khí cho Kyiv – là bằng chứng cho thấy các chế độ chuyên chế có thể huy động được nhiều sức mạnh và sự bền bỉ hơn kẻ thù dân chủ của họ.

Xin nói rõ, chúng ta không biết Tập thực sự nghĩ gì. Nhưng sẽ thật nguy hiểm nếu cho rằng ông đang học chính xác những bài học mà người Mỹ muốn ông học – chứ không phải là một loạt bài học khác, vốn có thể củng cố xu hướng hiếu chiến của Trung Quốc.

Sau cùng, Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan – hoặc Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, hoặc một quốc gia khác – vào năm 2025, 2027, 2029, hoặc không bao giờ. Chúng ta không thể dự đoán chắc chắn khi nào hoặc thậm chí liệu Bắc Kinh có sử dụng vũ lực hay không, vì quyết định đó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Nhưng chúng ta vẫn có thể đánh giá liệu một quốc gia có dễ bị tổn thương trước chiến tranh hay không, và liệu các đặc điểm bên trong cũng như điều kiện bên ngoài có làm tăng hay giảm mức độ hiếu chiến của họ. Dựa trên các hiểu biết hiện nay về nguyên nhân gây ra chiến tranh, nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang ở trong tình trạng dễ xảy ra bạo lực.

Thật không may, Washington không thể tác động đến một vài trong số các yếu tố đẩy Bắc Kinh đi vào con đường nguy hiểm này. Mỹ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Trung Quốc, giải quyết các vấn đề về cơ cấu kinh tế của nước này hoặc ngăn chặn việc Tập củng cố chế độ độc tài. Nhưng Mỹ có thể thay đổi những kỳ vọng tiêu cực của Trung Quốc về tương lai – chẳng hạn như bằng cách cho phép Bắc Kinh tiếp cận công nghệ cao hoặc từ bỏ nỗ lực xây dựng các liên minh lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dù rằng làm như vậy có thể làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Washington. Mỹ phải cố gắng giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh, và đồng thời tránh một cuộc xung đột khủng khiếp. Trong bối cảnh đó, mục đích của họ nên là giảm bớt sự lạc quan của Trung Quốc về kết cục khả dĩ của một cuộc chiến ở châu Á và ngăn Bắc Kinh đi đến kết luận rằng họ phải chiến đấu để tránh một thất bại nhục nhã.

Các nhiệm vụ để khiến Trung Quốc không lạc quan về kết quả của chiến tranh khá đơn giản – ngay cả khi chúng không dễ thực hiện. Chúng bao gồm một Đài Loan với đầy đủ tên lửa chống hạm, thủy lôi, hệ thống phòng không di động, và các vũ khí rẻ tiền nhưng gây chết người khác; quân đội Mỹ có thể sử dụng máy bay không người lái, tàu ngầm, máy bay tàng hình, và một lượng lớn tên lửa tấn công tầm xa để mang lại hỏa lực mang tính quyết định ở Tây Thái Bình Dương; thỏa thuận với các đồng minh và đối tác cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ hơn trong khu vực và đe dọa đưa thêm quốc gia tham chiến chống lại Bắc Kinh; một liên minh toàn cầu gồm các quốc gia có thể đánh bại nền kinh tế Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt và bóp nghẹt thương mại đường biển của nước này; và một cơ sở công nghiệp được tái thiết để giúp các nước dân chủ tiếp tục chiến đấu cho đến khi ưu thế về kinh tế và tài chính của họ mang đến chiến thắng quyết định cuối cùng. Washington và các đồng minh đã và đang theo đuổi tất cả các sáng kiến này. Nhưng tốc độ, nguồn lực và tính cấp bách vẫn chưa đủ để vượt qua mối đe dọa quân sự đang tăng nhanh từ Trung Quốc.

Nhiệm vụ thứ hai liên quan đến việc kết hợp giữa răn đe với trấn an – để hạn chế mức độ mà việc không hành động, theo quan điểm của Tập, có thể khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng bị chia cắt và nhục nhã. Các quan chức Trung Quốc thực sự lo ngại rằng chính sách của Mỹ và nền chính trị Đài Loan đang đưa hòn đảo này vào con đường hướng tới độc lập, hoặc một số hình thức chia cắt vĩnh viễn khác, nhưng lại không nhận ra rằng hành động của chính họ mới là nguyên nhân chính của xu hướng đó. Vì vậy, Mỹ phải hành động thận trọng đối với Đài Loan.

Washington nên tránh những hành động phô trương – chẳng hạn như chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Nancy Pelosi – vốn không giúp tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo, mà còn khiến Trung Quốc lo lắng và tức giận. Mỹ cũng nên từ chối ý tưởng bỏ chính sách “Một Trung Quốc” và chính thức công nhận Đài Loan, như một số cựu quan chức, bao gồm cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đề xuất. Cũng cần đẩy lùi các tuyên bố hoặc hành động ủng hộ độc lập của các nhà lãnh đạo Đài Loan. Nói tóm lại, Mỹ phải có khả năng phòng thủ đáng tin cậy để bảo vệ Đài Loan, đồng thời đưa ra một cam kết đáng tin cậy nhằm mục đích ngăn chặn một trong hai bên đơn phương thay đổi hiện trạng.

Cách tiếp cận này chứa đầy thách thức do bản chất mâu thuẫn của nó. Việc tăng cường liên minh của Mỹ có thể làm giảm sự lạc quan về quân sự của Trung Quốc, nhưng cũng làm tăng cảm giác lo sợ về những điều có thể xảy ra. Tính cấp bách cần thiết để củng cố khả năng răn đe sẽ khó tương thích với sự thận trọng cần thiết trong ngoại giao giữa hai bờ eo biển – đặc biệt khi chính sách của Trung Quốc còn bị chi phối bởi chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ. Một Trung Quốc hùng mạnh nhưng đầy rắc rối đang đi theo hướng xấu. Mỹ và các đồng minh sẽ cần đến tất cả sức mạnh và sự tỉnh táo mà họ có thể tập hợp được để ngăn chặn nguy cơ trượt dài vào chiến tranh.

Michael Beckley là phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tufts và là nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Hal Brands là giáo sư về các vấn đề toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins và nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.