Nguồn: Tôn Phái Đông, “The Roots of “Revenge Against Society” Attacks in China,” Foreign Affairs, 25/12/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Sự cai trị mang tính đàn áp đang tạo ra một bầu không khí cô lập và bất bình.
Trong những tháng gần đây, một loạt các cuộc tấn công bạo lực trên khắp Trung Quốc đã xuyên thủng lớp vỏ bọc ổn định của một xã hội được kiểm soát chặt chẽ. Cuối tháng 9, một người đàn ông 37 tuổi đã giết chết ba người và làm bị thương 15 người khác trong một vụ đâm dao tại một siêu thị ở Thượng Hải. Sang tháng 10, một người đàn ông 50 tuổi đã làm bị thương năm người trong một vụ tấn công bằng dao khác ở Bắc Kinh. Kế đó, vào ngày 11/11, một người đàn ông 62 tuổi đã lái xe đâm vào đám đông ở thành phố Chu Hải ở phía nam – giết chết 35 người và làm bị thương 43 người trong vụ việc được cho là một trong những hành vi bạo lực chết chóc nhất của Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ. Chỉ vài ngày sau, một vụ đâm dao hàng loạt do một học viên 21 tuổi thực hiện đã giết chết tám người và làm bị thương 17 người tại một trường dạy nghề ở Vô Tích, gần Thượng Hải, và một vụ tấn công bằng xe hơi đã khiến một số học sinh và phụ huynh bị thương bên ngoài một trường tiểu học ở phía bắc tỉnh Hồ Nam.
Trong năm nay, đã có ít nhất 20 vụ tấn công như vậy xảy ra ở Trung Quốc, với số người chết lên tới hơn 90 người. Các viên chức chính phủ nói rằng những vụ việc này là “riêng lẻ” và đưa ra lời giải thích nhấn mạnh đến động cơ cá nhân: ví dụ, tài xế trong vụ tấn công xe hơi ở Chu Hải không hài lòng với thỏa thuận ly hôn của mình, còn kẻ tấn công ở Vô Tích thì mới trượt kỳ thi. Nhưng xét về tổng thể, các vụ tấn công này cho thấy những rạn nứt sâu sắc và lan rộng trong xã hội Trung Quốc do tình trạng trì trệ kinh tế, bất bình đẳng có hệ thống, cũng như tính bất động và loại trừ xã hội. Do đó, những vụ việc như vậy thường được gọi là các vụ tấn công “trả thù xã hội.”
Một nghiên cứu so sánh được công bố vào năm 2022 trên Tạp chí Đánh giá và Quản lý Mối đe dọa cho thấy Trung Quốc chiếm đến 45% các vụ đâm dao hàng loạt được báo cáo trên toàn cầu trong giai đoạn 2004-2017. Tỷ lệ này không chỉ được quy cho việc dao được sử dụng rộng rãi trong khi súng bị kiểm soát nghiêm ngặt, mà còn do căng thẳng chính trị xã hội, bao gồm cả căng thẳng tài chính nghiêm trọng. Các hành vi bạo lực ở Trung Quốc thường nhắm vào các nạn nhân ngẫu nhiên ở nơi công cộng và đôi khi mang tính “trình diễn”; nói cách khác, mục đích của kẻ tấn công không phải là để đạt được mục tiêu cụ thể nào, mà là để thu hút sự chú ý của xã hội. Dù bộ máy kiểm duyệt sâu rộng của nhà nước đã ngăn chặn thành công các cuộc thảo luận công khai kéo dài về các cuộc tấn công hàng loạt này, nhưng tổ chức phi lợi nhuận China Digital Times có trụ sở tại California vẫn kịp ghi nhận sự gia tăng hoạt động trực tuyến sau các sự cố như vậy – qua đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc của công chúng – trước khi các bài đăng bị xóa bởi đội ngũ nhân viên kiểm duyệt.
Sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Bạo lực là nền tảng của trật tự xã hội Trung Quốc, và các cuộc tấn công “trả thù xã hội” nên được hiểu phần nào là phản ứng với bạo lực có cấu trúc do chính nhà nước gây ra, bao gồm cả việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến và các chiến lược kiểm soát khác như chính sách một con. Các cuộc tấn công công khai thường là phản ứng trước sự đàn áp, và điều trớ trêu là chính phủ thường phản ứng lại bằng cách đàn áp dữ dội hơn. Chẳng hạn, sau vụ tấn công ở Chu Hải, chính quyền địa phương đã nhanh chóng áp đặt lệnh cấm đưa tin, cấm tưởng niệm ở nơi công cộng, và cấm đến địa điểm này. Trong khi đó, nhà nước đã huy động năng lực pháp lý và giám sát của mình để đảm bảo ổn định ngắn hạn theo kiểu từ trên xuống dưới – vốn là đặc trưng nổi bật trong cách quản lý khủng hoảng của ĐCSTQ.
Những phản ứng như vậy đều phải trả giá bằng việc bỏ qua các biện pháp giúp giải quyết những vấn đề sâu xa gây ra sự trả thù xã hội. Nếu đảng vẫn duy trì lối cai trị tập trung, độc đoán, thì xã hội sẽ ngày càng chia rẽ sâu sắc. Nếu không có các cải cách hệ thống để giải quyết các vấn đề này, Trung Quốc sẽ đứng trước nguy cơ nuôi dưỡng một chu kỳ thất vọng và bất ổn, có thể bùng phát thành bạo lực và thậm chí đe dọa sự ổn định lâu dài của đất nước.
CẮM RỄ SÂU
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đã rất chật vật để đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận dân số ngày càng có trình độ học vấn cao. Dự kiến sẽ có hơn 12 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào năm 2025, một sự dư thừa lớn nếu xét đến tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 18,8%. (Trên thực tế, tỷ lệ này có thể cao hơn vì dữ liệu không bao gồm những sinh viên đang đi học.) Sự thiếu hụt các cơ hội việc làm có ý nghĩa đã ngăn cản khả năng di chuyển lên các tầng lớp cao hơn. Khối lượng công việc nặng nề và cơ hội thăng tiến ngày càng sụt giảm đã gây tổn hại về mặt tâm lý cho người lao động, đặc biệt là người trẻ. Để đáp trả, nhiều người trẻ đã phản kháng trong thầm lặng, bao gồm thông qua phong trào “nằm thẳng” xuất hiện vào đầu năm 2020, cũng như việc từ bỏ các nghề nghiệp chuyên môn cao (thậm chí ủng hộ công việc lao động chân tay hoặc công việc tạm thời), áp dụng lối sống tối giản, và từ bỏ những khát vọng truyền thống như kết hôn hoặc sở hữu nhà hoặc xe hơi để phản đối áp lực xã hội vốn thúc đẩy sự cạnh tranh và tuân thủ không ngừng. Đối với những người khác, hành động kháng cự đang dần mạnh mẽ hơn. Hai nhà nghiên cứu Mã Tử Kỳ và Triệu Vân Đình đã đưa ra giả thuyết rằng “sự loại trừ xã hội” – có thể bao gồm cảm giác bị ngăn cản một cách có hệ thống khỏi sự thăng tiến về tài chính, hoặc bị tẩy chay vì địa vị kinh tế xã hội – là động lực của các cuộc tấn công trả thù xã hội vì sự loại trừ này đã thúc đẩy sự cô lập, oán giận, và tuyệt vọng.
Trì trệ kinh tế chỉ làm tình hình thêm tồi tệ. Ở Trung Quốc, cả tăng trưởng GDP và tiền lương đều đang chậm lại trong lúc chi phí nhà ở và giáo dục tăng cao. Những diễn biến này đã thúc đẩy sự bất an về tài chính trong người dân Trung Quốc, làm giảm hy vọng của họ về một tương lai ổn định và thịnh vượng trong hệ thống hiện tại. Khó khăn kinh tế càng làm gia tăng bất bình đẳng. 1% người giàu nhất Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 30% của cải của đất nước, trong khi một nửa dân số ở các tầng lớp thấp hơn chỉ kiểm soát 6% của cải – một bức tranh khắc nghiệt về sự phân cực tài nguyên ở một quốc gia cộng sản được cho là xem trọng sự bình đẳng và những gì ĐCSTQ gọi là “thịnh vượng chung.”
Di sản của bạo lực nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng. Chính sách một con của Trung Quốc, được thực thi từ năm 1980 đến năm 2016, đã phá vỡ động lực gia đình và dựa vào các phương pháp cưỡng bức, xâm phạm, bao gồm ép buộc triệt sản và phá thai. Dù chính sách này đã đạt được mục tiêu làm chậm tốc độ tăng trưởng dân số, nhưng một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là sự mất cân bằng nhân khẩu học sâu sắc: một lượng lớn người già về hưu đang phải sống phụ thuộc vào nhà nước hoặc con cái của họ, trong khi có quá ít người trong nhóm tuổi lao động chính. Nhà nước đã ngó lơ những cái giá dài hạn về nhân lực do chính sách này gây ra, bao gồm bất bình đẳng kéo dài, sự ngờ vực sâu sắc hơn đối với chính phủ, và nguy cơ phá hủy sự gắn kết xã hội và trật tự chính trị. Thật vậy, ngay cả sau khi chính phủ quyết định hủy bỏ chính sách một con, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm nhanh, giảm một nửa từ mức 18,83 triệu ca sinh của năm 2016 xuống còn 9,02 triệu ca trong năm 2023. Nguyên nhân một phần là do những tác động kinh tế xã hội lâu dài của chính sách một con: nó vừa bình thường hóa các gia đình nhỏ, vừa gieo rắc niềm tin rằng việc có nhiều con, hay thậm chí chỉ có một con cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính và sự nghiệp của một cặp vợ chồng.
Một trong những hậu quả tàn khốc nhất của chính sách này là hoàn cảnh của những bậc cha mẹ thất độc, những người đã phải chứng kiến đứa con duy nhất mà họ được phép có theo hệ thống cũ qua đời, nhưng họ lại không thể sinh thêm một đứa con khác. Hàng năm, có hơn 76.000 bậc cha mẹ gia nhập nhóm này, và họ phải đối mặt với cảnh bị gạt sang bên lề theo những cách đặc biệt nghiêm trọng. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, con cái là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho cha mẹ lúc tuổi già. Hơn nữa, con cái còn đại diện cho địa vị xã hội, và việc không có con có thể khiến gia đình bị xã hội kỳ thị. Những vấn đề này trở nên trầm trọng hơn do sự hỗ trợ không đầy đủ của nhà nước; những bậc cha mẹ già đã mất đi đứa con duy nhất hiện chỉ được nhận khoản thanh toán một lần 4.600 đô la từ nhà nước Trung Quốc, bằng một phần rất nhỏ so với các khoản hỗ trợ tài chính mà hầu hết các bậc cha mẹ mong đợi nhận được từ con cái của mình. Nhóm cha mẹ thất độc này là hiện thân của những hậu quả rộng lớn hơn của chế độ cai trị độc đoán, trong đó việc ưu tiên quyền kiểm soát hơn phúc lợi đã nuôi dưỡng một sự thờ ơ có hệ thống, làm gia tăng bất bình xã hội, và cuối cùng đã góp phần vào hiện tượng trả thù xã hội. Gần đây, một bộ phim tài liệu Trung Quốc đã ghi lại cách mà sự tuyệt vọng của một cặp vợ chồng thất độc đã đẩy họ đến việc thực hiện một cuộc tấn công công khai.
Bất bình đẳng về mặt cấu trúc đã thúc đẩy một loạt các cuộc biểu tình trong những năm gần đây: ví dụ, các bậc cha mẹ thất độc vẫn biểu tình hàng năm trước trụ sở Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia ở Bắc Kinh để yêu cầu nhà nước giữ lời hứa chăm sóc và hỗ trợ; vào năm 2022, người dân đã tổ chức tẩy chay các khoản thanh toán thế chấp để phản đối cuộc khủng hoảng nhà ở, và các cuộc biểu tình “giấy trắng” phản đối các biện pháp hà khắc được áp dụng theo chính sách “zero COVID” của Trung Quốc. Những tiếng kêu cứu này càng làm nổi bật sự bất bình đang gia tăng ở các nhóm dân khác nhau, và đối với nhiều người, chúng cũng đại diện cho cuộc biểu tình phản đối nhiều thập kỷ đàn áp. Đối với phần lớn công chúng Trung Quốc, sự bạo lực của nhà nước hiện nay là tiếp nối của sự đàn áp toàn trị hơn dưới thời Mao Trạch Đông từ đầu những năm 1950 cho đến Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập kỷ, vốn chỉ kết thúc khi Mao qua đời vào năm 1976. Người dân đã không có nơi nương tựa trong suốt thời kỳ bạo lực đó, vì nhà nước kiểm soát hoàn toàn các nguồn tài nguyên và quan điểm của đất nước. Dù những ngày đó đã qua lâu rồi, nhưng di sản bạo lực của nó vẫn còn tồn tại.
LỪA TÔI MỘT LẦN
Cùng nhau, những lực lượng này đã khiến căng thẳng về kinh tế, xã hội, và tâm lý dần tích tụ, với rất ít cơ hội giải tỏa. Và những bất bình không được giải quyết đã góp phần tạo ra một môi trường nơi con người tìm đến bạo lực vì quá tuyệt vọng. Sự cai trị đầy áp bức của ĐCSTQ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Để đối phó với các cuộc tấn công bạo lực hoặc biểu hiện bất mãn của quần chúng, đảng này, trong cơn khát quyền kiểm soát, đã dựa vào một số chiến lược đã trở nên đàn áp hơn theo thời gian. Hai trong số những chiến lược cốt lõi nhất là tăng cường giám sát và cảnh sát. Cơ sở hạ tầng giám sát vốn đã rộng khắp của Trung Quốc – nhận dạng khuôn mặt tiên tiến, chấm điểm tín dụng xã hội, giám sát do AI điều khiển – đang ngày càng mở rộng hơn nữa. Các công nghệ mới như hệ thống Thiết bị Cảnh báo Sớm và Phát hiện Cảm xúc Đám đông, mà các quan chức tuyên bố là có thể phân tích hành vi và cảm xúc của những nhóm người lớn, có thể được sử dụng để giúp phát hiện tình trạng bất ổn, cho thấy nhà nước đang nỗ lực không chỉ để ứng phó với các cuộc tấn công mà còn để ngăn chặn chúng hoàn toàn. Các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như tăng cường sự hiện diện của cảnh sát gần trường học và tại các không gian công cộng, đồng thời tăng cường giám sát trong các giai đoạn nhạy cảm về mặt chính trị, đã gợi nhớ đến các mô hình an ninh ở các khu vực như Tân Cương, nơi mà trong nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã đàn áp có hệ thống người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong những gì đã trở thành một nhà nước cảnh sát trên thực tế.
Như nhà xã hội học Chu Tuyết Quang đã lưu ý, cách tiếp cận của ĐCSTQ không chỉ dựa vào huy động sức mạnh, mà còn dựa vào các chương trình tuyên truyền vốn phù hợp với việc kiểm duyệt và quản lý các quan điểm của đảng. Việc nhanh chóng xóa các bình luận chỉ trích trên mạng xã hội và đàn áp các cuộc thảo luận công khai đảm bảo rằng các cuộc tấn công hàng loạt chỉ được xem là các sự cố riêng lẻ, thay vì là triệu chứng của những thất bại sâu sắc hơn trong hệ thống. Bằng cách kiểm soát dòng quan điểm, ĐCSTQ đang ngăn chặn sự phẫn nộ của công chúng và ngăn ngừa các sự cố bắt chước trong khi vẫn duy trì hình ảnh về thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, chính các biện pháp cứng rắn này lại làm tăng cảm giác xa lánh và kích động trong người dân Trung Quốc, theo đó làm tăng nguy cơ xảy ra nhiều cuộc tấn công hơn.
Ngô Vĩ, cựu tổng biên tập tạp chí lịch sử Viêm Hoàng Xuân Thu, từng nói rằng có “những quy tắc ẩn” chi phối xã hội Trung Quốc – những hệ thống phi chính thức “không đạo đức, cũng không hoàn toàn hợp pháp” nhưng giúp duy trì cấu trúc xã hội. Tuy nhiên, tần suất ngày càng tăng của các cuộc tấn công trả thù xã hội cho thấy rằng sự thờ ơ của đảng đối với một số quyền nhất định và các hành động dập tắt bất đồng chính kiến có thể đang gây ra một tác động không mong muốn: sự gia tăng nạn bạo lực tưởng chừng phi chính trị nhưng thực chất lại bắt nguồn từ sự từ chối tuyệt vọng đối với hiện trạng chính trị. Và nếu ĐCSTQ không mở rộng các cơ hội kinh tế, đồng thời làm giảm bất bình đẳng và bất công về mặt cấu trúc, thì có lẽ họ sẽ thấy mình phải đối mặt với những thách thức lớn hơn là các cuộc tấn công trả thù xã hội.
Tôn Phái Đông là Giáo sư về Nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Cornell.