Giang Trạch Dân: Nhà lãnh đạo tầm vóc dù từng bị xem thường

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: David Shambaugh, “China’s Underestimated Leader,” Foreign Affairs, 30/11/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cùng điểm lại di sản của Giang Trạch Dân.

Khi ông trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc ngay sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Giang Trạch Dân đã bị nhiều nhà phân tích xem là lãnh đạo của thời kỳ quá độ, người sẽ chỉ cầm quyền trong thời gian ngắn. Vào thời điểm được thăng chức đột ngột, dù đã từng là Bí thư Thành ủy và Thị trưởng Thượng Hải và là Ủy viên Bộ Chính trị được hai năm, nhưng Giang vẫn là một nhân vật tương đối ít người biết đến, ngay cả ở Trung Quốc. Ông không có người bảo trợ chính trị ở cấp cao, không có liên hệ thực sự với các phe phái chính trong đảng, không có quan hệ với quân đội, và cũng chưa từng làm việc ở nơi nào khác ngoài Thượng Hải. Giang được Đặng Tiểu Bình đích thân lựa chọn theo đề nghị của các nguyên lão khác trong đảng, vì ông là một ứng viên mà tất cả các phe đều có thể ủng hộ sau cuộc thanh trừng Triệu Tử Dương và cuộc đàn áp tàn bạo ở Thiên An Môn.

Tuy nhiên, Giang, người vừa qua đời vào ngày 30/11/2022 ở tuổi 96, đã chứng tỏ sức mạnh bền bỉ đáng nể. Ông đã nắm quyền lãnh đạo trong suốt 15 năm cho đến khi từ bỏ chức vụ cuối cùng của mình, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, vào năm 2004, sau khi từ bỏ các chức vụ quan trọng khác là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước, lần lượt vào năm 2002 và 2003. Ngay cả sau khi bị buộc phải nghỉ hưu, Giang vẫn có tầm ảnh hưởng đáng kể ở hậu trường thêm một thập niên nữa, tác động đến các chính sách và chính trị của giới tinh hoa trong hầu hết thời gian cầm quyền của người kế nhiệm ông, Hồ Cẩm Đào.

Định mệnh thay, Giang cũng chính là người đã phê chuẩn việc đề bạt Tập Cận Bình vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị năm 2007, dọn đường cho sự trỗi dậy của Tập. Dù không thể nói rằng Tập là một trong những người được Giang bảo trợ, nhưng ông đã ở trong tầm ngắm của Giang, chí ít cũng từ đầu những năm 2000. Giang và vợ thường đi nghỉ ở thành phố Hàng Châu xinh đẹp, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nơi mà Bí thư lúc bấy giờ là Tập. Giang cũng từng tuyên dương “mô hình Chiết Giang,” cách tiếp cận của Tập đối với sự phát triển kinh tế định hướng bởi khu vực tư nhân. Trong những năm cuối đời, Giang không công khai nói gì về vai trò của Tập trong nền chính trị Trung Quốc đương đại. Tuy nhiên, người ta hiểu rằng Tập đã làm ông chướng mắt. Về cả chính sách lẫn phong cách lãnh đạo, Tập, nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, hóa ra lại đối lập hoàn toàn với Giang.

CON ĐƯỜNG THÀNH CÔNG

Trong những năm đầu nhiệm kỳ, do là người ít được biết đến, nên Giang đã bị gán cho biệt danh mang tính khinh thường là “lãnh đạo bình bông” – rằng ông chỉ là vật trang trí chứ không có quyền lực thực tế. Ấn tượng ban đầu của người nước ngoài về Giang là ông là một đảng viên điển hình, một quan chức buồn tẻ, thiếu thông minh và thiếu cá tính. Nhưng dần dần, khi Giang củng cố quyền lực trong nước và giành được sự kính trọng ở nước ngoài, có thể thấy rõ ông hoàn toàn trái ngược với những mô tả trên đây. Ông đã thể hiện một tính cách sôi nổi và hoạt bát; ông thích giao du, thậm chí còn có chút tự cao. Ông cũng được giáo dục rất tốt, là một trí thức quốc tế với kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực và về văn hóa nước ngoài. Giang không phải là một con robot của bộ máy hành chính, mà ông có những ý tưởng chính sách sáng suốt của riêng mình. Ông hiểu được sự phức tạp của quá trình hiện đại hóa khoa học và công nghiệp, đồng thời thành thạo nghệ thuật tạo dựng các liên minh trong dàn lãnh đạo và cân bằng các phe nhóm đối lập. Ông đặc biệt quan tâm đến sự cân bằng giữa kiểm soát và bao dung trong chính trị, kinh tế, và xã hội.

Giang sinh ra trong một gia đình khá giả ở Dương Châu, một thành phố xinh đẹp ở miền trung Trung Quốc, nằm gần sông Dương Tử, nơi có di sản văn hóa và thương mại phong phú từ thời phong kiến. Ngay từ thời trung học, ông đã được tiếp xúc với văn học, triết học, lịch sử, văn hóa nước ngoài, và ngoại ngữ, khoa học, và âm nhạc. Ông biết chơi đàn nhị (một nhạc cụ bộ dây cổ của Trung Quốc) và còn thành thạo dương cầm. Ông cũng say mê vĩ cầm và yêu thích việc ca hát. Danh sách những bài hát ông từng biểu diễn trải dài từ tình ca của Elvis Presley đến Opera Ý. (Khi Luciano Pavarotti đến thăm Bắc Kinh vào năm 2001, Giang đã lên sân khấu để song ca bài “O Sole Mio.”)

Giai đoạn trung học ở Dương Châu của Giang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chương trình giảng dạy theo kiểu phương Tây (chủ yếu là Mỹ). Chính trong giai đoạn đó, ông đã bắt đầu học tiếng Anh, chủ yếu bằng cách lặp đi lặp lại các bài phát biểu như Diễn văn Gettysburg, mà sau này ông sẽ vui vẻ trích nguyên văn mỗi khi người Mỹ đến thăm. Giang xem đây là giai đoạn “tư sản” trong quá trình giáo dục của mình. Giống như nhiều trí thức trong thời kỳ Quốc Dân Đảng, Giang tin rằng chỉ có khoa học phương Tây mới có thể hiện đại hóa Trung Quốc. Thế hệ của ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quan điểm tự do của Phong trào Ngũ Tứ vào những năm 1920, phong trào dân tộc chủ nghĩa đại chúng đầu tiên của Trung Quốc, trong đó xem khoa học và dân chủ là phương thuốc để hiện đại hóa Trung Quốc.

Giang theo học ngành kỹ thuật điện tại Đại học Trung ương Quốc gia danh tiếng ở Nam Kinh, khi ông còn đang học thì trường được sáp nhập với Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông tốt nghiệp năm 1947. Tất cả các môn học, sách giáo khoa, và bài tập của ông đều được dạy bằng tiếng Anh, nên ông rất khá về ngôn ngữ này, và thậm chí còn bổ sung cho chương trình học bằng cách đọc sách văn học Anh và xem phim Mỹ. “Tôi đã được giáo dục rất nhiều về chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây,” sau này ông nhớ lại. Tiếng Anh của Giang thực ra không trôi chảy, nhưng nó vẫn đủ tốt để ông tham gia những cuộc trò chuyện đơn giản trong suốt cuộc đời mình. Điều đáng ngạc nhiên là nền tảng giáo dục từ Mỹ lại không khiến Giang phải trả giá đắt về mặt chính trị, bất chấp các chiến dịch chống Mỹ và chống trí thức của Mao Trạch Đông. Một yếu tố quan trọng giúp ông được bảo vệ là người chú của ông, người đã nuôi dạy Giang, là một liệt sĩ của Đảng Cộng sản. Hơn nữa, bản thân Giang đã sớm theo đuổi chính nghĩa cộng sản, trở thành một nhà hoạt động ủng hộ cộng sản trong những ngày còn học đại học, và gia nhập đảng năm 1946.

Sau khi nhà nước cộng sản mới được thành lập, Giang bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực công nghiệp nặng của Trung Quốc – liên tiếp được bổ nhiệm trong cơ quan hoạch định công nghiệp hàng đầu ở Thượng Hải, sau đó là Bộ Công nghiệp Cơ giới số 1 ở Bắc Kinh, và tiếp đến là Xưởng Cơ khí Trường Xuân khổng lồ ở phía đông bắc tỉnh Cát Lâm. Năm 1955, Giang được cử đi Liên Xô với tư cách là một trong 700 người Trung Quốc được cử đi đào tạo về hệ thống công nghiệp nặng của nước này. Ông đã dành hai năm làm việc tại Nhà máy Xe hơi Stalin ở ngoại ô Moscow, tận mắt chứng kiến cách vận hành của các dây chuyền sản xuất hàng loạt và cách thức hoạt động của nền kinh tế kế hoạch hóa nhà nước. Ông cũng học và nói thành thạo tiếng Nga, thường đọc văn học Nga, và còn say sưa hát các bài hát Nga trong những buổi uống rượu vodka với các chuyên gia Liên Xô. Giang chính là hiện thân của thời kỳ đoàn kết Trung-Xô.

Sau khi trở về Trung Quốc, Giang được tái bổ nhiệm về khu phức hợp sản xuất xe hơi Trường Xuân. Kể từ đó, ông đã dành 30 năm để thăng tiến trong bộ máy công nghiệp của Trung Quốc. Giang có chuyên môn về điện tử và phục vụ trong các cơ quan chế tạo máy của đất nước, vốn là trung tâm của tổ hợp công nghiệp-quân sự. Giống như hầu hết các cán bộ khác, Giang đã được gửi đến Trường Cán bộ 7 tháng 5 để lao động chân tay suốt hai năm trong Cách mạng Văn hóa, nhưng vào năm 1971, ông may mắn được cử ra nước ngoài để phục vụ với tư cách là sĩ quan liên lạc công nghiệp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Romania.

Sự nghiệp của Giang vẫn luôn là về kinh tế công nghiệp, không phải chính trị. Phải đến giữa những năm 1980, ông mới giữ chức vụ hành chính trong đảng đầu tiên, trở thành Bí thư Đảng ủy tại Bộ Điện tử năm 1984. Kế đến, ông được bổ nhiệm làm Thị trưởng Thượng Hải năm 1985 và hai năm sau thì trở thành Bí thư Thành ủy của thành phố đó. Giang đã khéo léo xoay sở để giải tán các cuộc biểu tình quy mô lớn vào tháng 5/1989, vốn lan rộng từ Bắc Kinh đến Thượng Hải và hàng chục thành phố khác trên khắp Trung Quốc, đồng thời đóng cửa tờ Thế giới Kinh tế Đại báo theo chủ trương tự do. Những hành động đó đã khiến ông nhận được sự chú ý của Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác ở Bắc Kinh, những người lúc đó đang chật vật tìm cách chấm dứt các cuộc biểu tình rầm rộ ở Quảng trường Thiên An Môn. Theo khuyến nghị của các nguyên lão trong đảng, Đặng đã quyết định rằng Giang là người phù hợp để thay thế Triệu Tử Dương, nhà lãnh đạo cải cách bị thất sủng, người đã bị thanh trừng vào đêm trước Thảm sát Thiên An Môn.

CHÍNH KHÁCH THỰC SỰ ĐẦU TIÊN CỦA TRUNG QUỐC

Trong những năm đầu cầm quyền, Giang vẫn cai trị dưới cái bóng của Đặng, dù Đặng đã từ bỏ quyền lực về mặt chính thức. Tuy nhiên, Giang đã dần dần bắt đầu thâu tóm quyền lực, xây dựng cơ sở quyền lực và định hình chính sách. Đó là một diễn biến đáng kinh ngạc đối với những người đã xem Giang là một lãnh đạo yếu và thiếu sức sáng tạo của bộ máy hành chính.

Làm thế nào mà Giang lại trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc tại vị lâu nhất kể từ thời Mao? Ông đã khéo léo biến xuất thân là một quan chức hành chính của mình thành một lợi thế chính trị. Trung Quốc có thể là một chế độ độc tài độc đảng, nhưng nước này vẫn có các khối cử tri khác nhau – chia theo địa lý, bè phái, thể chế, tùy thuộc vào người bảo trợ, và bộ máy. Giang đã khắc phục những điểm yếu ban đầu của mình bằng cách nuôi dưỡng các nhóm lợi ích khác nhau trong các cơ quan của đảng, chính phủ, quân đội và công an. Trong từng trường hợp, ông đều chấp nhận các ưu tiên thể chế tương ứng của từng nhóm và biến chúng thành ưu tiên của mình – về cơ bản là thu phục những người này. Sau đó, ông cung cấp nguồn lực và giúp họ thăng tiến.

Bí quyết thành công trong bất kỳ hệ thống chính trị nào là khiến các cử tri tin rằng bạn hiểu nhu cầu của họ, chia sẻ các ưu tiên của họ, và sẽ hành động vì họ – rồi sau đó cung cấp cho họ các nguồn lực. Theo định nghĩa này, có thể nói rằng Giang là chính khách thực sự đầu tiên của Trung Quốc, khác biệt với các đảng viên Leninist khác, những người chỉ răm rắp thực hiện các chỉ thị và chính sách từ cấp trên. Chẳng hạn, chính phẩm chất này đã giúp Giang thiết lập quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Trong năm đầu tiên nắm quyền, Giang đã đến thăm từng quân khu trong số bảy quân khu của Trung Quốc, và còn thăm cả bốn tổng cục của PLA – nói cho giới lãnh đạo những gì họ muốn nghe, thăng chức cho các sĩ quan của họ, và đổ tiền vào quân đội bằng cách tăng ngân sách và nguồn lực. Đó là một chiến lược khôn ngoan, và nó cho phép Giang không chỉ duy trì quyền lực mà còn đạt được nhiều thành tựu lớn.

Trong nhiệm kỳ của mình, Giang đã đạt được một số thành công đáng chú ý: vượt qua sự lên án và cô lập của quốc tế sau Thảm sát Thiên An Môn, mở rộng quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, chủ trì việc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, khôi phục sự ổn định chính trị của đất nước, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong thời gian dài nhất trong lịch sử đất nước, nâng cao mức sống, mở đường hiện đại hóa PLA, và tái khởi động một loạt cải cách chính trị bí mật nhưng quan trọng (bao gồm cả “Ba Đại diện”, một sáng kiến nhằm chiêu mộ giới tinh hoa doanh nghiệp và doanh nhân của Trung Quốc vào đảng). Bắt đầu từ năm 1992, Giang là người đầu tiên khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc “vươn ra” thế giới. Cùng năm đó, ông đưa ra khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, và đến năm 2000, ông đưa ra sáng kiến “Phát triển phía Tây” (một kế hoạch phát triển kinh tế các tỉnh Tây Tạng, Cam Túc, Thanh Hải, và Tân Cương bị cô lập ở phía Tây đất nước). Ông cũng rất quan tâm đến công nghệ và đổi mới, phát động “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” vào năm 2008 để thu hút chuyên gia nước ngoài đến Trung Quốc.

CON NGƯỜI CỦA THẾ GIỚI

Giang rõ ràng rất thích các hoạt động đối ngoại, và đã đầu tư nhiều thời gian cũng như sức lực vào đó. Ông đặc biệt vui vẻ trong các cuộc trao đổi song phương với các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Trung Quốc, và đã thể hiện tính cách hướng ngoại trước ống kính. Tại các diễn đàn đa phương, ông say sưa trò chuyện và chụp ảnh với các nhà lãnh đạo thế giới. Giang thường hay đi quá trớn trong những dịp như vậy, phớt lờ các nội dung tuyên bố chính thức và trình bày một cách ngẫu hứng – sau đó, các phụ tá của ông sẽ phải chuyển cho các đối tác nước ngoài một phiên bản chứa nội dung đã chuẩn bị sẵn để đảm bảo truyền tải đúng thông điệp. Giang, người có thói quen cười phá lên, là một nhà lãnh đạo thích giao du, khác hẳn với những lãnh đạo Trung Quốc khác, những người sẽ hành động theo đúng kịch bản đã lập sẵn. Ông cũng có một thói quen kỳ lạ là chải tóc ở nơi công cộng.

Một trong những thành tựu chính sách đối ngoại tiêu biểu của Giang là hàn gắn quan hệ với Washington sau khi Trung Quốc bị cô lập sau vụ Thiên An Môn. Năm 1996 và 1997, ông và Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có các chuyến thăm cấp nhà nước rất thành công. Một thành tựu khác của Giang liên quan đến quan hệ với Moscow. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông, năm 1991, Liên Xô đã tan rã. Sự kiện này đã gây tổn thương cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là vì nó xảy ra ngay sau làn sóng biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn và sự sụp đổ của các quốc gia cộng sản ở Đông Âu. Giang đã nhanh chóng trao đổi các chuyến thăm cấp nhà nước với tân Tổng thống Nga, Boris Yeltsin, và khởi xướng một loạt thỏa thuận song phương sâu rộng với Moscow trong giai đoạn từ năm 1992 đến 1997. Khả năng tiếng Nga và những mối liên hệ với người Nga mà ông có được trong thập niên 1950 đã giúp ích cho ông rất nhiều.

Trong khi đó, đằng sau hậu trường, Giang cho thực hiện một phân tích có hệ thống về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và những bài học rút ra cho Trung Quốc. Được giám sát bởi cánh tay phải của Giang, Tăng Khánh Hồng, dự án nghiên cứu này không dẫn đến sự đồng thuận, mà dẫn đến hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về những gì đã xảy ra ở Liên Xô – theo đó đề xuất hai con đường khác biệt để Trung Quốc đi theo. Một đề xuất cho rằng nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự sụp đổ của hệ thống, và rằng Đảng Cộng sản Liên Xô không bao giờ nên tiến tới tự do hóa hệ thống và xã hội, cũng không nên tách đảng ra khỏi lực lượng vũ trang. Quan điểm bảo thủ này kết luận Trung Quốc phải kiềm chế mong muốn cải cách và thay vào đó thắt chặt hệ thống hiện có. Đề xuất còn lại có quan điểm rất khác: rằng Liên Xô sụp đổ vì “căn bệnh xơ cứng thể chế” đã kéo dài hàng chục năm, kể từ thời Stalin, và vấn đề không phải là Gorbachev đã tiến hành cải cách, mà là đã cải cách quá muộn, nên hệ thống không thể tiếp thu được nữa. Quan điểm tự do này kết luận, nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn tránh số phận tương tự, thì các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của Trung Quốc phải cải cách và mở cửa dưới sự quản lý cẩn thận.

Bản thân Giang ủng hộ quan điểm thứ hai và quan điểm đó cuối cùng đã thắng thế trong thời gian ông nắm quyền. Vì vậy, đảng đã tiến hành một loạt các cải cách thể chế: phản ứng nhanh hơn với dư luận, nới lỏng kiểm soát đối với xã hội dân sự, chấp nhận truyền thông tương đối cởi mở và tự do học thuật, cho phép các cơ chế phản hồi trong đảng, và trở nên minh bạch hơn trong việc hoạch định các chính sách của chính phủ.

Bất chấp những cải cách này, thành tích đối nội của Giang không phải là một chiến thắng toàn diện. Đúng là ông đã vượt xa những kỳ vọng ban đầu dành cho chế độ của mình, và để lại một di sản chuyển đổi ấn tượng trong mọi lĩnh vực, từ quân đội đến giáo dục đại học, đến công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, cũng chính ldưới thời của ông, bất bình đẳng xã hội đã trở nên ngày càng sâu sắc. Hệ số Gini của Trung Quốc tăng từ 0,35 ở thời điểm Giang lên nắm quyền năm 1989 lên 0,45 vào năm 2002 khi ông từ chức lãnh đạo đảng. Tham nhũng lan tràn và tội phạm gia tăng rõ rệt. Bản thân Giang cũng có khía cạnh đàn áp của riêng mình. Nó hiển hiện trong một loạt các chiến dịch, được thực hiện dưới khẩu hiệu “tấn công mạnh mẽ,” chống lại một loạt tội phạm trong suốt những năm 1990. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã ghi nhận gần 20.000 vụ hành quyết trong thập niên này. Giang thậm chí còn có liên quan chặt chẽ với cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công – một phong trào tinh thần tôn giáo nhấn mạnh đến thiền định và các bài tập hít thở. Ông cũng phát động một chiến dịch sâu rộng nhằm tuyên truyền cho giới trẻ Trung Quốc thông qua chương trình Giáo dục Ái Quốc.

Tuy nhiên, nhìn chung, quãng thời gian cai trị của Giang đã rất thành công. Ông chắc chắn không phải là “bình bông.” Khi nhìn lại, sau 10 năm cai trị độc tài của Tập Cận Bình, thời kỳ Giang Trạch Dân có vẻ cởi mở hơn đáng kể và danh tiếng toàn cầu của Trung Quốc cũng tích cực hơn rất nhiều. Người ngoài không biết Giang thực sự nghĩ gì về Tập và chế độ của ông ta, dù có tin đồn rằng Giang không hài lòng chút nào vào những ngày cuối đời. Trong những lần Giang (đã nghỉ hưu) xuất hiện bên cạnh Tập trong các dịp lễ chính thức, người ta không thấy có sự nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo. Xét cho cùng, họ có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về sự sụp đổ của Liên Xô và rút ra những bài học hoàn toàn trái ngược nhau cho Trung Quốc và Đảng Cộng sản. Phong cách cai trị khác nhau của hai nhà lãnh đạo bắt nguồn từ hiểu biết hoàn toàn trái ngược nhau của họ về nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ. Cả hai đều đặt mục tiêu củng cố Đảng Cộng sản và tránh sự sụp đổ kiểu Liên Xô – nhưng Giang tìm kiếm một đảng cởi mở và linh hoạt hơn, trong khi Tập lại biến nó thành một cỗ máy robot dưới chế độ độc nhân trị.

David Shambaugh là Giáo sư về Nghiên cứu Châu Á, Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Washington, đồng thời là Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc của trường. Bài viết này được trích từ cuốn “China’s Leaders: From Mao to Now” mà ông là tác giả.