Nguồn: Gideon Rachman, “What the Israel-Hamas ceasefire means for the world,” Financial Times, 16/01/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Israel đã nổi lên từ cuộc xung đột như một siêu cường của Trung Đông, nhưng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị phá vỡ.
Vẫn chưa rõ liệu lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực hay không. Nhưng nếu chiến tranh thực sự kết thúc, thì điều đó có ý nghĩa gì đối với thế giới?
Đối với Israel, tác động có vẻ là một con dao hai lưỡi. Nhà lãnh đạo đất nước, Benjamin Netanyahu, có thể lập luận rằng ông đã biến một thảm kịch quốc gia thành một chiến thắng chiến lược. Hamas đã bị hủy hoại, nếu không muốn nói là bị tiêu diệt hoàn toàn. Hezbollah, nhóm chiến binh Lebanon được trang bị vũ khí hạng nặng và nguy hiểm nhất trong “trục kháng chiến” của Iran, cũng đã bị suy yếu. Iran và Israel đã đấu súng trực tiếp với nhau. Nhưng hầu hết các tên lửa của Iran đều không thể vượt qua được hàng phòng thủ của Israel và các đồng minh của nước này – và nước Cộng hòa Hồi giáo dường như đã yếu hơn so với nhiều thập kỷ trước.
Ở cấp độ chiến lược, Israel đang nổi lên từ cuộc xung đột như một siêu cường của Trung Đông – với khả năng răn đe quân sự được khôi phục hoàn toàn, trong khi kẻ thù của họ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhưng mặt khác, Israel đã phải chịu tổn hại rất lớn về danh tiếng. Khoảng 46.000 người được cho là đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel và Gaza giờ đây nằm trong đống đổ nát. Netanyahu đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố về các tội ác chiến tranh – điều này khiến ông nằm trong cùng nhóm đối tượng pháp lý với Vladimir Putin. Giống như nhà lãnh đạo Nga, Netanyahu sẽ cảm thấy việc công du quốc tế trở nên khó khăn hơn nhiều.
Mức độ ủng hộ Israel đã giảm mạnh trong các cuộc thăm dò ý kiến quốc tế. Những người trẻ – ngay cả ở Mỹ – hiện cũng có thái độ thù địch hơn nhiều với nước này. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Pew vào tháng 4 đã kết luận rằng: “Những người Mỹ trẻ nhiều khả năng sẽ đồng cảm với người dân Palestine hơn là người dân Israel.” Một phần ba người lớn dưới 30 tuổi cho biết họ hoàn toàn hoặc chủ yếu đồng cảm với người dân Palestine, so với 14% đứng về phía Israel.
Người Israel có thể hy vọng rằng quan điểm sẽ dịu đi theo thời gian – đặc biệt là nếu hòa bình được lập lại. Netanyahu và các đồng minh của ông cũng tin rằng bạn bè ở Nhà Trắng quan trọng hơn nhiều so với kẻ thù ở các trường đại học Mỹ.
Nhưng tình bạn của Trump có thể không phải là vô điều kiện. Phe cực hữu Israel rõ ràng đã trải qua một cơn sốc khi chính quyền Mỹ mới ủng hộ lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin do Nhà Trắng của Biden đàm phán. Hy vọng của Israel – rằng Trump sẽ trao cho họ toàn quyền xử lý người Palestine theo ý mình – đã bị dập tắt.
Quyết định gây sức ép để đạt được hòa bình của Trump có thể phản ánh hai yếu tố chính. Đầu tiên là mong muốn được nhận công lao là người đã dàn xếp thỏa thuận và việc thả con tin. Thứ hai là dù Israel được phe cánh hữu Cộng hòa ủng hộ nhiệt thành, nhưng đây không phải là quốc gia quan trọng duy nhất trong khu vực. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Trump là tới Ả Rập Saudi.
Chính quyền Trump sắp tới có lẽ sẽ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi – vốn cũng là mục tiêu chính của chính quyền Biden. Nhiều khả năng, điều này sẽ mang lại một tia hy vọng cho người Palestine, vì người ta tin rằng cái giá mà Ả Rập Saudi phải trả cho việc bình thường hóa sẽ là một bước tiến hữu hình hướng tới một nhà nước Palestine. Nhưng đó cũng có thể là cái giá mà người Israel không muốn trả, và điều này có nghĩa là thỏa thuận Saudi-Israel vẫn chỉ là ảo tưởng.
Cuộc chiến ở Gaza có ý nghĩa toàn cầu cũng như khu vực. Một trong những lý do khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây không muốn gây quá nhiều áp lực lên Israel là vì họ tin rằng Iran là kẻ thù chung. Suốt năm qua, các quan chức phương Tây ngày càng nói nhiều hơn về niềm tin của mình, rằng họ hiện đang tham gia một cuộc tranh đấu toàn cầu chống lại một “trục đối thủ” lỏng lẻo bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran, và Bắc Triều Tiên.
Bằng cách làm suy yếu Iran, Israel cũng làm suy yếu trục đối thủ. Sự sụp đổ của chế độ Assad ở Syria phần lớn là hậu quả của cuộc tấn công tàn khốc của Israel vào Hezbollah, vốn là đồng minh chủ chốt của Bashar al-Assad.
Sự sụp đổ của chế độ Assad, đến lượt nó, là một đòn giáng mạnh vào cả Iran lẫn Nga, những nước đã can thiệp quân sự thay mặt cho Tổng thống Syria. Nga đã sử dụng Syria làm căn cứ để phô trương sức mạnh và giờ đây đang phải lùi bước. Nghịch lý thay, bản thân Israel lại có phản ứng thận trọng hơn đối với sự sụp đổ của Assad so với nhiều nước phương Tây, lo sợ rằng các lực lượng thánh chiến sẽ xâm nhập vào khoảng trống quyền lực ở Syria.
Nạn nhân cuối cùng của cuộc chiến Gaza là “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” do chính quyền Biden thúc đẩy. Sự đồng cảm và ủng hộ dành cho Israel sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 đã khiến Mỹ dung túng cho việc Israel thường xuyên vi phạm luật nhân đạo quốc tế trong cuộc tấn công dữ dội của họ vào Gaza. Thiết lập lại trật tự dựa trên luật lệ một lần nữa có thể là một nhiệm vụ khó khăn như tái thiết cơ sở vật chất ở Gaza.