Nguồn: Gideon Rachman, “Trump and the contest between two visions of democracy,” Financial Times, 20/01/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Việc Trump trở lại nắm quyền được thúc đẩy bởi niềm tin của nhiều người Mỹ rằng hệ thống chính trị của họ đã thất bại.
“Lúc 2 giờ 24 phút chiều, khi đang ngồi một mình, ông Trump đã đăng một dòng tweet tấn công ông Pence và kích động bạo loạn… Một phút sau, Cơ quan Mật vụ Mỹ buộc phải sơ tán ông Pence đến một địa điểm an toàn tại Điện Capitol. Khi một cố vấn tại Nhà Trắng nghe tin này, ông đã vội vã đến phòng và thông báo cho ông Trump, người đã đáp lại, ‘Thì sao?’”
Đó là một trích đoạn từ báo cáo mới được công bố của cố vấn đặc biệt Jack Smith về vụ Bạo loạn Điện Capitol Mỹ ngày 06/01/2021. Nhiều người ủng hộ Donald Trump sẽ cho rằng việc nhắc lại báo cáo đó – ngay khi Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai – là không liên quan. Họ lập luận rằng người dân Mỹ đã đưa ra phán quyết của mình khi họ đi bỏ phiếu vào tháng 11. Đảng Dân chủ đã vận động tranh cử với ý tưởng rằng Trump đe dọa nền dân chủ. Thế nhưng Trump đã giành được chiến thắng rõ ràng.
Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị. Tại sao “nền dân chủ đang bị đe dọa” lại không phải là một lập luận giúp giành chiến thắng?
Một giả thuyết cho rằng cử tri không quan tâm nhiều đến vậy. Một cuộc thăm dò được thực hiện ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tổng thống cho thấy 76% người Mỹ tin rằng nền dân chủ Mỹ đang gặp nguy hiểm. Nhưng chỉ có 7% tin rằng nền dân chủ là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử.
Dù đa số các thành viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đồng ý rằng nền dân chủ Mỹ đang bị đe dọa, họ dường như có quan điểm rất khác nhau về nguồn gốc của mối đe dọa. Đối với Đảng Dân chủ, mối đe dọa là Trump; đối với Đảng Cộng hòa, đó là sự kiểm duyệt bởi một nhóm tinh hoa “thức tỉnh.”
Bất đồng đó làm nổi bật một điểm khác biệt quan trọng mà tôi đã nghe Pratap Bhanu Mehta, một học giả người Ấn Độ, trình bày gần đây trong một bài giảng tại Trường Kinh tế London. Mehta lập luận rằng có hai cách hiểu đối lập về từ “dân chủ” trong chính trị đương đại. Cách hiểu đầu tiên xem dân chủ là một phương pháp – một cách giải quyết các tranh chấp hoặc xung đột về giá trị. Cách hiểu thứ hai xem dân chủ là một cách trao quyền cho công dân – thể hiện ý chí của người dân.
Theo quan điểm của Mehta, “nền dân chủ cần cả giá trị và sự trao quyền.” Nhưng khi cử tri cảm thấy bị cản trở, thay vì được trao quyền, bởi hệ thống chính trị, thì họ có thể từ bỏ các giá trị tự do để ủng hộ một nhân vật cứng rắn hứa sẽ hoàn thành mọi việc. Một phiên bản phi tự do của “nền dân chủ” sau đó sẽ xuất hiện, một phiên bản nhân danh người dân tấn công vào hệ thống kiềm chế đối trọng vốn rất quan trọng đối với nền dân chủ tự do.
Có vẻ như đó là những gì đang xảy ra ở Mỹ. Một cuộc thăm dò ý kiến tuần trước cho thấy hai phần ba đảng viên Dân chủ và 80% đảng viên Cộng hòa tin rằng chính phủ đang phục vụ chính mình và những người có quyền lực hơn là dân thường. Một đa số lớn cũng không tin tưởng cả Quốc hội và báo chí truyền thông.
Trump đã lên nắm quyền bằng lời hứa sẽ trở thành một lãnh đạo cứng rắn, người phá vỡ quyền lực của giới tinh hoa tham nhũng và “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Ông đã nhiều lần tuyên bố rằng hệ thống Mỹ bị “gian lận” và bị kiểm soát bởi một “nhà nước ngầm” đang hành hạ dân thường Mỹ. Năm 2016, Trump nói với khán giả tại Đại hội Đảng Cộng hòa rằng hệ thống Mỹ cho phép “những kẻ có quyền lực đánh đập những người không thể tự vệ,” tuyên bố rằng “chỉ mình tôi có thể sửa chữa nó.”
Trong chiến dịch gần đây nhất của mình, Trump đã mô tả tất cả các vụ kiện chống lại ông chỉ đơn giản là bằng chứng về âm mưu của nhà nước ngầm. Ông hứa với những người Mỹ đang cảm thấy bị ngược đãi rằng “Tôi là sự trừng phạt của các bạn.”
Ở một số nơi, vào một số thời điểm, sự cai trị của một nhà lãnh đạo cứng rắn và một nền dân chủ phi tự do có thể được ưa chuộng. Chẳng hạn, ở El Salvador, Tổng thống Nayib Bukele đã đình chỉ các quyền cơ bản, giam giữ 83.000 người theo luật tình trạng khẩn cấp, đưa quân đội vào quốc hội và bị cáo buộc cho phép tra tấn, giết người, và ép buộc mất tích. Nhưng tỷ lệ tội phạm ở El Salvador lại giảm mạnh và Bukele đã tái đắc cử trong một chiến thắng vang dội.
Nhà lãnh đạo El Salvador đã tóm tắt ngắn gọn khẩu hiệu của nền dân chủ phi tự do khi ông phát biểu tại Liên Hiệp Quốc: “Một số người nói rằng chúng tôi đã bỏ tù hàng nghìn người, nhưng thực tế là chúng tôi đã giải phóng hàng triệu người.” Bukele đã được ca ngợi bởi những người ủng hộ hàng đầu của Trump, bao gồm Elon Musk và Tucker Carlson.
Một diễn biến đáng theo dõi sắp tới là, sau khi lên nắm quyền, liệu tân tổng thống Mỹ có tìm cách noi gương Bukele hoặc Viktor Orbán của Hungary bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp, theo đó cho phép ông đình chỉ hoạt động bình thường của luật pháp? Nếu Trump tìm kiếm quyền hạn khẩn cấp, thì những người theo chủ nghĩa tự do sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nhưng họ cũng nên chuẩn bị cho khả năng nhiều người Mỹ bình thường, như người Salvador bình thường hoặc người Hungary bình thường, có thể chấp nhận tình trạng này.
Nếu những người ủng hộ nền dân chủ tự do muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến chính trị, sự phẫn nộ và phản kháng là không đủ. Họ sẽ phải đánh bại các lập luận của những nhà lãnh đạo chuyên chế và những người theo chủ nghĩa dân chủ phi tự do.
Tổng thống Biden đã bắt đầu quá trình này một cách chậm trễ trong bài phát biểu từ biệt của ông tại Nhà Trắng, khi ông cảnh báo rằng nước Mỹ đang bị một nhóm đầu sỏ tiếp quản. Những người theo chủ nghĩa tự do cũng phải chứng minh rằng những nhà cầm quyền chuyên chế có xu hướng trao quyền cho bản thân và những tay sai thân cận của họ, hơn là trao quyền cho người dân. Tham nhũng là kết quả gần như không thể tránh khỏi.
Trong những tháng và năm tới, những người phản đối Trump sẽ phải liên tục chỉ ra hậu quả của chế độ đầu sỏ và chế độ cứng rắn đối với người dân Mỹ. Có lẽ sẽ có rất nhiều vụ tham nhũng và tự giao dịch để làm bằng chứng.
Nếu những người phản đối Trump có thể bảo vệ lập luận của họ, đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử, thì sau cùng, nền dân chủ tự do vẫn có thể thắng thế.