Nguồn: Gideon Rachman, “Trump is sowing the seeds of an anti-American alliance,” Financial Times, 03/02/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Bằng cách nhắm mục tiêu vào các đồng minh và láng giềng bằng thuế quan, Mỹ đang làm lợi cho Trung Quốc
“Chiến lược của chúng tôi về thuế quan sẽ là hành động trước rồi hỏi sau.” Đó là điều mà một trong những nhà hoạch định chính sách kinh tế chủ chốt của Donald Trump đã nói với tôi vào cuối năm ngoái.
Kiểu vênh váo nam tính đó hiện đang thịnh hành ở Washington. Nhưng chiến thuật nóng vội này của tổng thống Mỹ lại cực kỳ nguy hiểm – đối với chính nước Mỹ, cũng như các quốc gia mà ông nhắm đến bằng thuế quan.
Những rủi ro kinh tế tiềm tàng đối với Mỹ – lạm phát cao hơn và gián đoạn công nghiệp – là điều ai cũng biết.
Hậu quả chiến lược đối với nước Mỹ không dễ nhận thấy ngay lập tức – nhưng chúng có thể nghiêm trọng và thậm chí kéo dài hơn. Thuế quan của Trump đe dọa phá hủy sự thống nhất của liên minh phương Tây. Ông đang gieo mầm cho một khối thay thế, được hình thành từ những quốc gia cảm thấy bị Mỹ đe dọa. Ban đầu, quan hệ hợp tác là không chính thức, nhưng nó sẽ trở nên cứng rắn hơn khi cuộc chiến thuế quan kéo dài.
Sự sụp đổ của liên minh phương Tây thống nhất sẽ là một giấc mơ trở thành hiện thực đối với Nga và Trung Quốc. Bản thân Trump có thể không quan tâm; ông thường bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Nhưng Marco Rubio và Mike Waltz – những người được Trump bổ nhiệm làm ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia – đều tuyên bố rằng kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc là thách thức chiến lược trung tâm mà Mỹ phải đối mặt.
Nếu đúng như vậy, thì việc Trump áp thuế đối với Trung Quốc, Canada, và Mexico (dù người Mexico đã tìm cách đàm phán hoãn thi hành thuế quan trong một tháng) là vô cùng ngu ngốc. Bởi khi làm vậy, ông có nguy cơ tạo ra sự hội tụ lợi ích giữa ba quốc gia này – cũng như với EU, nơi đã được thông báo là sẽ là nhóm tiếp theo phải chịu thuế.
Khi chính quyền Biden nhậm chức vào năm 2021, EU đang chuẩn bị thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư mới với Trung Quốc. Nhưng thỏa thuận này đã bị hủy bỏ sau áp lực từ Washington và những sai lầm của Bắc Kinh. Đến cuối nhiệm kỳ của Biden, Mỹ và Ủy ban Châu Âu đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong các nỗ lực nhằm “giảm rủi ro” thương mại với Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu công nghệ quan trọng.
Nhận định quan trọng của chính quyền Biden là nếu Mỹ tham gia vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc, thì khả năng chiến thắng sẽ cao hơn nhiều nếu họ có thể thuyết phục các nền dân chủ tiên tiến khác hợp tác cùng mình. Ngược lại, Trump đã quyết định đối đầu với các đồng minh của Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều so với các đối thủ của mình. Hậu quả sẽ là ông có thể đẩy các đồng minh đó quay trở lại vòng tay của Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách châu Âu biết rõ rằng các mục tiêu đầy tham vọng mà họ đặt ra cho quá trình chuyển đổi xanh sẽ không thể thực hiện được nếu không có xe điện, pin, và pin mặt trời của Trung Quốc. Lời đe dọa đánh mất thị trường Mỹ sẽ khiến thị trường Trung Quốc trở nên cần thiết hơn. Khi tôi đề xuất với một nhà hoạch định chính sách cấp cao của châu Âu vào tuần trước rằng EU có lẽ nên cân nhắc việc làm ấm lại quan hệ với Trung Quốc, bà ấy trả lời: “Tin tôi đi, cuộc trò chuyện đó đã diễn ra rồi.”
Một số nhân vật có ảnh hưởng ở châu Âu thậm chí còn tự hỏi liệu Mỹ hay Trung Quốc hiện là mối đe dọa trực tiếp hơn. Chỉ hai tháng trước, đây còn là một câu hỏi vô lý. Nhưng chính Trump – chứ không phải Tập – đang nói về việc chấm dứt nền độc lập của Canada, một quốc gia thành viên NATO. Và chính quyền Trump và Elon Musk – chứ không phải chính phủ Trung Quốc – đang thúc đẩy làn sóng cực hữu ở châu Âu.
Chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc và sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine vẫn là rào cản lớn đối với việc nối lại quan hệ giữa Trung Quốc và Brussels. Nhưng nếu chính quyền Trump từ bỏ Ukraine – và Bắc Kinh có đường lối cứng rắn hơn với Nga – thì con đường trước mắt châu Âu sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.
Trung Quốc cũng sẽ nhận ra những cơ hội mới ở Mỹ Latinh khi lục địa này nổi giận trước những lời đe dọa của Mỹ đối với Panama và Mexico. Hành động hung hăng của Mỹ nhắm vào các nước này – gồm cả việc sử dụng vũ lực – là hoàn toàn có thể xảy ra, xét đến quyết tâm của Trump trong việc giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama và chống lại các băng đảng ma túy Mexico.
Tuy nhiên, thái độ hung hăng của Trump đối với Mexico có thể phản tác dụng. Nếu thuế quan đẩy Mexico vào suy thoái sâu hơn, dòng người tuyệt vọng đổ về Mỹ sẽ chỉ tăng lên – tương tự là sức mạnh của các băng đảng ma túy, một mặt hàng xuất khẩu không phải chịu thuế quan.
Canada và Mexico đã đau đớn nhận ra rằng họ đang gặp bất lợi trong cuộc thương chiến với Mỹ. Nhưng họ buộc phải trả đũa. Không một nhà lãnh đạo quốc gia nào có thể tỏ ra yếu đuối trước hành động bắt nạt của Mỹ. Và việc đáp trả Trump có lẽ là động thái chiến lược đúng đắn. Như một bộ trưởng ngoại giao châu Âu đã nói với tôi gần đây: “Nếu Trump đấm vào mặt bạn và bạn không đấm lại, ông ta sẽ đấm bạn thêm một lần nữa.”
Các quốc gia vẫn chưa bị áp thuế như Anh và Nhật Bản có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng họ chỉ đang tự lừa dối mình nếu họ nghĩ rằng việc giữ thái độ khiêm tốn sẽ giúp họ được miễn trừ. Nếu Trump quyết định rằng cuộc chiến thuế quan đầu tiên của mình đã có hiệu quả, ông chắc chắn sẽ tìm kiếm các mục tiêu mới.
Các công ty Mỹ cũng cần phải thức tỉnh và ngừng đưa ra những lời nịnh hót về sự trở lại của “tinh thần động vật” đối với nền kinh tế Mỹ. Về cơ bản, những gì Trump đem đến cho nước Mỹ là nền kinh tế tự cung tự cấp và sự phá hủy liên minh phương Tây. Đó sẽ là một thảm họa kinh tế và chiến lược đối với các doanh nghiệp Mỹ – và đối với toàn thể nước Mỹ.