08/02/1968: Ba người biểu tình thiệt mạng trong Thảm sát Orangeburg

Nguồn: Three protesters die in the Orangeburg Massacre, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào đêm ngày này năm 1968, cảnh sát ở Orangeburg, Nam Carolina đã nổ súng vào đám đông thanh niên tham gia một cuộc biểu tình phản đối việc tách biệt chủng tộc, khiến ba người thiệt mạng và khoảng 30 người khác bị thương. Vụ việc ba thanh niên người Mỹ gốc Phi bị các viên chức nhà nước giết hại, bốn năm sau khi luật liên bang cấm tách biệt chủng tộc được ban hành, đã đi vào lịch sử với tên gọi là vụ Thảm sát Orangeburg.

Sau nhiều thập kỷ biểu tình trên khắp đất nước, tình trạng tách biệt chủng tộc đã chính thức bị bãi bỏ tại Mỹ theo Đạo luật Dân quyền năm 1964. Dù việc thông qua đạo luật này là một chiến thắng lớn, nhưng nhiều người Mỹ da trắng trên khắp miền Nam chỉ đơn giản là từ chối tuân thủ đạo luật vì biết rằng cảnh sát địa phương sẽ không quan tâm đến việc thực thi nó. Đầu tháng 02/1968, một nhóm các nhà hoạt động xã hội ở Orangeburg đã cố gắng thuyết phục một người đàn ông như vậy, Harry Floyd, dừng việc tách biệt chủng tộc ở tiệm bowling của mình, nhưng ông đã từ chối. Nhiều ngày biểu tình lan rộng đã theo sau, trong đó những người biểu tình đã đập phá một cửa sổ của tiệm bowling và cảnh sát đáp trả bằng cách bắt giữ và đánh đập họ. Tình trạng bất ổn nhanh chóng lan rộng đến khuôn viên trường Đại học Tiểu bang Nam Carolina (SCSU) gần đó, một trường đại học lịch sử của người da đen.

Đêm ngày 08/02, các sĩ quan của Cảnh sát Tuần tra Cao tốc Nam Carolina đã phản ứng với một vụ đốt lửa trại trong khuôn viên trường. Khi một người biểu tình cạy một thanh trụ lan can từ một ngôi nhà bỏ hoang và ném vào một sĩ quan, cảnh sát đã nổ súng. Sau đó, phía cảnh sát tuyên bố, và các tờ báo đưa tin, rằng các sinh viên đã sử dụng bom xăng và thậm chí cả súng bắn tỉa để tấn công trước khi cảnh sát đáp trả. Tuy nhiên, hàng loạt các cuộc điều tra về vụ việc đã không thể tìm được bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ cho các tuyên bố này. Loạt đạn của cảnh sát đã cướp đi sinh mạng của hai sinh viên SCSU, Samuel Hammond, Jr. và Henry Smith, cùng với một học sinh trung học địa phương, Delano Middleton, người đang ngồi gần cuộc biểu tình để chờ mẹ cậu tan làm.

Các vụ giết người đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn quốc, nhưng Thống đốc Nam Carolina lại đổ lỗi cho “những người ủng hộ quyền lực của người da đen” thay vì các cảnh sát của mình. Vụ thảm sát vẫn được SCSU và nhiều trường học khác ở Nam Carolina tưởng niệm, nhưng các nhà bình luận xã hội đã lưu ý rằng vị trí của nó trong ký ức tập thể của người Mỹ không nổi bật bằng các vụ thảm sát tương tự ở Đại học Kent State và Đại học Jackson State, cả hai đều xảy ra trong các cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam và đã cướp đi sinh mạng của sáu sinh viên người da trắng vào năm 1970.