Nguồn: Stephen M. Walt, “What IR Theory Predicts About Trump 2.0,” Foreign Policy, 03/02/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Dưới đây là đánh giá học thuật về cuộc cách mạng chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ.
Xin thề rằng tuần này tôi đã định viết về một chủ đề khác ngoài Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng thật không thể bỏ qua loạt chính sách tồi tệ mà Nhà Trắng đang công bố. Tôi cần phải viết về những điều quan trọng, và chính sách đối ngoại của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới chắc chắn là một trong số đó, đặc biệt là khi nó vừa có một bước ngoặt đột ngột và sâu rộng hướng đến sự kỳ quặc. Vì vậy, xin thứ lỗi cho tôi vì cứ tập trung vào cuộc cách mạng chính sách đối ngoại mà chính quyền Trump đang cố gắng thực hiện.
Vấn đề chính ở đây là tác động của việc Trump áp đặt thuế quan, rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như các sáng kiến gần đây khác của ông lên cuộc sống của người dân Mỹ. Và một phần câu trả lời cho câu hỏi đó phụ thuộc vào cách phần còn lại của thế giới phản ứng với những nỗ lực mạnh tay của Trump nhằm đe dọa và bắt nạt họ – bắt đầu từ một số đồng minh thân cận nhất của nước Mỹ. Tôi đã viết về vấn đề này cách đây vài tuần, nhưng hôm nay, tôi muốn khám phá các khái niệm và lý thuyết rộng hơn làm nền tảng cho nó.
Theo tôi, những gì chúng ta đang chứng kiến là một cuộc xung đột của các lý thuyết đối địch về cách thế giới vận hành. Đầu tiên là người bạn cũ của tôi, lý thuyết cân bằng quyền lực/đe dọa; và thứ hai là lý thuyết hàng hóa tập thể. Cả hai góc nhìn đều cho bạn biết những điều quan trọng về cách thế giới vận hành; câu hỏi đặt ra là góc nhìn nào cung cấp thông tin rõ ràng nhất về những gì có khả năng xảy ra hiện nay.
Hãy bắt đầu với lý thuyết cân bằng đe dọa. Logic của nó rất đơn giản: Trong một thế giới không có chính quyền tập trung, tất cả các quốc gia sẽ có xu hướng lo lắng nếu một quốc gia trở nên quá mạnh, vì họ không chắc chắn về cách quốc gia mạnh này sẽ sử dụng quyền lực mà mình có. Kết quả là các quốc gia yếu hơn có xu hướng liên kết lực lượng để kiểm soát các cường quốc mạnh hơn, và đánh bại họ nếu họ cố gắng chinh phục hoặc thống trị các quốc gia yếu hơn. Xu hướng cân bằng sẽ tăng lên nếu một cường quốc ở trong vùng lân cận; hoặc nếu nó có quân đội hùng mạnh dường như được thiết kế chủ yếu để chinh phục những quốc gia khác; hoặc nếu nó dường như có ý định đặc biệt xấu xa – đó là lý do tại sao tôi từ lâu đã lập luận rằng các quốc gia cân bằng chống lại các mối đe dọa chứ không chỉ chống lại quyền lực.
Về cơ bản, lý thuyết này giúp giải thích một sự bất thường nổi bật đã tồn tại từ lâu trong chính trị thế giới. Mỹ đã là cường quốc kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới kể từ Thế chiến II, nhưng hầu hết các cường quốc hàng đầu và tầm trung trên thế giới đều thích liên kết với Mỹ hơn là cân bằng chống lại Mỹ. Họ không tìm cách phù thịnh Mỹ – tức là liên kết với Washington để xoa dịu Mỹ, nhưng đang cùng với Mỹ cân bằng chống lại các quốc gia khác (ví dụ như Liên Xô) vốn nằm ngay bên cạnh họ và dường như ấp ủ tham vọng nguy hiểm. Kết quả là, hệ thống đồng minh thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ luôn giàu có hơn, mạnh hơn về mặt quân sự, và có ảnh hưởng hơn so với những đối tác liên kết với Moscow.
Dù có sức mạnh to lớn, Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với một liên minh cân bằng có sức mạnh ngang hàng với họ. Một phần là do khoảng cách địa lý của Mỹ với các trung tâm quyền lực quan trọng khác của thế giới, nhưng cũng vì nhiều quốc gia quan trọng – bao gồm cả các nước láng giềng gần như Canada – không xem Mỹ là mối đe dọa đặc biệt. Tình trạng này vẫn được duy trì ngay cả trong kỷ nguyên đơn cực, khi Mỹ đứng một mình ở đỉnh cao của quyền lực thế giới, và người ta có thể mong đợi các quốc gia khác hành động tích cực hơn để kiểm soát ảnh hưởng của Mỹ. Đã có một số nỗ lực khiêm tốn để “cân bằng mềm,” nhưng chúng chủ yếu đến từ một nhóm các tác nhân tương đối yếu như “Trục Kháng chiến” ở Trung Đông. Dù các đồng minh của Mỹ thường đặt câu hỏi về phán đoán của nước này, và lo ngại rằng các chính sách của Mỹ có thể vô tình gây hại cho họ (cuộc xâm lược Iraq năm 2003 đã xác nhận rằng những lo ngại như vậy là hợp lý), nhưng nhìn chung họ vẫn xem Mỹ là một đối tác hữu ích chứ không phải là một mối nguy hiểm nghiêm trọng. Bá quyền của Mỹ cũng có thể chấp nhận được vì các đời chính quyền Dân chủ và Cộng hòa đều thực hiện ảnh hưởng đáng kể của họ thông qua các thể chế đa phương như NATO, và nhìn chung đối xử với các nhà lãnh đạo đồng minh bằng sự tôn trọng, ngay cả khi họ gây sức ép buộc những nhà lãnh đạo đó làm điều mà Washington muốn.
Tất nhiên, vị trí địa lý của Mỹ là không đổi và vẫn là một tài sản to lớn. Nhưng cách tiếp cận hiếu chiến của chính quyền Trump đối với các quốc gia theo truyền thống ủng hộ Mỹ như Canada hoặc Đan Mạch là chưa từng có tiền lệ. Các đối tác của Mỹ không chỉ lo lắng rằng nước này không còn đáng tin cậy nữa (vì Trump cho rằng các quy tắc là vô nghĩa, và không hề ngại việc hứa hẹn sẽ làm điều gì đó vào thứ Ba rồi sau đó rút lời vào thứ Sáu), mà họ còn lo lắng rằng Mỹ đang tích cực gây hấn. Khi Tổng thống Mỹ đe dọa chiếm lại Kênh đào Panama, hoặc chinh phục Greenland, hoặc biến Canada thành tiểu bang thứ 51 – bất kể các hiệp ước hiện hành yêu cầu gì, hoặc người Panama, Đan Mạch hay Greenland có ý kiến như thế nào – tất cả các quốc gia đều lo lắng rằng họ có thể là nạn nhân tiếp theo.
Đúng như lý thuyết cân bằng đe dọa dự đoán, một số nhà lãnh đạo ở các quốc gia kể trên đã ủng hộ những nỗ lực chung nhằm chống lại chương trình nghị sự nguy hiểm của Trump. Tuần trước, cựu Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland (người hy vọng sẽ thay thế Thủ tướng Justin Trudeau làm lãnh đạo Đảng Tự do) đã kêu gọi một cuộc họp thượng đỉnh giữa Mexico, Panama, Canada, và Liên minh châu Âu để đưa ra phản ứng chung đối với lời đe dọa về thuế quan và chủ quyền của Trump. Khi các fan hâm mộ khúc côn cầu Canada la ó trong lúc quốc ca Mỹ được phát – như họ đã làm cuối tuần qua – bạn hiểu rằng có điều gì đó rất không ổn. Ai Cập, Jordan, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Chính quyền Palestine, và Liên đoàn Ả Rập đã ban hành một tuyên bố chung, thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Trump về việc thanh trừng sắc tộc người Palestine khỏi Gaza và Bờ Tây. Những nỗ lực như vậy chắc chắn sẽ tăng lên nếu Trump tiếp tục con đường hiện tại của mình, và một số quốc gia sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ Bắc Kinh, dù chỉ là để có thêm đòn bẩy chống lại Washington.
Đây là một thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và nó chắc chắn sẽ thu hẹp những khác biệt được nhận thấy giữa Mỹ và các đối thủ cường quốc chính của mình. Các đối tác châu Á của Mỹ đã háo hức hợp tác với Washington (và điều chỉnh một số chính sách của mình để giữ cho các nhà lãnh đạo Mỹ hài lòng) vì họ lo lắng về cân bằng quyền lực trong khu vực và muốn Mỹ giúp duy trì nó. Tuy nhiên, nếu Mỹ bắt đầu hành động giống như Nga và Trung Quốc, và nếu Mỹ tiếp tục đe dọa tiến hành các cuộc thương chiến mới, thì lợi thế của việc gắn bó chặt chẽ với Washington sẽ giảm đi. Các quốc gia quen đi theo sự dẫn dắt của Mỹ sẽ chuyển sang phòng bị nước đôi, và khám phá các chiến lược khác để bảo vệ mình khỏi những ý thích nhất thời của Mỹ.
Tóm lại, một trong những lý thuyết bền bỉ và mạnh mẽ nhất về chính trị thế giới cho rằng cách tiếp cận cấp tiến của Trump đối với chính sách đối ngoại sẽ phản tác dụng. Ông có thể giành được một vài nhượng bộ trong ngắn hạn, nhưng kết quả dài hạn sẽ là sự phản kháng toàn cầu lớn hơn và những cơ hội mới cho các đối thủ của Mỹ.
Tuy nhiên, đây chính là nơi lý thuyết về hàng hóa tập thể phát huy tác dụng và chỉ ra hướng ngược lại. Việc thuần hóa quyền lực của Mỹ đòi hỏi các hành động phối hợp và sự sẵn sàng trả giá của phe đối lập. Việc khiến các quốc gia khác xếp hàng chống lại Trump sẽ mất thời gian, và một số chính phủ sẽ bị cám dỗ để hưởng lợi mà không trả tiền, với hy vọng rằng người khác sẽ làm công việc nặng nhọc thay họ. Xét đến những điểm này, Mỹ có thể chơi trò chia để trị và cố gắng tách một số nước ra khỏi liên minh bằng cách đưa ra những nhượng bộ riêng lẻ. Khó khăn của việc xây dựng một liên minh cân bằng không nên bị đánh giá thấp – đặc biệt là đối với các quốc gia có hệ thống chính trị đang chịu áp lực lớn– và đó chắc chắn là điều mà Trump đang trông đợi.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: để duy trì trạng thái “mất cân bằng” (off-balance) [trong đó Mỹ vẫn đứng đầu] đòi hỏi Mỹ phải sử dụng sức mạnh một cách có chọn lọc và phải biết tự kiềm chế đáng kể. Điều đó có nghĩa là không tìm mọi cơ hội để làm nhục các quốc gia yếu hơn hoặc các nhà lãnh đạo của họ. Ngoài ra, các quốc gia khác phải tin rằng Washington sẽ giữ lời hứa và việc chấp nhận một thỏa thuận hoặc nhượng bộ sẽ không chỉ đơn giản là lời mời gọi những yêu cầu mới. Thật không may, việc kiềm chế, giữ lời hứa, và tôn trọng người khác chưa bao giờ nằm trong sách lược của Trump, và những người có năng lực hạn chế mà ông bổ nhiệm trong khi cắt giảm hàng loạt công chức khiến cho chính sách đối ngoại của Mỹ càng khó có thể được tiến hành một cách khéo léo.
Không ai nghi ngờ gì về việc Mỹ sở hữu nắm đấm sắt, nhưng chúng ta sắp khám phá ra điều gì sẽ xảy ra khi chiếc găng tay nhung được tháo ra. Như những người theo chủ nghĩa hiện thực đã cảnh báo suốt nhiều thập kỷ, và như một loạt những kẻ xâm lược trong quá khứ đã nhắc nhở chúng ta, các quốc gia sử dụng ngoại giao cây gậy lớn để đe dọa và trừng phạt những nước khác cuối cùng sẽ vượt qua sự do dự cân bằng ban đầu, cũng như những trở ngại đối với hành động tập thể. Và kết quả là họ sẽ có ít bạn bè hơn, nhiều kẻ thù hơn, và ít ảnh hưởng hơn rất nhiều. Tôi không nghĩ rằng Mỹ có thể vĩnh viễn xa lánh những láng giềng gần gũi và những đối tác lâu năm của mình, nhưng đó chính xác là con đường chúng ta đang hướng tới.
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.