Nguồn: Yun Sun (Tôn Vân), “China’s Trump Strategy,” Foreign Affairs, 06/02/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Bắc Kinh đang chuẩn bị tận dụng sự gián đoạn.
Trong những tháng kể từ khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã lo lắng nghĩ về bốn năm tiếp theo của quan hệ Mỹ-Trung. Bắc Kinh cho rằng chính quyền Trump sẽ theo đuổi các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, nhiều khả năng làm leo thang cuộc chiến thương mại, cuộc chiến công nghệ, và cuộc đối đầu giữa hai nước về Đài Loan. Quan điểm phổ biến là Trung Quốc phải chuẩn bị cho những cơn bão sắp tới trong các giao dịch với Mỹ.
Việc Trump ra lệnh áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc trong tuần này dường như là lý do chính đáng cho những lo ngại đó. Trung Quốc đã nhanh chóng trả đũa, công bố mức thuế riêng của mình đối với một số hàng hóa của Mỹ, đồng thời hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, và tiến hành điều tra chống độc quyền nhắm vào công ty Google có trụ sở tại Mỹ. Dù Bắc Kinh nắm trong tay những công cụ như vậy, khả năng họ vượt qua Washington trong một cuộc trao đổi ăn miếng trả miếng vẫn rất thấp, bởi sức mạnh tương đối của Mỹ và thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Nhận thức được vấn đề này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã lên kế hoạch về nhiều điều hơn là chỉ các chiến thuật chiến tranh thương mại. Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, họ đã điều chỉnh cách tiếp cận của mình đối với Mỹ và đã dành ba tháng qua để phát triển thêm chiến lược của mình nhằm dự đoán, chống lại, và giảm thiểu thiệt hại mà các chính sách bất ổn của Trump gây ra. Kết quả là, một nỗ lực sâu rộng nhằm củng cố nền kinh tế trong nước và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc đã âm thầm diễn ra.
Các biện pháp chuẩn bị của Trung Quốc gần như là sự phản ánh chiến lược Trung Quốc của chính quyền Biden về “đầu tư, liên kết, và cạnh tranh,” gồm đầu tư vào sức mạnh của Mỹ, liên kết với các đối tác, và cạnh tranh khi cần thiết. Trong khi đó, sách lược của Bắc Kinh để vượt qua nhiệm kỳ tiếp theo của Trump tập trung vào việc làm cho nền kinh tế trong nước bền bỉ hơn, hòa giải với các nước láng giềng quan trọng, và làm sâu sắc thêm các quan hệ với phương Nam toàn cầu. Trump có thể giành được một số chiến thắng trong ngắn hạn, nhưng kế hoạch của Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở ông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tin tưởng vào vận mệnh lịch sử của đất nước họ, là trỗi dậy và thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị thế giới. Họ nghĩ rằng các chính sách của Trump sẽ làm suy yếu sức mạnh của Mỹ và làm giảm vị thế toàn cầu của Mỹ trong dài hạn. Và khi điều đó xảy ra, Trung Quốc muốn sẵn sàng tận dụng lợi thế.
CẢI CÁCH
Củng cố mặt trận trong nước là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh. Kỳ vọng rằng nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ gây ra biến động dưới hình thức chiến tranh thương mại, các lệnh trừng phạt, và kiểm soát xuất khẩu, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế thực và tăng cường tiêu dùng trong nước. Vào ngày 08/11, ba ngày sau cuộc bầu cử Mỹ, Bắc Kinh công bố chương trình phân phối 1,4 nghìn tỷ đô la để giảm nợ của chính quyền địa phương trong hai năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng tổng nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc hiện vào khoảng 9 nghìn tỷ đô la. Việc giải quyết vấn đề này thể hiện nỗ lực quan trọng của chính quyền trung ương nhằm ổn định nền kinh tế và tạo thêm niềm tin vào thị trường Trung Quốc. Một tháng sau, vào ngày 09/12, Bắc Kinh tiếp tục cam kết thực hiện “chính sách tài khóa chủ động hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải,” mà trên thực tế đòi hỏi chi tiêu chính phủ nhiều hơn, mở rộng ngân sách, và cắt giảm lãi suất. Điều này đánh dấu sự chuyển hướng khỏi các chính sách thắt lưng buộc bụng đã được áp dụng từ năm 2010 sang kích thích kinh tế. Đến giữa tháng 12, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc, một cuộc họp quan trọng của chính phủ quyết định chính sách kinh tế cho năm tới, đã nhắc lại những lời hứa này. Các khuyến nghị bao gồm tăng chi tiêu chính phủ, cắt giảm lãi suất, và các chính sách khác nhằm tạo ra tăng trưởng.
Bắc Kinh có lý do để đưa ra các biện pháp như vậy bất kể Trump có trở lại hay không. Tình trạng suy thoái kinh tế trong những năm gần đây và kết quả yếu ớt của các nỗ lực kích thích của chính phủ Trung Quốc đòi hỏi họ phải can thiệp đáng kể hơn. Nhưng nỗi lo về căng thẳng gia tăng với Mỹ chắc chắn đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách. Trong thông báo vào tháng 12, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương đã trích dẫn “tác động tiêu cực sâu sắc từ những thay đổi của môi trường bên ngoài” là động lực cho các chính sách tài khóa được cập nhật. Thay đổi quan trọng nhất đối với môi trường bên ngoài của Trung Quốc chính là kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Nỗ lực cải cách của Bắc Kinh không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước, mà còn là nỗ lực mở ra những cơ hội mới cho thương mại quốc tế. Trong các cuộc thảo luận với các thành viên của cộng đồng chính sách Mỹ sau cuộc bầu cử tháng 11, những người đối thoại Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một mà Bắc Kinh và Washington đã ký với nhau vào tháng 01/2020, theo đó Trung Quốc sẽ mua 200 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ. Họ thậm chí còn đặt khả năng bắt đầu các cuộc đàm phán thỏa thuận Giai đoạn Hai, tập trung vào cải cách cơ cấu, bao gồm các biện pháp nhằm giải quyết quan hệ giữa chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc. Xét đến sự nhạy cảm của Bắc Kinh đối với các chủ đề kiểu này, đàm phán Giai đoạn Hai từ lâu đã là một viễn cảnh xa vời. Nhưng với sự suy thoái kinh tế trong nước và cuộc thương chiến leo thang với Mỹ, Trung Quốc đang dần cảm nhận áp lực tăng cao.
Trung Quốc cũng đang tìm cách đa dạng hóa các lựa chọn thương mại của mình. Trong những tháng qua, các tuyên bố từ bộ ngoại giao và bộ thương mại Trung Quốc đã nhiều lần nhắc đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại gồm 12 thành viên, vốn kế thừa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã bị đình trệ vào năm 2017 sau khi Mỹ rút lui. Các thành viên của CPTPP phải đáp ứng các yêu cầu gia nhập nghiêm ngặt, và trong trường hợp của Trung Quốc, điều này đòi hỏi phải nghiêm túc cải cách cơ cấu. Bắc Kinh thừa nhận giá trị của các cơ chế thương mại đa phương: Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 có lẽ là yếu tố lớn nhất thúc đẩy sự trỗi dậy kinh tế của nước này. Trong lúc các quốc gia rời xa WTO và hướng tới các thỏa thuận thay thế như CPTPP, Bắc Kinh muốn đảm bảo rằng mình không bị bỏ lại phía sau. Với việc Trump nắm quyền, việc gia nhập các tổ chức mới càng trở nên quan trọng hơn khi Trung Quốc tìm cách bù đắp cho việc mất quyền tiếp cận thị trường Mỹ.
HÀN GẮN QUAN HỆ
Sự chuẩn bị của Trung Quốc cho nhiệm kỳ của Trump cũng liên quan đến một động thái ngoại giao. Để chuẩn bị cho căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc đã cố gắng giải quyết những vấn đề còn tồn đọng với Ấn Độ và Nhật Bản, hai nước láng giềng mà Trung Quốc đã có quan hệ bất ổn suốt nhiều năm qua. Một khu vực lân cận ổn định sẽ giúp giảm thiểu sự xao nhãng của Bắc Kinh và có thể làm suy yếu nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy các đối tác của mình gây áp lực lên Trung Quốc. Việc cải thiện quan hệ với cả Nhật Bản và Australia cũng là một cách để Trung Quốc lấy lòng các nhà lãnh đạo của CPTPP.
Điều đáng chú ý là sự tan băng trong quan hệ Trung-Ấn. Hồi tháng 10, Trung Quốc và Ấn Độ đột nhiên đạt được thỏa thuận rút quân khỏi vùng biên giới tranh chấp ở Ladakh sau bốn năm căng thẳng quân sự. Sau chiến thắng bầu cử của Trump, Trung Quốc đã mời Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đến Bắc Kinh để đàm phán về các vấn đề biên giới. Doval thậm chí còn được sắp xếp một cuộc gặp với Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính – một động thái bất thường và được xem như một cử chỉ thiện chí. Trung Quốc cũng đưa ra những cam kết cụ thể cho Ấn Độ trong chuyến thăm này, bao gồm việc cấp cho các công dân Ấn Độ quyền đi lại để tiếp tục hành hương đến Tây Tạng, hợp tác trên các tuyến đường thủy chung, và thương mại giữa hai nước tại Đèo Nathu La. Quan trọng hơn, Trung Quốc cam kết theo đuổi “một giải pháp trọn gói công bằng, hợp lý, và được cả hai bên chấp nhận cho vấn đề biên giới.” Bắc Kinh từ lâu đã trì hoãn một thỏa thuận toàn diện về biên giới Trung-Ấn, một thỏa thuận mà New Delhi mong muốn, vì họ tin rằng việc duy trì tranh chấp sẽ mang lại cho họ đòn bẩy. Nhưng giờ đây, Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng cam kết.
Trung Quốc cũng đã đạt được tiến triển với Nhật Bản, hy vọng cải thiện quan hệ với đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực. Vào tháng 09/2024, Bắc Kinh tuyên bố sẽ dần dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản mà họ đã áp đặt vào tháng 08/2023. Sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại Peru vào tháng 11, Trung Quốc đã khôi phục quyền nhập cảnh miễn thị thực cho du khách Nhật Bản. Và các cuộc trao đổi giữa hai đảng cầm quyền ở Trung Quốc và Nhật Bản, bắt đầu vào năm 2004 nhưng đã bị đình chỉ trong bảy năm qua, vừa được nối lại vào tháng 1, với việc Trung Quốc tiếp đón một phái đoàn Nhật Bản tại Bắc Kinh. Trong cuộc họp đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được cho là đã đề xuất rằng Ishiba nên đến thăm Trung Quốc trong thời gian diễn ra Đại hội Thể thao Mùa đông Châu Á 2025, sự kiện mà Trung Quốc sẽ đăng cai tổ chức. Song song với đó, Trung Quốc cũng có những động thái nhằm tiếp cận Australia, đơn phương công bố vào cuối tháng 11 chính sách miễn thị thực trong 30 ngày cho công dân Australia đến thăm Trung Quốc.
Phải đến khi sự trở lại của Trump trở thành một triển vọng thực sự thì Bắc Kinh mới bắt đầu tập trung vào việc tiếp cận các đối tác của Mỹ. Dù Trung Quốc đã dần từ bỏ chính sách ngoại giao “chiến lang” thù địch sau khi đất nước mở cửa trở lại vào năm 2023, sau đại dịch COVID, quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ và Nhật Bản nói riêng vẫn khá lạnh nhạt: căng thẳng biên giới với Ấn Độ vẫn tiếp diễn, và Bắc Kinh từng chỉ trích dữ dội Nhật Bản về việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý vào Thái Bình Dương. Nhưng khi phải đối mặt với sự bất ổn mà nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump có thể mang lại, Trung Quốc đã đặt mục tiêu cải thiện quan hệ với cả hai nước.
NHỮNG CON ĐƯỜNG THAY THẾ
Trung Quốc cũng đã mở rộng hợp tác với các quốc gia phương Nam toàn cầu cung cấp cửa sau để vào thị trường Mỹ. Trong lúc thuế quan và gián đoạn chuỗi cung ứng phá vỡ các liên kết thương mại trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động thương mại gián tiếp. Trên thực tế, các vật liệu và bộ phận của Trung Quốc vẫn được sử dụng trong hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ – nhưng giờ đây, các sản phẩm cuối cùng được sản xuất hoặc lắp ráp tại các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Bắc Kinh đã chấp nhận sự chuyển đổi sang thương mại cửa sau. Xuất khẩu của Trung Quốc vẫn rất mạnh, với thặng dư thương mại đạt đỉnh gần 1 nghìn tỷ đô la vào năm 2024. Các thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của nước này là các quốc gia ở phương Nam toàn cầu, bao gồm Brazil, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam, nhiều quốc gia trong số đó đang hoạt động như trung gian bằng cách xử lý đầu vào từ Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa thành phẩm sang Mỹ.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã cố tình tạo điều kiện cho sự tăng trưởng của các mạng lưới cung ứng mới này thông qua đầu tư vào Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Ví dụ, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 80% vào năm 2023 lên 4,5 tỷ đô la và thương mại song phương Việt-Trung đã đạt 260 tỷ đô la, thậm chí còn nhiều hơn thương mại của Trung Quốc với Nga, bất chấp lượng dầu khí khổng lồ mà Trung Quốc đã mua từ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Theo Từ Kỳ Uyên, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc vào Mexico đã đạt tới 3 tỷ đô la trong năm 2023, cao gấp mười lần so với số liệu báo cáo chính thức. Các công ty Trung Quốc đã háo hức đầu tư vào những quốc gia có thể cung cấp con đường tiến vào thị trường Mỹ.
Dù Trung Quốc vẫn muốn giao dịch trực tiếp với Mỹ, nhưng việc dẫn đầu một hệ thống giao dịch song song với phương Nam toàn cầu là giải pháp thay thế có thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, có khả năng Trump sẽ quyết định trừng phạt các bên thứ ba vì hợp tác kinh tế với Trung Quốc, như ông đã đe dọa trong trường hợp của Panama. Và Bắc Kinh không có giải pháp rõ ràng, dễ dàng nào cho loại gián đoạn này. Nhưng động thái của Trump cũng không nhất thiết gây tổn hại đến các quan hệ kinh tế của Trung Quốc – đối với các quốc gia hứng chịu sự tức giận của Tổng thống Mỹ, những cân nhắc kinh tế thực tế vẫn có thể chiếm ưu thế. Thật vậy, sau khi Italy rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường vào tháng 12/2023, quan hệ kinh tế của nước này với Trung Quốc vẫn không biến mất, mà thương mại song phương thậm chí còn tăng trong năm 2024. Đối với nhiều quốc gia ở phương Nam toàn cầu, các thỏa thuận kinh tế có lợi với Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Hơn nữa, Bắc Kinh có thể gặt hái lợi ích nếu các biện pháp cứng rắn của Mỹ làm suy yếu quan hệ của Washington với các quốc gia chủ chốt.
TRÒ CHƠI ĐƯỜNG DÀI
Trung Quốc có nhiều lựa chọn để phản ứng trực tiếp với các mức thuế quan bổ sung, hoặc các biện pháp thương mại khác mà Trump có thể áp đặt: bộ công cụ của họ bao gồm kiểm soát xuất khẩu, lệnh trừng phạt nhắm vào các công ty Mỹ, phá giá tiền tệ Trung Quốc, đánh thuế trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc,… Trung Quốc sẽ triển khai biện pháp nào trong số này và triển khai khi nào còn phụ thuộc vào quyết định của Trump. Tuy nhiên, khác với cách tiếp cận chủ yếu mang tính phản ứng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, lần này Bắc Kinh sẽ không chỉ có phản ứng chiến thuật, mà còn có chiến lược lớn hơn. Cuối cùng, Trung Quốc hy vọng sẽ sử dụng các chính sách của Trump để mang lại lợi thế cho riêng mình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng cuộc thương chiến do Mỹ khởi xướng để kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm lợi ích khác nhau đối với các cải cách có ý nghĩa trong nước và mở rộng quan hệ với các quốc gia bị Mỹ xa lánh, từ đó củng cố vị thế của Trung Quốc trong một hệ thống thương mại toàn cầu đã được tái định hướng.
Khác với năm 2016, giới lãnh đạo Trung Quốc giờ đây đã biết phải mong đợi gì từ Trump. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã cho Bắc Kinh thấy rằng không có gì là không thể. Chính quyền của ông đã phá vỡ những điều cấm kỵ khi thảo luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đài Loan, cũng như bác bỏ giả định rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ không giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định. Kinh nghiệm đó đã khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh nghiêm túc xem xét khả năng chính quyền Mỹ áp đặt mức thuế quan cao ngất ngưởng đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc, hoặc tìm cách thúc đẩy quan hệ của Mỹ với Đài Loan. Sau khi chứng kiến quan hệ song phương tuột dốc không phanh vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không khỏi cảm thấy rằng họ đã chứng kiến điều tồi tệ nhất. Sự thật là Trump đã mất đi yếu tố bất ngờ.
Sau tám năm học hỏi và chuẩn bị để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các chính sách của Trump, bằng cách tăng cường đầu tư trong nước và xây dựng quan hệ đối tác với phương Nam toàn cầu, Bắc Kinh tin rằng họ đủ sức chịu đựng thêm một nhiệm kỳ tổng thống đầy biến động của Mỹ. Nhưng có lẽ một số suy nghĩ viển vông đã thúc đẩy chiến lược của họ. Nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình thế bấp bênh, và vấn đề dư thừa công suất của nước này đang buộc họ phải tăng xuất khẩu và tạo ra làn sóng phản kháng trên toàn thế giới. Tương lai kinh tế của Trung Quốc là không chắc chắn, và tình trạng suy thoái có thể sẽ không thể đảo ngược ngay cả với sự can thiệp tích cực của chính phủ, bất kể người Mỹ có làm gì.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tự tin rằng, ngay cả khi nền kinh tế của nước họ bị ảnh hưởng, thì nhiệm kỳ bốn năm tiếp theo của Trump khó có thể đẩy họ vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Và họ dự đoán rằng nếu Trump thực hiện các chính sách đã tuyên bố của mình, chẳng hạn như các chính sách về thương mại và mở rộng lãnh thổ, ông có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho uy tín và vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Do đó, Bắc Kinh xem nhiệm kỳ thứ hai của Trump là cơ hội tiềm năng để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình xa hơn và nhanh hơn. Theo quan điểm này, cạnh tranh với Mỹ không phải là động lực thúc đẩy đại chiến lược của Trung Quốc. Thay vào đó, nó là một thành phần của một quá trình lớn hơn: sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự thay thế Mỹ trở thành siêu cường hàng đầu thế giới, điều mà Tập Cận Bình thường mô tả là “những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ.” Bắc Kinh tin rằng chính các chính sách của Washington sẽ phá bỏ nền tảng bá quyền toàn cầu của Mỹ, ngay cả khi nó tạo ra nhiều biến động cho các quốc gia khác trong quá trình này. Do đó, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc chỉ đơn giản là vượt qua cơn bão.
Tôn Vân là Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson.