Nguồn: Jason Furman, “The Post-Neoliberal Delusion,” Foreign Affairs, 10/02/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Dù có rất nhiều lời giải thích cho chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, nhưng quan điểm của cử tri về nền kinh tế Mỹ có lẽ là yếu tố mang tính quyết định. Trong cuộc thăm dò ý kiến diễn ra ngay trước thềm bầu cử, hơn 60% cử tri ở các tiểu bang dao động đồng ý rằng nền kinh tế đang đi sai hướng, trong khi một con số còn cao hơn bày tỏ lo ngại về chi phí sinh hoạt. Trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu, 75% cử tri đồng ý rằng lạm phát là một “khó khăn.”
Những quan điểm này có vẻ đáng ngạc nhiên khi xét đến nhiều chỉ số kinh tế khác nhau tại thời điểm diễn ra bầu cử. Rốt cuộc thì tỷ lệ thất nghiệp đã xuống thấp, lạm phát giảm, tăng trưởng GDP mạnh, và tiền lương tăng nhanh hơn giá cả. Tuy nhiên, những con số này phần lớn đã bỏ qua những tác động lâu dài mà tình trạng giá cả tăng mạnh gây ra cho nhiều người Mỹ, khiến họ khó có thể chi trả cho hàng hóa thường ngày, thanh toán thẻ tín dụng, và mua nhà. Không hoàn toàn vô lý khi họ đổ lỗi hoàn toàn cho chính quyền Biden.
Biden nhậm chức tổng thống vào năm 2021 với những gì ông hiểu là nhiệm vụ kinh tế “Xây dựng Lại Tốt hơn” (Build Back Better). Nước Mỹ khi đó vẫn chưa mở cửa hoàn toàn sau gần một năm phong tỏa do đại dịch COVID-19, theo đó kìm hãm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Biden đặt ra mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế hậu đại dịch của đất nước dựa trên một cách tiếp cận mới, mạnh hơn đối với quản trị. Kể từ thập niên 1990, chính sách kinh tế của Đảng Dân chủ phần lớn được định hình theo cách tiếp cận kỹ trị, bị những người chỉ trích chế giễu là “chủ nghĩa tân tự do,” bao gồm tôn trọng thị trường, nhiệt tình ủng hộ tự do hóa thương mại và mở rộng bảo vệ phúc lợi xã hội, và ác cảm với chính sách công nghiệp. Ngược lại, đội ngũ của Biden đã thể hiện nhiều tham vọng hơn thế: chi tiêu nhiều hơn, làm nhiều hơn để định hình lại các ngành công nghiệp cụ thể, và ít bị phụ thuộc vào các cơ chế thị trường để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu. Do đó, họ đặt ra mục tiêu giúp chính phủ tham gia mạnh hơn vào toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả trong các lĩnh vực như đầu tư công, thực thi luật chống độc quyền, và bảo vệ người lao động; khôi phục chính sách công nghiệp quy mô lớn; và ủng hộ các gói kích thích kinh tế trực tiếp khổng lồ, ngay cả khi chúng kéo theo thâm hụt chưa từng có. Chính quyền cuối cùng đã gọi cách tiếp cận này là “Bidenomics.”
Các cố vấn của Biden và một số nhà kinh tế học nổi tiếng tuyên bố rằng chương trình nghị sự Xây dựng Lại Tốt hơn sẽ báo hiệu khởi đầu của kỷ nguyên hậu tân tự do, trong đó đầu tư công lớn vào cơ sở hạ tầng và kinh tế trong nước sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng toàn diện và tương lai năng lượng sạch. Theo quan điểm của họ, họ đang lật sang trang mới, theo đuổi các chính sách kinh tế khác biệt hoàn toàn so với chính sách thời Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, mà đội ngũ của Biden ngầm cho là quá chú trọng vào tự do thương mại, quá e ngại việc chi tiêu thâm hụt, và quá ỷ lại vào các chương trình phúc lợi xã hội để khắc phục những vấn đề phát sinh. Thay vào đó, để giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ cần một chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi để phục hồi sản xuất trong nước và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Tuy nhiên, bước ngoặt hậu tân tự do của chính quyền Biden – những chuyển đổi kinh tế từng thúc đẩy sự so sánh với nhiệm kỳ tổng thống của Franklin Roosevelt – đã thất bại thảm hại trong việc đạt được mục tiêu tham vọng của mình. Ở một số khía cạnh, các kết quả kinh tế vĩ mô là rất ấn tượng. Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi nhanh hơn nhiều so với sau các cuộc suy thoái trước đó, và hiệu suất hậu đại dịch của nước này cũng vượt xa nhiều quốc gia ngang hàng về mặt tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự phục hồi đã diễn ra không đồng đều, bị cản trở bởi tình trạng lạm phát mà phần nào là do các chính sách của chính Biden gây ra. Lạm phát, thất nghiệp, lãi suất, và nợ chính phủ năm 2024 đều cao hơn so với năm 2019. Từ năm 2019 đến năm 2023, thu nhập hộ gia đình điều chỉnh theo lạm phát thực chất đã giảm trong khi tỷ lệ nghèo đói tăng lên.
Ngay cả trước khi lạm phát làm tiêu tan cơ hội tái đắc cử của Biden, nó cũng đã làm suy yếu các mục tiêu của chính quyền. Bất chấp những nỗ lực để tăng tín dụng thuế trẻ em và tăng mức lương tối thiểu, sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, cả hai khoản này đều thấp hơn đáng kể ở thời điểm Biden rời nhiệm sở so với khi ông nhậm chức. Bất chấp tất cả những lời lẽ tôn vinh mà ông dành cho người lao động Mỹ, Biden là tổng thống Dân chủ đầu tiên trong một thế kỷ không mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Và dù đã ký thành luật một dự luật cơ sở hạ tầng cam kết dành hơn 500 tỷ đô la để xây dựng lại mọi thứ từ cầu đường đến băng thông, chi phí xây dựng tăng vọt đã khiến người Mỹ xây được ít công trình hơn so với trước khi luật được thông qua.
Vẫn có những thành công quan trọng, đặc biệt là khi xét đến thế đa số mong manh tại Quốc hội dưới thời Biden. Các đạo luật quan trọng mà ông thúc đẩy để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã giúp giảm lượng khí thải và có lẽ vẫn sẽ tiếp tục cắt giảm khí thải ngay cả khi phải đối mặt với sự thù địch từ chính quyền Trump. Ngành chế tạo chất bán dẫn trong nước đang được phục hồi. Nhưng sự phục hưng được kỳ vọng của ngành chế tạo vẫn chưa trở thành hiện thực. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực chế tạo đã giảm suốt nhiều thập kỷ và không tăng trở lại, trong khi tổng sản lượng công nghiệp trong nước bị trì trệ – một phần là do quá trình mở rộng tài chính mà Biden giám sát đã dẫn đến chi phí cao hơn, đồng đô la mạnh hơn, và lãi suất cao hơn, tất cả đều tạo ra những trở ngại cho các lĩnh vực chế tạo vốn không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp đặc biệt nào từ đạo luật mà tổng thống ủng hộ.
Chính quyền Biden đã không nghiêm túc tính toán đến những hạn chế của ngân sách và đối phó với những tác động của “sự lấn át” (crowding out), khi sự gia tăng chi tiêu của khu vực công khiến khu vực tư nhân đầu tư ít hơn. Cả hai sai lầm này đều phản ánh sự không sẵn lòng đối mặt với những đánh đổi trong chính sách kinh tế, và do đó cho phép Trump quay trở lại Nhà Trắng cùng một làn sóng bất mãn. Đối với Đảng Dân chủ, sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng thất bại của họ chỉ đơn thuần do sự phản đối toàn cầu đối với các lãnh đạo đương nhiệm – hoặc tệ hơn, kết luận rằng cử tri Mỹ chỉ đơn giản là không đánh giá cao mọi thứ mà Biden đã làm cho họ.
Để thực sự xây dựng lại tốt đẹp hơn, cần phải khai thác tham vọng chuyển đổi kinh tế của chính quyền Biden mà không loại bỏ những cân nhắc kinh tế thông thường về hạn chế ngân sách, đánh đổi, và phân tích chi phí-lợi ích. Nói cách khác, không nên khuất phục trước ảo tưởng hậu tân tự do.
NHỮNG KHOẢN KÍCH THÍCH KHỔNG LỒ
Biden đã bước vào Phòng Bầu dục vào một thời điểm đặc biệt không chắc chắn trong đại dịch COVID-19. Các loại vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nghiêm trọng và các ca tử vong đã có sẵn kể từ tháng 12/2020 và được triển khai nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Nhưng trong vài tháng đầu năm 2021, thời gian chờ tiêm vaccine vẫn khá dài và virus vẫn tiếp tục hoành hành. Số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng vọt trên toàn quốc; tháng 01/2021 là tháng có tỷ lệ tử vong cao nhất trong toàn bộ thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn duy trì khá tốt. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức khoảng 6% và đang giảm, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm khoảng 15% của giai đoạn đầu đại dịch và thấp hơn nhiều so với dự báo đáng sợ của các nhà kinh tế, những người đã dự kiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai chữ số vào năm 2021. GDP vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội ngăn cản thương mại trực tiếp.
Nền kinh tế cũng ngập tràn nhu cầu bị dồn nén từ người tiêu dùng, những người đã không thể chi tiêu trong suốt đại dịch. Năm 2020, gần cuối nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, Quốc hội Mỹ đã thông qua 3,4 nghìn tỷ đô la hỗ trợ tài chính; vào tháng 12 năm đó, 900 tỷ đô la đã được ủy quyền để tài trợ cho các khoản séc kích thích trị giá 600 đô la cho hầu hết người lớn ở Mỹ. Dù đại dịch đã tàn phá sức khỏe cộng đồng, nhưng nhiều hộ gia đình chưa bao giờ có tình hình tài chính tốt hơn, với tổng số tiền thanh toán nợ chiếm tỷ lệ thấp nhất trong thu nhập khả dụng suốt hàng thập kỷ, tình trạng chậm trả nợ và vỡ nợ vẫn ở mức thấp, trong lúc một lượng tiền cao kỷ lục nằm trong các tài khoản séc trên toàn bộ phổ thu nhập. Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng sau khi triển khai tiêm chủng, thì nền kinh tế cũng sẽ sớm phục hồi. Quả thật, khi Biden nhậm chức, người Mỹ đã tích lũy được 1,5 nghìn tỷ đô la tiền tiết kiệm dư thừa từ sự hào phóng của liên bang vào năm 2020 và sức mua bị kìm hãm của họ đang chờ được giải phóng thông qua việc mở cửa trở lại – theo đó khiến một gói kích cầu lớn khác trở nên không cần thiết về mặt kinh tế vĩ mô. Nhà kinh tế học và chuyên gia bình luận của tờ New York Times Paul Krugman đã tóm tắt quan điểm này từ cuối năm 2020. “Khi chúng ta đạt được mục tiêu tiêm chủng rộng rãi, nền kinh tế sẽ phục hồi,” ông viết. “Xét trung bình, người Mỹ đã tiết kiệm được rất nhiều tiền và sẽ thoát khỏi đại dịch với bảng cân đối kế toán mạnh hơn trước đây.”
Tuy nhiên, trái ngược với những dự đoán đầy hy vọng của nhiều nhà kinh tế học chính thống, chính quyền Biden kế nhiệm đã hành động mạnh mẽ, đề xuất Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la ngay từ trước khi nhậm chức. Tính đến quý 4 năm 2020, GDP của Mỹ thấp hơn 3% so với dự báo trước đại dịch, do đó một khoản kích thích bổ sung 650 tỷ đô la – khoảng một phần ba số tiền được đề xuất – là đủ để lấp đầy lỗ hổng trong nền kinh tế.
Tiền là cần thiết cho việc tiêm chủng, xét nghiệm, và các nỗ lực ngăn chặn bệnh dịch khác. Tuy nhiên, phần lớn chi tiêu đã được dành cho các đầu mục rõ ràng là không cần thiết. Khoảng 900 tỷ đô la, khoản tiền lớn nhất trong dự luật, là nhằm hỗ trợ các hộ gia đình thông qua các khoản thanh toán trực tiếp và các khoản chuyển nhượng khác. Nhưng đến tháng 12/2020, mức lương thực tế hàng tháng bình quân đầu người chỉ thấp hơn khoảng 2% so với xu hướng trước đại dịch và khoảng cách đang nhanh chóng được thu hẹp. (Tiền lương đã trở lại mức trước đại dịch vào tháng 04/2021.) Thu hẹp khoảng cách này chỉ cần dưới 100 tỷ đô la – ít hơn nhiều so với con số hàng trăm tỷ đô la chi tiêu kích thích mà Quốc hội đã thông qua. Dù nguồn thu của tiểu bang và địa phương đã phục hồi hoàn toàn về mức trước COVID vào cuối năm 2020, nhưng các chính quyền tiểu bang và địa phương vẫn nhận được thêm khoảng 500 tỷ đô la trong gói kích thích.
Có một số lý do đằng sau khoản chi khổng lồ này. Một phần là do sự không chắc chắn về hậu quả của đợt bùng phát COVID vào tháng 01/2021. Đạo luật này cũng là một sự điều chỉnh quá tay đối với gói kích thích không đủ của chính quyền Obama sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vốn đã góp phần vào sự phục hồi chậm chạp đầy đau đớn của nước Mỹ. Vào năm 2021, các quan chức chính quyền Biden đã thất bại trong việc cập nhật các chính sách của mình vì dữ liệu kinh tế hóa ra không tệ như dự kiến.
Nhưng các ý tưởng kinh tế cũng đóng một vai trò quan trọng. Các nhà hoạch định chính sách đã quyết định điều hành một nền kinh tế “nóng”: nghĩa là hỗ trợ cầu cao để khởi động nền kinh tế ngay cả khi điều đó có nghĩa là nguy cơ lạm phát cao hơn. Chính quyền Biden tin rằng cầu dư thừa mà điều này tạo ra sẽ có lợi cho một nhóm lớn người lao động, bằng cách tăng sức mạnh mặc cả của họ và, theo đó, tăng lương đã điều chỉnh theo lạm phát của họ. Chính quyền cũng bác bỏ những tiếng nói bất đồng bày tỏ sự hoài nghi về cách tiếp cận này, chẳng hạn như nhà kinh tế Larry Summers, người đã cảnh báo rằng nó sẽ dẫn đến lạm phát cao.
Nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng sau khi thông qua gói kích thích. Tốc độ phục hồi diễn ra nhanh hơn nhiều so với sự phục hồi chậm chạp và khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – một sự khác biệt chủ yếu là do các cuộc khủng hoảng tài chính có xu hướng có tác động tiêu cực dai dẳng đến sản lượng, trong khi đại dịch chỉ khiến nền kinh tế đóng cửa tạm thời với ít tác động lâu dài hơn. Nhưng quá trình phục hồi đã diễn ra từ giữa năm 2020, và GDP thực tế đã tăng trưởng mạnh, đạt 5,6% trong quý 1 của năm 2021, vào thời điểm mà phần lớn các khoản tiền từ Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng trong nền kinh tế. Hầu hết các quốc gia đều phục hồi nhanh chóng sau cú sốc ban đầu của COVID, bất kể họ có thông qua các gói kích thích lớn hay không. Dù những người ủng hộ Biden lập luận rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế là bằng chứng cho thấy thành công của gói kích thích (và cũng chứng minh tính hợp lý của các ý tưởng của chính quyền), nhưng phần lớn sự tăng trưởng đó có thể được diễn giải bằng các yếu tố cấu trúc đã xuất hiện từ trước cả đại dịch và gói kích thích, bao gồm tăng trưởng năng suất nhanh hơn và những thay đổi thuận lợi về nhân khẩu học. Khi so sánh với các nước phát triển khác thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ ở giai đoạn sau đại dịch chỉ ở mức trung bình so với dự báo trước đại dịch.
BƠM TIỀN VÀO NỀN KINH TẾ
Cuối cùng, các kế hoạch cải tổ nước Mỹ của chính quyền Biden sẽ bị cản trở bởi một đợt lạm phát nghiêm trọng. Bắt đầu từ năm 2021, đất nước đã trải qua tình trạng lạm phát kéo dài nhất kể từ đầu thập niên 1980. Tỷ lệ lạm phát tăng vọt từ khoảng 2% lên mức cao là 9%, với mức giá – giá trung bình của tất cả hàng hóa và dịch vụ – tăng khoảng 20% chỉ trong bốn năm.
Những người bảo vệ Biden lập luận rằng nguyên nhân đến từ bên ngoài, chứ không phải là kết quả của các chính sách của chính quyền. Họ nói rằng việc tình trạng lạm phát gia tăng ở Mỹ cũng được phản ánh trong các nền kinh tế trên toàn thế giới là bằng chứng cho thấy Bidenomics không đáng bị đổ lỗi. Họ đã đúng một phần. Cuộc xâm lược Ukraine vô cớ của Nga vào năm 2022, cũng như các vấn đề về chuỗi cung ứng bắt nguồn từ đại dịch, đã làm tăng đáng kể giá năng lượng và thực phẩm. Thật vậy, ở bên ngoài nước Mỹ, các cú sốc cung năm 2022 còn tồi tệ hơn nhiều: giá khí đốt tự nhiên đạt đỉnh ở mức 10 đô la cho một triệu BTU tại Mỹ, nhưng lên đến 100 đô la cho một triệu BTU tại Châu Âu, do các nước Châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung năng lượng của Nga và hoạt động thương mại khí đốt tự nhiên toàn cầu hạn chế.
Tuy nhiên, việc lạm phát là một hiện tượng toàn cầu không làm giảm trách nhiệm của chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ, tương tự như cách Đại Khủng hoảng hoặc Đại Suy thoái không thể bào chữa cho những sai lầm trong việc quản lý nền kinh tế của các nhà hoạch định chính sách Mỹ thời đó. Chỉ riêng cuộc chiến ở Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng không thể giải thích những gì đã xảy ra ở Mỹ, nơi lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã đạt đỉnh gần 7% vào giữa năm 2022. Đây không chỉ đơn thuần là kết quả của việc giá năng lượng và thực phẩm tăng được chuyển sang các mặt hàng khác, chẳng hạn như vé máy bay. Giá năng lượng không nhất thiết dẫn đến mức tăng lớn trong lạm phát lõi; khi giá năng lượng tăng vọt vào năm 2005, lạm phát cơ bản vẫn ở mức dưới 2%. Hơn nữa, đợt tăng giá lần này còn rất dai dẳng. Đến cuối năm 2022, giá dầu đã về lại mức trước khi Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm đó, nhưng mức tăng giá chung vẫn không đảo ngược, và trên thực tế, lạm phát vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng không phải là nguồn gây căng thẳng, mà là một thành công chưa được đánh giá đúng mức. Vào năm 2021, chi tiêu thực tế của người tiêu dùng cho hàng hóa lâu bền tại Mỹ đã tăng gần 30% so với mức trước COVID; không có sự gia tăng tương đương nào ở các quốc gia không tiếp tục cung cấp các khoản séc kích thích. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đã có thể đáp ứng được mức tăng chi tiêu ở Mỹ, một phần thông qua mức tăng lớn về nhập khẩu. Vào năm 2021, các cảng của Mỹ đã xử lý khối lượng hàng hóa nhiều hơn 19% so với giai đoạn trước COVID, một mức tăng lớn bất thường là nguyên nhân khiến tàu bè ùn ứ tại các cảng của Mỹ, mà nhiều người đã quy kết không chính xác là do sự chậm lại của chuỗi cung ứng. Các cảng đó đơn giản là không thể theo kịp nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng Mỹ. Đây không phải là sự gián đoạn nguồn cung, mà là một cú sốc cầu lớn xuất phát một phần từ quyết định cung cấp một đợt séc kích thích khác của chính quyền Biden.
Quyết định gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế cũng dẫn đến tăng trưởng lớn trong GDP danh nghĩa, vì chi tiêu chắc chắn sẽ tăng khi các hộ gia đình có nhiều tiền hơn. Nhưng GDP thực tế không thể tăng nhiều hơn do những hạn chế về năng lực sản xuất của nền kinh tế. Và sự chênh lệch đã được biểu hiện dưới dạng giá cả cao hơn. Các yếu tố như thị hiếu của người tiêu dùng và chuỗi cung ứng quyết định tăng giá sẽ xuất hiện ở đâu trong nền kinh tế, nhưng chúng không thúc đẩy mức tăng giá trung bình chung. Nếu không có lượng tiền mặt lớn được bơm vào nền kinh tế và phản ứng chậm trễ của Cục Dự trữ Liên bang đối với sự xuất hiện của lạm phát (Fed đã không tăng lãi suất cho đến tháng 03/2022), thì giá hàng hóa cao hơn hẳn đã dẫn đến việc cắt giảm dịch vụ và tăng trưởng giá thấp hơn mà không làm tăng đáng kể lạm phát tổng thể. Các nhà kinh tế và chuyên gia từng tuyên bố rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời đã dự đoán đúng rằng giá hàng hóa sẽ ngừng tăng, nhưng lại kỳ vọng sai lầm rằng điều đó có nghĩa là lạm phát sẽ chấm dứt. Thay vào đó, lạm phát đã di chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ, lĩnh vực mà lạm phát vẫn ở mức cao cho đến ngày nay.
Chính quyền Biden không phải là chính quyền duy nhất bỏ lỡ rủi ro lạm phát. Một số nhà kinh tế Cộng hòa cũng bác bỏ ý tưởng rằng kích thích tài khóa sẽ gây ra lạm phát, và thị trường tài chính cho rằng các nhà đầu tư tin rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, chính những mô hình kinh tế vĩ mô kỹ trị đã từng khuyến nghị, một cách vô ích, một gói kích thích tài khóa lớn hơn trong cuộc Đại Suy thoái 2009-2010, giờ đây lại khuyến nghị một gói kích thích tài khóa nhỏ hơn nhiều sau đại dịch. Nhưng mong muốn tránh lặp lại sai lầm của chính quyền năm 2008 và sự say mê với giả thuyết nền kinh tế nóng đã khiến nền kinh tế phải trả giá đắt.
TÌNH TRẠNG VIỆC LÀM
Biden hy vọng rằng một nền kinh tế nóng sẽ có lợi cho người lao động, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, thông qua gia tăng việc làm và tăng trưởng tiền lương nhanh hơn. Quan điểm này đã tìm thấy sự ủng hộ ngoài các nhóm vận động cánh tả vốn từ lâu đã thúc đẩy các chính sách kinh tế thân thiện với người lao động: các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang và thậm chí một số nhà kinh tế cánh hữu cũng ủng hộ quan điểm này, tin rằng những trải nghiệm như sự bùng nổ tiền lương vào cuối thập niên 1990 là bằng chứng về hiệu quả của nó.
Thật không may, lý thuyết này lại không thành công trong thực tế. Nền kinh tế quá nóng xảy ra cùng lúc với đợt tăng thâm hụt ngân sách thứ hai – do chi tiêu trước hạn gắn với đạo luật cơ sở hạ tầng, Đạo luật CHIPS và Khoa học, và các dự luật về khí hậu, cộng với các hành động hành pháp của Biden, chẳng hạn như giảm nợ vay cho sinh viên – đã buộc Cục Dự trữ Liên bang phải tăng mạnh lãi suất. Dù lạm phát phần lớn đã được kiểm soát vào giữa năm 2024, nhưng tác động vẫn kéo dài. Tính đến tháng 12/2024, tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 4%, cao hơn mức 3.5% trước COVID, và lạm phát vẫn cao hơn một chút so với mục tiêu. Quan trọng hơn, tiền lương sau khi điều chỉnh theo lạm phát hầu như không tăng so với mức trước đại dịch và toàn bộ mức tăng lương thực tế đã diễn ra từ năm 2020; nhìn chung, tiền lương thực tế đã giảm kể từ tháng 01/2021.

Trong khi đó, từ năm 2020 đến năm 2024, tăng trưởng tiền lương thực tế trung bình của người lao động trong mọi nhóm thu nhập đều chậm hơn so với giai đoạn 2014-2019. Tăng trưởng tiền lương thực tế nhanh chóng, đặc biệt là đối với người lao động thu nhập thấp, bắt đầu vào năm 2014, khi tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 6%, nhưng đã giảm mạnh khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4% vào năm 2022. Điều đó khiến người ta rất khó lập luận rằng các chính sách của Biden đã đóng góp nhiều vào tăng trưởng tiền lương thực tế. Và dù bằng cách giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, việc làm nóng nền kinh tế đã mang lại cho người lao động nhiều đòn bẩy hơn để yêu cầu mức lương danh nghĩa cao hơn, nhưng nó cũng mang lại cho các doanh nghiệp nhiều đòn bẩy hơn để tăng giá, làm suy yếu lợi ích của nhiều người dân Mỹ bình thường.
Vấn đề càng trầm trọng hơn khi chính quyền chỉ tập trung vào cầu mà bỏ qua việc giải quyết những khó khăn về phía cung, ví dụ như những thủ tục cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng vô cùng phức tạp. Kết quả là, cơ sở hạ tầng phải chịu số phận thậm chí còn tồi tệ hơn cả tiền lương thực tế. Hơn một nửa số tiền trong Luật Cơ sở Hạ tầng Lưỡng đảng phân bổ cho các tiểu bang cho đến đầu năm 2024 đã được sử dụng cho các dự án đường cao tốc và cầu, khiến chi tiêu cho đường cao tốc tăng đột biến, tăng 36% từ giữa năm 2019 đến giữa năm 2024. Nhưng chi phí liên quan đến xây dựng, bao gồm nhựa đường, bê tông, và nhân công, thậm chí còn tăng nhiều hơn, khiến chi tiêu thực tế cho cơ sở hạ tầng giảm 17% trong cùng kỳ. Trên thực tế, số tiền đầu tư của liên bang vào đường cao tốc trong mọi năm dưới thời chính quyền Biden đều thấp hơn bất kỳ năm nào trong giai đoạn 2003-2020. Cái mà người ta gọi là bùng nổ xây dựng của Biden trên thực tế lại là phá sản xây dựng.
Luật Cơ sở Hạ tầng Lưỡng đảng đã không giải quyết được nhiều nguyên nhân gốc rễ của vấn đề không đủ khả năng chi trả cho cơ sở hạ tầng lâu dài của Mỹ – các đợt đánh giá môi trường quá mức, quy trình cấp phép phức tạp và luật yêu cầu người lao động phải được trả lương theo mức lương hiện hành – và ở một số khía cạnh, đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng bằng cách đặt ra các yêu cầu mới. Việc cải cách quy trình cấp phép dự kiến sẽ được thông qua cùng với dự luật về khí hậu, nhưng điều này đã không xảy ra. Nguyên nhân là do sự phản đối của Đảng Cộng hòa và việc Đảng Dân chủ lo ngại sẽ vấp phải sự giận dữ từ các nhà hoạt động môi trường. Việc chi một số tiền khổng lồ mà không có bất kỳ động thái nào để tăng năng lực xây dựng đã khiến chi phí vật liệu xây dựng tăng vọt, vượt xa so với mức được phản ánh trong tỷ lệ lạm phát chung.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
Tháng 01/2021, Biden tuyên bố rằng một trong những mục tiêu chính của chính quyền ông là “tái thiết xương sống của nước Mỹ: chế tạo, công đoàn, và tầng lớp trung lưu.” Trọng tâm này dựa trên công trình của những người chỉ trích học thuyết kinh tế chính thống cũ, những người cáo buộc rằng sự nhấn mạnh của chủ nghĩa tân tự do vào thương mại tự do mà không có bất kỳ hỗ trợ nào cho người lao động đã tàn phá các cộng đồng chế tạo từng thịnh vượng và dẫn đến sự bất mãn với quá trình phi công nghiệp hóa vốn đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Trump. Biden đặt mục tiêu khôi phục ngành chế tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà ông cho là quan trọng đối với an ninh quốc gia và tiến trình khí hậu. Ông đã phát triển dựa trên các chính sách của Trump bằng cách duy trì, cải tổ, hoặc mở rộng các hạn chế về thương mại để thúc đẩy sản xuất trong nước. Ông cũng tăng cường và thực thi nghiêm ngặt hơn các quy tắc “Mua hàng Mỹ” đối với hoạt động mua sắm của chính phủ, cung cấp trợ cấp cho các công ty đi tìm nguồn năng lượng sạch trong nước, và mở rộng sản xuất pin xe điện tại Mỹ. Quy trình do Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ sử dụng, cơ quan xem xét các đề xuất đầu tư nước ngoài vào các công ty Mỹ, đã được củng cố, lên đến đỉnh điểm là việc chính quyền chặn Nippon Steel của Nhật Bản mua lại U.S. Steel. Chính phủ cũng cung cấp hàng chục tỷ đô la hỗ trợ trực tiếp cho ngành chế tạo nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, cho đến nay, nỗ lực phục hồi ngành chế tạo của Mỹ đã đạt được rất ít thành công. Tỷ lệ công đoàn hóa đã giảm xuống dưới 10% vào năm 2024, mức giảm đầu tiên được ghi nhận. Tỷ lệ công nhân trong ngành chế tạo tiếp tục giảm với tốc độ tương tự như trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama và Trump đầu tiên. Sản lượng chế tạo vẫn giữ nguyên ở mức từ năm 2014. Đúng là vẫn có khả năng các chính sách của Biden sẽ bắt đầu có hiệu quả sau một thời gian; một dấu hiệu đáng mừng là xây dựng nhà máy đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Nhưng các chỉ số khác, chẳng hạn như đầu tư vào thiết bị công nghiệp, vẫn chưa tăng, cho thấy rằng ngành chế tạo có lẽ sẽ tiếp tục trì trệ.

Sự hồi sinh của ngành chế tạo cũng phải đối mặt với vấn đề lấn át. Ví dụ, bằng cách tăng trợ cấp cho chế tạo chất bán dẫn và đổi mới công nghệ xanh, chính phủ đã khuyến khích sản xuất trong các ngành này. Nhưng những chính sách này, cùng với các chính sách mở rộng tài chính khác, đã làm tăng giá vật liệu và thiết bị, tiền lương cho công nhân xây dựng và nhà máy, lãi suất cho các doanh nhân hy vọng vay vốn, và giá trị của đồng đô la – tất cả những điều này đã khiến cho những ngành sản xuất không được trợ cấp khó phát triển hơn.
Chính sách công nghiệp cũng có những ưu điểm, nhưng nó không đáp ứng được những tuyên bố cường điệu của Biden rằng nó sẽ mở ra một cuộc phục hưng trong ngành chế tạo cùng với hàng triệu việc làm được trả lương cao. Đạo luật CHIPS dường như đang thành công trong mục tiêu chính của mình là chuyển hoạt động sản xuất chip tiên tiến sang Mỹ. Và xét đến việc các lợi ích an ninh quốc gia của hoạt động chế tạo chất bán dẫn trong nước không được định giá vào thị trường, thì việc lấn át các ngành công nghiệp khác bằng các khoản trợ cấp của chính phủ cho hoạt động sản xuất chip là điều đáng làm. Nhưng chính sách công nghiệp không dẫn đến việc chế tạo các vi mạch tốt hơn hoặc rẻ hơn, cũng như không tạo ra việc làm ròng. Nó không làm được gì nhiều để phục hồi hoạt động sản xuất hoặc tạo ra việc làm cho tầng lớp trung lưu. Trên thực tế, việc ưu tiên một số lĩnh vực trong khi đẩy lùi những lĩnh vực khác có thể khiến một số công ty tăng tốc độ tạo thêm việc làm mới trong khi những công ty khác lại cắt giảm việc làm, từ đó tạo ra những người chiến thắng và kẻ thua cuộc về kinh tế mà những người chỉ trích hậu tân tự do phàn nàn là kết quả của hoạt động thương mại mở rộng.
Chính quyền Biden cũng duy trì và thậm chí mở rộng thuế quan, theo đuổi chính sách đối ngoại bất chấp việc gây tổn hại đến tầng lớp trung lưu khi giữ giá hàng nhập khẩu ở mức cao. Đôi khi, việc trả giá cho một mục tiêu khác là xứng đáng; ví dụ, lệnh trừng phạt đối với Nga yêu cầu người Mỹ phải trả một cái giá nhỏ cho một mục tiêu chính sách đối ngoại có giá trị. Nhưng các nhà hoạch định chính sách không nên tự lừa dối mình khi nghĩ rằng những chính sách này là đôi bên cùng có lợi, vốn là điều mà chính quyền Biden đã làm. Chẳng hạn, Biden chưa bao giờ làm công việc khó khăn là giải thích cho công chúng rằng việc thực thi thêm các hạn chế đối với thương mại với Trung Quốc sẽ gây ra chi phí thực sự cho người Mỹ, nhưng lợi ích an ninh quốc gia là xứng đáng với nỗi đau kinh tế.
NỀN KINH TẾ XANH
Biden đã đưa chính sách khí hậu vào trọng tâm chương trình nghị sự của mình, thúc đẩy một chương trình dựa trên chính sách công nghiệp, quy định, và trợ cấp mà những người ủng hộ đã lập luận hợp lý rằng nó có nhiều khả năng được Quốc hội thông qua hơn là chính sách định giá carbon được nhiều nhà kinh tế ưa chuộng. Nhưng lý lẽ cho cách tiếp cận này vượt ra ngoài tính khả thi về mặt chính trị; chính quyền Biden và những người bảo vệ lập luận rằng thuế carbon không thể hạn chế lượng khí thải ở quy mô cần thiết để làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, và rằng bộ chính sách của họ có thể giải quyết cả cuộc khủng hoảng khí hậu và tạo ra việc làm lương cao bằng cách chuyển sản xuất công nghệ xanh sang Mỹ.
Bất chấp mọi khó khăn, Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) đã được thông qua thành luật vào tháng 08/2022, với các khoản trợ cấp lớn cho năng lượng tái tạo, xe điện, và sản xuất công nghệ xanh trong nước. Theo ước tính của chính phủ, lượng khí thải của Mỹ sẽ thấp hơn khoảng 17% vào năm 2050 so với dự báo trước khi IRA được thông qua. Xét đến những hạn chế về mặt chính trị, chính quyền Biden không thể làm gì nhiều hơn để chống lại biến đổi khí hậu.
Những người ủng hộ cho rằng cách tiếp cận chính sách công nghiệp là lựa chọn tiến bộ hơn, nhưng nó chỉ cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các tập đoàn, trong khi thuế carbon có thể cung cấp các khoản giảm giá cho các hộ gia đình. Số lượng việc làm tăng thêm không đáng kể, và tương tự như chương trình CHIPS (thậm chí còn hơn), IRA có khả năng sẽ chỉ mang lại lợi ích cho một số ngành nhất định, trong khi gây bất lợi cho những ngành còn lại. Chẳng hạn, việc chuyển trọng tâm sản xuất từ động cơ đốt trong sang xe điện cho thấy khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua một “cú sốc xanh” tương tự như “cú sốc Trung Quốc” đã tấn công các ngành sản xuất cách đây hai thập kỷ.

Quan trọng hơn, IRA sẽ không hiệu quả hơn trong việc giảm phát thải so với thuế carbon mà những người theo chủ nghĩa hậu tân tự do đã chỉ trích. Dù số liệu ước tính khác nhau, nhưng một trong những nghiên cứu tinh vi nhất về luật này, do hai cựu quan chức chính quyền Biden đồng thực hiện, đã kết luận rằng mức thuế carbon 12 đô la một tấn sẽ dẫn đến giúp giảm phát thải tương đương với toàn bộ chương trình IRA.
Sự phụ thuộc của IRA vào trợ cấp doanh nghiệp sẽ khiến nó bền bỉ hơn về mặt chính trị. Những người vận động hành lang cho ngành dầu mỏ và Phòng Thương mại đã gây sức ép lên chính quyền Trump, kêu gọi giữ lại các điều khoản chính của đạo luật, dù Trump đã kêu gọi bãi bỏ luật này trong quá trình vận động tranh cử. Nhưng sự phụ thuộc vào trợ cấp cũng khiến IRA khó mở rộng hơn – không thể đơn giản tăng trợ cấp lên 20 lần để giải quyết toàn bộ chi phí xã hội của carbon, mà theo ước tính gần đây của chính quyền Biden là khoảng 200 đô la một tấn. Năm 2005, Liên minh Châu Âu đã thiết lập hệ thống định giá carbon bắt đầu từ khoảng 10 đô la một tấn, nhưng kể từ đó đến nay, con số đã tăng lên hơn 80 đô la một chút khi EU thắt chặt các quy tắc để kiểm soát khí thải. Các chương trình của Biden rất hứa hẹn, nhưng có lẽ chúng sẽ không thể mở rộng quy mô khi nhu cầu cắt giảm khí thải trở nên cấp bách hơn.
Tuyên bố rằng việc từ bỏ các phương pháp tiếp cận kinh tế truyền thống là cách duy nhất để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, như một số người ủng hộ chiến lược của Biden đã làm, sẽ cản trở khả năng chuyển đổi nền kinh tế Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách cần mọi công cụ trong bộ công cụ của mình để chống lại biến đổi khí hậu – bao gồm cả những công cụ “tân tự do.”
LỢI ÍCH RÒNG
Chính sách khí hậu không phải là vấn đề tự do nền tảng duy nhất mà chính quyền Biden coi trọng cách tiếp cận không chính thống của mình. Sự nhiệt tình hậu tân tự do đối với chính sách công nghiệp, cũng như việc thực thi luật chống độc quyền chặt chẽ hơn và quy định thị trường lao động – cái gọi là chính sách phân phối trước – đã khiến những người cấp tiến không nhận ra thực tế rằng Biden đã làm rất ít để phân phối lại thu nhập vĩnh viễn bằng cách xây dựng mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ hơn. Chương trình nghị sự Xây dựng Lại Tốt hơn bao gồm Kế hoạch Việc làm Mỹ cho cơ sở hạ tầng và năng lượng, và Kế hoạch Gia đình Mỹ, trong đó sẽ cung cấp chế độ nghỉ phép có lương cho cha mẹ có con mới sinh và hỗ trợ cho trẻ em. Kế hoạch Việc làm Mỹ đã được thông qua, nhưng Kế hoạch Gia đình Mỹ thì không. Một số người ủng hộ Biden, chẳng hạn như quan chức chống độc quyền hàng đầu của ông là Tim Wu, đã chấp nhận quan điểm rằng các chính sách được thông qua sẽ chuyển đổi nền kinh tế theo cách mà các chính sách xã hội Dân chủ truyền thống hơn sẽ trở nên không cần thiết.
Tất cả các tổng thống Dân chủ kể từ Franklin Roosevelt đều để lại dấu ấn của họ trên mạng lưới an sinh xã hội theo những cách vẫn tồn tại cho đến ngày nay: thiết lập và mở rộng An sinh Xã hội, mở rộng quyền tiếp cận bảo hiểm y tế, cung cấp trợ cấp thực phẩm, và cung cấp hỗ trợ nhà ở. Về phần mình, Biden đã mở rộng tín dụng thuế bảo hiểm cho bảo hiểm y tế theo Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Phải chăng đến năm 2025. Nhưng hai trong số những ưu tiên của ông – mở rộng tín dụng thuế trẻ em và tăng lương tối thiểu – đã bị cản trở bởi lạm phát. Tín dụng thuế trẻ em đã được mở rộng tạm thời vào năm 2021, góp phần giảm đáng kể tình trạng nghèo đói ở trẻ em trong năm đó. Nhưng Đảng Cộng hòa đã chặn việc gia hạn mở rộng tín dụng, nên sau một năm, nó đã trở lại giá trị trước đó là 2.000 đô la cho mỗi đứa trẻ, và mức này chưa bao giờ được điều chỉnh theo lạm phát. Do đó, giá trị thực của nó đã giảm 20% trong bốn năm qua, tương đương với một trong những đợt cắt giảm thực tế lớn nhất đối với hỗ trợ gia đình hoặc mạng lưới an sinh xã hội mà đất nước từng chứng kiến – vượt xa các đạo luật được thông qua bởi những tổng thống tiền nhiệm, những người vốn không mấy thiện cảm với các chương trình này. Đồng thời, Đảng Cộng hòa phản đối việc tăng lương tối thiểu, khiến đề xuất này không đủ đa số phiếu để vượt qua quy định chống trì hoãn tại Thượng viện. Vì vậy, mức lương tối thiểu cũng đã giảm 20% theo giá trị thực, và về cơ bản đã trở nên vô nghĩa, hầu như không có tính ràng buộc trong một thế giới mà sự cạnh tranh buộc hầu hết các chủ lao động phải trả hơn 7,25 đô la một giờ.
TRỞ LẠI VỚI NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN
Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 của Trump phần lớn là lời khiển trách gay gắt đối với chính sách kinh tế của chính quyền Biden. Những người ủng hộ chương trình nghị sự Xây dựng Lại Tốt hơn, khi tự thuyết phục mình rằng nền kinh tế nóng lên sẽ giúp chuyển đổi lực lượng lao động, dường như đã không để ý đến mối quan tâm thực sự của cử tri. Những người ủng hộ và hoạch định chính sách của Biden, đặc biệt là những người phủ nhận tác động của lạm phát, khẳng định rằng cử tri đã hiểu sai nghiêm trọng về nền kinh tế, hoặc quy kết thất bại của Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 chỉ là do sự từ chối toàn cầu đối với những lãnh đạo đương nhiệm. Chỉ riêng phần lạm phát do các cú sốc toàn cầu gây ra đã đủ để hủy hoại cơ hội tái đắc cử của bất kỳ đảng đương nhiệm nào. Nhưng việc tăng thêm lạm phát bằng chi tiêu không cần thiết, xem nhẹ những khó khăn mà nó gây ra, và thổi phồng một sự bùng nổ ảo tưởng về cơ sở hạ tầng và sản xuất chắc chắn không giúp ích gì cho Đảng Dân chủ.
Triết lý kinh tế mới thống trị dưới thời Biden nhấn mạnh vào cầu hơn là cung. Nó cho rằng những lo ngại về hạn chế ngân sách là phóng đại và đặt niềm tin vào phân phối trước như một cách để thay đổi quỹ đạo của nền kinh tế vĩ mô. Nó hứa hẹn các chính sách có thể đồng thời chuyển đổi các ngành công nghiệp, ưu tiên các nhóm thiểu số trong các hoạt động mua sắm và tuyển dụng, và phục vụ các mục tiêu xã hội rộng lớn. Nhưng cuối cùng thì, hệ tư tưởng hậu tự do chủ nghĩa này và những người ủng hộ nó đã không đánh giá đúng các đánh đổi, ảo tưởng rằng những người làm chính sách trước đây quá bảo thủ về kinh tế nên đã không thể mang lại những thay đổi thực sự cho người dân.
Thay vì chỉ dùng đến các cách tiếp cận thông thường, điều mà đất nước cần bây giờ là sự đổi mới tư duy chính sách kinh tế. Những người theo chủ nghĩa hậu tân tự do đã không sai về những vấn đề mà họ thừa hưởng. Thị trường lao động tự do, trên thực tế, đã không tạo ra đủ việc làm cho người trong độ tuổi lao động chính ở Mỹ trong nhiều thập kỷ. Những quan ngại về an ninh quốc gia hiện đang bao trùm mọi câu hỏi liên quan đến thương mại và công nghệ. Và quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ đòi hỏi phải hành động quyết liệt. Tuy nhiên, những ý tưởng mới cho những vấn đề cũ này sẽ không bao giờ tạo ra các chính sách thành công nếu chúng bỏ qua các hạn chế về ngân sách, phân tích chi phí-lợi ích, và đánh đổi. Đặt câu hỏi về học thuyết kinh tế chính thống là điều tốt. Nhưng các nhà hoạch định chính sách chớ nên bỏ qua những điều cơ bản để theo đuổi các giải pháp dị thường, viển vông.
Jason Furman là Giáo sư Thực hành Chính sách Kinh tế tại Đại học Harvard. Ông là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng từ năm 2013 đến năm 2017.