Các Dân tộc Biển ở Đông Nam Á: Những người bảo vệ an ninh hàng hải bị lãng quên

Nguồn: Dadang I K Mujiono, “The Sea People of Southeast Asia: Forgotten Guardians of Maritime Security,” The Diplomat, 15/02/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các Dân tộc Biển không phải là tàn tích của quá khứ, cũng không phải là trở ngại cho sự phát triển.

Trong nhiều thế kỷ, Các Dân tộc Biển (Sea People), bao gồm các cộng đồng dân tộc như Sama Bajau Laut (Dân du mục Biển, Sea Gypsies) và Orang Suku Laut Riau, đã lang thang khắp các vùng biển Đông Nam Á, xây dựng mối liên sâu sắc với đại dương từ trước cả khi các quốc gia dân tộc hiện đại ra đời. Trong lịch sử, họ đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hải, an ninh, và quản lý. Nhưng ngày nay, họ lại đang bị gạt sang bên lề, bị di dời, và bị xem là tội phạm.

Khi an ninh hàng hải, tranh chấp chủ quyền, và đánh bắt cá bất hợp pháp thống trị diễn ngôn khu vực, các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế phải thừa nhận một lỗ hổng quan trọng trong cách tiếp cận của mình: sự loại trừ có hệ thống các cộng đồng phụ thuộc vào đại dương khỏi khuôn khổ quản trị. Thay vì là chủ thể thụ động của luật bảo tồn và chính sách nhà nước, Các Dân tộc Biển nên được công nhận là những bên liên quan chính trong sự ổn định hàng hải khu vực.

Nếu các chính phủ ASEAN, các nhóm bảo tồn, và các bên liên quan đến an ninh không giải quyết được vấn đề này, họ có nguy cơ xóa bỏ nền văn hóa biển đã tồn tại hàng thế kỷ và làm suy yếu năng lực bảo vệ đa dạng sinh học biển, cũng như bảo vệ lãnh hải.

Không chỉ là những người di cư: Các Dân tộc Biển còn là người bảo vệ an ninh hàng hải trong lịch sử

Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất về Các Dân tộc Biển là niềm tin rằng họ luôn là những người di cư do chiến tranh, nghèo đói, hoặc bị di dời.

Quan điểm bị đơn giản hóa quá mức này đã bỏ qua những đóng góp lịch sử sâu rộng của họ đối với an ninh và quản trị khu vực.

Trong thời kỳ tiền thuộc địa và thuộc địa, Các Dân tộc Biển không phải là nạn nhân thụ động mà là lực lượng hải quân tích cực – giúp củng cố và bảo vệ chế độ quân chủ địa phương (gồm các vương quốc và vương quốc Hồi giáo) ở Quần đảo Sulu, ven biển Borneo, và Riau-Lingga khỏi các cuộc xâm lược của thực dân.

Ví dụ, Đế chế Srivijaya đã giao cho Các Dân tộc Biển từ Nam Barito nhiệm vụ trở thành các phái đoàn thương mại – hoạt động như những gì mà ngày nay chúng ta gọi là “người vận chuyển hàng hóa” – đến Nam Trung Quốc qua Eo biển Makassar và Quần đảo Sulu.

Các nhà sử học như Oliver Wolters nhận thấy rằng Các Dân tộc Biển đã đóng góp đáng kể vào việc thiết lập quan hệ giữa Đế chế Srivijaya và lực lượng hải quân ở Biển Đông. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại của đế chế và đảm bảo an toàn cho chủ quyền đất nước khỏi các cuộc tấn công của nước ngoài.

Thực tế lịch sử này thách thức tư duy hậu thực dân, xem các cộng đồng hàng hải bản địa là những kẻ lang thang vô luật pháp hoặc các xã hội kém phát triển. Việc thừa nhận vai trò lịch sử của họ đồng nghĩa là phải chuyển từ cách tiếp cận chính sách loại trừ, thúc đẩy an ninh, sang cách tiếp cận tích hợp họ như những đối tác chiến lược trong an ninh hàng hải.

Vai trò lâu dài của Các Dân tộc Biển trong bảo tồn biển

Ngay cả khi không có diễn ngôn lịch sử nhấn mạnh vai trò của Các Dân tộc Biển trong việc định hình bối cảnh chính trị ở Đông Nam Á, họ vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong thời kỳ hậu thuộc địa, đặc biệt là trong bảo tồn biển, bảo vệ hệ sinh thái khỏi các hoạt động đánh bắt mang tính hủy diệt và nạn buôn lậu.

Ví dụ, tại vùng biển Sabah, Malaysia, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF đã quan sát thấy rằng Các Dân tộc Biển là hình mẫu cho việc quản lý biển bền vững. Kiến thức truyền thống sâu rộng của họ về hệ sinh thái biển – bao gồm hành vi của các loài sinh vật và động lực của môi trường sống – cho phép họ tham gia vào hoạt động đánh bắt có trách nhiệm. Những hiểu biết này không chỉ duy trì lối sống của họ mà còn đóng góp đáng kể vào các nỗ lực bảo tồn biển.

Trong khi đó, tại vùng biển quần đảo Derawan, Indonesia, thành viên của Các Dân tộc Biển đang tham gia nhóm bảo tồn rùa Maratua Peduli Penyu, phối hợp với Cảnh sát Hàng không và Hàng hải Đông Kalimantan, ngăn chặn thành công một nỗ lực buôn lậu 2.200 quả trứng rùa, dự định sẽ được buôn lậu vào Samarinda, thủ phủ của Đông Kalimantan.

Sự di dời cưỡng bức và xóa bỏ bản sắc Dân tộc Biển

Dù trong lịch sử họ đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và hiện vẫn góp sức vào các nỗ lực bảo tồn, một bộ phận lớn Các Dân tộc Biển giờ đây đang bị loại khỏi khuôn khổ an ninh và phải đối mặt với việc di dời cưỡng bức. Hàng ngàn người Dân tộc Biển đã bị ép phải lên đất liền với lý do “phát triển”, “cải thiện sinh kế,” “hòa nhập xã hội” và “mối đe dọa.”

Một ví dụ chính là quyết định di dời người Orang Laut Riau dưới thời chế độ độc tài Suharto. Chính phủ Indonesia biện minh cho việc di dời nhóm người này từ biển lên đất liền bằng cách nói rằng điều đó sẽ cải thiện điều kiện sống của họ và đưa họ vào một quốc gia thống nhất. Tuy nhiên, chính sách này đã bỏ qua các truyền thống du mục và hệ thống tín ngưỡng linh vật của người Orang Laut Riau. Do đó, quá trình di dời đã phá vỡ các cấu trúc xã hội, góp phần gây ra bất ổn kinh tế, và làm gia tăng các trường hợp bạo lực gia đình và nghèo đói trong số những người bị buộc phải di dời.

Ngoài các mục tiêu đã nêu về hội nhập và phát triển, các chính sách di dời cũng phục vụ cho các lợi ích kinh tế và chính trị rộng hơn. Việc chuyển đổi không gian biển ở Riau thành các khu kinh tế có giá trị cao theo Tam giác Tăng trưởng SIJORI (Singapore, Johor, và Riau) cho thấy việc di dời các cộng đồng bản địa ven biển không chỉ đơn thuần là vì hội nhập xã hội, mà còn để tạo điều kiện cho các khoản đầu tư kinh tế quy mô lớn và mở rộng công nghiệp.

Giải pháp: Suy nghĩ lại về việc cấp quốc tịch và quản trị hàng hải toàn diện

Một thách thức đáng kể trong hoạch định chính sách là khái niệm cứng nhắc về quốc tịch và quản trị theo kiểu đất liền. Các Dân tộc Biển vốn có bản chất xuyên quốc gia, di chuyển trên khắp vùng biển Đông Nam Á mà không trung thành tuyệt đối với bất kỳ quốc gia nào. Lối sống truyền thống của họ không phù hợp với khuôn khổ pháp lý hiện đại, vốn đòi hỏi những biên giới cố định và nơi cư trú vĩnh viễn.

Tình trạng không quốc tịch, không được tiếp cận các biện pháp bảo vệ pháp lý, và các chương trình định cư cưỡng bức đã khiến Các Dân tộc Biển dễ bị di dời và loại trừ hơn.

Nếu các chính phủ ASEAN, các tổ chức bảo tồn, và các bên liên quan đến an ninh quốc tế cam kết vì một tương lai bền vững và công bằng cho các vùng đại dương Đông Nam Á, thì họ phải đánh giá lại cách tiếp cận của mình đối với các cộng đồng phụ thuộc vào đại dương. Các chính sách ưu tiên tăng trưởng kinh tế, bảo tồn, và an ninh cũng phải công nhận và bảo vệ quyền của các cộng đồng bản địa sinh sống ở vùng biển, đảm bảo rằng họ được tính đến trong các quá trình ra quyết định định hình tương lai của họ.

Ví dụ, ở cấp độ khu vực, các nhà hoạch định chính sách nên bắt đầu công nhận hợp pháp tư cách pháp lý trên biển (maritime identities) cho Các Dân tộc Biển lang thang trên vùng biển Đông Nam Á. Sáng kiến này nên được đưa vào luật pháp quốc gia với các hành động cụ thể, chứ không chỉ nằm yên trên giấy tờ, để đảm bảo nhóm người này có thể tiếp cận các quyền cơ bản và được bảo vệ. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách nên thực hiện các bước để ngăn chặn tình trạng không có quốc tịch trong số Các Dân tộc Biển và thúc đẩy nhận thức về lịch sử và vai trò quan trọng của họ trong việc bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học biển. Bằng cách đó, chúng ta có thể giảm bớt định kiến và sự phân biệt đối xử với họ.

Nhiều cộng đồng trong số này đã sống ở vùng biển khu vực suốt hàng thế kỷ, nhưng nếu không được công nhận hợp pháp, họ vẫn dễ bị cưỡng bức di dời và bị hạn chế về lối sống truyền thống. Bảo vệ quyền di chuyển, quyền cư trú, và quyền tiếp cận tài nguyên của họ phải là một phần cơ bản của quản trị hàng hải khu vực toàn diện.

Cuối cùng, Các Dân tộc Biển không phải là tàn tích của quá khứ, cũng không phải là trở ngại cho sự phát triển. Họ là những người đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo an ninh hàng hải, cân bằng sinh thái, và bảo tồn di sản hàng hải của Đông Nam Á.

Dadang I K Mujiono là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore và là giám đốc chi nhánh Indonesia của tổ chức Bảo tồn Toàn cầu. Nghiên cứu của ông tập trung vào khái niệm tranh cãi về người trong cuộc và người ngoài cuộc trong nhóm Các Dân tộc Biển ở Quần đảo Derawan. Khi làm việc tại tổ chức Bảo tồn Toàn cầu, ông đã lãnh đạo một sáng kiến bảo vệ chống lại hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và các nỗ lực bảo tồn tại một số công viên biển UNESCO ở Indonesia.