Jack Ma đã trở lại, nhưng Bắc Kinh vẫn đang kiểm soát

Nguồn: Lizzi C. Lee, “Jack Ma Is Back, but Beijing Is in Control,” Foreign Policy, 19/02/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Alibaba đang cố gắng tái cấu trúc để phù hợp với tham vọng của Tập Cận Bình.

Sự tái xuất của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma đã làm dấy lên suy đoán về việc Bắc Kinh giảm bớt áp lực lên khu vực tư nhân, nhưng câu chuyện thực sự còn sâu xa hơn thế. Alibaba, công ty của Jack Ma, vẫn là biểu tượng nổi bật cho thành công của khu vực tư nhân trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng bản thân công ty đã thay đổi từ một gã khổng lồ bán lẻ thành trụ cột cho tham vọng về trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây của Trung Quốc, và sự thống trị thương mại của công ty hiện đang phải nhường chỗ cho giá trị chiến lược của nó đối với Bắc Kinh.

Sự hội tụ của nhu cầu kinh tế và chính sách công nghiệp đã báo hiệu một thay đổi lớn hơn. Doanh nghiệp tư nhân một lần nữa trở thành thiết yếu – nhưng chỉ trong phạm vi ranh giới do nhà nước đặt ra. Cơ sở hạ tầng đám mây của Alibaba đã trở thành trọng tâm trong nỗ lực tự cung tự cấp của Trung Quốc, gắn chặt tương lai của công ty này với các ưu tiên quốc gia.

Cuộc họp tuần này giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các CEO hàng đầu là nhằm mục đích sửa chữa một số thiệt hại mà các chính sách trước đây gây ra. Trong năm qua, việc các lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt giữ một cách đột ngột và không minh bạch đã biến thành công thành gánh nặng, gây hoang mang lo lắng trong khu vực tư nhân. Nhiều vụ bắt giữ dường như không liên quan đến các vi phạm pháp luật rõ ràng, mà chỉ đơn giản là do các chính quyền địa phương thiếu tiền mặt đang sử dụng tiền phạt và tịch thu tài sản để kiếm doanh thu.

Chỉ tính riêng năm 2024, các giám đốc điều hành của hơn 80 công ty niêm yết đã bị bắt giữ, thường là bởi các cơ quan chức năng từ các khu vực không liên quan đến doanh nghiệp của họ – một hoạt động được truyền thông Trung Quốc gọi là “đánh bắt xa bờ.” Bất ổn đã phủ bóng đen lên quá trình phục hồi kinh tế, khiến các lãnh đạo doanh nghiệp chuyển hướng từ đổi mới và tăng trưởng sang tự bảo vệ mình.

Sau khi nhận ra rủi ro, Thủ tướng Lý Cường đã kêu gọi tăng cường giám sát, thể hiện nỗ lực hạn chế các vụ bắt giữ này và trấn an khu vực tư nhân. Tuy nhiên, với việc thực thi vẫn còn mơ hồ trong lúc môi trường quản lý rộng lớn đang thay đổi, quan ngại về các cuộc đàn áp tùy tiện vẫn ăn sâu cắm rễ trong nền kinh doanh của Trung Quốc.

Bằng cách triệu tập các doanh nhân hàng đầu Trung Quốc, Bắc Kinh không chỉ muốn trấn an khu vực tư nhân, mà còn vạch ra ranh giới sau nhiều năm đàn áp khó lường, báo hiệu rằng khu vực tư nhân vẫn giữ vai trò không thể thiếu.

Điều này đánh dấu một sự thay đổi chiến thuật. Bắc Kinh vẫn nắm quyền kiểm soát, nhưng giờ đây, họ nhận ra rằng một khu vực tư nhân bị tê liệt vì sợ hãi sẽ không mang lại lợi ích cho ai cả. Kỷ nguyên tham vọng không được kiểm soát của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc có thể đã qua, nhưng kỷ nguyên trừng phạt bừa bãi nhắm vào những người ủng hộ các ưu tiên của nhà nước cũng không còn nữa.

Về phần mình, Alibaba đã tự cải tổ để phù hợp với những ưu tiên đó và đặt mình vào trung tâm của tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. Được Jack Ma thành lập vào năm 1999, Alibaba bắt đầu như một nền tảng thương mại điện tử, nhưng đã nhanh chóng mở rộng sang thanh toán kỹ thuật số, hậu cần, và điện toán đám mây. Ngày nay, họ là một trong những công ty tư nhân có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc, hoạt động tại giao điểm của thương mại, tài chính, và công nghệ. Giống như tất cả các công ty lớn của Trung Quốc, Alibaba luôn tìm cách cân bằng tinh tế giữa tham vọng kinh doanh và các ưu tiên của nhà nước – đàm phán các ranh giới luôn thay đổi về những gì được phép và những gì cần thiết về mặt chính trị.

Suốt nhiều năm, Alibaba chủ yếu được xem là một gã khổng lồ thương mại điện tử, khi các khoản đầu tư vào AI và đám mây của công ty này bị lu mờ bởi sự thống trị trong lĩnh vực bán lẻ. Nhận thức đó đang thay đổi. Những đột phá về AI của DeepSeek đã buộc người ta phải đánh giá lại năng lực của Trung Quốc và Alibaba đang nổi lên như sự lựa chọn tốt nhất của nước này để mở rộng cơ sở hạ tầng AI.

Bộ phận đám mây của công ty, vốn lớn nhất Trung Quốc, đang nắm giữ vị thế độc nhất để hỗ trợ triển khai AI trong nhiều ngành, từ tài chính và chăm sóc sức khỏe, đến sản xuất và hậu cần. Khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ được thắt chặt, sức mạnh điện toán trong nước của Trung Quốc đang trở nên quan trọng như chính nghiên cứu AI.

Thị trường cũng đã phản ứng. Vào ngày 13/02, ngay trước khi Reuters đưa tin về cuộc họp sắp tới, cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của Alibaba đã tăng vọt lên mức cao nhất trong ba năm, tăng thêm hơn 600 tỷ đô la Hong Kong (khoảng 77 tỷ đô la Mỹ) vào vốn hóa thị trường của công ty chỉ trong năm nay. Chỉ số Công nghệ Hằng Sinh (Hang Seng Tech Index) đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.

Đến ngày 17/02, khi Tập Cận Bình triệu tập cuộc họp, cổ phiếu Trung Quốc lại tăng vọt nhờ sự lạc quan về chính sách, nhưng vẫn còn dấu hiệu mong manh. Vì mong đợi những cam kết chắc chắn, các nhà đầu tư đã nhanh chóng chốt lời, phản ánh sự không chắc chắn về mức độ hỗ trợ của chính phủ. Giá cổ phiếu Tencent đã tăng vọt lên mức cao nhất trong bốn năm sau khi tích hợp mô hình AI DeepSeek R1 vào WeChat, củng cố ảnh hưởng ngày càng tăng của AI.

Chỉ số Doanh nghiệp Hằng Sinh (Hang Seng China Enterprises) đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2022, trong khi Công nghệ Hằng Sinh chính thức bước vào thị trường tăng giá. Những đột phá của DeepSeek đã thúc đẩy đà tăng trên các lĩnh vực liên quan đến AI, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và robotics. Trong khi đó, hợp đồng tương lai trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Trung Quốc đã giảm khi vốn chuyển sang cổ phiếu, báo hiệu sự tự tin mới vào định hướng chính sách.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của Alibaba trong sự thay đổi này. DeepSeek đã chứng minh rằng các mô hình AI của Trung Quốc có thể cạnh tranh với các mô hình của Thung lũng Silicon, nhưng Alibaba sở hữu cơ sở hạ tầng cần thiết để mở rộng các khả năng đó. Nếu không có hệ thống điện toán đám mây mạnh, nghiên cứu AI sẽ nhanh chóng đạt đến giới hạn, và sự thống trị của Alibaba trong lĩnh vực này sẽ khiến họ trở nên không thể thiếu đối với tầm nhìn dài hạn của Bắc Kinh.

Sự thay đổi này cũng được củng cố thông qua quan hệ đối tác với Apple. Tập đoàn Mỹ được cho là đã chọn Alibaba làm đối tác AI cho thị trường Trung Quốc. Đối với Apple, quan hệ đối tác này là một hành động pháp lý cần thiết, đảm bảo tuân thủ trong khi tích hợp các khả năng AI vào các thiết bị của mình. Đối với Alibaba, đây là sự xác nhận vị thế dẫn đầu về AI của họ và là sự mở rộng chiến lược sang các ứng dụng AI hướng đến người tiêu dùng. Ở thời điểm mà các công ty công nghệ nước ngoài phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng ở Trung Quốc, Alibaba đang nổi lên như một cầu nối giữa sự phát triển AI toàn cầu và thị trường trong nước.

Giữa bối cảnh này, sự trở lại của Jack Ma mang một ý nghĩa khác. Việc ông bị gạt sang bên lề vào năm 2020 không chỉ liên quan đến các quy định tài chính, mà còn là một tuyên bố chính trị rộng hơn rằng không một doanh nhân tư nhân nào, dù có ảnh hưởng đến đâu, có thể hoạt động ngoài tầm với của nhà nước. Và sự tái xuất của ông không báo hiệu sự đảo ngược tuyên bố trên, mà là sự hiệu chỉnh chiến thuật. Với sự phục hồi kinh tế chưa đồng đều và đầu tư nước ngoài còn do dự, Bắc Kinh dường như nhận ra rằng động lực của khu vực tư nhân vẫn rất quan trọng, và Alibaba có vị thế độc nhất để sử dụng AI và các ngành công nghiệp lân cận làm đòn bẩy cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, dù tâm lý nhà đầu tư đã chuyển biến tích cực, môi trường chính sách dài hạn vẫn còn khó lường. Trung Quốc có lịch sử dao động giữa việc hỗ trợ và hạn chế khu vực tư nhân. Ưu tiên của chính phủ không chỉ là thúc đẩy đổi mới, mà còn là đảm bảo rằng quyền lực của các doanh nghiệp vẫn phù hợp với lợi ích của nhà nước. Nếu ảnh hưởng của Alibaba trong lĩnh vực AI và điện toán đám mây bị cho là đi quá xa so với đường lối, thì chính sách có thể quay ngoắt một lần nữa, nhanh như khi nó chuyển sang ủng hộ công ty này.

Đó là lý do tại sao sự trở lại của Jack Ma, dù mang tính biểu tượng quan trọng, nhưng khó có thể giúp ông quay lại vị thế nổi bật như xưa. Ông dường như đã rút ra bài học trong vài năm qua, thể hiện một sự hiện diện điềm đạm hơn, đứng sau hậu trường trong khi những người khác nắm quyền điều hành. Không giống như trước đây, khi còn là người ủng hộ Alibaba mạnh mẽ nhất và thậm chí chỉ trích các cơ quan quản lý, ông hiện đang lựa chọn cách tiếp cận im lặng chiến lược.

Hiện tại, Alibaba thấy mình đang phù hợp với tham vọng của Bắc Kinh. Nhưng sự phù hợp đó kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào việc công ty này điều hướng tốt như thế nào trong một môi trường mà việc trở nên giàu có và hữu ích cho nền kinh tế chỉ được dung thứ cho đến khi nó không còn được như vậy nữa. Ranh giới giữa việc trở thành một tài sản kinh tế không thể thiếu và một thách thức đối với uy quyền nhà nước vẫn rất mong manh, và ở Trung Quốc, quyết định cuối cùng về việc doanh nhân nào được chào đón và doanh nhân nào bị gạt ra ngoài lề – hoặc tệ hơn – hoàn toàn phụ thuộc vào Tập Cận Bình.

Lizzi C. Lee là nghiên cứu viên về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á.