Nguồn: Reagan refers to U.S.S.R. as “evil empire,” again, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1983, phát biểu tại một hội nghị của Hiệp hội Tin lành Phúc Âm Quốc gia (National Association of Evangelicals) ở Florida, Tổng thống Ronald Reagan đã công khai gọi Liên Xô là “đế chế quỷ dữ” (evil empire) lần thứ hai trong sự nghiệp của mình. Lần đầu tiên ông sử dụng cụm từ này là trong bài phát biểu năm 1982 tại Hạ viện Anh. Một số người xem việc Reagan sử dụng thuật ngữ lấy cảm hứng từ bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao là một khẩu hiệu dân chủ tuyệt vời. Những người khác, bao gồm nhiều thành viên của cộng đồng ngoại giao quốc tế, lại lên án nó là lời tấn công vô trách nhiệm.
Lập trường hung hăng của Reagan đối với Liên Xô sau này được biết đến với tên gọi Học thuyết Reagan. Vị tổng thống đã cảnh báo về những gì ông và những người ủng hộ mình cho là xu hướng nguy hiểm khi dung túng cho việc Liên Xô chế tạo vũ khí hạt nhân và nỗ lực xâm nhập vào các nước Thế giới Thứ Ba để truyền bá chủ nghĩa cộng sản. Ủng hộ chính sách hòa bình thông qua sức mạnh, Reagan tuyên bố: Liên Xô “phải hiểu rằng chúng ta sẽ không bao giờ thỏa hiệp các nguyên tắc và tiêu chuẩn của mình [hoặc] phớt lờ sự thật lịch sử và những động cơ hung hăng của một đế chế quỷ dữ. Bởi làm như vậy có nghĩa là từ bỏ cuộc đấu tranh giữa đúng và sai, giữa thiện và ác.”
Reagan đã đề xuất một chính sách vượt ra ngoài Học thuyết Truman về kiềm chế, kêu gọi can thiệp tích cực hơn. Ông thề sẽ tăng chi tiêu quân sự của Mỹ, và sử dụng vũ lực nếu cần thiết để đẩy lùi sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở các nước thuộc Thế giới Thứ Ba. Chính quyền của ông đã cung cấp viện trợ quân sự cho các nhóm phiến quân Nicaragua chống lại chính phủ cánh tả Sandinista và hỗ trợ vật chất cho lực lượng thánh chiến (mujahideen) Afghanistan trong cuộc chiến chống lại Liên Xô. Đồng thời, ông trấn an người Mỹ về việc tìm kiếm sự thỏa thuận với các cường quốc độc tài và trích dẫn nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế phát triển tên lửa như một bước tiến tới hòa bình.
Học thuyết của Reagan đã xuất hiện cùng lúc với làn sóng các cuộc biểu tình trong nước và quốc tế nhằm phản đối cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô. Những người phản đối ông đổ lỗi rằng chính quyền đã gây ra sự gia tăng lớn nhất trong chi tiêu quân sự của Mỹ kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, một chính sách làm gia tăng thâm hụt ngân sách quốc gia.
Nền kinh tế Liên Xô cuối cùng đã sụp đổ vào cuối những năm 1980, chấm dứt nhiều thập kỷ cai trị của phe cộng sản ở Nga và Đông Âu. Các nhà kinh tế cho rằng đế chế Liên Xô đã sụp đổ dưới sức nặng do chi tiêu quốc phòng phình to và cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan, nhưng Reagan và những người ủng hộ ông khẳng định rằng các chính sách chống cộng cứng rắn của ông đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản Liên Xô.