09/04/1987: Ngoại trưởng George Shultz lên án hoạt động gián điệp của Liên Xô

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: U.S. Secretary of State George Shultz condemns Soviet spying, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1987, chỉ vài ngày trước khi tới Moscow để đàm phán về kiểm soát vũ khí và một số vấn đề khác, Ngoại trưởng Mỹ George Shultz tuyên bố rằng ông “vô cùng tức giận” về hoạt động có thể là gián điệp của Liên Xô trong Đại sứ quán Mỹ ở nước này. Các quan chức Liên Xô phẫn nộ đáp trả rằng cáo buộc gián điệp là “bịa đặt bẩn thỉu.”

Ngoại trưởng Shultz dự kiến sẽ đến Moscow để đàm phán về nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất trong số đó là việc cắt giảm tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu. Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã thảo luận về việc cắt giảm vũ khí trong hội nghị thượng đỉnh của họ ở Iceland, vào tháng 10/1986, nhưng đàm phán đã kết thúc trong bất hoà. Gorbachev đã gắn tiến trình cắt giảm tên lửa với việc Mỹ từ bỏ Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (tên thường gọi là chương trình phòng thủ tên lửa “Chiến tranh giữa các vì sao”).

Một hội nghị thượng đỉnh mới đã được lên kế hoạch vào tháng 12/1987 và chuyến thăm của Shultz là để chuẩn bị cho sự kiện đó. Tuy nhiên, các cáo buộc về hoạt động gián điệp của Liên Xô trong Đại sứ quán Mỹ ở Moscow đã đe dọa huỷ bỏ bất kỳ thảo luận nào. Đặc biệt, các quan chức Mỹ cáo buộc rằng ngay từ những năm 1980, các điệp viên Liên Xô đã xâm nhập được vào Đại sứ quán Mỹ ở Moscow thông qua lực lượng vệ binh thủy quân lục chiến đóng tại đây. Ngoài ra, còn có những cáo buộc rằng đại sứ quán Mỹ mới đang được xây dựng đã bị cài cắm nhiều thiết bị gián điệp của Liên Xô. Shultz tuyên bố, “Họ đã xâm chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền của chúng tôi, và chúng tôi rất buồn về điều đó.”

Tuy nhiên, về lâu dài, đàm phán vũ khí đã không bị ảnh hưởng bởi các cáo buộc gián điệp. Vào tháng 12/1987, Reagan và Gorbachev đã đàm phán về Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, theo đó loại bỏ các tên lửa hạt nhân tầm trung của Mỹ và Liên Xô tại châu Âu. Còn về ngắn hạn, vụ việc của Shultz chỉ ra rằng, dù quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đã được cải thiện đáng kể trong giai đoạn đó nhưng sự thù địch và nghi ngờ vẫn luôn tồn tại.