Hệ thống quyền lực xuyên Đại Tây Dương đã đến điểm không thể vãn hồi

Nguồn: Hoàng Tĩnh, Ian Bremmer, Richard Sakwa, 观学院直播厅| 中美欧三学者对话:跨大西洋关系已越过无法挽回的节点, Guancha, 21/03/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Chưa đầy 100 ngày sau khi Trump tái đắc cử, liên minh xuyên Đại Tây Dương đã liên tiếp tan vỡ. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, một châu Âu không có sự hỗ trợ của Mỹ sẽ làm thế nào để tìm được sự cân bằng giữa tự chủ chiến lược, bảo vệ an ninh và phục hồi kinh tế? Là một lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ hòa bình thế giới, Trung Quốc sẽ đóng vai trò gì trong ván cờ mới này? Liệu hợp tác Trung Quốc-châu Âu có thể mở ra bước ngoặt mới hay không?

Phòng phát sóng trực tiếp của Guan School đã đặc biệt mời giáo sư Hoàng Tĩnh của Đại học Ngoại Ngữ Thượng Hải; chủ tịch Eurasia Group kiêm giáo sư danh dự tại Đại học New York Ian Bremmer; và giáo sư chính trị học về Nga và châu Âu tại Đại học Kent (Anh) Richard Sakwa, để cung cấp những góc nhìn theo quan điểm từ ba phía: Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Dưới đây là nửa đầu nội dung cuộc đối thoại.

Trump khiến châu Âu phải đối mặt với một hiện thực tàn khốc: Nga sẽ không biến mất

Hoàng Tĩnh: Chúng ta sẽ thảo luận về một số chủ đề đang rất nóng tại châu Âu. Bất kể vì lý do gì, châu Âu cũng đang thu hút sự chú ý của toàn cầu. Chúng ta có thể có những quan điểm và góc nhìn khác nhau, nhưng tôi và khán giả đều rất muốn lắng nghe quan điểm của các ông. Từ góc độ của Trung Quốc, châu Âu hiện nay có giá trị rất quan trọng.

Đầu tiên, châu Âu đang ở vào cục diện khó khăn. Tổng thống Donald Trump đã làm xáo trộn châu Âu, và cục diện toàn cầu cũng bị làm đảo lộn. Một vài người có thể cảm thấy tức giận và kích động về điều này, đó là điều có thể hiểu được. Việc Mỹ phản bội châu Âu, thậm chí là nhượng bộ Nga, về cơ bản đã làm thay đổi cục diện. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên là, đây có phải chỉ là những hành động bốc đồng, điên rồ mà Trump vẫn thường làm? Một số người sẽ nói rằng, ông không biết mình đang làm gì.

Hay điều này đại diện cho sự rút lui chiến lược của Mỹ? Như chúng ta đã thấy trong vài năm qua, năng lực quản lý các vấn đề toàn cầu của Mỹ với tư cách là bá quyền đang suy giảm nhanh chóng.

Hoặc, như một số học giả (bao gồm cả tôi) đã nhận định, nó phản ánh một sự thay đổi toàn diện? Mỹ dường như đã từ bỏ chủ nghĩa Wilson và quay trở lại với chủ nghĩa Jackson, hay còn gọi là chủ nghĩa tân Jackson. Tôi muốn hỏi ý kiến ​​hai vị học giả uyên bác về vấn đề này. Xin hãy chia sẻ quan điểm của mình một cách thẳng thắn.

Ian Bremmer: Điều thú vị là, người Mỹ nhìn chung tin rằng những gì xảy ra ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Tất nhiên, điều này đã bị cường điệu hóa. Tôi không cho rằng toàn bộ cục diện địa chính trị ở châu Á sẽ đột ngột thay đổi chỉ vì Trump. Hệ thống liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ về cơ bản vẫn không thay đổi, và quan hệ Mỹ-Trung Quốc nhìn chung vẫn ổn định.

Tuy nhiên, trọng tâm của chúng ta là châu Âu và tôi đoán Richard cũng sẽ đồng ý với tôi. Do Trump lên nắm quyền, tình hình ở châu Âu trở nên rất khác so với thời Biden. Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa hai vị tổng thống Mỹ nằm ở chỗ, Biden thực sự tin rằng một châu Âu và EU hùng mạnh sẽ có lợi cho việc duy trì vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.

Nhìn lại phản ứng của Biden trước cuộc tấn công vào Ukraine của Nga năm 2022, tôi cho rằng Biden đã mắc nhiều sai lầm, nhưng ông đã làm được một điều đúng đắn là đảm bảo rằng Mỹ và châu Âu luôn đồng hành mỗi ngày. Họ đã phối hợp rất tốt, Biden sẽ không hành động nếu không có sự tham gia của châu Âu, và hai bên đã có rất nhiều trao đổi ngoại giao phía sau hậu trường.

Tuy nhiên, Trump thì cho rằng một châu Âu hùng mạnh sẽ không có lợi cho nước Mỹ. Ông ủng hộ Brexit, và khi gặp Tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump luôn hỏi: Khi nào thì các ông sẽ thực hiện “Frexit”, giống như Anh? Ông muốn EU suy yếu.

Trump thực sự tin rằng việc phát triển quan hệ song phương với các nước châu Âu sẽ phục vụ lợi ích của nước Mỹ tốt hơn so với việc duy trì quan hệ với EU. Theo một nghĩa nào đó, ông cho rằng châu Âu đang “đi nhờ xe” của Mỹ, vì vậy cần phải cứng rắn hơn với châu Âu trong các vấn đề thương mại.

Tóm lại, Trump muốn EU tan rã. Ông ủng hộ Brexit và tất cả các thế lực ở châu Âu đang cố gắng tách rời. Theo cách này, Trump trên thực tế đã có sự đồng thuận chiến lược với Putin, họ có chung quan điểm về người châu Âu.

Richard Sakwa: Tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông từ hai khía cạnh. Một mặt, Trump đại diện cho một xu thế dài hạn nào đó; nhưng mặt khác, ông thực hiện điều đó theo một cách độc đáo mà không ai khác có thể làm, chẳng hạn như sự thiếu nhất quán, cảm tính và coi bản thân là trung tâm.

Tất nhiên, phía sau điều này có thể có những mục tiêu chiến lược sâu xa hơn. Từ góc độ xu thế dài hạn, Trump đã đặt ra câu hỏi cho châu Âu. Những câu hỏi này đáng lẽ đã phải được trả lời từ 30 năm trước, hoặc thậm chí hơn 40 năm trước, khi Gorbachev bắt đầu cải cách, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và sau đó là thời kỳ kéo dài 25 năm mà tôi gọi là “Hòa bình Lạnh”.

Nói cách khác, câu hỏi đặt ra là: Mục đích của NATO là gì? Làm thế nào để có thể thực sự xây dựng được một trật tự an ninh toàn châu Âu hiệu quả và toàn diện? Trump đã nêu ra câu hỏi này theo một cách đầy hỗn loạn. Đồng thời, ông cũng đã đưa những vấn đề này vào chương trình nghị sự để hành động.

Tất nhiên, điều này đã khiến các cường quốc châu Âu không kịp trở tay, bởi vì họ (những người mà tôi gọi là “phương Tây chính trị”) đã đổ rất nhiều tâm huyết vào NATO – hệ thống quyền lực xuyên Đại Tây Dương. Không chỉ từ năm 1945, mà còn đặt cược gấp đôi sau năm 1991 và gấp ba sau năm 2014.

Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, thay vì giải quyết khủng hoảng, họ lại làm trầm trọng thêm thế lưỡng nan về an ninh, dẫn đến tình trạng như hiện nay. Nói cho cùng, EU đã cam kết tham gia hệ thống quyền lực xuyên Đại Tây Dương, nhưng hệ thống này không bao gồm Nga. Điều này đã dẫn đến những xung đột nổ ra ở khắp biên giới giữa EU và Nga.

Nhưng đồng thời, châu Âu đột nhiên nhận ra rằng tấm thảm dùng để che đậy những mâu thuẫn đã bị lấy đi. Phản ứng lúc này của họ rất dữ dội, phải diễn tả như thế nào đây? Châu Âu bị chấn động trước tình cảnh của chính mình và rơi vào trạng thái bất lực. Châu Âu đang duy trì một trật tự an ninh lỗi thời, lạc hậu và chính trật tự này đã dẫn đến xung đột.

Trump đã phơi bày trước họ một hiện thực tàn khốc rằng Nga không hề biến mất, mà đã phục hồi và là một cường quốc hạt nhân lớn nằm sát biên giới EU. Các ông đã tự đưa mình vào một cuộc chiến tranh.

Dù vậy, tôi muốn nói rằng Trump đã cố gắng đưa chính sách đối ngoại của Mỹ trở lại bình thường, nhưng rất khó để duy trì điều đó. Ông đang làm điều đó theo một cách kỳ quái, giống như lời của những người như Patrick Buchanan (nhà bình luận chính trị bảo thủ người Mỹ, từng là cố vấn cấp cao cho các cựu tổng thống Nixon, Ford và Reagan) và Jeane Kirkpatrick (đại sứ thứ 16 của Mỹ tại Liên Hợp Quốc và là cố vấn chính sách đối ngoại của cựu tổng thống Reagan) đã nói sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc: Mỹ cần khôi phục lại trạng thái “bình thường” của chính mình, bảo vệ lợi ích quốc gia trong khuôn khổ hệ thống quốc tế dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc và hợp tác với các quốc gia khác.

Thế giới không cần Mỹ quản lý toàn bộ, nhưng thực sự cần sự lãnh đạo của Mỹ vì Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất, là nền kinh tế lớn nhất, và đồng USD là trung tâm của hệ thống tài chính quốc tế. Do đó, thế giới chắc chắn cần sự lãnh đạo khôn ngoan và kiềm chế của Mỹ, chứ không phải một thứ gì đó như bá quyền và thống trị.

Trump có đề cập đến những vấn đề này một cách mơ hồ, và như tôi đã nói, đôi khi bạn đặt ra câu hỏi đúng, nhưng chưa chắc đã đưa ra được câu trả lời đúng.

Hoàng Tĩnh: Vâng, Richard, tôi hiểu ý ông. Nhưng đối với Mỹ và châu Âu, cầu nối xuyên Đại Tây Dương là không thể thiếu, dù là xét về khía cạnh an ninh, kinh tế hay lợi ích chính trị. Hiện nay, dường như Trump đang muốn vứt bỏ tất cả những điều đó. Theo tôi, điều này không có lợi cho cả Mỹ và châu Âu.

Châu Âu rõ ràng đang chịu thiệt hại; còn Mỹ, tôi không nghĩ họ sẽ thu được bao nhiêu lợi ích khi làm vậy. Tôi cho rằng, bá quyền của Mỹ phần lớn dựa trên nền tảng gọi là cầu nối xuyên Đại Tây Dương hay liên minh xuyên Đại Tây Dương. Nếu không có liên minh này, không cách nào hình dung Mỹ đã làm thế nào để giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng giờ đây, mọi thứ dường như đều đã kết thúc mà chẳng có sự thay thế nào.

Châu Âu phải đối mặt với ba mối đe dọa từ Mỹ và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã đến điểm không thể vãn hồi

Richard Sakwa: Ông đang nhắc đến Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, điều đó thực sự đã xảy ra. Có lẽ liên minh Mỹ-châu Âu là không thể thiếu vào thời điểm đó. Nhưng thời thế đã thay đổi, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc hơn 30 năm trước. Tại sao chúng ta vẫn phải duy trì cấu trúc mà ông gọi là cầu nối, còn tôi gọi là hệ thống quyền lực xuyên Đại Tây Dương này?

Tất nhiên, cấu trúc này giúp thúc đẩy lợi ích của Mỹ. Châu Âu rõ ràng muốn duy trì mối quan hệ kinh tế với Mỹ, nhưng chúng ta không còn cần hệ thống quyền lực xuyên Đại Tây Dương gắn kết chặt chẽ này nữa. Nó được hình thành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, tiếp tục tồn tại kể từ đó và không ngừng tái tạo logic của Chiến tranh Lạnh.

Ông nói về an ninh, và khi lục địa của chúng ta đang phải trải qua một cuộc chiến lớn mà vốn hoàn toàn có thể tránh được, tôi không cho rằng NATO đã mang lại sự an toàn. Nếu NATO không mở rộng về phía Đông và một loạt các sự kiện liên quan không xảy ra, tình hình hoàn toàn có thể đảo ngược một cách dễ dàng. Vì vậy, không thể nói rằng điều này mang lại sự an toàn.

Ian Bremmer: Tôi nghĩ vấn đề hiện nay của châu Âu là họ đang đồng thời phải đối mặt với ba mối đe dọa khác nhau từ Mỹ.

Đầu tiên là mối đe dọa về thương mại. Mỹ đã quyết định sẽ không đóng vai trò lãnh đạo một cách chân thành trong các vấn đề thương mại tự do nữa. Trump không còn muốn áp dụng mức thuế quan thấp, điều này dẫn đến việc nhiều hoạt động sản xuất của Mỹ được chuyển ra nước ngoài đến những nơi có chi phí thấp hơn. Ông cho rằng những quốc gia khác đã lợi dụng nước Mỹ.

Thương mại là vấn đề mà EU có khả năng xử lý và là lĩnh vực mà họ ứng phó khá tốt, vì vậy EU có thể đáp trả người Mỹ. Tôi cho rằng trong ba khía cạnh giao lưu giữa Mỹ và châu Âu, đây là khía cạnh tốt đẹp hơn cả.

Tuy nhiên, khi người Mỹ bắt đầu nói về việc mong đợi Trump áp dụng thuế quan có đi có lại vào ngày 2/4, về nguyên tắc là nhằm vào tất cả các quốc gia, thì người châu Âu sẽ buộc phải đáp trả. Điều này rõ ràng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế châu Âu cũng như nền kinh tế Mỹ. Đây là một thách thức đối với châu Âu, trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang tăng trưởng trì trệ và năng suất cũng không cao.

Thứ hai, người Mỹ cũng tuyên bố rằng họ sẽ đạt được thỏa thuận với người Nga, Mỹ sẽ gây sức ép lên Ukraine, nhưng sẽ không phối hợp với châu Âu. Tất nhiên, cách tiếp cận này rất khác so với cách của Biden. Trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Putin lần trước, Trump đã không nói với người Ukraine và cũng thông báo trước cho người châu Âu về ý định của mình.

Khi Trump tranh luận với Zelensky tại Phòng Bầu dục, bất kể các ông đánh giá ra sao về sự việc đó, thực tế là người châu Âu không đồng tình với cách tiếp cận của Trump, đó là lý do Zelensky được chào đón nồng nhiệt ở London. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã đến. Ông có thể quan sát thấy một bầu không khí rất rõ ràng rằng, người châu Âu rất lo lắng về việc người Mỹ đang cố gắng lấy lòng kẻ thù chính của họ là Nga. Và Mỹ đã không tham khảo ý kiến của châu Âu trước khi làm vậy, đây là vấn đề thứ hai đối với châu Âu.

Thứ ba, Mỹ cũng đang nói rằng, người Mỹ không còn tin tưởng vào các giá trị mà họ và người châu Âu từng cùng chia sẻ trong quá khứ. Tất nhiên, điều này bao gồm việc Musk và Vance nói với người châu Âu rằng chính họ mới là kẻ thù của nền dân chủ, chứ không phải Nga hay Trung Quốc.

Nhìn chung, Musk và Vance cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu không ủng hộ quyền tự do ngôn luận, mà thay vào đó lại ủng hộ “tường lửa”; rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đang đàn áp các đảng phái chính trị như Đảng AfD của Đức và coi họ là “tân phát xít”. Tất nhiên, chính người Mỹ đã dẫn đầu phong trào “phi phát xít hóa” sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Từ góc độ của người châu Âu, người Mỹ đang thúc đẩy các phong trào phản dân chủ bên trong châu Âu, đồng thời xuất khẩu thứ đối lập với nền dân chủ phương Tây thông qua các thuật toán thông tin sai lệch. Trên thực tế, Thủ tướng Đức sắp nhậm chức Friedrich Merz đã bày tỏ rằng, những nỗ lực của Mỹ trong việc phát tán thông tin sai lệch về nền dân chủ cũng tệ hại như những gì Nga đã làm.

Vì vậy, châu Âu đang đồng thời phải đối mặt với ba thách thức từ Mỹ. Thách thức về thương mại là dễ đối phó nhất và là điều mà các bên quen thuộc nhất, nhưng cũng còn vấn đề về sự hợp tác Mỹ-Nga, và các vấn đề liên quan đến nền dân chủ và pháp quyền phương Tây. Do đó, tôi cho rằng, và tôi cũng tò mò liệu Richard có đồng ý với điều này không, rằng quan hệ giữa Mỹ và châu Âu trong hai tháng qua đã chịu những tổn hại vĩnh viễn. Đây là điều chưa từng có trong mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới.

Người châu Âu cần suy nghĩ lại và thực hiện các điều chỉnh, nhưng mức độ hiệu quả mà họ có thể đạt được vẫn còn là điều gây tranh cãi. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, tại thời điểm này, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã đến điểm không thể vãn hồi.

Hoàng Tĩnh: Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về một sự kiện rất trực tiếp và có ý nghĩa quan trọng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Trump, Mỹ sẽ vắng mặt trong cuộc tập trận quân sự sắp tới của NATO. Điều này có ý nghĩa ra sao?

Dưới lời đe dọa từ Trump và nhóm của ông, liệu Mỹ có rút khỏi NATO và để châu Âu tự lo liệu quốc phòng hay không? Hay ít nhất, dường như Mỹ sẽ từ bỏ vai trò lãnh đạo NATO và chỉ muốn là một thành viên NATO bình thường?

Nói cách khác, đây chính là lời đe dọa của Trump đối với người châu Âu: Giờ là lúc các ông phải tăng cường đầu tư vào quốc phòng. Trump cho rằng NATO không quan trọng, nhưng như chúng ta đều biết, kể từ năm 1945 hoặc kể từ khi Kế hoạch Marshall được triển khai, NATO đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, đó là lý do tại sao nó được gọi là cầu nối Đại Tây Dương. Theo các ông, liệu Mỹ có thực sự rút khỏi NATO không?

Richard Sakwa: Trump đã truyền đi một số tín hiệu trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Chúng ta đều nhớ bức ảnh tại hội nghị thượng đỉnh G7, nơi Angela Merkel và những người khác đứng quanh bàn, trong khi Trump ngồi ở giữa với vẻ mặt không mấy thân thiện. Đây chính là hình tượng mà các ông có thể gọi là “Trump sâu xa”.

Điều này rõ ràng bao gồm những khuynh hướng và điểm yếu trong tính cách của ông, nhưng nó cũng phản ánh một sự tái tổ chức sâu xa hơn. Tất nhiên tại Mỹ, có một nhóm cử tri cơ bản mà quy mô của họ thậm chí có thể đang mở rộng. Ian hẳn là quen thuộc với vấn đề này hơn tôi và tôi tin rằng ông ấy biết nhiều hơn tôi. Nhóm cử tri này đang dần từ bỏ lập trường của chủ nghĩa tân bảo thủ. Để thuận tiện, hãy mô tả theo cách này. Chủ nghĩa tân bảo thủ của Mỹ chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống liên minh, tiếp tục Chiến tranh Lạnh, kiềm chế Nga và Trung Quốc, đồng thời duy trì sự thống trị của Mỹ.

Hiện tại, Trump đang vận hành một mô hình hoàn toàn khác. Nó là một mô hình có gốc rễ sâu xa và không theo chủ nghĩa biệt lập, nhưng cũng không phải là điều tôi muốn thấy. Điều này liên quan đến điểm thứ ba của Ian, mà tôi cho là rất quan trọng, đó là pháp quyền, nền dân chủ phương Tây và chủ nghĩa tự do.

Trong khi phủ nhận hệ thống liên minh cũ, Trump trên thực tế lại có một tầm nhìn theo chủ nghĩa toàn cầu nhất định. Trump không định làm điều mà tôi kỳ vọng – những gì mà chúng ta có thể gọi là một danh sách mục tiêu xuyên lục địa, tức là quay trở lại chủ nghĩa quốc tế được thể hiện trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, một chủ nghĩa quốc tế tôn trọng chủ quyền.

Ngược lại, Trump đã từ chối cách tiếp cận cũ kiểu Biden và không còn nhấn mạnh đến dân chủ hay chủ nghĩa toàn cầu tân bảo thủ, nhưng ông cũng không thay thế nó bằng chủ nghĩa biệt lập. Thay vào đó, Trump đã áp dụng một chủ nghĩa toàn cầu mới mang tính hiếu chiến hơn và nhấn mạnh vào “nước Mỹ trên hết”. Điều này đã làm nảy sinh rất nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, câu chuyện về sự rút lui chiến lược của Mỹ đã được tranh luận trong một thời gian dài. Khi NATO rõ ràng đã trở thành yếu tố làm nảy sinh xung đột và làm suy yếu an ninh của châu Âu, thì ngày nay còn ai thực sự cần NATO nữa? Tôi xin kết thúc ở đây.

Trump làm suy yếu cấu trúc sức mạnh của NATO

Ian Bremmer: Về cam kết của Mỹ đối với NATO, tôi cho rằng, một mặt, lập trường nhất quán của Trump là người châu Âu cần chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng và cần đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn. NATO cần trở nên hùng mạnh hơn thay vì suy yếu hơn, đây rõ ràng không phải là điều Putin muốn nghe. Putin không muốn thấy người Mỹ thúc đẩy các quốc gia như các nước vùng Baltic, Ba Lan, các nước Bắc Âu, Đức và Pháp bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Nhưng đó chính xác là những gì các quốc gia này đang làm.

Tất cả những ai tuyên bố rằng Trump đã bị Putin mua chuộc đều là kẻ ngốc. Trump là người theo chủ nghĩa đơn phương chú trọng đến giao dịch. Trump cho rằng mình có mối quan hệ tốt hơn với Putin, bởi Putin đối đãi với ông bình đẳng hơn, chứ không phải như những kẻ tinh hoa có học thức ở châu Âu, họ thầm cười nhạo Trump sau lưng. Trump biết rõ mọi thứ, giống như Obama vậy.

Mặc dù có mối quan hệ tốt với Putin, nhưng Trump không hành động thay cho Putin. Hiện tại, tôi nhận thấy rằng khi Trump gặp Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, ông đã được hỏi trực tiếp về các cam kết quân sự. Trump cho biết sẽ triển khai quân đội ở Ba Lan và không có ý định rút quân khỏi châu Âu. Vì sao? Bởi vì Ba Lan đang nỗ lực đạt được mức chi tiêu quốc phòng chiếm 5% GDP, đáp ứng tiêu chuẩn cao mà Trump yêu cầu. Trên thực tế, con số này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chi tiêu quân sự của Mỹ.

Khi gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer, Trump cũng được hỏi trực tiếp về vấn đề này, rằng liệu Mỹ có còn ủng hộ Điều 5 của thỏa thuận NATO, tức thỏa thuận an ninh tập thể, hay không. Điều 5 chỉ có hiệu lực một lần duy nhất sau sự kiện 11/9, khi người Mỹ chủ động kích hoạt nó, và các đồng minh đã lựa chọn chiến đấu cùng Mỹ.

Trump bày tỏ sự ủng hộ đối với việc giữ lại Điều 5, đồng thời cho biết ông không tin điều khoản này sẽ cần được kích hoạt trong tương lai, nhưng ông vẫn bày tỏ sự ủng hộ. Vì vậy, Trump chưa từng nói hay làm bất cứ điều gì ám chỉ rằng Mỹ sẽ đột ngột rút khỏi NATO.

Nhưng trước hết, rõ ràng là công chúng Mỹ không ủng hộ các cuộc chiến mà Mỹ đã tiến hành trong quá khứ. Trump phản đối việc gửi quân đến Afghanistan và đã đạt được thỏa thuận với Taliban mà không tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo châu Âu và chính phủ Afghanistan mà Mỹ ủng hộ vào thời điểm đó. Điều này rất giống với kế hoạch hiện tại của ông nhằm đạt được thỏa thuận với Putin về vấn đề Ukraine. Trump không muốn thấy Mỹ phải gửi quân tới những cuộc chiến xa xôi hay phải chi trả những khoản tiền khổng lồ. Ông cho rằng những cuộc chiến này không quan trọng đối với nước Mỹ.

Nhân tiện, Israel là một ngoại lệ rõ ràng, chúng ta có thể thảo luận sau.

Trump quan tâm nhiều hơn đến việc kiềm chế Trung Quốc và cũng quan tâm nhiều hơn đến Thái Bình Dương, điều này được thể hiện qua các khoản đầu tư bổ sung của Bộ Quốc phòng Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những điều chỉnh chi tiêu quân sự này liên quan nhiều hơn đến việc rút quân và năng lực chiến đấu khỏi các mặt trận ở châu Âu và Trung Đông để chuyển sang khu vực tác chiến ở Thái Bình Dương.

Vì vậy, trước tiên, tôi không cho rằng Trump đang lên kế hoạch rút khỏi NATO, nhưng tôi tin rằng Trump đang cắt giảm nguồn lực đầu tư vào NATO và các cam kết của ông cũng ngày càng ít. Tôi cũng cho rằng Trump đã nói một số điều rồi sau đó lại thay đổi quan điểm. Bởi vì cứ mỗi bốn năm, chính sách đối ngoại của Mỹ lại thay đổi mạnh mẽ.

Nếu là một nhà lãnh đạo châu Âu, các ông hoàn toàn có lý do để tự hỏi: Nếu đất nước tôi bị tấn công, khi tôi viện dẫn Điều 5 của NATO thì liệu Mỹ có gửi quân đến bảo vệ tôi không? Chẳng hạn, nếu tôi là lãnh đạo của Estonia, liệu người Mỹ có đến bảo vệ đất nước tôi không? Tôi nghĩ câu trả lời cho câu hỏi này là, chúng ta không thể chắc chắn.

Suy cho cùng, những thỏa thuận an ninh tập thể như NATO không chỉ dựa trên năng lực quân sự của các quốc gia thành viên, mà còn dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Nói cách khác, như Trump đã nói, người châu Âu đã không còn lá bài nào trong tay nữa. Chơi poker không chỉ phụ thuộc vào việc ta có bài hay không, mà còn phụ thuộc vào cách ta sử dụng chúng. Nếu người Mỹ có ý định đối diện với châu Âu theo cách thức giao dịch và đơn phương chủ nghĩa, điều này sẽ làm suy yếu một cách nghiêm trọng sức mạnh và cấu trúc của NATO.

Cho dù các ông cho rằng NATO là một lực lượng mang lại sự ổn định tương đối, tôi nghĩ vậy; hay cho rằng NATO đã gây ra sự bất ổn và cuối cùng đã chọc giận người Nga, như quan điểm của Richard, thì chúng ta đều có thể đồng ý về những gì làm nên hiệu quả của NATO. Nhiều yếu tố từng giúp NATO hoạt động hiệu quả hiện đang bị Trump làm suy yếu.

Hoàng Tĩnh: Được rồi, chúng ta hãy quay lại vấn đề mở rộng về phía Đông của NATO. Một số học giả tin rằng việc NATO mở rộng về phía Đông là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng, chẳng hạn như bài viết của Charles Kupchan đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 4-5 vào khoảng năm 2023. Đây là một chủ đề gây tranh cãi, phải không? Quan điểm của Richard không hề đơn độc. Ngay cả ở Mỹ, một số nhà tư tưởng chiến lược rất có ảnh hưởng, như Anne-Marie Slaughter và Charles Kupchan, bao gồm cả cố Tiến sĩ Kissinger, đều cho rằng việc NATO mở rộng quá mức đã khiến cuộc chiến này bùng nổ.

Đó là một điểm. Nhưng quan điểm của tôi là, nếu Mỹ thực sự giảm cam kết với NATO và khiến mình trở nên không đáng tin cậy, điều này sẽ làm suy yếu vai trò của NATO như một trụ cột cho an ninh và hòa bình của châu Âu, đến mức không ai còn coi trọng NATO nữa. Như Ian vừa nói, nếu Estonia hoặc Lithuania bị tấn công, không những Mỹ sẽ không hành động mà ngay cả các cường quốc khác trong NATO như Đức và Pháp cũng có thể nói rằng: Này, các ông không còn lá bài nào trong tay nữa. Đây có thể chính là điều Putin muốn thấy.

Đối với Trung Quốc ở phía bên này Thái Bình Dương, họ không lấy gì làm vui khi thấy điều này xảy ra. Bởi vì mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang trên đà tan vỡ.

NATO chưa từng có ý định hỗ trợ Ukraine, đây là tình huống tồi tệ nhất

Richard Sakwa: Tôi muốn nêu ra ba điểm. Về mức chi tiêu quân sự đạt 5% GDP, thực ra tôi hy vọng có thể tăng thêm nữa. Hiện nay, châu Âu hoặc các quốc gia thành viên NATO đang xem xét việc coi 3% là mức tối thiểu và Washington tất nhiên đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy điều này. Rõ ràng, việc chia sẻ trách nhiệm quốc phòng đã là mối quan tâm từ lâu của Washington.

Nhưng đây chỉ là một cách để nhìn nhận vấn đề. Một cách khác là suy nghĩ về việc mối đe dọa thực sự mà châu Âu đang phải đối mặt là gì? Nếu chúng ta định làm điều này và quay trở lại mức chi tiêu quốc phòng như thời Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, thì lý do là gì? Bối cảnh chiến lược nào đã dẫn đến việc này?

So với việc tăng gấp đôi nỗ lực quân sự hóa (điều mà tôi cho rằng là một sai lầm về lâu dài), chúng ta đang phạm phải một sai lầm khác liên quan đến an ninh châu Âu. Như đề xuất vào những năm 1940 của George Kennan – một người phản đối việc NATO mở rộng về phía Đông – trước những mối đe dọa thực sự từ Liên Xô, ông chưa từng ủng hộ phản ứng quân sự hóa, mà thay vào đó chủ trương áp dụng các biện pháp ngoại giao nhiều hơn, và thực thi một chiến lược ngăn chặn phức tạp và tinh vi hơn.

Tôi hy vọng có thể trở lại với tầm nhìn đó. Vì vậy, tất nhiên chúng ta cần có sự đảm bảo an ninh và cần duy trì sự cân bằng chiến lược. Nhưng không thể không đề cập rằng, như Macron thường nói trước đây, liệu an ninh của châu Âu có nên được thiết lập dựa trên việc đối đầu với Nga hay không? Điều này sẽ dẫn đến một cuộc xung đột khác kéo dài cả một thế hệ và biến EU từ một cơ chế tập trung vào việc đảm bảo phúc lợi cho công dân thành một khối chú trọng vào chiến tranh. Chúng ta đã chứng kiến ​​việc EU đang bị “NATO hóa”, thậm chí ở mức độ rất đáng lo ngại. Đây mới chính là vấn đề lớn hơn.

Cuối cùng, về chủ đề quan trọng liên quan đến việc NATO mở rộng về phía Đông, chúng ta có thể chỉ trích NATO và e rằng những lời chỉ trích này là xứng đáng. Nhưng các ông biết đấy, quan điểm của tôi bắt nguồn từ William Burns vào giữa những năm 2000, thậm chí là Brzezinski vào năm 1997.

Brzezinski là người ủng hộ nhiệt thành cho sự mở rộng về phía Đông của NATO, nhưng ông luôn nói rằng việc NATO mở rộng về phía Đông phải được thúc đẩy trong khuôn khổ của một hiệp ước an ninh lớn hơn hoặc một mối quan hệ ổn định với Moscow.

Do đó, bản thân NATO và việc mở rộng về phía Đông của NATO không phải là một. Người ta có thể tìm thấy lý do cho tính chính đáng của NATO, nhưng vấn đề chính nằm ở cách NATO bành trướng về phía Đông và việc không thiết lập được một khuôn khổ an ninh rộng lớn hơn. Rõ ràng rằng, điều này đáng lẽ nên bao gồm việc giảm tính trung tâm của Washington trong NATO và thiết lập một mô hình mới có sự tham gia của Washington – một kiểu mô hình thực sự mang tính hậu Chiến tranh Lạnh mà chúng ta vẫn đang tìm kiếm.

Vì vậy tôi muốn nói rằng, với tư cách là một người châu Âu, tôi không muốn cả một thế hệ người châu Âu tiếp tục mắc kẹt trong tình trạng này, chúng ta đang phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách khổng lồ. Các ông biết đấy, tỷ lệ nợ công trên GDP của phần lớn các nước châu Âu đã vượt quá 100%, mức mà chúng ta không thể gánh vác nổi. Chúng ta đang nói đến một cuộc khủng hoảng nợ, một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài qua cả thế hệ và chúng ta đang rơi vào suy thoái.

Châu Âu đang bị gạt ra ngoài lề về mặt chiến lược, nhưng đó là sự tự gạt ra ngoài lề. Để đưa châu Âu trở lại vị thế như một bên tham gia chủ chốt, chúng ta cần quay trở lại với các nền tảng chuẩn mực của mình, thay vì hủy bỏ kết quả ở Romania, thay vì thao túng các cuộc bầu cử dân chủ, và thay vì trở thành một thực thể địa chính trị giả tạo.

Khi nói đến việc châu Âu nên trở thành gì, tôi luôn hy vọng EU sẽ trở thành một cơ chế thúc đẩy hòa bình, thay vì là một khối gây ra chiến tranh.

Ian Bremmer: Tôi đương nhiên đồng tình với nhiều quan điểm mà Richard đưa ra và tôi cho rằng ông ấy hoàn toàn đúng về điểm này, nếu NATO muốn mở rộng, thì điều đó phải được thực hiện trong bối cảnh thúc đẩy tốt hơn các chuẩn mực an ninh toàn cầu.

Nhưng điều đó đã không xảy ra và kết quả là tình huống tồi tệ nhất đã xuất hiện. Cần nhớ rằng, sau khi Liên Xô sụp đổ, NATO đã mở rộng, nhưng châu Âu lại trở nên phi quân sự hóa hơn. Tổng số quân đội của NATO, tổng chi tiêu quân sự và cái gọi là “mối đe dọa” mà người Nga cảm thấy ở biên giới nhìn chung đều giảm xuống. Khi đó, không phải người Mỹ nói rằng họ dự định mở rộng NATO và sẽ đổ nhiều tiền hơn vào NATO. Đó không phải là sự thật. Người châu Âu cũng không nói vậy. Vậy chúng ta hãy làm rõ vấn đề này.

Hơn nữa, việc mở rộng NATO cũng không đi ngược lại mong muốn của các quốc gia nộp đơn xin gia nhập. NATO là một liên minh phòng thủ, các quốc gia lựa chọn gia nhập thông qua một quá trình bỏ phiếu dân chủ và sau đó được chấp nhận. Đây là một quyết định dựa trên chủ quyền. Tôi tin rằng các quốc gia nên được phép tự đưa ra quyết định và tham gia bất kỳ câu lạc bộ nào họ muốn.

Thành thật mà nói, tôi nghĩ vấn đề hiện nay là khi ta đưa một quốc gia vào một câu lạc bộ nhưng lại không có ý định muốn họ trở thành thành viên thực thụ, giống như tình huống giữa Ukraine và NATO, phải không? Hoặc như giữa Nga và cơ chế “G7+1”, hay Thổ Nhĩ Kỳ với EU.

Đó là kiểu tình huống tạo ra rất nhiều bất mãn. Nó tạo ra cảm giác bị đối xử bất công và dẫn đến sự bất ổn lâu dài, điều này sẽ không thể bền vững.

Ý tôi là, người Nga chưa từng thực sự được chấp nhận vào G7, họ được mời tới các hội nghị thượng đỉnh G8, nhưng trong những phần quan trọng của hội nghị, người Nga không được tham gia và buộc phải ngồi ở phòng chờ bên ngoài. Vì vậy, điều này khiến họ cảm thấy còn tệ hơn so với việc không được mời. Hội đồng NATO-Nga cũng tương tự như vậy.

Ukraine ủng hộ NATO, nhưng chưa từng nhận được lời mời gia nhập. Họ chưa từng có một kế hoạch hành động để trở thành thành viên. Điều mà họ nhận được là ấn tượng rằng: Đúng vậy, NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn; thực tế là không, chúng tôi không hề có ý định như vậy.

Nói cách khác, Ukraine hoặc nên được phép gia nhập NATO hoặc phải bị loại trừ, và tôi không bận tâm đến kết quả nào trong hai điều này. Tôi cho rằng cả hai kết quả này đều đủ để ngăn chặn việc Nga sử dụng vũ lực. Nhưng thực tế lại nằm ở đâu đó giữa hai điều này, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Điều này cũng đúng với Thổ Nhĩ Kỳ và EU.

Chúng ta thấy tình huống trên khắp thế giới, nơi các nhà lãnh đạo chính trị đưa ra giải pháp tạm thời, vì họ không muốn đối mặt với quyết định khó khăn và do đó đã đẩy vấn đề cho tương lai. Khi các thế hệ tương lai phải giải quyết vấn đề này, trên tay họ chỉ còn toàn những lá bài xấu. Đó là tình huống mà chúng ta đã chứng kiến ​​vài thập kỷ qua trong thời kỳ được gọi là hậu Chiến tranh Lạnh.

So với Mỹ, tương lai của Châu Âu còn bất định hơn

Hoàng Tĩnh: Câu hỏi cuối cùng của tôi là, cách tiếp cận của Trump đã gây ra bao nhiêu tổn hại cho cầu nối xuyên Đại Tây Dương (hay liên minh xuyên Đại Tây Dương)? Có phải như ông đã nói, mọi chuyện đã đến điểm không thể vãn hồi? Hay về lâu dài, mối quan hệ thể chế sâu sắc, cũng như mức độ hội tụ cao về giá trị hoặc lợi ích an ninh giữa Mỹ và châu Âu, sẽ khiến họ đến cuối vẫn đi cùng nhau?

Suy cho cùng, Trump chỉ có thể làm tổng thống thêm bốn năm nữa và bốn năm là một khoảng thời gian rất ngắn. Vậy liệu mối quan hệ này có thể được sửa chữa không? Hay quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã đến hồi kết?

Richard Sakwa: Điều đó phụ thuộc vào cách ông định nghĩa ra sao về “cầu nối xuyên Đại Tây Dương”. Thành thật mà nói, đây không phải là thuật ngữ mà chúng tôi hay dùng. Chúng tôi thường nói về liên minh Mỹ-EU hoặc điều gì đó mang tính bản chất hơn. Tôi sẽ sử dụng thuật ngữ “phương Tây chính trị”, mối liên hệ này rất chặt chẽ và được thiết lập trong Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất.

Tất nhiên, nó đang suy yếu vì những nguyên do tự nhiên, khi thế giới ngày càng trở nên đa cực hơn. Trung Quốc, Ấn Độ và phương Nam toàn cầu đều là những bên tham gia quan trọng. Nói cách khác, kể từ năm 1945, toàn bộ hệ thống quốc tế đã trở nên trưởng thành. Do đó, thật kỳ lạ làm sao nếu chúng ta cứ kiên quyết duy trì một hệ thống được thiết lập vào những năm 1940 (NATO).

Bản thân Eisenhower từng nói rằng, nếu NATO vẫn tồn tại 10 năm sau khi thành lập thì chúng ta đã thất bại trong chính mục đích mà ta tạo ra nó. Và NATO đã tồn tại được hơn 70 năm. Nó vẫn là một thất bại thảm hại.

Điều này không đồng nghĩa với việc tôi muốn thấy sự chia rẽ hay rạn nứt giữa Mỹ và các nước châu Âu. Tất nhiên là không. Mượn thuật ngữ của ông, chúng ta cần một mô hình cầu nối mới, một mô hình hậu Chiến tranh Lạnh thực thụ. Trong đó, chúng ta có thể phát triển tầm nhìn mang tính thực chất hơn về trật tự an ninh xuyên lục địa. Đây sẽ là viễn cảnh hậu Đại Tây Dương, thay vì là viễn cảnh chống Mỹ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây không phải là tầm nhìn chống Mỹ, mà là tầm nhìn của thời đại hậu Mỹ, như Fareed Zakaria đã nói cách đây hơn một thập kỷ. Điều này sẽ vượt qua bá quyền của Mỹ.

Ian Bremmer: Tôi cho rằng, quan hệ Mỹ-EU hiện nay đã chịu một số tổn hại vĩnh viễn. Tôi đồng ý với những gì ông nói. Trump đã 78 tuổi, không ai biết liệu ông có thể hoàn thành nhiệm kỳ bốn năm hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi Trump rời nhiệm sở sau bốn năm nữa, mọi thứ vẫn sẽ thay đổi. Không chỉ mình Trump tin vào ý tưởng này. Các cố vấn của ông, phó tổng thống Vance và Musk (bất kể chức danh của ông là gì), tất cả đều thực sự tin rằng châu Âu “thụt lùi một chu kỳ bầu cử so với Mỹ”.

Nếu người Mỹ thúc đẩy vấn đề pháp quyền này, hay theo định nghĩa của Richard, đây là vấn đề về chống dân chủ, thì Đảng AfD có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đức; Đảng Cải cách có thể giành chiến thắng ở Anh, dẫn đến sự chia rẽ của Đảng Bảo thủ; và Đảng RN có thể giành chiến thắng ở Pháp. Những người tự xưng là ái quốc có thể giành chiến thắng ở cấp độ EU.

Đến lúc đó, chúng ta sẽ thấy sự nổi lên của một lực lượng chính trị ở châu Âu trung thành và đồng cảm với Trump về mặt ý thức hệ, như Milei ở Argentina hay Orban ở Hungary. Điều này sẽ khiến EU trở nên lỏng lẻo hơn. Tôi không dám chắc điều này nhất định sẽ xảy ra, nhưng tôi nghĩ là có khả năng.

Tất nhiên, Trump, Musk và Vance đang cố gắng thao túng xu thế của tình hình và hỗ trợ sự xuất hiện của tình huống như vậy đằng sau hậu trường. Nếu điều này trở thành hiện thực, chúng ta sẽ không còn nói về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương như trước đây nữa, mà sẽ nói về mối quan hệ song phương giữa Mỹ và các nước châu Âu. Bởi vì một trong những thách thức lớn ở đây là, như Richard đã đề cập trước đó, châu Âu hiện nay không có một mô hình độc đáo thực sự.

Người Mỹ quả thực đã đạt được tiến bộ, không chỉ về mặt quân sự, sức mạnh và vũ khí, mà sức mạnh kinh tế của họ cũng đang phát triển tương ứng. Mỹ cũng ngày càng chiếm ưu thế về công nghệ so với các đồng minh của mình. Trung Quốc cũng vậy, phải không? Theo một nghĩa nào đó, hiện có hai quốc gia trên thế giới thực sự mang vị thế cường quốc, và châu Âu không phải là một trong hai quốc gia đó.

Nếu người Mỹ quyết tâm làm suy yếu năng lực của EU, đồng thời ép buộc hoặc thúc giục họ chi nhiều hơn cho quốc phòng, ông biết điều gì sẽ xảy ra không? Ông có thể sẽ muốn mua cổ phiếu quốc phòng của Đức ngay bây giờ vì ông biết họ sẽ đầu tư mạnh vào đó. Nhưng trong năm năm tới, châu Âu sẽ phải đối mặt với những áp lực chưa từng có kể từ năm 1991.

Đó là câu hỏi cần phải trả lời trước khi chúng ta có thể thảo luận đầy đủ về việc cầu nối xuyên Đại Tây Dương sẽ ra sao. So với việc Mỹ sẽ đi về đâu, việc châu Âu sẽ đi về đâu mới là câu hỏi không ai biết rõ.

Châu Âu đang trở nên giống “Liên Xô mới”, hiện trạng đã không còn bền vững

Hoàng Tĩnh: Giờ chúng ta hãy nói về châu Âu. Mọi người sẽ nói rằng, những việc Trump đã làm là lời cảnh tỉnh đối với châu Âu: “Người châu Âu, hãy thức tỉnh!” Nhưng thật không may, lời cảnh tỉnh này đã đến quá đột ngột.

Người châu Âu định sẽ làm gì? Chúng ta vẫn còn nhớ câu nói của Blinken: “Ông hoặc là ngồi ở bàn ăn, hoặc là nằm trong thực đơn.” Chính quyền Trump không chỉ đưa Ukraine vào thực đơn, mà còn đưa cả châu Âu vào thực đơn. Với các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, theo ông, châu Âu có thể giữ vững lập trường ban đầu của mình đến mức nào?

Chúng ta đã thấy các nhà lãnh đạo châu Âu tụ họp lại, đầu tiên là Macron chủ trì cuộc họp, và sau đó là các hội nghị thượng đỉnh ở London và Brussels, họ cố gắng xây dựng một câu chuyện thống nhất và giữ vững lập trường của mình. Nhưng xét đến những hiểu biết của chúng ta về châu Âu, nơi đang phân mảnh về chính trị và gặp khó khăn về kinh tế, liệu nó có thể thực sự trụ vững trong cái gọi là “cuộc chiến Ukraine” này không?

Ian Bremmer: Chúng ta không biết liệu châu Âu có thể thực sự giữ vững lập trường của mình hay không. Đây là quan điểm của tôi. Chúng ta không thể không kinh ngạc trước những gì người châu Âu đã làm trong vài tuần qua. Ý tôi là, khi nói đến ngân sách quốc phòng, người Đức về cơ bản muỗn loại bỏ các điều khoản về mức trần nợ trước đây. Hãy nhớ rằng, mặc dù nền kinh tế Đức đã suy thoái trong vài năm qua, nhưng tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này vẫn tiếp tục giảm, do đó họ có nhiều không gian tài chính để tăng chi tiêu quân sự. Nhưng người Đức không có khả năng và cũng không muốn sử dụng điều này.

Hiện giờ, họ thực sự đang bắt đầu mở rộng ngân sách quân sự. Tại sao? Bởi vì nước Đức cảm thấy hoảng loạn. Người Pháp hiện cho biết họ sẽ nâng chi tiêu quốc phòng lên 3,5% GDP; EU cũng đã có động thái mạnh mẽ nhằm nâng trần nợ. Họ đang thảo luận về khả năng tịch thu hàng trăm tỷ USD tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng, nếu lệnh ngừng bắn đột nhiên đổ bể. Một tháng trước, không một ai ở châu Âu bàn về vấn đề này.

Chắc chắn rằng, khi cuộc đua này gần đi đến hồi kết, người châu Âu bắt đầu hiểu được tính cấp bách của tình hình mà họ đang phải đối mặt. Nhưng dù vậy, liệu điều này có đủ để thay đổi mô hình châu Âu hay không, trước sức ép từ Nga và Mỹ? Cho dù về chính sách kinh tế chung, chính sách quốc phòng hay chính sách khoa học và công nghệ, liệu EU trong hai hay ba năm tới có mạnh hơn so với hiện tại không?

Điều tôi lo ngại là, hiện nay về cơ bản có một vài mô hình phát triển kinh tế chính. Chẳng hạn như mô hình trong đó nhà nước chi phối các hoạt động kinh tế và khu vực tư nhân, với đại diện là Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến sự phát triển đáng kinh ngạc về năng lực công nghệ trong vài thập kỷ qua. Ngoài ra, còn có một mô hình trong đó khu vực tư nhân chi phối chính phủ, các nhóm lợi ích đặc biệt và đại tư bản chi phối chính phủ, với đại diện là Mỹ. Mô hình này cũng đã mang lại nhiều tiến bộ và đổi mới công nghệ trong vài thập kỷ qua.

Tiếp đó là mô hình châu Âu, mô hình này cố gắng đảm bảo rằng chính phủ hoạt động như một cơ quan giám sát độc lập hỗ trợ khế ước xã hội và người dân bình thường. Nó không giống với Trung Quốc, nơi mọi hoạt động kinh tế đều do nhà nước chi phối, cũng không giống với Mỹ, nơi mọi thứ đều do đại tư bản kiểm soát. Nhưng thật không may, mô hình châu Âu không dẫn đến sự tăng trưởng và thịnh vượng về công nghệ, và đó mới là vấn đề thực sự.

Vậy, liệu châu Âu có thể hình thành một mô hình hiệu quả nằm giữa hai mô hình trước không? Vì Mỹ sẽ chỉ nghiêng về phía để cho các tập đoàn đại tư bản chi phối chính phủ, giống như chế độ đạo tặc (Kleptocracy). Dựa trên mô hình như vậy, châu Âu sẽ ra sao trong năm năm tới? Mặc dù mô hình châu Âu thực sự đối xử với công dân của mình theo cách nhân đạo và tôn trọng phẩm giá hơn, cũng như duy trì pháp quyền theo cách mà Trung Quốc và Mỹ không làm được, nhưng tôi lo ngại rằng mô hình châu Âu về cơ bản không có tính bền vững.

Richard Sakwa: Tôi nghĩ ông đã phân tích nan đề đó rất tốt và tôi đồng ý với mọi điều ông nói. Còn một vài điểm nữa. Đầu tiên, để hỗ trợ thêm cho những gì ông vừa nói, tôi muốn tham khảo báo cáo vào cuối năm ngoái của Mario Draghi về khả năng cạnh tranh của châu Âu. Đây là một báo cáo rất toàn diện, nó đề cập đến các vấn đề chúng ta vừa nêu, đặc biệt là khả năng cạnh tranh toàn cầu và tình trạng thiếu đổi mới của châu Âu.

Mario Draghi đã dẫn ra thực tế rằng trong vài thập kỷ qua, Mỹ đã tạo ra các công ty có giá trị lên tới 6000 tỷ USD, trong khi châu Âu thì không có công ty nào. Ngoài ra, chi phí năng lượng ở châu Âu cao hơn ở Mỹ từ hai đến ba lần và gấp nhiều lần so với ở Trung Quốc. Vì vậy, việc cắt đứt nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga đã làm trầm trọng thêm tình trạng phi công nghiệp hóa của Đức.

Việc tiếp tục đặt cược vào những thất bại trong quá khứ có phải là hành động khôn ngoan không? Tôi từng là người ủng hộ mạnh mẽ cho EU và sự nhất thể hóa châu Âu, nhưng gần đây đã xuất hiện một lượng lớn những người được gọi là dân túy cánh hữu, hay dùng một thuật ngữ trung lập, là sự nổi lên của một phong trào theo chủ nghĩa chủ quyền. Một trong những đặc điểm của phong trào này là việc cánh hữu giành được nhiều phiếu bầu trong các cuộc bầu cử. Chẳng hạn, Calin Georgescu đã giành được nhiều phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Romania vào cuối năm ngoái, tuy nhiên ông vừa bị cấm tham gia tranh cử.

Nói cách khác, điều tôi quan tâm là phản ứng trước những thách thức này. Tôi muốn có một cuộc tranh luận rộng rãi và công khai hơn về phản ứng mà người châu Âu, cũng như Anh và EU, nên có để ứng phó.

Việc chỉ đơn thuần chuyển sang quân sự hóa và củng cố tư duy Chiến tranh Lạnh sẽ chỉ mang lại một loạt các phản ứng tiêu cực. Như chúng ta đã thấy trong cuộc bầu cử ở Romania, khi các ứng cử viên lên nắm quyền thông qua các quy trình dân chủ nhưng bị pháp luật cấm tham gia tranh cử, điều này sẽ làm suy yếu chất lượng nền dân chủ của chúng ta, cũng như phá hủy chất lượng của các cuộc tranh luận công khai.

Mặt khác, chúng ta không nên quên rằng có gần 150 triệu người Nga cũng là người châu Âu. Một cuộc thăm dò được thực hiện cách đây vài ngày cho thấy 70% người Nga mong muốn hòa bình và muốn sống một cuộc sống bình thường. Tất nhiên, sự đồng cảm với mong muốn hòa bình của người dân Nga không thể thay thế cho sự đồng cảm với bản chất của cuộc xung đột. Hai điều này khác nhau về bản chất và chúng ta cần làm rõ logic nào đã gây ra xung đột.

Vậy hãy cùng tháo gỡ logic đó và vượt qua nó, chẳng hạn như thiết lập một khuôn khổ kinh tế xuyên châu Âu nào đó, đây chính là biện pháp an ninh mà tôi đã đề cập trước đó, qua đó giúp châu Âu gia tăng năng lực cạnh tranh. Ngược lại, khi bị chia cắt theo Bức màn sắt mới và các chiến tuyến mới, EU sẽ trở nên yếu kém, sẽ tiếp tục bị gạt ra ngoài lề và sẽ phải chịu thất bại to lớn do quân sự hóa và nợ nần gia tăng – một thất bại mà họ tự áp đặt lên mình.

Tỷ lệ nợ công trên GDP của Đức chỉ là 62,4%, do đó nước này có không gian để chi tiêu. Tuy nhiên, thay vì thực hiện quân sự hóa bằng cách gia tăng nợ, Đức nên chi tiền vào những việc cần thiết, chẳng hạn như hiện đại hóa mạng lưới đường sắt. Có lẽ các ông đã từng được nghe đến việc 1/3 số chuyến tàu ở Đức luôn bị trễ.

Ian Bremmer: Ở điểm này, Đức quả là một cú sốc.

Hoàng Tĩnh: Cá nhân tôi cũng từng trải nghiệm điều này vì tôi đến Đức hai hay ba lần mỗi năm. Hệ thống tàu hỏa của Đức quả là thảm họa. Vào năm ngoái, tôi đã mất 12 giờ để từ Berlin đến Bonn, thật đáng sợ.

Tôi hiểu ý ông, ông muốn thiết lập quan hệ bình thường với Nga, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông có thể thay đổi chính mình, thay đổi Putin hay Trump, đến cuối cùng ông sẽ chỉ đánh mất bản sắc của chính mình.

Có vẻ như tất cả chúng ta đều hiểu rằng, châu Âu đang phải đối mặt với mối đe dọa từ Nga hoặc sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Châu Âu rất mạnh và đã lên được bàn đàm phán, và điều này là nhờ vào sự đoàn kết của châu Âu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu châu Âu bị chia rẽ?

Và trong phạm vi nào, xét đến sự phân mảnh, trì trệ kinh tế và tất cả những vấn đề này, liệu châu Âu có thể đạt được sự độc lập chiến lược thực sự mà các nhà lãnh đạo châu Âu đang nói đến không? Trong tình hình hiện tại, làm thế nào để thực sự đạt được cái gọi là sự độc lập chiến lược này theo cách thức đúng đắn, dù là một cách đơn lẻ hay tập thể?

Ian Bremmer: Châu Âu thiếu năng lực đầu tư mang tính chiến lược vào công nghệ mới. Bất kỳ ai quan tâm đến châu Âu đều nên đọc bản báo cáo của Draghi mà Richard vừa đề cập. Bởi vì đây là bản thiết kế chỉ cho người châu Âu cách thức để thực sự đạt được độc lập về kinh tế và thịnh vượng trong thập kỷ tới.

Độc lập không đồng nghĩa với không có đồng minh, độc lập tức là có năng lực và một số quyền tự quyết đối với tương lai của chính mình, của tập thể mình và của công dân mình, điều mà họ hiện không có.

Dù là Meloni hữu khuynh, Starmer tả khuynh, hay Macron và Merz ở giữa, tất cả đều đồng ý rằng báo cáo của Draghi chính là điều mà châu Âu cần.

Nhưng liệu người châu Âu có thể cùng nhau thực hiện báo cáo này hay không? Đặc biệt là khi xét đến bối cảnh của cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự bất định của Trump và mọi áp lực phát sinh từ cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, tôi lo ngại rằng họ sẽ không thể thực hiện được nhiều điều ấn tượng trong ngắn hạn.

Cuối cùng, họ sẽ thất bại. Bởi khi nhìn quanh thế giới, tôi thấy hai loại công nghệ thực sự mang tính cách mạng sẽ làm thay đổi mọi ngành công nghiệp ở mọi quốc gia.

Về trí tuệ nhân tạo, Mỹ dẫn đầu, theo sát là Trung Quốc; về năng lượng hậu carbon, Trung Quốc dẫn đầu và bỏ xa các quốc gia khác, trong khi châu Âu chưa đạt được thành tựu nào trong cả hai lĩnh vực này. Họ chưa thực sự đầu tư vào bất kỳ cái nào, vì vậy họ sẽ không trở thành người sáng tạo ra nền kinh tế toàn cầu mới, mà chỉ có thể là người tiếp nhận.

Hoàng Tĩnh: Nhưng ngay cả với một quốc gia giàu có như Đức, tôi cũng không nghĩ họ có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện những gì ông vừa nói. Châu Âu phải đoàn kết lại.

Richard Sakwa: Đúng là Đức có một vài lợi thế trong các lĩnh vực như ngành dược phẩm. Nhưng điều tồi tệ là họ đã đi theo con đường tài chính hóa ngành dịch vụ, tương tự như những nơi khác ở châu Âu.

Nhưng theo một nghĩa nào đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cho thấy rằng thứ mà chúng ta gọi là nền kinh tế thực, tức ngành sản xuất, thực sự rất quan trọng. Khi tôi nói đến ngành sản xuất, tôi muốn đề cập đến sự đổi mới và những điều mới mẻ thú vị theo một nghĩa rộng lớn hơn.

Báo cáo Draghi là một chỉ dẫn cho chúng ta thấy những thách thức và các giải pháp khả thi. Với diễn biến chóng mặt của các sự kiện kể từ khi chính quyền Trump lên nắm quyền trong vài tuần qua, tôi lo ngại rằng sự hoảng loạn mà người châu Âu đang trải qua lúc này có thể sẽ đưa họ đến ngõ cụt.

Trong nội bộ châu Âu có ý kiến cho rằng châu Âu đang trở nên giống “Liên Xô mới”, họ mắc kẹt trong thế lưỡng nan của việc bành trướng cứng nhắc và không thể thoát khỏi mô hình nhà nước phúc lợi không bền vững. Mặc dù tôi không đồng ý với điều này, nhưng một trong những nguy cơ có thể xảy ra là châu Âu có thể sẽ trở nên quân sự hóa, như đã xảy ra ở Liên Xô cũ, thay vì trực tiếp đối mặt với những cải cách xã hội mang tính bản chất thực sự cần thiết. Về bản chất, lựa chọn này vẫn là một phần của mô hình dân chủ xã hội cũ và vẫn có thể dẫn đến bước đường cùng theo cách này hay cách khác.

Ngoài ra, chúng ta cần một mô hình chính trị mới, hoặc một mô hình chính trị xã hội mới. Mô hình này cần phải bền vững và có thể thực sự kết hợp đổi mới với các động lực thị trường. Còn nếu chúng ta tiếp tục đặt cược vào mô hình đã thất bại trong quá khứ và chuyển nguồn lực sang quân sự hóa, thì việc hiện đại hóa sẽ trở nên ngày càng khó khăn.